11/07/2025 11:27 GMT+7 | Tin tức 24h
Việt Nam đang đối mặt với tốc độ già hóa dân số nhanh hàng đầu châu Á, đặt ra những thách thức to lớn về an sinh xã hội, y tế và lực lượng lao động.
Trong bối cảnh đó, thanh niên, lực lượng đang chiếm tỷ lệ cao nhất trong cơ cấu dân số đang được kỳ vọng trở thành nhân tố trung tâm trong chiến lược thích ứng. Không chỉ là đối tượng bị ảnh hưởng, thanh niên chính là lực lượng tiên phong kiến tạo những giải pháp bền vững cho tương lai.
Dân số già hóa nhanh, người trẻ chưa sẵn sàng làm cha mẹ
Theo Tổng cục Thống kê, năm 2024 cả nước có khoảng 14,2 triệu người từ 60 tuổi trở lên. Dự kiến con số này sẽ tăng lên 17,3 triệu vào năm 2029 và đạt 22,8 triệu người vào năm 2039, chiếm hơn 20% dân số. Điều đó đồng nghĩa với việc cứ 5 người thì có một người cao tuổi – một thách thức lớn với hệ thống y tế, an sinh và thị trường lao động.
Việt Nam đang đối mặt với tình trạng "giảm sinh, thừa nam thiếu nữ". Nếu mất cân bằng giới tính khi sinh tiếp tục ở mức cao, đến năm 2034, Việt Nam sẽ thừa 1,5 triệu nam giới trong độ tuổi 15-49, con số này sẽ tăng lên 1,8 triệu vào năm 2059. Ảnh: TTXVN
Trong khi đó, Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn "cơ cấu dân số vàng", với hơn 21% dân số nằm trong độ tuổi 10–24 và khoảng 70% dân số trong độ tuổi lao động. Tuy nhiên, "thời gian vàng" này được dự báo sẽ kết thúc vào năm 2039.
Giới trẻ hiện phải đối mặt với nhiều áp lực kinh tế – xã hội, đặc biệt là về tài chính. Các khảo sát cho thấy, 73% lao động độc thân chưa kết hôn do lo lắng về thu nhập không đủ, hơn 50% người đã lập gia đình không hoặc chưa muốn sinh thêm con. Mức sinh đang duy trì ở mức thấp, đặc biệt tại các thành phố lớn như Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội – nơi mà chi phí sinh hoạt tăng nhanh hơn mức tăng thu nhập.
Bạn Nguyễn Ngọc Linh, sinh viên Trường Đại học Hà Nội cho rằng, với nhiều người trẻ hiện nay, kết hôn hay sinh con vẫn là điều khá xa vời. Không phải họ không mong muốn một cuộc sống gia đình ổn định, mà bởi các vấn đề này chưa được ưu tiên trong hành trình phát triển cá nhân.
Bé gái theo mẹ nhận bằng khen tuyên dương gia đình tiêu biểu sinh đủ 2 con một bề là gái do tỉnh Hậu Giang tổ chức (5/1/2023). Ảnh: Duy Khương - TTXVN
Ngọc Linh chia sẻ, thu nhập trung bình của sinh viên mới ra trường chỉ từ 4-16 triệu đồng/tháng, trong khi chi phí nuôi một trẻ sơ sinh có thể vượt quá 15 triệu đồng – một áp lực kinh tế không nhỏ. Bên cạnh đó, nhiều bạn trẻ có thói quen chi tiêu theo lối "sống cho hiện tại", tài khoản thường về 0 vào cuối tháng và chờ lương tháng sau. Việc quản lý tài chính hợp lý chưa hình thành, khiến các kế hoạch dài hạn như lập gia đình hay sinh con càng khó khả thi. Ngoài yếu tố tài chính, nhiều người trẻ ngày nay tiếp cận rộng rãi thông tin trên mạng xã hội về các vụ ly hôn, đổ vỡ trong hôn nhân, khiến họ thêm e ngại khi nghĩ đến cuộc sống gia đình. Tư tưởng nữ quyền và bình đẳng giới cũng ngày càng phổ biến, giúp nhiều phụ nữ xác định rõ ưu tiên phát triển sự nghiệp và độc lập tài chính. Vai trò làm mẹ không còn là lựa chọn mặc định như trước đây mà trở thành quyết định cá nhân dựa trên hoàn cảnh và mong muốn của mỗi người.
Một số bạn trẻ chia sẻ rằng trong chính nhóm bạn bè thân thiết, phần lớn đều ngại kết hôn do chưa dư dả tài chính và vẫn còn theo đuổi các mục tiêu cá nhân khác. Nhiều bạn nam thừa nhận: nếu vợ sinh con, toàn bộ gánh nặng kinh tế sẽ dồn lên vai người chồng. Với mức thu nhập hiện tại, họ không chắc có thể đảm bảo cuộc sống trong 1–2 năm đầu sau sinh con, dẫn đến nguy cơ căng thẳng và xáo trộn trong gia đình.
Người cao tuổi tham gia Ngày hội rèn luyện sức khỏe người cao tuổi thủ đô năm 2024, nhằm khuyến khích phong trào tập luyện thể dục - thể thao trong cộng đồng (13/12/2024). Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN
Hiện nay, Đồng bằng sông Cửu Long và Đồng bằng sông Hồng là hai vùng có chỉ số già hóa cao nhất cả nước, lần lượt đạt 76,8% và 70,6%. Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, hai đô thị lớn nhất dẫn đầu về tỷ lệ dân số già. Đồng thời, đây cũng là nơi người lao động đang chịu áp lực lớn do giá cả leo thang vượt quá tốc độ tăng thu nhập, khiến đời sống ngày càng eo hẹp.
Theo các chuyên gia, xu hướng kết hôn muộn, ngại sinh con không chỉ là sự thay đổi trong lối sống, mà còn kéo theo hệ lụy dài hạn đối với cơ cấu dân số. Mức sinh thấp kéo dài khiến tỷ lệ trẻ em giảm, thu hẹp lực lượng lao động trong tương lai và làm mất cân bằng giữa các thế hệ. Điều này tạo áp lực lên hệ thống giáo dục, y tế và phúc lợi, trong khi nhóm người trong độ tuổi lao động lại phải gánh vác chi phí an sinh ngày càng tăng của nhóm dân số cao tuổi đang gia tăng nhanh chóng.
Nếu không có chính sách hỗ trợ và can thiệp kịp thời, Việt Nam có nguy cơ rơi vào tình trạng "chưa giàu đã già" – một bài toán nan giải cho phát triển bền vững và ổn định xã hội trong tương lai.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho trẻ uống vitamin A nhân Ngày Vi chất dinh dưỡng 1/6, tại phường Điện Biên, quận Ba Đình (Hà Nội), sáng 1/6/2023. Ảnh: Minh Quyết - TTXVN
Chủ thể trung tâm trong chiến lược thích ứng với già hóa dân số
Trong bối cảnh Việt Nam đang đối mặt với tốc độ già hóa dân số nhanh thuộc hàng đầu châu Á, việc phát huy vai trò của thanh niên trở thành vấn đề mang tính chiến lược. Với đặc điểm nhân khẩu học hiện nay, khi Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn "cơ cấu dân số vàng", thanh niên không chỉ là lực lượng lao động chính mà còn là nhân tố trung tâm giúp quốc gia thích ứng chủ động với sự thay đổi lớn về cơ cấu dân số trong vài thập kỷ tới. Để phát huy được đầy đủ tiềm năng này, thanh niên cần được tiếp cận những điều kiện hỗ trợ phù hợp và môi trường phát triển thuận lợi.
Ủy ban Dân số Gia đình và Trẻ em Bộ Quốc phòng tổ chức thăm khám, tư vấn sức khỏe, cấp phát thuốc miễn phí cho trẻ em, người già, đối tượng chính sách, hộ nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi). Ảnh: Phạm Cường-TTXVN
Chia sẻ về vai trò của thanh niên trong việc thích ứng với già hóa dân số, Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Tường Lâm nhấn mạnh: Để thích ứng với già hóa dân số, đòi hỏi thế hệ trẻ cần dự phòng tốt về sức khỏe tâm thần, tinh thần, các bệnh không lây nhiễm, tài chính…, đồng thời, phát huy truyền thống của Việt Nam, tôn vinh tinh thần năng động, sáng tạo của thanh niên trong việc chăm sóc và đồng hành cùng người cao tuổi, thanh niên trở thành chiếc cầu nối giữa quá khứ (người già) và tương lai (giới trẻ). Với tinh thần đó, thanh niên, với vai trò là thế hệ chủ chốt trong tương lai, cần được trang bị những kiến thức, kỹ năng và các chính sách hỗ trợ phù hợp để có thể không chỉ thích ứng, còn chủ động đóng góp vào quá trình này. Việc xây dựng những chính sách phù hợp, hỗ trợ thanh niên phát triển toàn diện, sáng tạo và làm chủ công cuộc đổi mới, là một yếu tố quan trọng không thể thiếu".
Trong bối cảnh già hóa diễn ra nhanh chóng, thanh niên không chỉ cần hiểu rõ các vấn đề về sức khỏe bản thân, còn phải đóng vai trò như người đồng hành tích cực với thế hệ đi trước. Đây không chỉ là trách nhiệm xã hội, còn là cơ hội để lớp trẻ phát triển những phẩm chất nhân văn, hiểu biết sâu hơn về giá trị liên thế hệ, từ đó trở thành cầu nối bền chặt giữa quá khứ - tương lai. Bên cạnh đó, việc xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển toàn diện cho thanh niên về sáng tạo, đổi mới chính là yếu tố bảo đảm cho sự tham gia thực chất của thế hệ trẻ vào công cuộc thích ứng quốc gia.
Trong 2 năm 2023-2024, mức sinh ở Việt Nam bắt đầu có dấu hiệu giảm nhanh hơn. Năm 2024, mức sinh tại thành thị giảm còn 1,67 con/phụ nữ, khu vực nông thôn đạt 2,08 con/phụ nữ. Bộ Y tế dự báo mức sinh sẽ tiếp tục giảm trong các năm tiếp theo. Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN
Ông Matt Jackson, Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam cho rằng, thanh niên cần được tham gia trực tiếp vào việc xây dựng chính sách, đặc biệt trong các lĩnh vực như việc làm, bình đẳng giới và sức khỏe sinh sản. Đồng thời, cần khuyến khích thúc đẩy các sáng kiến đổi mới do thanh niên dẫn dắt, bởi họ có tiềm năng lớn trong công nghệ số, truyền thông và khởi nghiệp. Những hỗ trợ như quỹ sáng tạo hay vườn ươm sẽ giúp người trẻ tạo ra các giải pháp bền vững cho vấn đề chăm sóc sức khỏe, thích ứng với già hóa và phát triển dịch vụ cộng đồng. Bên cạnh đó, cần lồng ghép kiến thức về dân số học, lập kế hoạch cuộc sống và kết nối liên thế hệ vào chương trình giáo dục chính quy. Việc tăng cường các hoạt động cộng đồng giữa thanh niên và người cao tuổi sẽ góp phần gắn kết xã hội.
Các chuyên gia đánh giá, khi được tham gia từ giai đoạn hoạch định chính sách, đặc biệt trong các vấn đề liên quan trực tiếp đến giới và sức khỏe, thanh niên không chỉ hiểu rõ quyền và trách nhiệm của mình, mà còn có cơ hội thể hiện vai trò dẫn dắt trong cộng đồng. Mặt khác, trong bối cảnh công nghệ số và truyền thông phát triển mạnh mẽ, những sáng kiến do thanh niên dẫn dắt hoàn toàn có thể mang lại giải pháp thiết thực, sáng tạo và phù hợp với thực tế.
Việt Nam là quốc gia đông dân thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á (sau Indonesia và Philippines) và thứ 16 trên thế giới. Sau 5 năm, kể từ năm 2019 đến nay, quy mô dân số Việt Nam tăng thêm 4,9 triệu người. Ảnh: TTXVN phát
Rõ ràng, để thanh niên thực sự trở thành trung tâm của tiến trình thích ứng với già hóa dân số, cần xây dựng một hệ sinh thái hỗ trợ toàn diện và đa chiều, nơi mà các chính sách quốc gia, hệ thống giáo dục, hạ tầng công nghệ, môi trường khởi nghiệp và không gian kết nối cộng đồng cùng vận hành một cách hài hòa. Điều này không chỉ giúp thanh niên phát huy thế mạnh sẵn có về tư duy đổi mới, năng lực thích nghi và tinh thần tiên phong, mà còn khuyến khích họ đóng góp tích cực vào các giải pháp liên thế hệ mang tính dài hạn và bền vững.
Khi được trao quyền, đồng hành và định hướng rõ ràng, thanh niên sẽ không chỉ là lực lượng thụ hưởng thụ động từ các chính sách dân số, mà thực sự trở thành những người kiến tạo tương lai, một tương lai mà sự già hóa không còn là gánh nặng, mà trở thành động lực thúc đẩy sự đoàn kết thế hệ, sự đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững của cả quốc gia.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất