12/05/2025 15:35 GMT+7 | Tin tức 24h
Tại Kỳ họp thứ 9, nhiều đại biểu quan tâm, tham góp ý kiến về hoàn thiện thể chế, pháp luật, chính sách để triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân.
Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (Hậu Giang) cho rằng để thể chế hóa kịp thời Nghị quyết số 57, phải tăng cường tính khả thi cho các quy định trong dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo; bảo đảm sự đồng bộ và tính khả thi trong quy định của các luật khác cũng được trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9 này, như: Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi), Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp…
Có những quy định về thuế liên quan đến khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo cần sửa đổi ngay để thể chế hóa kịp thời Nghị quyết số 68, ví dụ như giải pháp: cho phép các doanh nghiệp được tính vào chi phí khi xác định thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp đối với hoạt động nghiên cứu và phát triển. Có chính sách hỗ trợ chi phí đầu tư mua sắm máy móc, đổi mới công nghệ, chi phí thực hiện chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh doanh bền vững, tuần hoàn thông qua cơ chế khấu trừ thuế thu nhập doanh nghiệp hoặc tài trợ qua các quỹ.
Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN
Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh cũng nêu vấn đề lớn cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện về chính sách của Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu và phát triển công nghệ chiến lược, về Quỹ phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Đại biểu cho biết, dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo quy định Nhà nước thực hiện chính sách hỗ trợ, đầu tư, hợp tác và giao nhiệm vụ cho doanh nghiệp Việt Nam trong nghiên cứu, phát triển công nghệ chiến lược thông qua việc hỗ trợ một phần chi phí. Đại biểu đề nghị thay “hỗ trợ một phần” thành “hỗ trợ chi phí” để linh hoạt trong thực tiễn và giao Chính phủ quy định, bảo đảm tính ổn định của Luật. Quy định như vậy sẽ bảo đảm sau này có thể có trường hợp Nhà nước hỗ trợ 100% kinh phí cho việc đầu tư phòng thí nghiệm hoặc dự án phát triển công nghệ mang tính chiến lược. Như vậy, sẽ đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra trong đầu tư phòng thí nghiệm và phát triển công nghệ mang tính chiến lược.
Trong Nghị quyết số 68 về phát triển kinh tế tư nhân, có nêu: Doanh nghiệp được trích tối đa 20% thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp để lập quỹ phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và nghiên cứu phát triển. Doanh nghiệp được sử dụng quỹ để tự triển khai hoặc đặt hàng nghiên cứu phát triển bên ngoài theo cơ chế khoán sản phẩm.
Theo đề nghị của đại biểu đoàn Hậu Giang, ngoài quy định như dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (mua sản phẩm của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; thực hiện mua bán, sáp nhập, đầu tư hoặc cùng đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo), cần nghiên cứu để bổ sung mục đích sử dụng Quỹ, bao gồm các mục đích chi như sau: chi cho hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; đặt hàng, mua sản phẩm của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; thực hiện mua bán, sáp nhập, đầu tư hoặc cùng đầu tư vào dự án khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; hình thành, tham gia góp vốn vào quỹ đầu tư mạo hiểm.
Còn đại biểu Nguyễn Việt Hà (Tuyên Quang) đề nghị, trong việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp, cần nghiên cứu, bổ sung kịp thời một số nội dung của Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân, đặc biệt là quyền kinh doanh của doanh nghiệp chỉ có thể bị hạn chế vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, môi trường và sức khỏe của cộng đồng và phải được quy định trong luật.
Đồng thời, rà roát các luật và văn bản dưới luật để bảo đảm các ngành nghề cấm kinh doanh được luật hóa, tránh trường hợp quy định ở các văn bản dưới luật dẫn đến hạn chế quyền kinh doanh của doanh nghiệp.
Về nguyên tắc chuyển việc quản lý điều kiện kinh doanh từ cấp phép, chứng nhận sang thực hiện công bố điều kiện kinh doanh và hậu kiểm; nguyên tắc này được luật hóa sẽ là công cụ hữu hiệu giúp cắt giảm các thủ tục hành chính, các rào cản về giấy phép con cho doanh nghiệp, vì hiện nay các điều kiện kinh doanh chủ yếu nằm ở các văn bản dưới luật, có nhiều điều kiện không cần thiết làm phát sinh thêm nhiều giấy phép con, khiến doanh nghiệp bị kìm hãm gia nhập, hoạt động, tốn thời gian và chi phí không cần thiết.
"Tôi đề nghị bổ sung quy định xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan quản lý Nhà nước trong giải quyết thủ tục hành chính, gắn trách nhiệm của người đứng đầu vào kết quả thực hiện các thủ tục này sẽ giúp tăng tính kịp thời, tính tuân thủ để tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp", đại biểu Nguyễn Việt Hà đề nghị.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất