TS Fackson Banda, Chương trình Ký ức Thế giới của UNESCO: "Viên ngọc" âm nhạc mang tên Hoàng Vân

28/07/2025 06:55 GMT+7 | Văn hoá

Lễ đón bằng Di sản tư liệu thế giới của UNESCO cho Bộ sưu tập của nhạc sĩ Hoàng Vân đã diễn tại Nhà hát Hồ Gươm, Hà Nội, cùng với đó là 2 đêm nhạc Cho muôn đời sau để tôn vinh ông. 

Điều thú vị là kịch bản chương trình và chỉ huy đêm nhạc này là do hai người con của Hoàng Vân là TS Lê Y Linh và nhạc trưởng Lê Phi Phi đảm nhận.

1. Trong khuôn khổ sự kiện, Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Hoàng Đạo Cương, TS Fackson Banda (Trưởng bộ phận Di sản tư liệu, Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO), Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn quốc tế Chương trình Ký ức thế giới Johannes Joseph Maria Bos đã trao Bằng Di sản Tư liệu thế giới của UNESCO và chúc mừng gia đình cố nhạc sĩ Hoàng Vân.

Bên lề buổi lễ, TS Fackson Banda chia sẻ, mục tiêu của Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO (MOW) là giúp các quốc gia thành viên khám phá những tư liệu di sản không chỉ ảnh hưởng trong phạm vi một quốc gia mà còn có ý nghĩa trong khu vực và thế giới.

TS Fackson Banda, Chương trình Ký ức Thế giới của UNESCO: "Viên ngọc" âm nhạc mang tên Hoàng Vân - Ảnh 1.

TS Fackson Banda (trái), Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Hoàng Đạo Cương (giữa) và TS Lê Y Linh tại Lễ trao bằng Di sản Tư liệu thế giới của UNESCO cho Bộ sưu tập của nhạc sĩ Hoàng Vân

"Chúng tôi may mắn khám phá ra viên ngọc âm nhạc mang tên Hoàng Vân. Ông sánh vai cùng những vĩ nhân âm nhạc khác trên thế giới" - TS Fackson Banda nhấn mạnh.

Ông đánh giá, trong suốt quá trình xây dựng hồ sơ, rất nhiều nghiên cứu, tìm tòi đã được thực hiện để làm sáng tỏ giá trị toàn cầu của bộ sưu tập - gồm hơn 700 tác phẩm âm nhạc được sáng tác trong gần 60 năm, từ 1951 đến 2010.

Theo TS Fackson Banda, âm nhạc của Hoàng Vân là sự kết hợp tuyệt vời giữa âm nhạc truyền thống Việt Nam và âm nhạc cổ điển phương Tây. "Nhạc sĩ Hoàng Vân đã thể hiện những cảm xúc và tình cảm của người Việt Nam qua từng giai đoạn lịch sử. Vai trò của những người phụ nữ nông dân, những người lính... trong lịch sử Việt Nam là vô cùng quan trọng, nên tôi nghĩ rằng Hoàng Vân đã mang đến tiếng nói cho những con người này, truyền cảm hứng cho họ, ông đã làm điều đó một cách rất đẹp. Và tôi rất vui vì điều này".

TS Fackson Banda, Chương trình Ký ức Thế giới của UNESCO: "Viên ngọc" âm nhạc mang tên Hoàng Vân - Ảnh 2.

Một tiết mục trong chương trình "Cho muôn đời sau". Ảnh: TTXVN phát

"Qua đây, chúng ta có dịp nhìn nhận lại và khám phá sâu hơn về thiên tài âm nhạc của nhạc sĩ Hoàng Vân - người đã góp phần làm giàu thêm cho đời sống văn hóa của Việt Nam trong bối cảnh hậu thuộc địa, đồng thời tạo nên những cầu nối giao lưu văn hóa - trí tuệ giữa Việt Nam, châu Á và thế giới. Giờ đây, chúng ta có thể khẳng định rằng Hoàng Vân hoàn toàn xứng đáng được ghi danh bên cạnh những nhà soạn nhạc lớn của thế giới".

Ông hy vọng Việt Nam sẽ phổ biến rộng rãi các tác phẩm của Hoàng Vân ra ngoài Việt Nam, vượt khỏi khu vực châu Á và Thái Bình Dương để khán giả được biết đến nhiều hơn.

TS Fackson Banda, Chương trình Ký ức Thế giới của UNESCO: "Viên ngọc" âm nhạc mang tên Hoàng Vân - Ảnh 3.

Tiết mục trong chương trình nghệ thuật "Cho muôn đời sau"

2. Trở lại Hà Nội để chỉ huy chương trình Cho muôn đời sau, con trai của nhạc sĩ Hoàng Vân nói rằng, với anh, đêm nhạc này rất đặc biệt, bởi đây không chỉ là một sự kiện âm nhạc, mà còn là một cuộc hội ngộ giữa ký ức, tình yêu gia đình và sự tôn vinh những giá trị âm nhạc Việt Nam. "Trở về nơi cha tôi đã sống, sáng tác và cống hiến, tôi cảm thấy vừa xúc động, vừa có một trách nhiệm rất lớn" - nhạc trưởng Lê Phi Phi nói.

Với tư cách chỉ huy dàn nhạc, đây là một trong những lần tập luyện lâu nhất của Lê Phi Phi, kéo dài từ ngày 4 đến 24/7. Hỏi một cách khách quan: Liệu âm nhạc của Hoàng Vân có thể đến được với đảo công chúng quốc tế không? Nhạc trưởng Lê Phi Phi cho rằng, một trong những điều kiện để UNESCO công nhận là những tác phẩm đó đã được trình diễn bên ngoài Việt Nam.

TS Fackson Banda, Chương trình Ký ức Thế giới của UNESCO: "Viên ngọc" âm nhạc mang tên Hoàng Vân - Ảnh 4.

Nhạc trưởng Lê Phi Phi (bìa trái)

"Tôi đã nhiều lần biểu diễn một số tác phẩm giao hưởng, hợp xướng của cha tôi tại Cộng hòa Bắc Macedonia, Bungaria, Pháp… " - anh chia sẻ - "Nhạc của ông vừa mang tinh thần dân tộc sâu sắc, vừa có cấu trúc và kỹ thuật của âm nhạc hàn lâm cổ điển châu Âu, dễ dàng tiếp cận và thưởng thức cho công chúng quốc tế. Các bạn bè và đồng nghiệp châu Âu của tôi đều ngạc nhiên và ngưỡng mộ khi có dịp nghe những bản giao hưởng hoặc nhạc phim của ông. Tôi hy vọng trong tương lai, chúng ta sẽ có những bản thu chất lượng cao, có nhiều hơn các buổi biểu diễn và thu thanh ở quốc tế".

Hiện các tư liệu âm nhạc của Hoàng Vân đang được Trung tâm Lưu trữ quốc gia II, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước (Bộ Nội vụ) lưu giữ. Trên toàn cầu, những ai quan tâm, nghiên cứu, muốn tìm hiểu về di sản âm nhạc Hoàng Vân, đều có thể tìm được.

Với vai trò là người con, cũng là nghệ sĩ, anh mong rằng chương trình Cho muôn đời sau sẽ đánh dấu sự trở lại và lan tỏa của âm nhạc Hoàng Vân trong đời sống nghệ thuật Việt Nam. Âm nhạc đó không chỉ sống trong ký ức, mà cần được tái hiện, được yêu mến và được tiếp nối bởi thế hệ trẻ.

"Hai đêm nhạc là lời tri ân khán thính giả đã yêu nhạc Hoàng Vân. Tôi mong và tin rằng, mỗi người khi rời khán phòng sẽ mang theo một cảm xúc rất riêng - về âm nhạc, về ký ức, và về tương lai. Một tương lai của đất nước chuyển mình bước vào kỷ nguyên mới mà Hoàng Vân và các nhạc sĩ cùng thời với ông đã tiên đoán từ cách đây hơn nửa thế kỷ, những gì chúng ta làm hôm nay là để "cho ngày nay, cho ngày mai, cho muôn đời sau!" - Lê Phi Phi xúc động nói.

Họa sĩ Lê Thiết Cương là Giám đốc mỹ thuật của chương trình

Theo chia sẻ của TS Lê Y Linh, Giám đốc mỹ thuật của chương trình "Cho muôn đời sau" là họa sĩ Lê Thiết Cương (người vừa qua đời hôm 17/7) và là cháu gọi nhạc sĩ Hoàng Vân là ông trẻ.

Xung quanh bức chân dung tự họa của nhạc sĩ Hoàng Vân vẽ năm 1994, là "nét cọ của Lê Thiết Cương làm nền, là "suối nhạc" của Cương; và đặc biệt là những tán cây mà Cương vẽ và chỉ định màu cùng quy cách thi công thực hiện vào ngày 21/6/2025, lúc bệnh của anh đã nặng lắm" - TS Lê Y Linh nói.

Thiết kế của Lê Thiết Cương

Đây có lẽ là một trong những nét vẽ cuối cùng của họa sĩ Lê Thiết Cương, dành cho nhạc sĩ Hoàng Vân, một người mà anh rất yêu quý. Cha của họa sĩ Lê Thiết Cương, nhà thơ Lê Nguyên, là người cháu đồng niên, nhưng cũng bạn chí cốt của nhạc sĩ Hoàng Vân từ thời niên thiếu, lên chiến khu, về lại Hà Nội… Nhà thơ, nhà biên kịch Lê Nguyên chính là tác giả lời của hai tác phẩm rất nổi tiếng của Hoàng Vân, sáng tác đầu những năm 1960 là Hà Nội, Huế, Sài GònBài thơ gửi Thái Nguyên.

Ngân Lượng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link