"Dạo chơi" trong thế giới nghệ thuật nhờ công nghệ số

11/07/2025 07:11 GMT+7 | Văn hoá

Không còn hiện diện dưới lớp sơn dầu hay khung gỗ truyền thống, những kiệt tác nghệ thuật được tái hiện bằng công nghệ số. Nhưng điều đặc biệt hơn cả là cách người xem tiếp cận chúng: không chỉ bằng mắt, mà bằng cả cảm xúc và sự chiêm nghiệm.

Đó là những gì art tour "Xâu chuỗi cảm xúc - Connect the Dots", chuyến hành trình khám phá các tác phẩm của trường phái Chấm họa, một trường phái nghệ thuật quan trọng của thế kỷ 19 vừa diễn ra tại Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (72A Nguyễn Trãi, Hà Nội).

Trưng bày các kiệt tác trong không gian nghệ thuật hiện đại

Trong không gian Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA), những điểm chấm nhỏ đang cùng nhau kể một câu chuyện. Một câu chuyện bắt đầu bằng một lời mời: "Hãy lùi lại, để hòa mình và cảm nhận vẻ đẹp bên trong các bức tranh". Đó là lời dẫn dắt nhẹ nhàng, nhưng đầy khơi gợi của art tour "Xâu chuỗi cảm xúc - Connect the Dots", một chương trình đặc biệt nằm trong khuôn khổ triển lãm kỹ thuật số "Ngẫu biến Hạnh phúc".

Dưới sự hướng dẫn của Nguyễn Tú Hằng, Giám đốc của Hanoi Grapevine, art tour đã đưa người xem vào một hành trình thị giác, một cuộc đối thoại với lịch sử nghệ thuật, khám phá trường phái Chấm họa (Pointillism).

"Dạo chơi" trong thế giới nghệ thuật nhờ công nghệ số - Ảnh 1.

Giám tuyển giáo dục Nguyễn Tú Hằng

Các kiệt tác của Georges Seurat, Paul Signac, Anna Boch, Camille Pissarro, Maximilien Luce, Théo van Rysselberghe hay Vincent van Gogh được phân bổ trên các thiết bị trình chiếu trong không gian VCCA. Bản quyền được mua từ các đối tác lưu trữ ảnh tác phẩm của các bảo tàng danh tiếng thế giới. Những tấm ảnh gốc được nhóm kỹ thuật xử lý kỹ càng, tạo ra chuyển động mềm mại, uyển chuyển, giúp hình ảnh sống động hơn, khiến người xem có thể tưởng tượng và cảm nhận sâu sắc từng chi tiết.

Không gian triển lãm được thiết kế tối giản, ánh sáng dịu nhẹ và được kiểm soát chặt chẽ để không làm ảnh hưởng tới trải nghiệm của người xem. Mỗi bức tranh được chiếu khổ lớn với độ phân giải cao, kết hợp nền nhạc du dương, tạo nên sự đồng điệu cảm xúc. Người xem bước vào một thế giới vừa thực vừa ảo, nơi các điểm chấm màu rực rỡ tỏa sáng như những "pixel" hội tụ từ thế giới công nghệ số, dẫn dắt họ vào hành trình chiêm nghiệm đầy cảm xúc.

Dẫn dắt art tour, Nguyễn Tú Hằng, Giám đốc Hanoi Grapevine, cho biết chị lựa chọn cách để khán giả tự chiêm nghiệm thay vì giải thích ý nghĩa tác phẩm, bởi mỗi tác phẩm đều có thể được hiểu theo nhiều cách, từ cảm nhận trực tiếp đến suy tưởng sâu sắc qua các tầng lớp thông tin về bối cảnh và cảm hứng sáng tác.

"Mình muốn tạo một không gian với các thông tin được sắp xếp để tạo nên bối cảnh, từ đó khán giả sẽ tự khám phá và đào sâu ý nghĩa tác phẩm theo cách riêng".

Điều thú vị nhất khi thưởng thức trường phái Chấm họa qua hình thức kỹ thuật số, theo giám tuyển Tú Hằng, là sự gắn bó mật thiết giữa hội họa và khoa học thị giác. Mỗi điểm chấm màu được phóng chiếu sắc nét tựa như triệu triệu pixel trong thế giới công nghệ số ngày nay, từ đó giúp người xem hiểu rõ hơn về sự phát triển của kỹ thuật phối màu và công nghệ hiển thị qua từng thời kỳ.

"Dạo chơi" trong thế giới nghệ thuật nhờ công nghệ số - Ảnh 2.

Người xem thưởng thức các tác phẩm trường phái Chấm họa

Chị cũng nhấn mạnh rằng art tour không chỉ là một hình thức tham quan mà còn là chương trình giáo dục nghệ thuật thiết thực, giúp khán giả, đặc biệt là các bạn trẻ, có cơ hội tiếp cận nghệ thuật kinh điển theo cách thân thiện và dễ hiểu hơn. "Hiện tại, các chương trình giáo dục nghệ thuật ở Việt Nam chưa phổ biến, nên art tour như một cuộc dạo chơi nhẹ nhàng trong thế giới nghệ thuật, khơi dậy hứng thú, khiến người xem nán lại lâu hơn, ngẫm nghĩ và cảm nhận sâu sắc hơn".

Về tương lai, triển lãm số và art tour được chị đánh giá là xu hướng phát triển tất yếu của trưng bày nghệ thuật. Công nghệ trình chiếu ngày càng tinh vi sẽ giúp đưa nghệ thuật đến với đông đảo công chúng khắp nơi, không chỉ giảm thiểu chi phí và rủi ro bảo quản tác phẩm gốc mà còn mang lại trải nghiệm mới lạ, hấp dẫn, mở rộng khả năng sáng tạo và tiếp cận.

"Triển lãm số giúp nghệ thuật kinh điển gần gũi hơn với công chúng, làm tăng thẩm mỹ và giáo dục mỹ thuật một cách hiệu quả, linh hoạt", chị nói thêm. Với kinh nghiệm giám tuyển, chị còn dự định áp dụng mô hình này cho các trường phái hội họa khác, đồng thời xây dựng cộng đồng khán giả có tư duy phản biện cao, nâng tầm chất lượng thưởng thức nghệ thuật đương đại tại Việt Nam.

Cuộc đối thoại với lịch sử hội họa

Trường phái Chấm họa ra đời vào những năm 1880. Cái tên tưởng chừng khô khan ấy đã làm nên một cuộc cách mạng về tạo hình thời điểm đó. Trường phái chấm họa còn có một tên khác là trường phái Tân ấn tượng và được nối tiếp sau trường phái ấn tượng. Có một thời kỳ khá ngắn ngủi nhưng trường phái chấm họa đã gây được tiếng vang rất lớn. Nó đi ngược lại với trường phái ấn tượng ở chỗ tập trung vào tính chính xác của khoa học và dựa trên các nguyên lý quang học để tạo nên một tác phẩm.

"Dạo chơi" trong thế giới nghệ thuật nhờ công nghệ số - Ảnh 3.

Người xem khám phá art tour “Xâu chuỗi cảm xúc”

Về bản chất, trường phái Chấm họa vừa mang tính phương pháp luận vừa mang tính triết lý, một sự thay đổi táo bạo từ tính ngẫu hứng của trường phái Ấn tượng để hướng tới một sự chính xác tuyệt đối về mặt khoa học. Lần đầu tiên được phát triển vào những năm 1880, kỹ thuật này chịu ảnh hưởng sâu sắc từ các lý thuyết về màu sắc của nhà hóa học người Pháp Michel Eugène Chevreul.

Các họa sĩ không pha trộn màu trên bảng, mà chấm trực tiếp từng màu nguyên sắc lên toan vải, để khi nhìn từ xa, với nguyên lý quang học đã được tính toán chính xác, mắt người tự tạo nên bức tranh hài hoà màu sắc hoàn chỉnh. Đó không chỉ là kỹ thuật, mà còn là tuyên ngôn thẩm mỹ: cái đẹp đến từ những điểm nhỏ bé, nhưng nếu biết cách sắp xếp, chúng sẽ cùng nhau tỏa sáng.

Chấm họa về bản chất là sự tích lũy của những điều nhỏ bé. Và có lẽ, giữa cuộc sống hiện đại nhiều đứt gãy và vội vã, những art tour như "Xâu chuỗi cảm xúc" là lời nhắc nhẹ nhàng rằng: mỗi trải nghiệm, mỗi cảm xúc, mỗi điểm chấm nhỏ trong ta rồi sẽ tạo nên một bức tranh lớn hơn.

Người xem, dù là học sinh, người trưởng thành hay những người đam mê nghệ thuật, đều tìm thấy cho mình một điểm dừng, một cự ly, để xâu chuỗi cảm xúc với từng tác phẩm.

"Ngẫu biến Hạnh phúc"

"Sẽ chẳng có lỗi lầm gì, trong nghệ thuật chỉ tồn tại những ngẫu biến hạnh phúc mà thôi" lời bộc bạch của họa sĩ người Pháp Georges Seurat, cha đẻ của Trường phái Chấm họa (Pointillism), chính là nguồn cảm hứng cho tên gọi triển lãm "Ngẫu Biến Hạnh Phúc – Happy Accidents".

Triển lãm “Ngẫu biến Hạnh phúc”

Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA) đã ra mắt triển lãm kỹ thuật số "Ngẫu biến Hạnh phúc", giới thiệu gần 150 tác phẩm thuộc trường phái Chấm họa (Pointillism) của 10 danh họa lừng danh thế giới.

"Ngẫu biến Hạnh phúc" là một phần trong chuỗi triển lãm các tác phẩm kinh điển thế giới do VCCA tổ chức từ năm 2019.

An Hạ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link