Nâng tầm Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia: Từ cơ chế tài trợ đến định hình chiến lược quốc gia

15/05/2025 16:03 GMT+7 | Tin tức 24h

Chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5, Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (NAFOSTED) tổ chức Hội thảo "Nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia".

Phát biểu khai mạc sự kiện, ông Đào Ngọc Chiến, Giám đốc Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia cho biết, Quỹ bao gồm chức năng của cả 3 đơn vị: Văn phòng các Chương trình trọng điểm cấp nhà nước, Văn phòng các Chương trình Khoa học và Công nghệ quốc gia và Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia. Cụ thể, đơn vị có nhiệm vụ quản lý, tổ chức các hoạt động xét duyệt, tài trợ cho nhiều loại hình nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia khác nhau, có quy mô và yêu cầu đầu ra của nhiệm vụ khác nhau, chịu sự điều chỉnh của nhiều hệ thống văn bản quy phạm pháp luật khác nhau. Lần đầu tiên Việt Nam thống nhất toàn bộ kinh phí hoạt động cho các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia vào một cơ quan điều hành duy nhất là Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia. Quỹ không chỉ tài trợ cho nghiên cứu cơ bản mà còn đảm nhận toàn diện các chương trình nghiên cứu ứng dụng và sản xuất. 

Nâng tầm Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia: Từ cơ chế tài trợ đến định hình chiến lược quốc gia - Ảnh 1.

Đây là mô hình tổ chức quản lý nhiệm vụ mang tính hiện đại, hội nhập quốc tế; tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học tiếp cận nguồn lực, giảm thiểu thủ tục hành chính, tăng tính linh hoạt và hiệu quả trong công tác quản lý. Ảnh minh hoạ: TTXVN

Theo ông Đào Ngọc Chiến, nhằm góp phần đưa khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành động lực tăng trưởng mới của đất nước, dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo đang được Quốc hội xem xét, cho ý kiến và dự kiến được thông qua tại Kỳ họp thứ 9, trong đó có nhiều nội dung đột phá quan trọng như khoán đến sản phẩm cuối cùng, chấp nhận rủi ro, ưu tiên cấp ngân sách nhà nước qua cơ chế quỹ… Để chuẩn bị tốt nhất cho việc triển khai các hoạt động của Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia, đáp ứng yêu cầu mới đặt ra tại Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo cũng như yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, việc tái cơ cấu để nâng cao hoạt động của Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ là đặc biệt quan trọng đối với sứ mạng và tầm nhìn của Quỹ trong thời gian tới.

Ông Phạm Đình Nguyên, Phó Giám đốc Cơ quan điều hành Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia cho biết, Quỹ đã và đang đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, thúc đẩy hội nhập quốc tế và hỗ trợ đào tạo nhân lực trình độ cao. Việc tài trợ cho các đề tài nghiên cứu, đặc biệt là nghiên cứu cơ bản đã góp phần tạo nền tảng cho hệ sinh thái khoa học và công nghệ quốc gia.

Nâng tầm Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia: Từ cơ chế tài trợ đến định hình chiến lược quốc gia - Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ: TTXVN

Về định hướng sắp tới, theo ông Phạm Đình Nguyên, Quỹ sẽ đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng minh bạch, thuận lợi cho nhà khoa học, đồng thời áp dụng mạnh mẽ chuyển đổi số trong toàn bộ quy trình tài trợ và quản lý nhiệm vụ. Bên cạnh đó, Quỹ sẽ mở rộng phạm vi tài trợ sang các công nghệ chiến lược mới nổi, tăng cường hỗ trợ các nhóm nghiên cứu trẻ, nghiên cứu liên ngành có tính đột phá, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội và nâng cao vị thế khoa học của Việt Nam trong khu vực.

Ông Phạm Ngọc Điệp (Trung tâm Vũ trụ Việt Nam) đánh giá cao vai trò của Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia, coi đây là một trong những trụ cột quan trọng góp phần nâng cao chất lượng nghiên cứu và phát triển nguồn lực khoa học của đất nước. Trong bối cảnh hiện nay, nhiệm vụ của Quỹ cần được nâng lên một tầm cao mới, đặc biệt là trong vai trò định hướng chiến lược quốc gia về nghiên cứu khoa học. Điều này bao gồm việc xác định các hướng nghiên cứu ưu tiên dựa trên thế mạnh nội tại của Việt Nam và các xu hướng công nghệ toàn cầu, cũng như đầu tư bài bản cho các nhóm nghiên cứu tiềm năng, có khả năng cạnh tranh quốc tế. Ông cũng nhấn mạnh sự cần thiết của một cơ chế cân bằng giữa nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng, giữa tự do học thuật và định hướng chiến lược.

Để hiện thực hóa những mục tiêu trên, ông Phạm Ngọc Điệp cho rằng, NAFOSTED cần học hỏi và áp dụng các thông lệ quốc tế tốt nhất từ các quỹ quốc tế uy tín; tăng cường mời các chuyên gia quốc tế, trong đó có các nhà khoa học Việt kiều, tham gia sâu hơn vào hội đồng chuyên ngành để đảm bảo tính khách quan, chất lượng và hội nhập. Ông Phạm Ngọc Điệp đề xuất Quỹ cần có chiến lược rõ ràng trong việc lựa chọn các lĩnh vực ưu tiên, thông qua các cuộc tham vấn rộng rãi với giới khoa học, doanh nghiệp và các nhà hoạch định chính sách; ưu tiên hỗ trợ các nhà khoa học trẻ, nhà khoa học nữ và các nhóm nghiên cứu mới hình thành; thiết kế các chương trình tài trợ đặc thù và linh hoạt hơn, giảm bớt rào cản hành chính để tạo điều kiện cho các nhà khoa học tập trung chuyên môn và phát huy tiềm năng sáng tạo.

Quỹ cũng cần tiếp tục nâng cao năng lực quản trị, tăng cường tính minh bạch, nâng cao trách nhiệm giải trình và đầu tư cho hệ thống công nghệ thông tin phục vụ quản lý, đánh giá, cũng như đơn giản hóa thủ tục tài trợ.

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link