Chào tuần mới: Khi bảo vật quốc gia bị xâm hại

26/05/2025 07:09 GMT+7 | Văn hoá

Diễn ra cuối tuần, vụ xâm hại chiếc Ngai vua triều Nguyễn tại Huế đang gây bức xúc lớn trong cộng đồng - khi đây là bảo vật quốc gia được công nhận từ 2015.

Vắn tắt, trưa 24/5, một đối tượng có dấu hiệu loạn thần xuất hiện tại điện Thái Hòa (nơi trưng bày bảo vật), vượt qua hàng rào bảo vệ và làm gãy phần tựa phía trước tay ngai bên trái trước khi bị các lực lượng chức năng khống chế.

Hiện tại, chiếc ngai đã được đưa về kho lưu trữ và dự kiến sẽ được lên phương án đánh giá, tu sửa theo các quy định của pháp luật về di sản văn hoá.

Có thể thấy, đây là một trong những sự kiện ít gặp trong đời sống di sản Việt Nam, khi một hiện vật có giá trị không bị đánh cắp mà lại bị phá hoại bởi sự cố ý của con người - dù tạm được cho là ở trạng thái loạn thần. Không chỉ gây bất ngờ và bức xúc, nó còn đặt ra những câu hỏi mới về trách nhiệm và cách thức bảo vệ các bảo vật quốc gia.

Chào tuần mới: Khi bảo vật quốc gia bị xâm hại - Ảnh 1.

Ngai vàng - bảo vật quốc gia trong điện Thái Hòa. Ảnh: Ngọc Văn/Báo Tiền Phong

Như thông tin từ Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, đây là một sự việc hi hữu - khi trong thời gian qua, đơn vị này đã triển khai nhiều biện pháp bảo vệ như lắp đặt hệ thống camera, phân công trực bảo vệ theo ca, bố trí lực lượng cơ động kiểm tra định kỳ các điểm trưng bày… Nhưng rõ ràng, sự việc lần này cho thấy: Dù hệ thống bảo vệ hiện tại được vận hành, vẫn có thể xuất hiện những tình huống nằm ngoài dự liệu.

Nói cách khác, dù chưa vội quy kết về sự chủ quan, nhưng đây cũng là lời cảnh báo nghiêm túc: Với các bảo vật được trưng bày công khai, điều cần thiết không chỉ là giám sát thường xuyên mà còn là khả năng lường trước những kịch bản bất ngờ - kể cả những trường hợp tưởng như khó xảy ra.

***

Nhìn lại, trong nhiều hội thảo về bảo tàng, các chuyên gia từng nhấn mạnh: Trong xu thế phát triển, những hiện vật có giá trị đặc biệt không thể chỉ được bảo vệ theo cách thụ động - tức là chỉ dựa vào tủ kính, dây chắn, biển cảnh báo, camera giám sát. Xa hơn, quy trình bảo vệ phải được tổ chức như một hệ sinh thái an toàn, bao gồm khả năng nhận diện sớm nguy cơ, kiểm soát hành vi tại chỗ, phản ứng nhanh khi có tình huống phát sinh - và tất nhiên, giáo dục ý thức giữ gìn nghiêm cẩn cho khách tham quan.

Có thể, những tiêu chuẩn cao đang được áp dụng tại nhiều bảo tàng lớn trên thế giới - như kính chống đạn, cảm biến thông minh, mạng lưới nhân viên được đào tạo bài bản để hòa cùng du khách và can thiệp ngay khi có biểu hiện bất thường - chưa dễ áp dụng rộng trong những điều kiện còn hạn chế tại Việt Nam. Nhưng, điều ấy không có nghĩa là chúng ta không thể học hỏi. Những mô hình này cần được nghiên cứu nghiêm túc để điều chỉnh và áp dụng từng phần, từng bước, tùy thuộc vào điều kiện đặc thù và ngân sách.

Và xa hơn, cũng cần tính đến việc xây dựng các "cơ chế mềm" - nhằm khuyến khích doanh nghiệp trong lĩnh vực an ninh, công nghệ tham gia hỗ trợ bảo vệ cổ vật. Việc này có thể được thúc đẩy thông qua các hình thức xã hội hoá linh hoạt, cũng như những hình thức "hoán đổi quyền lợi" hợp lý để doanh nghiệp được hưởng lợi ích tương xứng, với mục tiêu cuối cùng là nâng cao mức độ an toàn cho hiện vật quý, thay vì chỉ phụ thuộc vào ngân sách nhà nước.

Bởi, một hiện vật đã được định danh là bảo vật quốc gia, nghĩa là nó mang trong mình một phần ký ức dân tộc, và phải được ứng xử với những chế độ đặc biệt - không chỉ bằng kỹ thuật bảo quản, mà cả bằng sự đầu tư nghiêm túc về nhân lực, công nghệ và ý thức cộng đồng.

Sẽ không ai mong muốn một sự cố tương tự lặp lại. Nhưng đôi khi, chính từ những câu chuyện hi hữu như thế này, một nhận thức mới được khơi mở: Giá trị đặc trưng của một bảo vật không chỉ nằm ở niên đại hay lớp ký ức lịch sử mang theo, mà còn nằm ở niềm tin của chúng ta rằng nó luôn được gìn giữ trong trạng thái an toàn nhất có thể.

Trí Uẩn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link