“Sân khấu cải lương TP.HCM 1975 - 2025”: Từ thời hoàng kim đến thời đại số hóa

16/07/2025 07:12 GMT+7 | Văn hoá

Hội Sân khấu TP.HCM vừa ra mắt chuyên khảo Sân khấu cải lương TP.HCM 1975 - 2025, do NSND Trần Minh Ngọc và NSND Trần Ngọc Giàu chủ biên. Cuốn sách phác thảo hành trình cải lương từ giai đoạn tái thiết sau ngày thống nhất đất nước đến những nỗ lực sống còn trong xã hội đương đại.

Ngay trong thập niên đầu sau 1975, sân khấu cải lương TP.HCM bước vào thời kỳ rực rỡ với sự quy tụ của Đoàn Cải lương Nam bộ, Đoàn Văn công Giải phóng và các đoàn cải lương nổi tiếng trước đó. Những đêm diễn cháy vé, khán giả chen nhau vào rạp để thưởng thức tuồng tích, giọng ca tên tuổi.

Thời đại phát triển, làn sóng công nghệ và sự bùng nổ của các hình thức giải trí đa phương tiện, thói quen đến rạp dần mai một. Sân khấu cải lương thu hẹp không gian, co hẹp dần lại và vắng thưa khán giả.

“Sân khấu cải lương TP.HCM 1975 - 2025”: Từ thời hoàng kim đến thời đại số hóa - Ảnh 1.

Chuyên khảo “Sân khấu cải lương TP.HCM 1975 -2025”

Điểm lại giai đoạn vàng son của cải lương sau 1975, PGS Huỳnh Quốc Thắng nhận định: "Từ các rạp hát cho đến các sân bãi ngoài trời mỗi suất hát cải lương với vài ngàn vé lúc này là chuyện bình thường. Số lượng các đoàn cải lương, chương trình kịch mục cải lương qua các hội thi hội diễn giai đoạn này cũng đông đảo chưa từng có".

"Sân khấu cải lương chủ động hướng đến phản ánh những vấn đề đương đại như các tuồng Khách sạn hào hoa, Người ven đô, Tìm lại cuộc đời, Tiếng hò sông Hậu… ấn tượng sâu sắc trong lòng đông đảo nhiều thế hệ công chúng. Cải lương tuồng cổ đã từng bước chuyển từ phong cách "tuồng Tàu" thành "tuồng Việt", với nội dung, hình thức, phong cách lịch sử văn hóa Việt Nam như Câu thơ yên ngựa, Bão táp Nguyên Phong, Mặt trời đêm thế kỷ, Tô Hiến Thành xử án… điều này minh chứng góp phần thực hiện phương châm, mục tiêu "dân tộc - hiện đại" và định hướng giữ gìn "bản sắc" trong quá trình "hội nhập".

Giai đoạn này mở ra chặng đường mới của cải lương, từ một loại hình giải trí, cải lương bước lên thành chủ thể văn hóa biết thích nghi và chuyển mình. Cuộc chuyển hóa từ "tuồng Tàu" sang "tuồng Việt", không chỉ là đổi hình thức sân khấu, mà là một tuyên ngôn nghệ thuật về sự độc lập văn hóa sau ngày thống nhất.

Tiếp theo chặng hành trình 15 năm sau 1975 là thế hệ vàng tiếp nối, tiến sĩ Lê Hồng Phước bổ sung câu chuyện về lứa nghệ sĩ giữ lửa sân khấu: "Thế hệ nghệ sĩ cải lương nổi tiếng và tên tuổi sau 1975 lại tiếp tục tỏa sáng, khẳng định tài năng ca diễn ở thời kỳ mới. Đa số các nghệ sĩ trên 30 tuổi, lứa tuổi đủ chững chạc với đời, đủ chín muồi với nghề. Do đó họ đủ sức mang những trải nghiệm cuộc sống vào vai diễn và đủ thâm niên trau dồi nghề nghiệp để đạt đỉnh cao ca diễn. Đầu thập niên 1990 xuất hiện Giải thưởng Trần Hữu Trang, mở ra một thời kỳ phát triển mạnh của cải lương, ghi nhận những tên tuổi như Vũ Linh, Tài Linh, Kim Tử Long, Ngọc Huyền, Thanh Thanh Tâm, Phương Hồng Thủy, Thanh Hằng, Phượng Hằng… Điểm chung của 2 thế hệ vàng trước và sau 1975 là mỗi người đều có giọng ca riêng và cách ca riêng, khi cất lên là khán giả nhận ra ngay. Trong cách diễn xuất tạo được nét riêng, tạo vai diễn mà khán giả nhớ đến. Các nghệ sĩ tập tuồng rất kỹ và nghiêm túc trong ca diễn, trang phục, cảnh trí…".

“Sân khấu cải lương TP.HCM 1975 - 2025”: Từ thời hoàng kim đến thời đại số hóa - Ảnh 2.

Tiến sĩ Mai Mỹ Duyên phát biểu tại buổi ra mắt sách

Giải thưởng Trần Hữu Trang trở thành dấu mốc son chói lọi của giai đoạn giữ lửa nghề, tạo bệ phóng cho một thế hệ mới minh chứng sức sống kế thừa của cải lương.

Tuy nhiên, làn sóng công nghệ kéo đến làm cho sân khấu cải lương đối mặt với khủng hoảng bản sắc và nguồn lực.

Đến khi làn sóng cải lương video chiếm lĩnh thị trường, khán giả dễ dàng xem nghệ sĩ mà mình yêu thích trên màn ảnh nhỏ mà không cần đến rạp. Như vậy, cải lương video đã góp phần quảng bá cải lương, đưa cải lương đến với công chúng khắp mọi miền, len lỏi đến các vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo trong nước và với kiều bào ở nước ngoài trên khắp thế giới. Tuy nhiên, giai đoạn này sân khấu cải lương không có đề tài sáng tác mới, chỉ loay hoay với những vai diễn cũ, vở diễn cũ. Khán giả ngày càng thưa vắng dần. Cải lương mặc dù vẫn còn vị trí trong lòng văn hóa dân tộc, nhưng đã giảm dần sức hút đối với công chúng, nhất là ở khu vực đô thị.

Tình hình sân khấu sáng đèn rất khó khăn, sức sống một vở diễn không cao, diễn viên nghệ sĩ phải bươn chải kiếm sống, do đó cạn kiệt nguồn thế hệ kế thừa cho tương lai. Cải lương đang đối mặt với nhiều thử thách để đứng vững trên đặc trưng ngôn ngữ loại hình, cần nỗ lực thích nghi thời đại mới và chủ động vươn lên bắt kịp nhu cầu văn hóa của khán giả.

“Sân khấu cải lương TP.HCM 1975 - 2025”: Từ thời hoàng kim đến thời đại số hóa - Ảnh 3.

Cải lương gặp phải thách thức của thời đại khi có cơ hội quảng bá sâu rộng nhưng cũng là bước ngoặt khiến sân khấu sống lâm nguy. Sân khấu không gian diễn trực tiếp thu hẹp, nội dung vở tuồng lặp lại, khán giả quay lưng, cải lương rơi vào khủng hoảng không chỉ ở rạp hát, mà còn trong thói quen thưởng thức của giới mộ điệu. Điều đáng lo hơn cả là sự cạn kiệt thế hệ kế thừa - một dấu hiệu báo động cần được nhìn nhận nghiêm túc.

Nghệ thuật cải lương là loại hình hội tụ đa dạng của mỹ học từ kịch bản, biểu diễn, hóa trang, cảnh trí… đặc biệt với chất liệu ngôn từ nghệ thuật, kịch bản cải lương là chỉnh thể nghệ thuật mà trong đó tính văn học và mỹ học có mối quan hệ tương hỗ.

Nghiên cứu sinh Châu Hoài Phương đã đánh giá tính thẩm mỹ trong kịch bản cải lương cho thấy rõ nét "những yếu tố cốt lõi của nghệ thuật cải lương: cái đẹp, cái cao cả, cái bi, cái hài tồn tại trong từng vở diễn. Ca từ trong kịch bản cải lương là ngôn ngữ kết hợp với âm nhạc. Những bài bản tổ truyền thống bổ sung nhiều bài bản mới từ dân ca như Lý sâm thương, Lý Mỹ Hưng, Lý bông dừa, Đoản khúc Lam Giang, Phi vân điệp khúc, Vọng Kim Lang… vừa đa dạng chức năng âm nhạc, vừa phát huy tính biểu cảm trong ca từ góp phần phát triển kịch bản cải lương sâu sắc hơn".

“Sân khấu cải lương TP.HCM 1975 - 2025”: Từ thời hoàng kim đến thời đại số hóa - Ảnh 4.

Trước năm 1975, bút pháp thường sử dụng trong kịch bản cải lương là thể thơ biền ngẫu, thể thơ lục bát, song thất lục bát, thất ngôn bát cú, thể văn xuôi đối đáp, thể văn nói biểu cảm tâm lý vui, buồn, dồn nén, giãi bày nỗi lòng…

Soạn giả Đăng Minh khái quát tính văn học trong kịch bản cải lương. Ông đánh giá "thế hệ soạn giả sau 1975 như Hoàng Song Việt, Lam Tuyền, Hùng Dũng, Tô Thiên Kiều… có nhiều sáng tạo mới, phối hợp phong cách vững chắc, sâu lắng của thế hệ trước đồng thời sử dụng những thủ pháp mới, cách tiếp cận mới mà vẫn giữ đặc thù truyền thống của cải lương. Kịch bản sắc bén, giàu chất thơ, hình tượng văn học phong phú, ít sử dụng từ Hán-Việt, cấu trúc văn học trong bài ca, đối thoại bay bổng, nhẹ nhàng mà vẫn sâu sắc, trữ tình, ẩn chứa triết lý".

Chất liệu văn học quý giá của cải lương sau trăm năm đã bám rễ sâu sắc vào văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam. Cuốn sách khái quát sơ lượt từ quá khứ đến soi chiếu thực tại để giới nghiên cứu, người trong nghề, khán giả cùng nhau nhìn lại và tiếp bước.

Khơi gợi hướng phát triển của cải lương trong thời đại mới, tiến sĩ Mai Mỹ Duyên lạc quan cho biết: "Nếu xem cải lương là một nghề thì phải học để có kiến thức, kỹ năng biểu diễn và sáng tạo để đóng góp cho sân khấu nước nhà và phục vụ công chúng. Nếu xem cải lương là nghiệp thì phải học cách làm người nghệ sĩ để trọn lòng đi theo nghiệp tổ. Đó cũng là học cách để gieo nhân và hái quả trong suốt quá trình thực hành nghiệp mà thế hệ nghệ sĩ trong giai đoạn hiện nay cần nghiêm túc thấu hiểu. Sự học nghề có tính giai đoạn song với sự học nghiệp là cả một hành trình làm nghệ thuật cho đến khi trút hơi thở cuối cùng. Đây chính là gốc rễ quan trọng cần không ngừng vun đắp, trau dồi để nghệ thuật sân khấu cải lương tiếp tục đơm hoa và kết trái".

“Sân khấu cải lương TP.HCM 1975 - 2025”: Từ thời hoàng kim đến thời đại số hóa - Ảnh 5.

Qua tập sách, ban biên soạn mong rằng mở ra giai đoạn nghiên cứu khoa học cải lương sâu sắc hơn trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp văn hóa, nâng tầm cải lương ở Việt Nam và lan tỏa ra thế giới.

Cải lương, nghĩa gốc là sửa đổi cho tốt đẹp hơn. Do đó, trường lớp dạy khuôn mẫu cho đạo diễn, diễn viên biết cách thực hành cải lương nhưng khi bước vào công nghiệp văn hóa cần có tư suy sáng tạo luôn luôn mở, chấp nhận cái mới, luôn luôn làm cho tốt hơn, để khán giả lựa chọn thưởng thức những vở tuồng và mở ra những sáng tạo như cải lương nhạc kịch, dân ca nhạc kịch cải lương… đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ của công chúng.

Lê Ngọc Hân

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link