Nắng nóng cực đoan bao trùm toàn cầu

09/07/2025 16:19 GMT+7 | Tin tức 24h

Từ cuối tháng 6 đến đầu tháng 7/2025, thời tiết nắng nóng và oi bức đã “tấn công” nhiều quốc gia trên toàn cầu. 

Số liệu cho thấy khoảng 790 triệu người tại châu Âu, châu Á và châu Phi phải gồng mình dưới cái nóng thiêu đốt, mở đầu mùa hè với một thực tại không thể chối cãi: biến đổi khí hậu đang gia tốc và trở nên tàn khốc hơn bao giờ hết.

Hy Lạp ngày 8/7 đã ra lệnh đóng cửa một phần quần thể Acropolis, di tích hàng đầu của đất nước, nhằm bảo vệ an toàn của du khách giữa điều kiện thời tiết nắng nóng. Theo đó, di tích này sẽ đóng cửa trong khoảng thời gian cao điểm nắng nóng từ 13h-17h hằng ngày. Đợt nắng nóng kéo dài này là đợt nắng nóng thứ hai tấn công Hy Lạp kể từ cuối tháng 6 với mức nhiệt cao nhất là 38 độ C.       

Nắng nóng cực đoan bao trùm toàn cầu - Ảnh 1.

Lính cứu hỏa dập đám cháy rừng trên đảo Crete, Hy Lạp ngày 3/7/2025. Ảnh: THX/TTXVN

Cơ quan khí tượng MeteoSwiss của Thụy Sĩ thông báo tháng 6 vừa qua là một trong những tháng nóng nhất lịch sử nước này, với nhiệt độ trung bình ban ngày ở mức từ 32-35 độ C tại nhiều khu vực. Để ứng phó với đợt nắng nóng, các dịch vụ chăm sóc tại nhà đã và đang nỗ lực giúp đỡ những người dễ bị tổn thương nhất, đặc biệt là người già và người độc thân.

Bộ y tế Italy ngày 4/7 đưa ra cảnh báo đỏ đối với 21 thành phố khi nhiệt độ của đợt nắng nóng hiện nay lên đến đỉnh điểm là 40-41°C, báo hiệu tình trạng nắng nóng kỷ lục gây nguy hại tới sức khỏe, ngay cả đối với những người khỏe mạnh. Mức nhiệt này cao hơn nhiều so với mức 30 độ C bình thường theo mùa. Các nhà khí tượng học cho biết Italy sẽ phải đối mặt với nhiều đợt nắng nóng hơn do biến đổi khí hậu. Sóng nhiệt ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng, sự an toàn của người lao động và cơ sở hạ tầng tại Italy, làm gia tăng đáng kể các ca nhiễm bệnh và tử vong liên quan đến thời tiết nóng bức, đặc biệt ở những nhóm dân số dễ bị tổn thương như người già, trẻ em và những người có bệnh nền. Cháy rừng do nhiệt độ thiêu đốt đã bùng phát xung quanh thủ đô Rome.

Nắng nóng cực đoan bao trùm toàn cầu - Ảnh 2.

Một người đàn ông làm mát tại đài phun nước ở Siena, Italy. Ảnh: THX/TTXVN

Tại Bồ Đào Nha, nhà chức trách ban hành cảnh báo đỏ ở 7/18 tỉnh. Thị trấn Mora, gần Lisbon, chạm mốc 46,6 độ C – mức cao nhất từng ghi nhận trong tháng 6. Tây Ban Nha chứng kiến nền nhiệt tại El Granado lên tới 46 độ C, có thể lập kỷ lục quốc gia. Cơ quan khí tượng AEMET cho biết gần 2/3 thị trấn nước này đang nằm trong diện cảnh báo sức khỏe, với hơn 800 địa phương ở mức nguy hiểm nhất.

Tại Pháp, 16 tỉnh đã được đưa vào tình trạng báo động đỏ – mức cảnh báo cao nhất, trong khi 68 tỉnh ở mức cam. Hơn 1.900 trường học phải đóng cửa hoàn toàn hoặc một phần. Tháp Eiffel thậm chí tạm dừng đón khách do lo ngại kết cấu kim loại bị ảnh hưởng nhiệt độ cao.

Tại Anh, tháng 6 năm nay được ghi nhận là nóng nhất kể từ năm 1884. Chính phủ phải kích hoạt cảnh báo hổ phách – mức cao thứ hai trong thang cảnh báo 3 cấp độ. Đức cũng phát cảnh báo nhiệt cho nhiều khu vực như Düsseldorf và Stuttgart. Bỉ thì chứng kiến sự gián đoạn giao thông lớn khi 20 tuyến tàu bị hủy do lo ngại đường ray giãn nở.

Nắng nóng còn khiến hàng nghìn ha rừng bị cháy ở Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp, khiến hàng chục nghìn người phải sơ tán.

Nắng nóng cực đoan bao trùm toàn cầu - Ảnh 3.

Tại Thổ Nhĩ Kỳ, tính đến ngày 3/7, cháy rừng đã bước sang ngày thứ 7 ở nhiều khu vực. Nhà chức trách đã phát hiện trường hợp thứ hai thiệt mạng do cháy rừng tại tỉnh Izmir. Lính cứu hỏa vẫn đang nỗ lực dập lửa với sự hỗ trợ của trực thăng và máy bay thả nước xuống địa hình đồi núi ở Izmir (ảnh). Các đám cháy mới cũng bùng phát tại tỉnh Antalya và các khu vực có rừng gần Istanbul. Khoảng 50.000 người đã tạm thời được sơ tán. Ảnh: THX/TTXVN

Bang California (Mỹ) cũng phải đối mặt với tình trạng cháy rừng nghiêm trọng trong vài ngày qua do điều kiện thời tiết khô nóng gia tăng. Theo giới chuyên môn, mùa đông và mùa xuân vừa qua tại khu vực miền Nam California đã trải qua tình trạng khô hạn bất thường, với thảm thực vật bị khô héo sớm. Nhiệt độ mùa hè này được dự báo sẽ còn khắc nghiệt hơn và thời gian thảm thực vật khô kéo dài sẽ khiến điều kiện cháy nổ nguy hiểm hơn trong thời gian tới.

Tại châu Á, mặc dù chỉ mới vào đầu hè, nhưng nhiệt độ ở Nhật Bản đã tăng cao. Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA) thông báo cả nước đã ghi nhận mức nhiệt từ 30 độ C trở lên vào lúc 9h sáng 8/7, thời tiết đặc biệt oi bức khi nhiệt độ lên tới 35-36 độ C từ 12h trưa. Giới chức Nhật Bản cùng ngày đã ban hành cảnh báo nguy cơ say nắng đối với người dân tại 28 địa điểm trên khắp cả nước, đồng thời kêu gọi người dân thực hiện các biện pháp phòng ngừa thích hợp để đảm bảo sức khỏe. Theo dự đoán của JMA, nhiệt độ cực cao sẽ kéo dài cho đến khoảng ngày 10/7.

Nắng nóng cực đoan bao trùm toàn cầu - Ảnh 4.

Người dân di chuyển trên đường phố dưới trời nắng nóng tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: THX/TTXVN

Cơ quan Khí tượng Trung Quốc ngày 4/7 đã phát đi cảnh báo khẩn cấp về tình trạng nắng nóng diện rộng và mưa bão tại nhiều khu vực trên cả nước. Theo đó, nhiều vùng rộng lớn dọc theo sông Dương Tử có thể chứng kiến mức nhiệt lên tới 37-39 độ C, đặc biệt một số khu vực có khả năng vượt ngưỡng 40 độ C. Đợt nắng nóng lần này đến sớm bất thường so với các năm trước. Trước diễn biến thời tiết khắc nghiệt, nhà chức trách tại nhiều địa phương đã ban hành cảnh báo nắng nóng, khuyến cáo người lao động thực hiện các biện pháp phòng ngừa để hạn chế nguy cơ say nắng, đặc biệt khi nhiệt độ cao đi kèm với độ ẩm lớn.

Giữa bối cảnh nắng nóng đến sớm hơn bình thường trong năm 2025, số bệnh nhân mắc các bệnh liên quan đến nắng nóng ở Hàn Quốc đã tăng tới hơn 80% so với cùng kỳ năm 2024. Chính phủ Hàn Quốc chỉ thị cho các bộ, ngành và chính quyền địa phương xem xét lại toàn diện các biện pháp bảo vệ các nhóm đối tượng dễ bị ảnh hưởng bởi đợt nắng nóng và yêu cầu triển khai đồng bộ các biện pháp tăng cường hỗ trợ thiết thực như vận hành nơi trú ẩn chống nóng, cung cấp điều hòa không khí và đảm bảo khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế. 

Nắng nóng cực đoan bao trùm toàn cầu - Ảnh 5.

Các em nhỏ chơi đùa bên đài phun nước để tránh nóng tại Daegu, Hàn Quốc. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Trong khi đó, nắng nóng cực đoan và hạn hán kéo dài cũng đang tấn công Bắc Phi, đẩy khu vực này trở thành một trong những điểm nóng khí hậu toàn cầu. Nhiệt độ mùa hè tại Maroc và Tunisia thường xuyên vượt 45°C, gây áp lực nặng nề đối với hệ thống điện và nguồn nước. Trong khi đó, Algeria ghi nhận nhiều đợt cháy rừng nghiêm trọng, còn Ai Cập đang đương đầu với hiện tượng nắng nóng đô thị, đặc biệt là ở thủ đô Cairo. Cơ quan Khí tượng quốc gia Maroc (DGM) cho biết năm 2024 là năm nóng nhất từng được ghi nhận tại Maroc, với lượng mưa trung bình giảm 24,7%. Nắng nóng kỷ lục đã được ghi nhận tại nhiều thành phố trong tháng 6, và mùa hè năm 2025 được dự báo sẽ còn gay gắt hơn. Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) hồi tháng 5/2025 đã cảnh báo rằng: “Thời tiết cực đoan và biến đổi khí hậu đang tác động tới mọi mặt của phát triển kinh tế - xã hội ở châu Phi, đồng thời làm trầm trọng thêm nạn đói, mất an ninh và làn sóng di cư”.

Theo nhận định của các nhà khoa học, những đợt nắng nóng sẽ xảy ra thường xuyên hơn do biến đổi khí hậu do con người gây ra. Tháng 6/2025 vừa qua đã trở thành một cột mốc đáng báo động trong cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu, khi hàng loạt quốc gia tại ba châu lục trên thế giới ghi nhận những mức nhiệt cao nhất từng được thống kê. Dữ liệu từ chương trình giám sát khí hậu Copernicus của châu Âu cho thấy có tới 12 quốc gia trải qua tháng 6 nóng chưa từng thấy, trong khi 26 quốc gia khác cũng trải qua tháng 6 nóng bất thường, đứng thứ hai trong lịch sử khí tượng của họ. Với tốc độ và mức độ gia tăng nhiệt độ như hiện nay, thế giới đang đối mặt không chỉ với cái nóng mà còn với hệ lụy kinh tế, y tế, giáo dục và môi sinh nghiêm trọng, đặc biệt ở những quốc gia nghèo nơi hệ thống ứng phó thiên tai còn quá mong manh.

Minh Trà/ TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link