17/07/2025 07:49 GMT+7 | Tin tức 24h
Từ ngày 1/7/2025, cả nước bước vào thời điểm lịch sử, 34 tỉnh thành trong cả nước vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp chưa từng có trong tiền lệ.
Quyết sách này không phải đơn thuần là phép cộng không gian địa lý, mà là sự hợp lực tạo ra dư địa phát triển mới cũng như tạo hiệu ứng lan tỏa, phát triển ở tầm cao hơn cho các "cực tăng trưởng" mới. Phóng viên TTXVN ghi nhận ý kiến của lãnh đạo một số tỉnh, thành phố về ý nghĩa lịch sử của quyết sách này cũng như kỳ vọng, định hướng phát triển sau thực hiện sắp xếp.
Ông Nguyễn Văn Được, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh: Hợp lực để tạo ra động lực mới, dư địa mới
Ngày 12/6/2025, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký ban hành Nghị quyết số 202/2025/QH15 của Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh; trong đó, thành lập TP. Hồ Chí Minh (mới) trên cơ sở hợp nhất ba địa phương: TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu và Bình Dương. TP. Hồ Chí Minh mới trở thành vùng lõi của Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam. Quyết sách này không phải đơn thuần là phép cộng không gian địa lý, mà là sự hợp lực tạo ra động lực mới, dư địa mới để phát triển ở tầm cao hơn, đẳng cấp hơn với tầm nhìn trở thành Top 100 Thành phố đáng sống trên thế giới đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Được. Ảnh: Xuân Khu-TTXVN
Để đạt được mục tiêu đó, TP. Hồ Chí Minh sẽ tập trung triển khai chính quyền địa phương 2 cấp "tinh-gọn-mạnh-hiệu năng-hiệu lực-hiệu quả" với tinh thần thần tốc, quyết liệt, vừa chạy vừa xếp hàng. Đây là mục tiêu tổng quát, hướng đến việc xây dựng bộ máy chính quyền địa phương hoạt động hiệu quả, giảm bớt các tầng nấc trung gian, tinh giản biên chế, tăng cường năng lực và khả năng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Song song đó, Thành phố nhanh chóng rà soát điều chỉnh và xây dựng quy hoạch mới với tầm nhìn "1 không gian - 3 khu vực"; trong đó, khu vực TP. Hồ Chí Minh (cũ) đóng vai trò là "thủ phủ tài chính và công nghệ cao", tập trung phát triển trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ, công nghệ và đổi mới sáng tạo; khu vực Bình Dương (cũ) đóng vai trò "thủ phủ công nghiệp", là trung tâm sản xuất, công nghiệp công nghệ cao; khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu (cũ) là "thủ phủ kinh tế biển", đóng vai trò là cửa ngõ cảng biển quốc tế, phát triển các dịch vụ logistic và trung tâm công nghiệp năng lượng.
Việc phát huy nguồn lực của từng địa phương cũ trong không gian phát triển mới sẽ đưa TP. Hồ Chí Minh tiến gần hơn mục tiêu trở thành "siêu đô thị quốc tế" - một đô thị thông minh, xanh, sáng tạo, tiêu biểu không chỉ về sức mạnh kinh tế mà cả sự phong phú về văn hóa, nghệ thuật, thể thao, giải trí và phong cách sống hiện đại, năng động.
Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng: Hội tụ nâng tầm giá trị
Sau 28 năm tạm thời chia tách để phát triển, nay Quảng Nam và Đà Nẵng đã trở thành một đơn vị hành chính mới: thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương, mang tầm vóc, vị thế mới. Lần hợp nhất này không chỉ là phép cộng cơ học về địa lý, dân số hay ngân sách, mà là sự hội tụ nâng tầm của giá trị chính trị, kinh tế, lịch sử, bản sắc văn hóa, tinh thần cách mạng, truyền thống đoàn kết, ý chí tự lực tự cường và khát vọng vươn lên của con người và vùng đất xứ Quảng…
Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng. Ảnh: Quốc Dũng - TTXVN
Sau khi hợp nhất, thành phố Đà Nẵng hiện nay có tiềm lực sức mạnh lớn hơn, điều kiện phát triển tốt hơn. Thành phố sẽ tiếp tục quyết tâm thực hiện thành công các mô hình, định hướng mới như: Khu thương mại tự do, Trung tâm tài chính quốc tế, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo… Thành phố quyết liệt triển khai các giải pháp phát triển, phấn đấu tăng trưởng cả năm 2025 đạt trên 10%. Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục rà soát, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan các dự án, đất đai theo Kết luận số 77-KL/TW ngày 2/5/2024 của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 170/2024/QH15 ngày 30/11/2024 của Quốc hội…
Về quy hoạch phát triển, thành phố Đà Nẵng sẽ được định hướng phát triển theo hướng Đông – Tây, đặc biệt tập trung phát triển các vùng phía Tây, vùng ven biển và vùng Khu kinh tế Chu Lai gắn với sân bay và cảng biển. Thành phố Đà Nẵng dự kiến xin ý kiến Quốc hội, Chính phủ đồng ý để thành phố xây dựng đường sắt đô thị tốc độ 160 km/h để kết nối hai sân bay Đà Nẵng và Chu Lai. Nếu được chấp thuận sẽ quyết tâm hoàn thiện giai đoạn 1 của dự án, nối từ sân bay Đà Nẵng đến Hội An ngay trong nhiệm kỳ tới. Thành phố Đà Nẵng cũng sẽ phát triển các trục đô thị mới, định hướng phát triển dọc theo sông Trường Giang, dọc bờ biển để tăng tỷ lệ đô thị hóa trên 60%. Tại khu vực phía Tây, thành phố định hướng tập trung phát triển hạ tầng theo 3 lĩnh vực chính là: giao thông, y tế và giáo dục, đồng thời nâng cao khả năng kết nối viễn thông của khu vực…
Ông Trần Huy Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai: Đưa Lào Cai trở thành vùng kinh tế động lực nơi biên giới
Từ ngày 1/7, tỉnh Lào Cai mới đã được thành lập trên cơ sở hợp nhất toàn bộ địa giới hành chính hai tỉnh Lào Cai và Yên Bái. Với tổng diện tích tự nhiên 13.256,92 km², dân số 1.778.785 người, gồm 99 đơn vị hành chính cấp xã, tỉnh Lào Cai mới có đầy đủ đặc trưng của vùng cao, vùng thấp, đô thị, nông thôn và nhiều tiểu vùng phát triển có lợi thế riêng biệt.
Việc hợp nhất không chỉ đơn thuần là sắp xếp lại địa giới hành chính, mà là bước chuyển quan trọng trong tư duy phát triển. Đây là tiền đề để kết nối đồng bộ không gian phát triển, xây dựng hạ tầng hiện đại, thúc đẩy liên kết vùng, cơ cấu lại các ngành kinh tế, phân bổ nguồn lực hợp lý và kiến tạo hệ thống quản trị phát triển hiệu quả. Quan trọng hơn, đây còn là thời cơ quý báu để tỉnh Lào Cai tái định hình tư duy phát triển, xây dựng tầm nhìn chiến lược mang tính dài hạn, bền vững và phù hợp với yêu cầu phát triển trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Ông Trần Huy Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai (mới) nhiệm kỳ 2020 - 2025. Ảnh: Tuấn Anh-TTXVN
Trên nền tảng đó, mục tiêu chiến lược được xác lập là xây dựng Lào Cai trở thành vùng kinh tế động lực nơi biên giới, có cấu trúc đa trung tâm, phát triển đồng bộ, gắn kết chặt chẽ giữa các ngành nông nghiệp, công nghiệp, du lịch và logistics, từ đó hình thành các chuỗi giá trị liên vùng và xuyên biên giới. Với tầm nhìn xa hơn, Lào Cai sẽ là trung tâm kết nối quốc tế hiện đại, có năng lực cạnh tranh cao, đóng vai trò cửa ngõ quan trọng của Việt Nam trong giao thương và hợp tác với các tỉnh Tây Nam Trung Quốc và khu vực ASEAN.
Để cụ thể hóa, tỉnh đã định hình lại không gian phát triển kinh tế - xã hội với tư duy chiến lược rõ ràng và đồng bộ theo hướng: Một trục động lực, hai cực phát triển, ba vùng kinh tế, bốn trụ cột phát triển - một cấu trúc liên hoàn, hỗ trợ nhau tạo nên sức mạnh tổng thể.
Bài 3: Xung lực mới cho thu hút đầu tư
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất