Thế giới oằn mình trong nắng nóng kỷ lục tháng 6

08/07/2025 11:26 GMT+7 | Đời sống

Tháng 6 vừa qua đã trở thành một cột mốc đáng báo động trong cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu, khi hàng loạt quốc gia tại ba châu lục trên thế giới ghi nhận những mức nhiệt cao nhất từng được thống kê.

Dữ liệu từ chương trình giám sát khí hậu Copernicus của châu Âu cho thấy có tới 12 quốc gia trải qua tháng 6 nóng chưa từng thấy, trong khi 26 quốc gia khác cũng trải qua tháng 6 nóng bất thường, đứng thứ hai trong lịch sử khí tượng của họ. Tổng cộng, khoảng 790 triệu người tại châu Âu, châu Á và châu Phi phải gồng mình dưới cái nóng thiêu đốt, mở đầu mùa Hè với một thực tại không thể chối cãi: biến đổi khí hậu đang gia tốc và trở nên tàn khốc hơn bao giờ hết.

Thế giới oằn mình trong nắng nóng kỷ lục tháng 6 - Ảnh 1.

Người dân tắm mát dưới tiết trời nắng nóng tại Rome, Italy. Ảnh: THX/TTXVN

Một đợt nắng nóng dữ dội đã quét qua Tây và Nam Âu vào cuối tháng 6. Khu vực Paris (Pháp) cùng một số vùng tại Bỉ và Hà Lan - vốn không quen với nền nhiệt cao - đã phải hứng chịu cái nóng ngột ngạt. Ở khoảng 15 quốc gia, bao gồm Thụy Sĩ, Italy và toàn bộ khu vực Balkan, nhiệt độ trung bình tháng 6 cao hơn 3 độ C so với mức chuẩn giai đoạn 1981–2010. Tây Ban Nha, Bosnia và Montenegro ghi nhận tháng 6 nóng nhất trong lịch sử. Trong khi đó, Pháp, Anh và nhiều nước khác cũng ghi nhận tháng 6 nóng thứ hai trong lịch sử – một dấu hiệu cho thấy nóng bức không còn là ngoại lệ mà đang trở thành trạng thái bình thường mới của mùa Hè châu Âu.

Thế giới oằn mình trong nắng nóng kỷ lục tháng 6 - Ảnh 2.

Một người đàn ông làm mát tại đài phun nước ở Siena, Italy. Ảnh: THX/TTXVN

Tại Romania, Cơ quan Khí tượng Quốc gia (ANM) đã kéo dài các cảnh báo mã Đỏ, Cam và Vàng cho đến sáng 9/7, khi nền nhiệt cực đoan tiếp tục bao trùm đất nước. Riêng thủ đô Bucharest và 14 hạt phía Nam của nước này đang phải hứng chịu mức nhiệt 38 – 41 độ C vào ban ngày và 21 – 23 độ C vào ban đêm. Chỉ số nhiệt - độ ẩm đã vượt ngưỡng nguy hiểm 80 đơn vị, gây khó chịu nghiêm trọng cho cơ thể. Ngày 6/7 vừa qua, Cơ quan Quản lý Hạ tầng Đường bộ Romania đã áp dụng lệnh cấm lưu thông tạm thời đối với các phương tiện nặng trên 7,5 tấn tại các khu vực cảnh báo Đỏ, do nguy cơ nóng chảy mặt đường và mất an toàn. Lệnh này không áp dụng cho xe cứu hộ, vận chuyển hành khách, thực phẩm và nhiên liệu. Dự kiến từ ngày 9/7, nhiệt độ sẽ dịu bớt tại Romania.

Thế giới oằn mình trong nắng nóng kỷ lục tháng 6 - Ảnh 3.

Phun hơi nước làm mát trong ngày nắng nóng tại Krakow, Ba Lan. Ảnh: PAP/TTXVN

Tại châu Á, Nhật Bản ghi nhận tháng 6 nóng nhất kể từ năm 1898, với mức nhiệt cao kỷ lục tại 14 thành phố trong đợt nắng nóng đầu mùa. Nhiệt độ mặt biển ven bờ cũng tăng thêm 1,2 độ C, ngang bằng kỷ lục của tháng 6/2024 – mức cao nhất từng được ghi nhận từ năm 1982. Hậu quả là mùa Hè 2024 tại Nhật Bản nóng ngang kỷ lục năm 2023, tiếp theo là mùa Thu ấm áp chưa từng có trong 126 năm qua. Thậm chí, hoa anh đào – biểu tượng của "đất nước Mặt Trời mọc" – giờ đây thường nở sớm hoặc không thể nở vì mùa Đông và Thu không đủ lạnh cho việc kích hoạt quá trình trổ hoa.

Thế giới oằn mình trong nắng nóng kỷ lục tháng 6 - Ảnh 4.

Một người đàn ông làm mát tại thiết bị phun nước ở Bucharest, Romania. Ảnh: THX/TTXVN

Hàn Quốc và Triều Tiên cũng chứng kiến tháng 6 nóng nhất trong lịch sử, với nền nhiệt cao hơn mức trung bình 2 độ C. Tại Trung Quốc, 102 trạm khí tượng báo cáo nhiệt độ cao nhất từng ghi nhận trong tháng 6 với một số khu vực vượt ngưỡng 40 độ C.

Ở quốc gia Nam Á Pakistan với 250 triệu dân cũng như Tajikistan 10 triệu dân, tháng 6 đánh dấu mức nhiệt cao kỷ lục, nối tiếp mùa Xuân (từ tháng 4 đến tháng 6) nóng chưa từng có. Nhiều quốc gia Trung Á như Iran, Afghanistan, Uzbekistan hay Kyrgyzstan cũng không thoát khỏi đợt nóng kéo dài, biến mùa Xuân thành mùa Hè đến sớm và khốc liệt.

Thế giới oằn mình trong nắng nóng kỷ lục tháng 6 - Ảnh 5.

Người dân tắm mát trong ngày nắng nóng tại Karachi, Pakistan. Ảnh: THX/TTXVN

Tại châu Phi, Nigeria - quốc gia đông dân thứ 6 thế giới với 230 triệu người – cũng vừa chứng kiến mức nhiệt trong tháng 6 san bằng kỷ lục nắng nóng ghi nhận trong năm ngoái. Các quốc gia Trung và Đông Phi như Cộng hòa Trung Phi, Nam Sudan, Cameroon, Cộng hòa Dân chủ Congo và Ethiopia có tháng 6 nóng thứ hai trong lịch sử, chỉ sau năm ngoái. Đặc biệt, ở Nam Sudan, nhiệt độ vượt ngưỡng trung bình tới 2,1 độ C, một con số đáng báo động ở khu vực khí hậu vốn ổn định. Trước đó, quốc gia nghèo khó này – vốn đã vật lộn với bất ổn và thiên tai – từng trải qua đợt nóng khủng khiếp hồi tháng 3 vừa qua, khiến hàng loạt học sinh ở thủ đô Juba bị ngất xỉu, buộc chính phủ phải đóng cửa trường học và yêu cầu người dân ở trong nhà.

Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) hồi tháng 5 đã cảnh báo rằng: "Thời tiết cực đoan và biến đổi khí hậu đang tác động tới mọi mặt của phát triển kinh tế - xã hội ở châu Phi, đồng thời làm trầm trọng thêm nạn đói, mất an ninh và làn sóng di cư".

Thế giới oằn mình trong nắng nóng kỷ lục tháng 6 - Ảnh 6.

Người dân tắm mát trong ngày nắng nóng tại Lahore, Pakistan. Ảnh: THX/TTXVN

Có thể thấy, tháng 6 năm nay đã xé toang mọi kỷ lục về sức nóng tại khắp các châu lục. Với tốc độ và mức độ gia tăng nhiệt độ như hiện nay, điều từng được xem là "dị thường" đang trở thành "bình thường mới". Thế giới đang đối mặt không chỉ với cái nóng mà còn với hệ lụy kinh tế, y tế, giáo dục và môi sinh nghiêm trọng, đặc biệt ở những quốc gia nghèo nơi hệ thống ứng phó thiên tai còn quá mong manh.

Thanh Phương/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link