Giáo sư Sử học Pháp đánh giá mối quan hệ Việt - Pháp phong phú và đầy hứa hẹn

23/05/2025 10:25 GMT+7 | Tin tức 24h

Giáo sư, Tiến sĩ Pierre Journoud đã đưa ra những phân tích chi tiết về tình hình hiện tại của quan hệ Việt - Pháp.

Theo phóng viên TTXVN tại Paris, trước thềm chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng thống Cộng hòa Pháp Emmanuel Macron và Phu nhân, dự kiến diễn ra từ ngày 25-27/5, nhà sử học, Giáo sư, Tiến sĩ Pierre Journoud đã đưa ra những phân tích chi tiết về tình hình hiện tại của quan hệ Việt - Pháp và quá trình phát triển của mối quan hệ đã được nâng tầm Đối tác chiến lược toàn diện vào tháng 10/2024. Đây là chuyến thăm của vị Tổng thống Pháp thứ tư tới Việt Nam, diễn ra trong bối cảnh địa chính trị đang thay đổi sâu sắc.

Mặc dù còn quá sớm để đánh giá đầy đủ kết quả của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt - Pháp, bởi hiệp định này mới chỉ được ký kết vào cuối năm 2024, song Giáo sư Sử học Pierre Journoud khẳng định rằng "đây là một bước tiến rất quan trọng trong quá trình tích lũy niềm tin, cơ chế đối thoại và hợp tác giữa hai nước". Theo ông, một trong những chất xúc tác giúp đẩy nhanh tiến trình ký kết chính là sự gia tăng các chuyến thăm cấp cao, nổi bật là chuyến thăm của Bộ trưởng Bộ Quân đội Pháp Sébastien Lecornu và Quốc vụ khanh Patricia Miralles nhân dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.

Giáo sư Journoud đánh giá cao tác động lan tỏa từ mối quan hệ chính trị đến các cơ chế đối thoại mới giữa hai nước, đặc biệt trong lĩnh vực hàng hải, một lĩnh vực mà cả Việt Nam và Pháp đều có lợi ích chiến lược rõ rệt. Ông khẳng định “Đối thoại hàng hải cấp Bộ Ngoại giao giữa hai nước là một minh chứng rõ ràng cho chiều sâu chiến lược mà quan hệ song phương đang đạt được, cũng như chính chuyến thăm sắp tới của Tổng thống Emmanuel Macron”.

Giáo sư Sử học Pháp đánh giá mối quan hệ Việt - Pháp phong phú và đầy hứa hẹn - Ảnh 1.

Giáo sư sử học Pierre Journoud, chuyên gia về lịch sử đương đại Việt Nam. Ảnh: Thu Hà - P/v TTXVN tại Pháp

Theo nhà sử học Journoud, có nhiều yếu tố thuận lợi thúc đẩy sự phát triển trong quan hệ giữa Việt Nam và Pháp, trước hết là các yếu tố mang tính chính trị - chiến lược. Theo ông, hai quốc gia có sự tương đồng trong phân tích các vấn đề quốc tế lớn, đặc biệt là sự cần thiết phải tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có luật biển, cũng như tôn trọng chủ nghĩa đa phương nói chung. Bên cạnh đó, hai nước còn có chung một tầm nhìn đối với các thách thức toàn cầu, cũng như sự cần thiết phải bảo vệ chủ nghĩa đa phương, vốn đang bị các cường quốc lớn làm suy yếu.

Về phương diện kinh tế, nhà sử học Journoud ghi nhận nhiều điểm bổ sung lẫn nhau của hai nền kinh tế, vốn cần được khai thác nhiều hơn nữa nhằm thúc đẩy thương mại song phương phát triển mạnh mẽ và hiệu quả hơn.

Bên cạnh các khía cạnh chính trị và kinh tế, nhà sử học Journoud nhấn mạnh đến chiều sâu lịch sử và văn hóa đã gắn kết Việt Nam và Pháp trong suốt nhiều thập kỷ. Tuy vậy, ông cũng lưu ý rằng vẫn tồn tại một ký ức tập thể và “ký ức đó vừa có mặt tiêu cực, là chiến tranh, nhưng tôi cho rằng chúng ta đã khép lại chương sử đó từ lâu. Nhiều chuyến thăm của các nhà lãnh đạo Pháp tới Điện Biên Phủ, đặc biệt, đã thể hiện rõ mong muốn khép lại quá khứ và hướng tới tương lai”.

Giáo sư Journoud cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của cộng đồng người Pháp gốc Việt: “Hiện có khoảng 300.000 đến 350.000 người Pháp gốc Việt – một con số không hề nhỏ. Đây chính là các cầu nối tiềm năng trong quan hệ song phương giữa Pháp và Việt Nam”. Không dừng lại ở đó, ông cũng ghi nhận sự quan tâm ngày càng gia tăng của người Pháp đối với Việt Nam. Dù đại dịch COVID-19 từng làm gián đoạn, nhưng theo ông, ngày càng nhiều người Pháp đến thăm Việt Nam để tự mình khám phá đất nước này.

Ông cũng đề cập đến sự phát triển trong lĩnh vực giáo dục và trao đổi học thuật: “Hiện nay có khá nhiều hoạt động trao đổi sinh viên giữa hai nước. Ban đầu số lượng còn rất ít, nhưng giờ đây ngày càng có nhiều sinh viên Pháp muốn khám phá Việt Nam. Còn sinh viên Việt Nam tại Pháp, theo tôi, đã đạt khoảng 5.000 đến 6.000 người vào năm 2024.”

Giáo sư Sử học Pháp đánh giá mối quan hệ Việt - Pháp phong phú và đầy hứa hẹn - Ảnh 2.

Đoàn Bộ Nội vụ Việt Nam và Bộ Công vụ, Đơn giản hóa và Chuyển đổi dịch vụ công nước Cộng hòa Pháp. Ảnh: TTXVN phát

Giáo sư Journoud nhấn mạnh rằng dù đã đạt được nhiều tiến triển tích cực, nhưng Việt Nam và Pháp vẫn đang phải đối mặt với một số thách thức lớn. Trước hết là các thách thức toàn cầu, trong đó có thách thức về môi trường, hiện tượng biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng. Bên cạnh đó là “thách thức gìn giữ hòa bình trên thế giới”. Ông bày tỏ ấn tượng trước vai trò tích cực và năng động của Việt Nam trên cả bình diện khu vực và toàn cầu nhằm thúc đẩy một nền ngoại giao vì hòa bình.

Về quan hệ song phương, thách thức nổi bật nhất mà Giáo sư Journoud chỉ ra là lĩnh vực thương mại. Ông đưa ra so sánh đầy tiếc nuối khi cho biết cách đây khoảng 40 năm, Pháp từng chiếm khoảng 5-6% thị phần tại thị trường Việt Nam. Ngày nay, con số đó chỉ còn 0,5%.

Đề cập đến các giải pháp để vượt qua các thách thức trong quan hệ song phương, tăng cường trao đổi và hợp tác, nhà sử học  Journoud đã đề xuất một số hướng đi cụ thể. Trước hết, ông nhấn mạnh sự cần thiết phải nâng cao hiểu biết của các nhà hoạch định chính sách và giới doanh nghiệp Pháp về Việt Nam. Để thực hiện điều đó, ông gợi ý nên xây dựng một mạng lưới các cá nhân trung gian, những người hiểu sâu sắc cả hai quốc gia và đã có kinh nghiệm trong hợp tác song phương, có khả năng hỗ trợ, tư vấn cho doanh nghiệp, nghị sĩ hoặc các nhà hoạch định chính sách trong quá trình tiếp cận thị trường và đối tác Việt Nam.

Giáo sư Journoud cũng cho rằng để đạt được kết quả trong hợp tác với Việt Nam, Pháp cần phải cạnh tranh thực sự, "phải giới thiệu sản phẩm, khẳng định thế mạnh của mình..."

Giáo sư Sử học Pháp đánh giá mối quan hệ Việt - Pháp phong phú và đầy hứa hẹn - Ảnh 3.

Tiết mục giao lưu văn nghệ tại chương trình giao lưu, liên hoan ca nhạc do Hội hữu nghị Việt - Pháp thành phố Hà Nội tổ chức. Ảnh: TTXVN phát

Về đến chuyến thăm sắp tới của Tổng thống Emmanuel Macron tới Việt Nam, Giáo sư Pierre Journoud khẳng định đây là sự kiện “rất quan trọng” đối với quan hệ song phương vì đây là chuyến thăm của vị Tổng thống Pháp thứ tư tới Việt Nam, sau các Tổng thống tiền nhiệm François Mitterrand (1993), Jacques Chirac (1997 và 2004), và François Hollande (2016).

Nhìn nhận chuyến thăm lần này trong một bối cảnh lịch sử sâu sắc, ông Journoud cho rằng nếu như chuyến thăm của Tổng thống Mitterrand vào năm 1993 từng mang ý nghĩa “khép lại một chương sử cũ và mở ra một chương mới”, khi Việt Nam lúc ấy vẫn đang trong giai đoạn hậu chiến, thì chuyến thăm lần này của Tổng thống Macron diễn ra trong một môi trường địa chính trị đã hoàn toàn thay đổi. Việt Nam giờ đây đã rất xa thời kỳ chiến tranh. Thay vào đó, Việt Nam thể hiện một khát vọng hợp tác quốc tế mạnh mẽ, ngày càng tham gia tích cực vào các hoạt động ngoại giao đa phương, từ khu vực đến toàn cầu, trong đó có cả Liên hợp quốc với khoảng 30 sứ mệnh gìn giữ hòa bình kể từ khi nước này bắt đầu tham gia vào năm 2014.

Giáo sư Journoud nhận định thêm rằng chuyến thăm của Tổng thống Pháp tới Việt Nam có ý nghĩa "rất quan trọng, bởi hai nước có sự đồng thuận rõ ràng về lợi ích chiến lược, đặc biệt là quanh vấn đề chủ nghĩa đa phương và luật pháp quốc tế, những giá trị đang bị đe dọa trong một thế giới đầy bất ổn hiện nay.”

Ông cũng cho rằng quan hệ Việt Nam - Pháp có thể trở thành một mô hình hòa giải điển hình. Ông nêu rõ: “Hai nước từng là cựu thù, và người Việt Nam sau đó cũng từng trải qua nhiều cuộc chiến khác. Tuy nhiên, hai nước đã hòa giải khá nhanh chóng sau chiến tranh và tiếp tục theo đuổi một tư duy hòa bình, trung gian, hoà hoãn trong các xung đột khu vực.”

Kết thúc buổi trao đổi, Giáo sư Journoud nhấn mạnh tính đặc biệt và chiều sâu của quan hệ song phương Pháp - Việt. Ông nhấn mạnh: “Chúng ta có may mắn sở hữu một mối quan hệ song phương rất phong phú, trải rộng trên nhiều lĩnh vực, điều này không phải quốc gia nào cũng có được”. Chuyến thăm của Tổng thống Emmanuel Macron đến Việt Nam sắp tới "được xem như một cơ hội để làm sâu sắc thêm các mối quan hệ hiện có, đồng thời giải quyết những thách thức đã được nêu, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại".

Nguyễn Thu Hà/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link