Chữ và nghĩa: Thú vị thay tiếng Việt

16/07/2025 20:00 GMT+7 | Văn hoá

Bài thơ "Thú vị thay tiếng Việt" của nhà thơ Bùi Đức Tú (Hội Nhà văn TP.HCM) được nhiều người ồ lên thích thú, chỉ vì anh đã liệt kê ra nhiều cặp từ để rồi hỏi: Tại sao lại không có tên gọi của cặp từ trái nghĩa? Thí dụ: "Có con ốc trai/ Tìm chẳng ra ốc gái".

Khi nói trai và gái, ta biết là từ dùng để chỉ về giới tính: "Trai mà chi, gái mà chi/ Sinh con có nghĩa có nghì thì hơn", lại nhớ đến câu quen thuộc trong tuyên truyền sinh đẻ có kế hoạch: "Dù gái hay trai chỉ hai là đủ"… Khi nói "Có con ốc trai" thì trai lại là loài ốc có vỏ cứng, sống ở biển, như có câu cửa miệng: "Mò trai bắt ốc". Ta thấy ốc trai trong bài thơ này không phải ốc… con trai (!), vì thế không có ốc (con) gái là phải rồi.

"Có con sông cái

Nhưng sông đực nằm đâu?"

Ở đây, tác giả cố tình lập lờ về cái và đực là từ chỉ về loài cái, loài đực như tục ngữ có câu "Lang lảng như chó cái trốn con", "Khàn khàn như vịt đực". Nhưng ta biết, cái còn nghĩa là mẹ: "Con dại cái mang", là chỉ vật to lớn hơn cùng loại, vì thế, mới có sông con nhẳm chỉ con sông nhỏ hơn sông cái.

Chữ và nghĩa: Thú vị thay tiếng Việt - Ảnh 1.

Tranh minh hoạ: Internet

"Có lắm bãi dâu

Sao không trồng bãi rể?"

"Bãi: Mé biển, bậc lài lài ở dựa sông dựa biển" - theo "Đại Nam quấc âm tự vị" (1895), có thể ở đó có lau, sậy, hoặc người ta trồng dâu, ca dao Quảng Nam có câu: "Con tằm Đại Lộc xe tơ/ Bãi dâu Đại Lộc lờ mờ bên sông". Dâu là loại cây trồng dùng lá nuôi tằm, vì thế mới có câu tục ngữ hiểu qua nghĩa bóng: "Trăm dâu đổ đầu tằm". Ở đây, tác giả dùng theo nghĩa của từ đồng âm, nhằm chỉ dâu là vợ của con mình; từ đó, bắt mạch với rể là cùng từ loại như "Dâu là con, rể là khách", "Ăn trầu không rễ như rể nằm nhà ngoài"… Cách chơi chữ này, khiến ta bật cười vui vẻ...

"Rau má mát thế

Lại không thấy rau ba?"

Rau má là tên một loại rau lá, lá tròn, giã nát chắt lấy nước làm vị thuốc mát, thậm chí "Không có cá lấy rau má làm trọng". Thế nhưng má lại đồng âm với từ nhằm chỉ người sinh ra mình, là me, mẹ, mệ, mạ, u, bu, bầm… Do đó, tác giả mới "bắc cầu" qua rau ba. Mà, trên đời này dù có xét từ này hoặc theo từ cùng nghĩa như cha, tía…, hỡi ôi, có đốt đuốc đi tìm sáng đêm cũng không thể gặp/ thấy.

 "Họp hành luận bàn

Cớ sao không luận ghế?"

Luận bàn/ bàn luận là vài người ngồi lại củng bàn bạc, trao đổi, thảo luận giải quyết vấn đề gì đó một cách công khai, dẫu không ngồi chung, nhưng người ngoài vẫn biết có cuộc luận bàn đó, tất nhiên là không rõ nội dung một cách chi tiết. "Nhị độ mai" có câu thơ: "Cùng nhau bàn mảnh trong nhà" - bàn mảnh là bàn riêng với nhau, kín đáo không cho ai biết, thế nhưng lại lắm kẻ có thói xấu tò mò, rình/ rình mò theo dõi nên mới dẫn đến câu: "Xuân Hương mách lẻo trình bà phu nhân". Khi nói "Bàn ra bàn vào", "Tính quẩn bàn quanh" là cuộc bàn bạc đó vẫn còn quanh quẩn, lẩn quẩn, chưa thông suốt, chưa tìm ra cách giải quyết dứt điểm.

Với từ bàn/ luận bàn, tác giả thòng thêm từ ghế/ luận ghế là tách từ bàn ra để trở thành cái bàn. Trong Nam ngày trước có từ "ăn bản", ta hiểu là trong hàng quán, ăn cỗ thì chủ quán/ chủ nhà dọn tất tất tật các món ăn lên bàn, dọn một lần một, chứ không phải thực khách ăn hết món này mới đem ra món khác.

Nói chung ở bài thơ này, nhà thơ Bùi Đức Tú đã vận từ đồng âm để đưa ra những cặp từ trái nghĩa như: "Nhà chạy đâu vậy/ Mà nhà nghỉ tùm lum?/ Cờ tướng cãi um/ Cờ lính sao chẳng thấy?/ Cờ quan đâu vậy/ Cờ vua lại ngập tràn?"…

Kể ra cũng là một sự liên tưởng ngộ ngĩnh khi bàn về tiếng Việt.

Lê Minh Quốc

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link