Vắc-xin Trung Quốc - Singapore ức chế tế bào ung thư gốc, ngăn tái phát và di căn

28/07/2025 07:02 GMT+7 | Đời sống

Một nhóm nhà khoa học Trung Quốc và Singapore vừa phát triển thành công một loại vắc-xin ung thư sử dụng công nghệ nano, cho thấy hiệu quả vượt trội trong việc ngăn chặn tái phát và di căn sau phẫu thuật ở các thử nghiệm trên động vật.

Dẫn đầu bởi nhóm nghiên cứu của bà Dương Diên Liên thuộc Trung tâm Công nghệ Nano Quốc gia Trung Quốc và ông Trần Tiểu Nguyên thuộc Đại học Quốc gia Singapore, công trình được công bố trên tạp chí Nature Nanotechnology tháng trước cho thấy vắc-xin mới có thể giảm nguy cơ tái phát và lây lan khối u gấp 7 lần so với các phương pháp hiện có.

Khác với nhiều loại thuốc nhắm vào các tế bào ung thư thông thường, vắc-xin này còn tấn công cả các tế bào gốc ung thư (CSC) - loại tế bào có khả năng "ngủ đông" trong cơ thể sau điều trị rồi tái kích hoạt, gây tái phát bệnh. Những tế bào này được ví như "lực lượng đặc nhiệm" của khối u vì khả năng tự làm mới và phân hóa đa dạng, góp phần hình thành các dòng tế bào ung thư khác nhau.

Vắc-xin Trung Quốc - Singapore ức chế tế bào ung thư gốc, ngăn tái phát và di căn - Ảnh 1.

Tiêm vaccine. Ảnh tư liệu: THX/TTXVN

Bà Dương nói với China Science Daily: "Liệu pháp hóa trị hay kháng thể có thể tiêu diệt tế bào ung thư phổ thông mà ít gây tổn thương cho cơ thể, nhưng lại gần như bất lực với CSC. Chỉ cần 1–5% CSC còn sót lại là có thể đủ để gây tái phát".

Vắc-xin nano mới có ba đặc điểm chính giúp tăng hiệu quả: Thứ nhất, vỏ ngoài làm từ các hạt nano có nguồn gốc từ màng tế bào ung thư, mang hai loại dấu hiệu nhận diện: kháng nguyên đặc hiệu của CSC và kháng nguyên của các tế bào khối u phổ thông. Thứ hai, phân tử định hướng đặc biệt gắn trên bề mặt giúp vắc-xin chỉ nhắm trúng tế bào tua - "trinh sát" của hệ miễn dịch chuyên trình diện kháng nguyên cho tế bào T. Cuối cùng, RNA can thiệp ngắn (siRNA) giúp tạm thời ức chế hoạt động của enzym phân giải protease trong các tiêu thể (lysosome), kéo dài thời gian tiếp xúc của kháng nguyên, từ đó kích thích phản ứng miễn dịch mạnh mẽ hơn.

Kết quả thử nghiệm trên mô hình chuột mắc ung thư vú và u hắc tố cho thấy vắc-xin giúp ức chế đáng kể sự phát triển khối u, giảm số lượng CSC tồn dư, ngăn chặn tái phát sau phẫu thuật và di căn xa, kéo dài thời gian sống và đặc biệt là không ghi nhận độc tính: các chỉ số máu, mô nội tạng và tế bào gốc máu đều bình thường.

Nhóm nghiên cứu đang phát triển dạng vắc-xin tiêm, đồng thời kỳ vọng có thể cá nhân hóa vắc-xin bằng cách sử dụng chính tế bào khối u của bệnh nhân. Tuy vậy, bà Dương cảnh báo rằng cần có thêm các đánh giá an toàn sinh học dài hạn trên mô hình động vật lớn hơn trước khi tiến tới thử nghiệm lâm sàng.

Thanh Tùng/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link