Thủ tướng Phạm Minh Chính: Mở đợt cao điểm tấn công truy quét buôn lậu, gian lận thương mại

14/05/2025 14:43 GMT+7 | Tin tức 24h

Kết luận cuộc làm việc với các bộ, ngành, cơ quan Trung ương về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả những tháng đầu năm 2025 và phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới vào sáng 14/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu thành lập Tổ công tác đặc biệt, mở đợt cao điểm tấn công truy quét, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, vi phạm bản quyền, sở hữu trí tuệ.

Buôn lậu, gian lận thương mại diễn biến phức tạp

Tại cuộc họp, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, thành viên Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia đánh giá, thời gian qua, tình hình vi phạm pháp luật về sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa vi phạm về nhãn hàng hóa, kinh doanh hàng hóa hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, kinh doanh hàng nhập lậu, hàng hóa không hóa đơn, chứng từ… tiếp tục diễn ra trên hầu hết các tỉnh, thành phố.

Các đơn vị, địa phương bắt giữ, xử lý hơn 34.000 vụ việc vi phạm. Trong đó, hơn 8.200 vụ buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu; hơn 25.100 vụ gian lận thương mại, gian lận về thuế; hơn 1.100 vụ hàng giả, vi phạm sử hữu trí tuệ; thu nộp ngân sách nhà nước hơn 4.897 tỷ đồng; khởi tố hình sự gần 1.400 vụ, hơn 2.100 đối tượng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Mở đợt cao điểm tấn công truy quét buôn lậu, gian lận thương mại - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả. Ảnh: Dương Giang-TTXVN

Tuy nhiên, tình trạng hàng nhập lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới vẫn diễn biến phức tạp; tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ vẫn hoạt động công khai; tình trạng mua bán trái phép hóa đơn, gian lận thuế và lợi dụng điều kiện thuận lợi, thông thoáng trong chính sách nhập khẩu để buôn lậu, gian lận thương mại chưa được phát hiện, xử lý kịp thời.

Các đại biểu cho rằng, nguyên nhân của tồn tại, hạn chế nêu trên là do hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật chưa đầy đủ, nhất là trong thương mại điện tử; trách nhiệm, nhận thức của một số người đứng đầu chưa rõ ràng, còn có biểu hiện né tránh, đùn đẩy; việc trao đổi, chia sẻ thông tin, cơ sở dữ liệu giữa các cơ quan chưa tốt; công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng còn chưa nhịp nhàng, nhất là trong bối cảnh có sự thay đổi, sắp xếp bộ máy của một số lực lượng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Mở đợt cao điểm tấn công truy quét buôn lậu, gian lận thương mại - Ảnh 2.

Đại diện các bộ, ngành tham dự cuộc họp. Ảnh: Dương Giang-TTXVN

Lãnh đạo các bộ, ngành đề xuất cùng với khắc phục các hạn chế kể trên, phải xây dựng các chương trình, kế hoạch, giải pháp trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả phù hợp diễn biến tình hình địa bàn và yêu cầu nhiệm vụ. Trong đó, tập trung đấu tranh, ngăn chặn hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép vàng, ngoại tệ, hàng hóa giả mạo xuất xứ Việt Nam; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ; rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, các quy định liên quan đến công tác chống hàng giả, hàng kém chất lượng, kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định.

Các lực lượng chức năng cần đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tăng cường kết nối, chia sẻ, cung cấp thông tin; triển khai và nâng cao hiệu quả các đường dây nóng, đảm bảo thu thập, xử lý kịp thời tin báo từ quần chúng nhân dân.

Đặc biệt, đẩy mạnh sản xuất, nâng cao chất lượng hàng hóa, với giá thành phù hợp, cạnh tranh cao; thúc đẩy phân phối, tăng tiếp cận hàng hóa cho người dân; tăng cường truyền thông và có công cụ, phương thức để người dân nhận biết và tham gia chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; tổ chức kiểm tra, giám sát đối với công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các cá nhân tiếp tay, bảo kê, bao che cho hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là đáng khích lệ, đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ, buôn lậu, gian lận thương mại, xuất xứ hàng hóa… vẫn diễn biến phức tạp, trên phạm vi rộng, nhiều lĩnh vực, số đối lượng lớn, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội, phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt ảnh hưởng tới sức khỏe, tâm lý người dân và uy tín của đất nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, nguyên nhân của yếu kém là do công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành, địa phương chưa thực sự quyết liệt, sâu sát, chưa bám vào các nội dung, nhất là nội dung mới, địa bàn mới, đối tượng mới xuất hiện; các cơ quan, địa phương có liên quan còn buông lỏng quản lý; thể chế còn thiếu, lạc hậu, chưa sát tình hình, nhất là những vấn về mới, nhạy cảm nổi lên; quản lý Nhà nước của một số bộ, ngành chưa chặt chẽ; công tác tổ chức, quy định chức năng nhiệm vụ còn chồng chéo, bỏ sót, có khoảng trống; công tác tham mưu chưa kịp thời, hiệu quả.

Cùng với đó, công tác kiểm tra, đôn đốc, xử lý còn hạn chế; chưa tạo được phong trào, huy động toàn dân trong việc phòng, chống sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ, buôn lậu, gian lận thương mại, xuất xứ hàng hóa; công tác tuyên truyền chưa đáp ứng yêu cầu; người dân chưa hiểu hết các hành vi tinh vi của các đối tượng; giải pháp quản lý quảng cáo, kinh doanh điện tử chưa hiệu quả; việc áp dụng, sử dụng cơ sở dữ liệu chưa được đẩy mạnh; một số tổ chức, cá nhân đồng lõa và tiếp tay cho vi phạm…

Cho rằng tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả còn diễn biến phức tạp, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới chấm dứt tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ, buôn lậu, gian lận thương mại, hàng không rõ xuất xứ; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp; góp phần thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, phục vụ phát triển nhanh, bền vững của đất nước, bảo vệ trật tự xã hội, an ninh, an toàn, an dân.

Theo Thủ tướng, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, không có xuất xứ, không rõ nguồn gốc, vi phạm sở hữu trí tuệ là công việc quan trọng của cả hệ thống chính trị, cần sự huy động sự vào cuộc của toàn dân; do đó phải làm thường xuyên, liên tục, không ngừng nghỉ; đặt sức khỏe, quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân, người tiêu dùng lên trên hết, trước hết; góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, uy tín đất nước, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

Một thuốc mà chữa bách bệnh là không đúng khoa học, không logic

Lưu ý, việc tăng cường có hiệu quả công tác chống sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ, buôn lậu, gian lận thương mại, hàng không rõ xuất xứ phải gắn liền với quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, không để chồng chéo, bỏ sót nhiệm vụ, đi đôi với nâng cao năng lực quản lý, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan, địa phương, lực lượng liên quan căn cứ chức năng, quyền hạn, chủ động rà soát, xây dựng, hoàn thiện thể chế; tổ chức thực hiện; kiểm tra, đôn đốc, xử lý vi phạm, đồng thời có hình thức khen thưởng kịp thời những cá nhân, tập thể làm tốt.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Mở đợt cao điểm tấn công truy quét buôn lậu, gian lận thương mại - Ảnh 3.

Nước hoa giả và các tang vật liên quan bị cảnh sát thu giữ tại Bình Phước. Ảnh minh họa: TTXVN

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thành lập ngay Tổ công tác đặc biệt, do Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 làm Tổ trưởng, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương mở đợt cao điểm tấn công, đấu tranh, truy quét, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, vi phạm bản quyền, sở hưu trí tuệ trên phạm vi cả nước trong vòng 1 tháng, từ ngày 15/5 đến ngày 15/6/2025.

Yêu cầu phải phân công rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ sản phẩm, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo các địa phương thành lập các Tổ công tác của địa phương, chủ động phối hợp triển khai đồng bộ với Tổ công tác Trung ương trong tấn công quy quét, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, vi phạm bản quyền, sở hưu trí tuệ.

Thủ tướng chỉ rõ, các bộ, ngành, rà soát các quy định, xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật, tháo gỡ khó khăn và không để khoảng trống pháp lý trong chống buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, vi phạm bản quyền, sở hưu trí tuệ; khẩn trương trình Quốc hội xem xét, thông qua trong kỳ họp tới, cũng là góp phần thực hiện Nghị quyết 66 của Bộ Chính trị vừa ban hành.

Trong đó, Bộ Nội vụ rà soát lại chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành, cơ quan, nhất là trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị không ảnh hưởng đến công tác quản lý nhà nước và không để khoảng trống trong quản lý nhà nước trong phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, vi phạm bản quyền, sở hữu trí tuệ.

Biểu dương Bộ Công an thời gian qua đã chủ động đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, Thủ tướng yêu cầu, Bộ Công an tiếp tục xác lập các chuyên án xử lý nghiêm các đối tượng buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, lưu thông hàng giả; phối hợp với các cơ quan tố tụng đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, kịp thời công khai các kết quả trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm răn đe, phòng ngừa.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính chỉ đạo cơ quan hải quan, thuế tạo điều kiện cho hoạt động của doanh nghiệp, đồng thời đảm bảo công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, xuất xứ hàng hóa... thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

Bộ Công Thương chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường, phối hợp với các địa phương, cơ quan liên quan liên xử lý nghiêm các vụ việc kinh doanh nhập lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái; hoàn thiện chính sách về thương mại điện tử, xuất xứ hàng hóa, xuất nhập khẩu; kiện toàn lực lượng quản lý thị trường.

Các cơ quan kiểm tra chuyên ngành thuộc các Bộ, các địa phương chịu trách nhiệm kiểm tra từ cấp phép sản xuất, kinh doanh, lưu thông, quản lý vấn đề thuế, nhất là về thuốc chữa bệnh, sữa, lương thực, thực phẩm, sản phẩm ngành nông nghiệp... Thủ tướng chỉ đạo phải quy định rõ nhiệm vụ của xã, phường trong việc phối hợp với các sở, ngành, đơn vị quản lý kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất trên địa bàn.

Bộ Khoa học và Công nghệ khẩn trương rà soát, sửa đổi các quy định liên quan sở hữu trí tuệ, điều chỉnh các vấn đề mới trên môi trường số, thương mại điện tử; tăng cường xử lý các tổ chức, cá nhân công bố sản phẩm sai sự thật, trong đó có cả trách nhiệm các cơ quan truyền thông. Bộ Y tế khẩn trương thực hiện các công việc, đặc biệt là kiểm soát thuốc giả, thuốc nhập lậu không rõ xuất xứ; cương quyết, đấu tranh và đẩy lùi, chấm dứt tình trạng thuốc giả.

Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp các cơ quan liên quan hậu kiểm, nhất là đối với thực phẩm giả, thuốc chữa bệnh giả, không rõ nguồn gốc; hoàn thiện quy định về hậu kiểm, cấp phép hàng hóa, tinh thần là kiểm soát được nhưng phải thông thoáng; tích cực áp dụng chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu; xây dựng Luật An toàn thực phẩm, sửa đổi các Nghị định, Thông tư hướng dẫn, tăng cường chế tài xử lý, nêu cao tính tự giác của các chủ thể liên quan.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường tăng cường kiểm tra, giám sát về vi phạm đối với các loại lâm sản, thủy sản, giống cây trồng vật nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, kiểm soát việc sử dụng chất kích thích, hóa chất quá mức, nhất là đối với loại quả sầu riêng, thủy sản...

Bộ Tư pháp phối hợp các bộ, ngành thúc đẩy, bổ sung, hoàn thiện thể chế để quản lý, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh. Bộ Quốc phòng chỉ đạo Bộ đội Biên phòng phối hợp với lực lượng Công an và các lực lượng khác tăng cường quản lý chặt ở biên giới, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, kiểm soát buôn luậu, hàng giả, hàng nhái qua biên giới.

Thủ tướng yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp các cơ quan liên quan xử lý nghiêm các vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng không rõ xuất xứ, nguồn gốc; quan tâm phát triển kinh tế-xã hội ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.

Chia sẻ về việc có những quảng cáo cho thấy có loại thuốc chữa được bách bệnh, đây là điều không đúng về mặt khoa học, không logic, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu bổ sung chế tài xử lý những người lợi dụng uy tín như nghệ sĩ, người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật trên môi trường mạng.

Các cơ quan thông tấn, báo chí, các lực lượng chức năng tổ chức các chuyên mục, tăng cường thời lượng để tuyên truyền, vận động, giải thích, cảnh báo để người dân hiểu hơn về nguy hại liên quan buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng nhái, vi phạm bản quyền, sở hữu trí tuệ. Cùng với đó, rà soát việc quảng cáo trên các kênh thông tin, tránh để lọt các thông tin xấu độc, nhất là các quảng cáo sai sự thật về sản phẩm, dịch vụ; xử lý nghiêm theo pháp luật các vi phạm.

TTXVN

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link