Chữ và nghĩa: Chin miềng đi thè thẹ

27/07/2025 21:21 GMT+7 | Văn hoá

Không riêng gì tiếng Việt, bất kỳ ngôn ngữ nào cũng có phương ngữ. Chính điều này góp phần làm phong phú, đa dạng cho lời ăn tiếng nói của đất nước đó. Tiếng Việt mình, tôi nghĩ, có từ địa phương đa diện, đa sắc, thậm chí có thể cùng vùng miền nhưng chưa chắc người ta đã hiểu vốn từ đó.

Xem chuyên đề Chữ và nghĩa TẠI ĐÂY

Ta hãy đọc một khổ thơ trong bài Tra rồi, đi bắt rế in trong tập Eng về Quảng Trị đi em (NXB Hội Nhà văn) của nhà thơ Ngọc Hồ:

"Cỏ đẫm sương chin miềng đi thè thẹ

Tiếng reng reng loang đưới bại côi bờ

Tim bịch bịch răng tôi hồi hộp dữ

Té ra đương rình bắt lại tuổi thơ"

Với từ "tra", ngay lập ta nhớ đến câu tục ngữ như "Tra chân vào cùm"; hoặc các cách nói như tra ngô, tra đậu; tra muối vào canh; lại có ca dao Nam bộ: "Chèo ghe đi bán cá tra/ Nài bán mỗi nhà, chỉ có mấy con"; hò Huế: "Em hỏi anh chữ chi là chữ chôn xuống đất/ Chữ chi là chữ cất trên tra?"; hát dặm Nghệ Tĩnh: "Thịt ếch ăn với bù khô/ Ăn tra đời trót kiếp"… Vậy, từ nghĩa của các câu này, ta có thể áp dụng để hiểu từ "tra/ tra rồi"?

Chữ và nghĩa: Chin miềng đi thè thẹ - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ: Internet

Câu này còn có từ khó hiểu là "rế/ bắt dế", vì rằng, khi nói đến cái rế, tôi dám chắc không người miền Trung nào lại không nhớ hồi nhỏ một khi trong làng có đám cưới, mình đã từng theo bạn bè hò reo ầm ĩ: "Cô dâu chú rể đội rế lên đầu". Cái rế là cái gì? Thay vì giải thích lòng vòng, ta hãy vận dụng tục ngữ: "Ăn trôi nồi thủng rế", "Hỏng nồi vơ rế", "Rế rách đỡ nóng tay", "Chổi cùn rế rách"…

Có thể hiều rế là là đồ đan bằng tre, mây, vành tròn trèn trẹt, có công dụng là khi hạ nồi, niêu, trách, trã trên bếp mình đặt vào đó. Một khi đã hiểu từ "rế", ta thấy câu "rế/ bắt rế" là vô nghĩa, bởi với cái rế không ai dùng từ này, phải là lấy/ đưa/ cầm, chứ?

Ta lại không hiểu câu này: "Cỏ đẫm sương chin miềng đi thè thẹ". Dẫu có tra từ điển phổ thông từng từ ắt cũng không tìm ra nghĩa của từ "chin miềng"; rồi khi nói về động tác đi, ắt ai cũng nhớ đến các từ như đi dạo, đi 2 hàng, đi rảo, đi sè sẹ… Vậy "đi thè thẹ" là đi làm sao?

Câu thơ thứ 2 cũng "đánh đố" người đọc: "Tiếng reng reng loang đưới bại côi bờ". Về tiếng reng reng, ta hiểu đại khái là âm thanh như tiếng chuông rung liên tục thành hồi dài và nhanh; nhưng với từ "đưới/ đưới bại" thì… ta bó tay toàn tập. Trong tiếng Việt toàn dân, bản thân từ "đưới" có nghĩa gì không? Đã thế, lại còn "đưới bại" thì thú thật tôi không hiểu.

Kế tiếp, câu 3: "Tim bịch bịch răng tôi hồi hộp dữ". Về từ bịch, ta hiểu là thứ bồ to dùng đựng thóc, là tiếng kêu nặng như ngã cái bịch. Nhưng khi nói "bịch bịch" là hiểu theo nghĩa tiếng vỗ bao bị đựng đầy; là tiếng vỗ bụng khi ăn no như ta gặp trong "Hàn nho phong vị phú" của Nguyễn Công Trứ: "Ngày ba bữa, vỗ bụng rau bịch bịch, người quân tử ăn chẳng cầu no/ Đêm năm canh, an giấc ngáy kho kho, đời thái bình cửa thường bỏ ngỏ".

Câu thơ thứ 4 thì dễ hiểu rồi, không cần bàn thêm, nhưng 3 câu vừa nêu đúng là khó xơi. Sở dĩ như thế, vì tác giả dùng thổ âm, thổ ngữ Quảng Trị, thật thú vị. Vậy nên, tôi "phiên dịch" cho dễ hiểu là bài thơ này có nhan đề "Già rồi, đi bắt dế": "Cỏ đẫm sương chân mình đi nhè nhẹ/ Tiếng ri ri loang dưới bãi trên bờ/ Tim bình bịch sao tôi hồi hộp quá/ Té ra đang rình bắt lại tuổi thơ".

Lê Minh Quốc

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link