Nhà văn Phùng Phương Quý: "Không nên coi viết cho thiếu nhi là cuộc dạo chơi"

09/07/2025 19:25 GMT+7 | Văn hoá

Nhiều năm sau bài thơ Mèo con đi học của Phan Thị Vàng Anh trong sách giáo khoa, nay lại có thêm Mèo con của Phùng Phương Quý trong Tiếng Việt 2, tập 2, bộ Cánh diều. Chú mèo con tinh nghịch, dễ thương "rình bắt" cái đuôi của mình đã đi vào trang sách trẻ thơ, được nhiều trẻ em từ tuổi mầm non đến tiểu học thuộc lòng.

Điều thú vị, tác giả của Mèo con không phải là nhà thơ, mà là nhà văn. Anh đã khẳng định mình qua nhiều giải thưởng và có nhiều tiểu thuyết được độc giả mến yêu.

* Ở bài thơ "Mèo con" của nhà văn Phùng Phương Quý, chú mèo như một người bạn nhỏ tinh nghịch, dễ thương. Hoàn cảnh ra đời của bài thơ này thế nào?

- Năm 2003, tôi tham gia cuộc vận động sáng tác cho lứa tuổi mầm non do Vụ Giáo dục và Hội Nhà văn Việt Nam phát động. Trong một buổi trưa, tình cờ tôi nhìn thấy chú mèo nhỏ trong nhà đang đùa nghịch với cái đuôi của mình và bài thơ Mèo con ra đời.

Tổng kết cuộc thi, Mèo con được giải Ba, rồi lặng lẽ xuất hiện trên tập sách Thơ và kể chuyện của lứa tuổi mầm non (NXB Giáo dục) và sách Tiếng Việt 2, tập 2, bộ Cánh diều.

Nhà văn Phùng Phương Quý: "Không nên coi viết cho thiếu nhi là cuộc dạo chơi" - Ảnh 1.

Nhà văn Phùng Phương Quý

* Việc "kết bạn" với động vật, đặc biệt là vật nuôi không chỉ trong đời sống và còn cả trong trang sách, trang thơ, có ý nghĩa gì với trẻ thơ?

- Những vật nuôi trong mỗi gia đình như mèo, chó luôn gắn bó với tuổi thơ nhiều thế hệ. Chúng là những người bạn thủy chung mà trẻ thơ có thể chia sẻ vui buồn. Nên khi các cháu học bài Mèo con, chúng bất ngờ phát hiện ra hình ảnh quen thuộc của những bạn thú cưng và học thuộc một cách dễ dàng.

Một lần đến thăm gia đình người quen ở Hà Nội, chủ nhà giới thiệu với cậu con trai đang học tiểu học, rằng đây là tác giả bài thơ Mèo con vừa học. Cậu bé ngạc nhiên hỏi: "Viết mèo con, sao bác già thế?". Rồi cậu vui vẻ đọc một lèo bài thơ, làm tôi hết sức cảm động. Như vậy, có nghĩa là bài thơ vẻn vẹn 50 chữ của tôi, hàng ngày đang được đọc vang trên những cặp môi trẻ thơ đáng yêu.

Niềm vui và tự hào còn lan tỏa sang các cháu nội, cháu ngoại của tôi, khi chúng khoe vớ bạn bè: "Mèo con do ông mình viết đấy!".

Là một tác giả thơ không chuyên, nhưng tôi vui và hạnh phúc vì bài thơ nho nhỏ của mình tồn tại cùng đời sống xã hội, ít ra cũng vài chục năm.

Nhà văn Phùng Phương Quý: "Không nên coi viết cho thiếu nhi là cuộc dạo chơi" - Ảnh 2.

Bài thơ “Mèo con” trong “Tiếng Việt 2”, tập 2, bộ Cánh diều

* Với văn học thiếu nhi, anh xem đây là cuộc dạo chơi hoặc có ý nghĩa nào khác?

- Trong việc sáng tác cho thiếu nhi, lực lượng văn nghệ sĩ tham gia còn quá mỏng. Yêu cầu của xã hội với đề tài này ngày càng cao và cấp thiết. Văn nghệ sĩ không nên coi viết cho thiếu nhi là một cuộc dạo chơi, tùy hứng, mà cần coi đó là trách nhiệm cao cả, hướng các cháu tới những điều chân - thiện - mỹ, viết để góp phần làm trong sạch môi trường xã hội.

Từ hơn 20 năm qua, tôi đã có suy nghĩ như vậy và cố gắng tiếp cận với văn học thiếu nhi. Tuy vậy, viết cho thiếu nhi không dễ, nếu tác giả không hiểu được tâm lý, nguyện vọng của trẻ thơ thì khó thành công.

Tôi đã cố gắng tìm hiểu đời sống của lớp trẻ và sáng tác theo mục tiêu hướng các cháu theo những điều thiện, biết yêu cỏ cây, hoa lá hoặc động vật nhỏ bé ngay trên quê hương mình.

Nhà văn Phùng Phương Quý: "Không nên coi viết cho thiếu nhi là cuộc dạo chơi" - Ảnh 3.

Một số tác phẩm của Phùng Phương Quý

Những truyện ngắn như Con ngựa bạch nhà họ Lý, Con cò lẻ loi, những bài thơ như Mèo con, Rừng cháy… đã làm được điều đó. Đời sống, hoàn cảnh của các cháu thiếu nhi cũng được khai thác từ góc nhìn nhân văn, như chuyện bị lạm dụng sức lao động quá sớm trong các truyện ngắn Vào đời, Hoàng tử và Lọ Lem..., hay tình bạn trẻ thơ trong sáng trong các truyện ngắn Cậu bé đi chân đất, Đôi bạn, Vụ án chiếc thắt lưng... Cuộc sống còn khó khăn thiếu thốn của trẻ em vùng cao, miền núi cũng cần được khai thác sâu, để các em thiếu nhi miền xuôi có thể hiểu được, để thông cảm yêu thương các bạn đồng trang lứa. Nội dung này được tôi thể hiện sâu sắc trong tập truyện ngắn Thủ lĩnh bản Nun, dành cho thiếu nhi.

"Với tôi, viết cho thiếu nhi là niềm đam mê và lòng yêu thương với trẻ thơ. Dù sáng tác nhiều thể loại văn học, nhưng viết cho thiếu nhi luôn được tôi ưu tiên hàng đầu, với tình yêu và trách nhiệm cao nhất" - PHÙNG PHƯƠNG QUÝ.

Với tôi, viết cho thiếu nhi là niềm đam mê và lòng yêu thương với trẻ thơ. Dù sáng tác nhiều thể loại văn học, nhưng viết cho thiếu nhi luôn được tôi ưu tiên hàng đầu, với tình yêu và trách nhiệm cao nhất.

* Một trong những điểm nhấn của đời văn Phùng Phương Quý là viết cho người lính. Những năm trong quân ngũ hẳn tạo nhiều cảm hứng sáng tác với anh?

- Đúng vậy. Những năm trong quân ngũ, nhất là thời gian ở chiến trường Trị Thiên - Huế đã cho tôi nhiều trải nghiệm về đời sống người lính tham gia chiến đấu chống Mỹ. Cuộc sống cao đẹp của người lính, những hy sinh gian khổ và cả những yếu hèn của một số kẻ đã được tôi khắc họa khá rõ nét trong các tác phẩm viết về chiến tranh.

Các tiểu thuyết Cơm Bắc giặc Nam, Góc làng, Dòng đời và chiến trận, Làng cháy… và các tập truyện ngắn Cuối trời lửa đạn, Lao xao chuyện đời… chính là những tư liệu thực qua thời gian quân ngũ, những vốn sống và sự tìm tòi của người lính, đã giúp tác phẩm văn học của tôi thành công về nội dung và giá trị nghệ thuật. Được bạn đọc ủng hộ và khen ngợi.

Nhà văn Phùng Phương Quý: "Không nên coi viết cho thiếu nhi là cuộc dạo chơi" - Ảnh 5.

* Gắn bó với nhiều miền đất từ Phú Thọ, Tây Ninh, Hậu Giang, Bình Định (cũ)... tới biên ải. Việc sinh sống và trải nghiệm nhiều vùng đất khác nhau có ý nghĩa như thế nào với anh?

- Tôi là người hay dịch chuyển, nói như các cụ xưa là hay "lang bạt kỳ hồ". Mỗi vùng đất mới lại cho tôi nhiều trải nghiệm, tư liệu để viết. Những tác phẩm mang đậm tính vùng miền đã đem lại cho tôi nhiều thành tích như tiểu thuyết Cơm Bắc giặc Nam (giải A về văn học nghệ thuật tỉnh Phú Thọ), truyện ngắn Đêm cù lao (giải Nhất năm 2005 tại TP.HCM), tập bút ký Khc khoải tiếng rừng xưa (giải Nhì giải VHNT Xuân Hồng, Tây Ninh), tiểu thuyết Dòng đời và chiến trận (giải B cuộc Vận động sáng tác, quảng bá VHNT và báo chí chủ đề học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức 2020)…

Nhà văn Phùng Phương Quý: "Không nên coi viết cho thiếu nhi là cuộc dạo chơi" - Ảnh 6.

* Cầm bút nhiều năm, có hàng chục tác phẩm, xuất hiện khá đều đặn trên các trang báo văn chương, nhưng vì sao tới 2024 anh mới là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam?

- Năm 2007, khi mới có một tập truyện ngắn và một tiểu thuyết được in, tôi cũng tấp tểnh làm hồ sơ xin vào Hội Nhà văn Việt Nam, nhưng chờ mãi không được. Tôi quên dần và không quan tâm đến việc đó nữa. Đến cuối năm 2024, vào một ngày đẹp trời, có thông báo tôi được kết nạp. Tôi vừa mừng vừa tủi.

Việc kết nạp tạo thêm chút động lực để viết tiếp tiểu thuyết Những người đàn bà đi qua đời lính, đã đăng ký với Nhà xuất bản Quân đội nhân dân.

Quan điểm của tôi, cái quan trọng nhất của tác giả là tác phẩm, nên phải cố gắng mà viết cho tốt. Với tôi, văn chương vừa là cái nghiệp, vừa là niềm đam mê, vì vậy mà nghiệp văn có lẽ đeo đẳng tôi đến hết cuộc đời.

* Cảm ơn anh đã chia sẻ!

Vài nét về nhà văn Phùng Phương Quý

Sinh năm 1953 tại xã Phú Lộc, huyện Phù Ninh (cũ), tỉnh Phú Thọ. Hiện đang sống và làm việc tại Gia Lai. Là hội viên: Hội Nhà văn Việt Nam, Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam, Hội VHNT tỉnh Phú Thọ, Hội VHNT Tây Ninh (cũ)…

Tác phẩm đã xuất bản: Mưa trên lá cọ (tập thơ), Mùa trăng suông (tập truyện ngắn), Cánh rừng còn sót lại (tiểu thuyết), Thủ lĩnh bản Nun (truyện dài thiếu nhi), Khắc khoải tiếng rừng xưa (tập ký), Lao xao chuyện đời (tập truyện ngắn), Ma rừng (tiểu thuyết), Góc làng (tiểu thuyết), Cơm Bắc giặc Nam (tiểu thuyết), Dòng đời và chiến trận (tiểu thuyết), Trôi theo phận nước (tiểu thuyết), Cuối trời lửa đạn (tập truyện ngắn), Làng cháy (tiểu thuyết)…

Một số giải thưởng: Giải C tiểu thuyết Cánh rừng còn sót lại (Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam năm 2007), Giải B 5 năm VHNT tỉnh Phú Thọ năm 2010 cho tiểu thuyết Cánh rừng còn sót lại, Giải C 5 năm VHNT tỉnh Phú Thọ 2015 tập Lao xao chuyện đời, Giải B giải thưởng Xuân Hồng 5 năm tỉnh Tây Ninh năm 2016 cho tập ký Khắc khoải tiếng rừng xưa, Giải A văn học hàng năm của tỉnh Phú Thọ cho 2 tiểu thuyết Góc làng năm 2017 và Cơm Bắc giặc Nam năm 2018, Giải B tiểu thuyết Dòng đời và chiến trận của Ban Tuyên giáo Trung Ương năm 2020...

Khôi Nguyên Thảo (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link