Sắp xếp lại giang sơn và sức mạnh đoàn kết: Nhân lên tiềm lực văn hóa - du lịch

24/07/2025 17:12 GMT+7 | Văn hoá

Công cuộc “sắp xếp lại giang sơn” trên quy mô toàn quốc bắt đầu đi vào thực tiễn từ ngày 1/7/1025, là một bước đi hướng tới việc tổ chức một cách hiệu quả không gian phát triển quốc gia, có được sự liên kết nội vùng, liên vùng và khai thác lợi thế so sánh từng vùng. Điều này càng đúng với lĩnh vực văn hóa-du lịch.

* Quản lý tốt – sức mạnh nhân lên

Việc sáp nhập tỉnh, thành phố không chỉ đơn giản là sự thay đổi địa giới hành chính mà là tiến trình hòa nhập giữa các cộng đồng dân cư với những đặc điểm văn hóa khác nhau. Điều này có gây ra sự xung đột văn hóa hay không là tùy thuộc vào chính sách có hợp lý không và cán bộ quản lý có tâm, có tài hay không.

Tập tục, lối sống của một cộng đồng được hình thành qua nhiều thế hệ. Trong quá trình sáp nhập đơn vị hành chính, nỗi lo bản sắc văn hóa dễ bị tổn hại là điều dễ hiểu, nhất là khi giữa các cộng đồng dân cư có sự khác biệt lớn về văn hóa, ngôn ngữ, tôn giáo và trình độ nhận thức.

Sự xung đột văn hóa cũng có thể xảy ra và nguồn lực cho việc bảo tồn văn hóa cũng có thể bị chia năm xẻ bảy khi hình thành một “siêu tỉnh”, “đại thành thị”.

Nhưng nếu các cơ quan quản lý ở cấp trung ương và địa phương kịp thời đề ra chính sách hợp lý và lực lượng thực thi có tâm huyết thì câu chuyện lại đi theo hướng rất tích cực.

Sắp xếp lại giang sơn và sức mạnh đoàn kết: Nhân lên tiềm lực văn hóa - du lịch - Ảnh 1.

Toàn cảnh trung tâm đặc khu Côn Đảo, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: TTXVN phát

Trước hết, việc sáp nhập tỉnh, thành phố lần này được thực hiện một cách bài bản, có tính toán kỹ lưỡng của Trung ương dựa trên các yếu tố diện tích, dân số, kinh tế, văn hóa và khả năng bổ trợ lẫn nhau giữa các địa phương.

Chẳng hạn, không có chuyện Kon Tum ghép với Quảng Ngãi một cách ngẫu nhiên, cơ học. Hai tỉnh này phải có một số đặc điểm tương đồng hoặc bổ sung tốt nhất cho nhau về kinh tế, văn hóa, xã hội để tạo ra một bản sắc văn hóa chung mạnh mẽ hơn sau khi hợp nhất.

Sau khi được sáp nhập, với không gian mở rộng và hệ sinh thái đa dạng, tỉnh Quảng Ngãi mới sở hữu nguồn tài nguyên du lịch vô cùng phong phú, nơi có biển đảo, núi rừng, cao nguyên và cả chiều sâu, sự đa dạng về văn hóa các dân tộc. Các điểm đến như đảo Lý Sơn, biển Mỹ Khê, Sa Huỳnh từ lâu đã là biểu tượng du lịch của Quảng Ngãi và giờ đây lại có thêm “Đà Lạt thứ hai của Tây Nguyên” - Măng Đen, thác Pa Sỹ, núi Ngọc Linh…

Sắp xếp lại giang sơn và sức mạnh đoàn kết: Nhân lên tiềm lực văn hóa - du lịch - Ảnh 2.

Hoa mai anh đào “nhuộm hồng” Măng Đen vào mùa Xuân. Ảnh: TTXVN phát

Văn hóa hiện tại không chỉ là yếu tố nhận diện bản sắc địa phương mà còn là động lực lớn để phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp văn hóa, du lịch, sáng tạo.

Sự kết hợp của các yếu tố văn hóa khác nhau từ các cộng đồng khác nhau trong một đơn vị hành chính cấp tỉnh mới tạo ra môi trường thuận lợi cho việc giao thoa, hòa hợp văn hóa, tạo ra những giá trị tinh thần và cả giá trị vật chất chưa từng có trong quá khứ.

Chính sách hợp lý sẽ giúp bảo tồn những nét văn hóa độc đáo của các cộng đồng trong không gian mới, khuyến khích sự tôn trọng bản sắc giữa các cộng đồng dân cư.

Thêm vào đó, khi không gian phát triển của địa phương rộng mở thì nguồn lực đầu tư được tập trung hiệu quả hơn nên việc bảo tồn văn hóa cũng được thực hiện bài bản, quy mô hơn.

Sắp xếp lại giang sơn và sức mạnh đoàn kết: Nhân lên tiềm lực văn hóa - du lịch - Ảnh 3.

Vẻ đẹp nên thơ của vịnh Vĩnh Hy - Khánh Hòa. Ảnh: TTXVN phát

Phó Giáo sư, Tiến sỹ, Đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Việt Nam, nhấn mạnh:

“Việc sáp nhập sẽ đặt ra yêu cầu rất lớn về chính sách quản lý văn hóa. Khi một địa phương rộng hơn, với sự giao thoa của nhiều yếu tố văn hóa khác nhau, thì chính sách văn hóa cũng cần có tầm nhìn dài hạn, linh hoạt hơn, đảm bảo vừa tôn vinh được bản sắc của từng vùng, vừa tạo ra bản sắc chung của tỉnh mới. Đây cũng là cơ hội để tái định vị thương hiệu văn hóa của các vùng sáp nhập, giúp nâng tầm hình ảnh của địa phương trên bản đồ văn hóa - du lịch - sáng tạo của cả nước".

Khi cuộc cách mạng “sắp xếp lại giang sơn” đi vào ổn định và đem lại những kết quả đầu tiên thì sẽ mờ dần những mối lo ngại về việc biến mất một địa danh có bề dày lịch sử hay sự áp đặt văn hóa vùng miền, cưỡng ép phương ngữ, giọng nói…

* Nhiều cơ hội mới, trải nghiệm du lịch đa sắc hơn

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành văn bản số 1445 /BVHTTDL-DSVH (ngày 7/4/2025) về việc rà soát, điều chỉnh và thực hiện xác định đơn vị hành chính hình thành sau sáp nhập tỉnh, thành phố.

Theo đó, Bộ yêu cầu giữ nguyên tên gọi các di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia, di tích cấp tỉnh/thành phố đã được công nhận, xếp hạng để không làm thay đổi yếu tố gốc cấu thành di tích cũng như giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học của di tích. Đối với di sản văn hóa phi vật thể, Bộ yêu cầu giữ nguyên tên gọi di sản để không làm thay đổi giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học của di sản.

Sắp xếp lại giang sơn và sức mạnh đoàn kết: Nhân lên tiềm lực văn hóa - du lịch - Ảnh 4.

Di sản Thế giới Mỹ Sơn. Ảnh: TTXVN phát

Các nhà chuyên môn đánh giá rằng đây là điều thuận lợi đối với ngành du lịch khi các thương hiệu văn hóa-du lịch nổi tiếng lâu đời vẫn được giữ nguyên, không gây xáo trộn cho du khách.

Bên cạnh đó, Bộ yêu cầu rà soát, điều chỉnh tên gọi, địa danh, địa chỉ mới của tổ chức, Ban/Trung tâm quản lý di tích có liên quan trực tiếp đến đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp.

Các chuyên gia cho rằng các di sản văn hóa quốc gia luôn gắn với địa danh cụ thể, bởi vậy, khi sáp nhập tỉnh, thành thì hồ sơ khoa học cần cập nhật lại một cách cẩn trọng, có trách nhiệm và đầy đủ cả về mặt pháp lý lẫn văn hóa. Đây là cơ sở để các tổ chức quốc tế hay các đối tác hợp tác văn hóa quốc tế công nhận tính liên tục của di sản, giúp chúng ta bảo vệ quyền lợi và danh tiếng của quốc gia trên trường quốc tế. Đó cũng là hành động thể hiện sự tôn trọng với quá khứ, trong hành trình xây dựng tương lai.

Việc sáp nhập buộc công tác quản lý di sản phải chuyển từ tư duy “quản lý theo địa giới” sang tư duy “quản lý theo cụm giá trị văn hóa”. Đây là cơ hội để xây dựng các chiến lược liên vùng, phát triển mạng lưới di sản theo tuyến, theo không gian sinh thái, từ đó tạo thành những bản đồ di sản mới có sức hút mạnh mẽ hơn, không chỉ gói gọn trong phạm vi hành chính cũ.

Sự thay đổi địa giới hành chính mở ra cơ hội tái cấu trúc mang tính chiến lược đối với ngành du lịch - chuyển từ mô hình phát triển phân tán theo từng tỉnh, thành phố riêng lẻ sang cách tiếp cận theo hướng vùng và liên vùng.

Với không gian rộng mở hơn, các địa phương có thể dễ dàng phối hợp trong việc quản lý tài nguyên văn hóa-du lịch, kết nối hạ tầng và tổ chức tour tuyến đồng bộ, tạo ra chuỗi giá trị du lịch liên hoàn, hấp dẫn, đa dạng và bền vững hơn.

Sắp xếp lại giang sơn và sức mạnh đoàn kết: Nhân lên tiềm lực văn hóa - du lịch - Ảnh 5.

Bãi biển Ninh Chữ thuộc tỉnh Ninh Thuận cũ, nay thuộc Khánh Hòa. Ảnh: Nguyễn Thành - TTXVN

Trước khi sáp nhập, Ninh Thuận và Khánh Hòa là hai tỉnh riêng rẽ, ngành du lịch hai địa phương mỗi khi phối hợp đều cần nhiều thủ tục hành chính hơn bây giờ.

Tỉnh Khánh Hòa mới có đường bờ biển dài nhất Việt Nam, có nét tương đồng về văn hóa bản địa (trong đó có văn hóa Chăm), rất thuận lợi để phát triển du lịch biển và du lịch văn hóa. Địa phương này còn sở hữu hệ sinh thái núi rừng phong phú, với hệ động thực vật đa dạng, tạo tiềm năng lớn cho du lịch sinh thái từ biển lên rừng.

Nhiều người lo ngại rằng việc sáp nhập tỉnh, thành phố có thể ảnh hưởng đến định vị thương hiệu của các điểm đến du lịch. Các chuyên gia du lịch cho rằng điều quan trọng không phải là điểm đến thuộc địa phương nào mà là giá trị trải nghiệm. Du khách chọn điểm đến không vì tên gọi của địa phương mà vì chất lượng trải nghiệm, vẻ đẹp cảnh quan, giá cả tương ứng với dịch vụ…

Xu hướng chung trên thế giới sau Đại dịch COVID-19 là du khách không chỉ tìm kiếm “nơi để đến” mà tìm kiếm “lý do để lựa chọn”.

Sau khi các tỉnh, thành phố được sáp nhập thì những thương hiệu du lịch mới sẽ có cơ hội ra đời và chúng ta cần thực hiện ngay từ bây giờ. Chẳng hạn, khách du lịch trong và ngoài nước đã quen với thương hiệu Hà Giang thì giờ đây ngành du lịch của tỉnh Tuyên Quang mới có thể cho ra đời thương hiệu “Hà Giang trong Tuyên Quang”.

Sắp xếp lại giang sơn và sức mạnh đoàn kết: Nhân lên tiềm lực văn hóa - du lịch - Ảnh 6.

Toàn cảnh thành phố Hà Giang lúc hoàng hôn. Ảnh: Đức Thọ - TTXVN

Sau khi Quảng Bình sáp nhập với Quảng Trị thành tỉnh Quảng Trị mới, bên cạnh việc phát triển ngành du lịch chung cho địa phương thì những người làm du lịch ở Quảng Bình cũng đang đi tìm thương hiệu mới cho văn hóa, cảnh quan ở vùng đất Quảng Bình.

Chiến lược phát triển thương hiệu du lịch mới của Quảng Bình dựa trên các sản phẩm độc đáo như khám phá hang động (Thiên Đường, Phong Nha, Sơn Đoòng, Én...), hình thành các tour thám hiểm mạo hiểm, kết hợp giáo dục về địa chất, sinh thái; tổ chức các hoạt động trải nghiệm như chèo thuyền kayak trên sông Chày, khám phá suối nước Moọc, leo núi, cắm trại, tham gia các lễ hội địa phương, tìm hiểu văn hóa, ẩm thực; tổ chức tour du  lịch văn hóa, lịch sử (Vũng Chùa - Đảo Yến, các làng nghề truyền thống, các lễ hội dân gian).

Trần Quang Vinh/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link