10/07/2025 06:24 GMT+7 | Văn hoá
Với một tờ giấy, bạn có thể viết nên một câu chuyện. Nhưng với nghệ thuật gấp giấy origami, bạn có thể tạo nên cả một thế giới. Và đó là những gì mà Vietnam Origami Group (VOG - cộng đồng nghệ thuật gấp giấy origami tại Việt Nam) chia sẻ qua ấn phẩm đặc biệt Giao điểm - Intersection (NXB Giao thông Vận tải) vừa ra mắt nhân dịp kỷ niệm 20 năm hình thành và phát triển của cộng đồng này.
1. Từ một nhóm nhỏ mê origami thành lập năm 2005 do trưởng nhóm Hiba khởi xướng, Vietnam Origami Group đã trở thành nơi gặp gỡ của đông đảo người yêu nghệ thuật gấp giấy từ khắp mọi miền tổ quốc. 20 năm là chặng đường không ngắn, và hành trình ấy chắc chắn chưa dừng lại. Những nếp gấp hôm qua sẽ tiếp tục mở ra những cánh cửa mới cho nghệ thuật origami Việt Nam trên bản đồ thế giới.
Hành trình ấy không chỉ là những năm tháng gắn bó của một cộng đồng yêu nghệ thuật gấp giấy, mà còn là minh chứng cho cách nghệ thuật nước ngoài có thể bén rễ, nảy mầm và rồi trở thành một phần của dòng chảy văn hóa Việt Nam.
Cuốn sách “Giao điểm - Intersection”
Và ở ấn phẩm kỉ niệm 20 năm nhân ngày thành lập, cái tên cuốn sách Giao điểm - Intersection gợi mở nhiều tầng nghĩa. Đó là nơi các đường gấp gặp nhau để hình thành một cấu trúc, là nơi nghệ sĩ gặp gỡ, và cũng là nơi những trái tim cùng yêu origami giao thoa, để tạo nên một cộng đồng.
Thực tế, origami là nghệ thuật gấp giấy truyền thống có nguồn gốc từ Nhật Bản, trong đó một tờ giấy - thường là hình vuông - được biến hóa thành các hình khối ba chiều sống động mà không cần đến kéo hay keo dán. Từ "origami" trong tiếng Nhật kết hợp giữa hai yếu tố: "ori" (gấp) và "kami" (giấy), và đã được sử dụng phổ biến từ khoảng năm 1880. Bằng những kỹ thuật gấp cơ bản nhưng khéo léo, người thực hiện có thể tạo ra vô số hình thù phức tạp. Một số mẫu gấp kinh điển như hạc giấy, thuyền giấy hay máy bay giấy đã trở nên quen thuộc và phổ biến trên toàn thế giới.
Tác giả Nguyễn Xuân Tùng
Đáng nói, tuy bắt nguồn từ Nhật Bản, nhưng về bản chất, đây là một nghệ thuật mang tính phổ quát, nơi chỉ với một tờ giấy và đôi bàn tay, con người có thể kể những câu chuyện của riêng mình. Và dưới đôi tay và tâm hồn sáng tạo của người Việt Nam, bộ môn này đã được "Việt hóa" một cách đầy tự nhiên, trở thành phương tiện để thể hiện bản sắc dân tộc.
Những mẫu gấp của VOG là hình ảnh của trống đồng, chim Lạc, đầu rồng thời Lý, gà trống làng quê… Dấu ấn văn hóa Việt Nam hiện lên giản dị mà sống động, đầy sáng tạo. "Các mẫu gấp của chúng tôi luôn ưu tiên sử dụng chất liệu truyền thống như giấy dó và cách tạo hình mang đậm văn hóa Việt Nam", tác giả Nguyễn Xuân Tùng chia sẻ.
Tác phẩm “Gà trống” của Nguyễn Xuân Tùng
2. Ấn phẩm Giao điểm - Intersection tập hợp gần 60 tác phẩm từ các tác giả Việt Nam cùng những nhà sáng tạo Origami hàng đầu thế giới, như Paul Jackson, Bernie Peyton, Ilan Garibi… Không chỉ là tài liệu sưu tầm, cuốn sách còn là một "bản đồ" ghi lại những bước đi quan trọng của origami Việt Nam.
Trong thời đại số, VOG vẫn chọn xuất bản tác phẩm này dưới dạng sách giấy truyền thống, như một lời khẳng định: có những trải nghiệm chỉ giấy thật mới mang lại - sự chạm tay và cảm giác kết nối trọn vẹn với từng nếp gấp.
Tác giả Nguyễn Hùng Cường với thao tác gấp giấy origami
Điều làm nên sức sống bền bỉ của VOG chính là sự đa dạng trong cộng đồng: từ bác sĩ, kỹ sư đến kiến trúc sư, họa sĩ. Họ đến với origami như một cách thư giãn, nhưng ở lại vì tìm thấy điều gì đó sâu hơn - sự kết nối giữa tư duy logic và cảm xúc nghệ thuật.
Tác giả Nguyễn Hùng Cường cho biết: "Đa phần những người gắn bó với gấp giấy lâu dài là người có tư duy hình ảnh tốt, yêu thích việc khám phá thế giới. Đó cũng là lý do khiến người Việt Nam mình gắn bó và sáng tạo không ngừng với origami". Cũng theo tác giả Nguyễn Hùng Cường, việc chỉ sử dụng nếp gấp, không cắt hay dán, chính là thử thách thú vị để phát huy tối đa sự khéo léo và khả năng giải quyết vấn đề - điều mà người Việt vốn rất linh hoạt và tinh tế.
Tác phẩm “Chim Lạc” của Nguyễn Hùng Cường
Trong hành trình 20 năm, VOG không chỉ khẳng định vị thế trong nước mà còn vươn ra thế giới. "Chúng tôi không muốn dừng lại ở việc kết nối cộng đồng trong nước, mà luôn mong muốn học hỏi và trao đổi với cộng đồng quốc tế", tác giả Nguyễn Hùng Cường cho biết.
Thực tế, qua những chương trình giao lưu gặp gỡ, nghệ nhân origami người Israel - Ilan Garibi, người sáng lập CFC (Cộng đồng các nhà sáng tạo origami toàn cầu) - từng đánh giá: "VOG là một trong những nhóm origami sáng tạo nhất thế giới. Họ không chỉ gấp giấy, họ tạo ra những kiệt tác".
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất