Hướng tới Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn 2025: Những ký ức tuổi thơ trở thành vĩnh viễn

26/05/2025 07:12 GMT+7 | Văn hoá

Có thể khẳng định tác phẩm Khu tập thể đường tàu - Top 10 chung khảo Giải thưởng Dế Mèn năm 2025 - là một khoảng trời văn chương khác của Đặng Ngọc Hưng. Bởi ông từng tạo ấn tượng riêng với độc giả qua các tiểu thuyết lịch sử như Bạch Đằng dậy sóng và Hùng binh

Tác phẩm Khu tập thể đường tàu đưa bạn đọc về Hà Nội thời bao cấp, trong một cộng đồng dân cư hợp thành từ hàng vạn cán bộ, công nhân viên, cùng gia đình ở khắp nơi tới đây, tham gia xây dựng cầu Thăng Long.

Ở nơi chốn thời gian dừng lại

Bối cảnh lịch sử cụ thể là năm 1974, chỉ còn ít lâu nữa, đất nước sẽ thống nhất. Bấy giờ, cầu Thăng Long là công trình bắc qua sông lớn nhất Đông Nam Á. Như một duyên số, những con người xa lạ gặp nhau. Những đứa trẻ lớn lên giữa khu tập thể "không có nét gì giống với các khu dân cư truyền thống", nhưng đầy ắp tình thân, tình người.

Với những mẩu chuyện thoạt trông thì bé nhỏ, đời thường, nhưng lại có thể bám riết theo mỗi đứa trẻ ở đó suốt một đời. Để rồi nửa thế kỷ trôi qua, đứa trẻ sống trong khu tập thể đường tàu năm xưa lớn lên, trở thành văn sĩ, bồi hồi dựng lại tòa công trình thơ ấu ấy trên trang văn. 

Hướng tới Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn 2025: Những ký ức tuổi thơ trở thành vĩnh viễn - Ảnh 1.

Nhà văn Đặng Ngọc Hưng

"Ngày tôi bắt đầu có một chút năng lực về tư duy - tức là khi những sợi nơ-ron thần kinh bé tí xíu, nằm sâu tít tịt bên trong chiếc đầu non nớt của tôi bắt đầu biết rung rinh, động đậy để giúp tôi lờ mờ biết suy nghĩ, biết ghi nhớ và biết cảm nhận về thế giới vạn vật xung quanh - thì ấn tượng đầu tiên về cái nơi tôi đang sinh sống là một khu tập thể thấp tầng, nằm trải dài và trơ trọi ở giữa những cánh đồng lúa rộng bát ngát của mấy hợp tác xã nông nghiệp lân cận" - Đặng Ngọc Hưng mở đầu Khu tập thể đường tàu như vậy.

Nó như một lời khẳng định, rằng khu tập thể không chỉ là nơi ăn chốn ở, mà trở thành một quê hương nhỏ giữa lòng quê hương lớn. Là ký ức đầu đời mà như tác giả viết ở trên, và có khi còn là cái không gian ký ức đầu tiên. 

"Khi kết thúc Khu tập thể đường tàu, tạm gọi là phần 1, lũ trẻ trong truyện mới học vỡ lòng. Tôi dự định sẽ viết tiếp những câu chuyện của khu tập thể cầu Thăng Long cùng với sự lớn lên của chúng. Hành trình ký ức ấy chưa dừng lại" - Đặng Ngọc Hưng.

Con chim non mổ vỏ chào đời, nó coi thứ đầu tiên mình thấy trên thế giới là mẹ. Đối với những "chim non" ở khu tập thể đường tàu, nơi chốn ấy cũng chính là người mẹ đã tạo cho những đứa trẻ những cảm quan ban sơ về thế giới. Đã dưỡng dục tâm hồn chúng trở thành những con người thiện lương. Đã là một phần, một mảnh ký ức sẽ theo chúng suốt cuộc đời. 

Đôi khi một nơi chốn choáng ngợp chúng ta đến mức, thật khó miêu tả về nó. Bởi cần độ lùi thời gian tựa hồ những bước lùi ra xa để có thể ngắm nghía trọn vẹn tòa công trình ký ức đó. Với Đặng Ngọc Hưng, rất lâu sau này, khi đã viết và xuất bản không ít tác phẩm, ông mới trở lại cái vương quốc tuổi thơ, để viết về nó. Để sống lại lần nữa những tháng năm cơ cực mà đáng trân trọng. Để có cơ hội nâng niu những tình cảm, ôm từng gương mặt thân thuộc ngày xưa. Để lần nữa chơi đùa trong sân chơi hằng ngày "là đường tàu, bãi chứa dầm, bãi chứa cát, đá…" và những món đồ là "những chiếc xe goòng, những toa tàu và cả những thanh tà vẹt…".

Đặng Ngọc Hưng sinh năm 1972, hiện sống và làm việc ở Hà Nội.

Các tác phẩm đã xuất bản: Bạch Đằng dậy sóng (tiểu thuyết lịch sử, NXB Văn học, 2011), Hùng binh (tiểu thuyết lịch sử, NXB Trẻ, 2018), Thổn thức gió đồng (tuyển tập truyện ngắn, in chung, NXB Hội Nhà văn, 2021)…

Tiểu thuyết Hùng binh được giải B Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 2 (2019), giải Tư tại Cuộc thi tiểu thuyết lần thứ 5 của Hội Nhà văn Việt Nam (2016 - 2020).

"Truyện thiếu nhi" dành cho người lớn

Huy động hồi ức tuổi thơ vào trang viết không phải là chuyện mới. Tôi nhớ trường học trên toa tàu trong Totto-chan bên cửa sổ của nhà văn Kuroyanagi Tetsuko. Gần gũi hơn là Cô bé nhìn mưa của nhà giáo Đặng Thị Hạnh. Cũng cần nhắc đến một hiện tượng xuất bản là Quân khu Nam Đồng của nhà văn Bình Ca, lấy bối cảnh một khu gia binh ở Hà Nội cách nay hơn nửa thế kỷ. Và giờ đây là Khu tập thể đường tàu. 

Nhiều năm qua, ta có thể thấy một vệt văn chương hoài niệm theo lối chứng nhân, gắn liền với một không gian và thời gian cụ thể, khơi gợi về một thời đáng nhớ. Từ văn chương sách vở, đến sân khấu, nhiếp ảnh, rồi những quán cà phê trang trí theo kiểu "thương nhớ thời bao cấp". Rồi rộng hơn, sang tới phim ảnh, vừa qua, khán giả chứng kiến "cơn sốt" Khi cuộc đời cho bạn quả quýt, như một thành công nối dài của loạt phim Reply của Hàn Quốc trước đó. Đỉnh điểm là Reply 1988, dù chiếu từ năm 2015, mà đến nay vẫn có khán giả xem lại. 

Hướng tới Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn 2025: Những ký ức tuổi thơ trở thành vĩnh viễn - Ảnh 4.

Tập truyện “Khu tập thể đường tàu”

Tác phẩm Khu tập thể đường tàu được giới thiệu là một truyện thiếu nhi dành cho người lớn. Tuy hệ thống nhân vật trung tâm là năm cậu bé sinh năm Nhâm Tý (1972), sống chung khu tập thể, nhưng những gì họ kinh qua, thậm chí cảm xúc của họ có thể đánh thức ký ức và cảm xúc cả tập thể. Những cảnh tem phiếu thời bao cấp, không gian sinh hoạt, lao động trong đó, dù có góc nhìn chân phương của cá nhân, nhưng đã chạm vào mẫu số chung. 

Có thể với độc giả trưởng thành, cái "khu dân cư nửa quê nửa tỉnh, nửa thành phố nửa nông thôn" đó chính là một mảnh thiên đường tuổi thơ đã mất. Chỉ có thể tìm lại giữa những con chữ của nhà văn. 

Vì thế, những tác phẩm như Khu tập thể đường tàu sẽ còn tiếp tục được viết ra. Để lưu giữ lại một ký tập thế sẽ biến tan vì vật đổi sao dời, vì những ai từng nhớ nó đã không còn để kể lại. 

Truyện kết thúc bằng một cảnh buồn, với cái chết ông bố trẻ mới 26 tuổi, thích trêu chọc trẻ con. "Tôi nhớ mẹ tôi có lần đã nói, người nào hay trêu trẻ con thì sẽ luôn trẻ mãi" - Đặng Ngọc Hưng viết trong sách. Và tôi tin, không chỉ những người thích trêu trẻ con, mà cả những ai yêu thương trẻ con, đặc biệt là đứa trẻ ngày xưa từng là ta, hẳn cũng luôn trẻ mãi. 

Và Đặng Ngọc Hưng khẳng định: "Khi kết thúc Khu tập thể đường tàu, tạm gọi là phần 1, lũ trẻ trong truyện mới học vỡ lòng. Tôi dự định sẽ viết tiếp những câu chuyện của khu tập thể cầu Thăng Long cùng với sự lớn lên của chúng. Hành trình ký ức ấy chưa dừng lại".

Một thời bao cấp khó quên

Về việc viết Khu tập thể đường tàu, nhà văn Đặng Ngọc Hưng chia sẻ:

Tôi may mắn được sống ở thời bao cấp. Ngoài việc chứng kiến được những khốn khó, tôi còn được sống trong bầu không khí của một đại công trường, gặp các chuyên gia nước ngoài…, thấy người lớn đã hoàn thành công trình như thế nào. Những điều đó giờ là ký ức rất khó phai nhòa trong chúng tôi.

Cuốn sách có thể nói chỉ là một lát cắt rất nhỏ trong giai đoạn làm cầu Thăng Long những năm 1970. Tôi muốn ghi lại cuộc sống lao động của cán bộ, công nhân viên thời đó để con cháu sau này hiểu được công sức của cha ông. Những người công nhân thời đó giờ đã thành những người 80, 90 tuổi. Nhiều người đã ra đi.

Tôi hy vọng những người lớn tuổi, những người già sau khi đọc sẽ nhớ lại được những khoảng ký ức khó quên. Các độc giả thế hệ 6X, 7X, 8X có thể tìm thấy một phần tuổi thơ của mình. Còn các cháu thiếu nhi thì biết thêm về cuộc sống của ông bà, cha mẹ ngày xưa để thêm trân trọng cuộc sống hôm nay.

Trẻ con bây giờ tuy sung sướng, nhưng cũng có nhiều thiệt thòi hơn so với ngày xưa. Từ đời sống tinh thần cho đến những ký ức phong phú, các cháu thiếu nhi hiện nay không được như trước.

An Hạ (ghi)

Hướng tới Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn 2025: Những ký ức tuổi thơ trở thành vĩnh viễn - Ảnh 7.

Huỳnh Trọng Khang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link