22/07/2025 07:04 GMT+7 | Đời sống
Một nghiên cứu mới của Đại học Duke (Mỹ) khẳng định: nguyên nhân chính khiến tỷ lệ béo phì tăng vọt ở các nước phát triển là do lượng calo tiêu thụ tăng cao, chứ không phải do lười vận động như nhiều người vẫn nghĩ.
Kết quả vừa được công bố trên tạp chí PNAS cho thấy người dân ở các quốc gia giàu có vẫn tiêu hao năng lượng mỗi ngày ở mức tương đương - thậm chí cao hơn - so với các nhóm dân cư sống theo kiểu săn bắt, chăn nuôi hay nông nghiệp truyền thống.
Nhóm nghiên cứu từ Phòng thí nghiệm Pontzer (Đại học Duke) đã phân tích dữ liệu của hơn 4.200 người trưởng thành từ 18 đến 60 tuổi, thuộc 34 cộng đồng dân cư trải dài trên 6 châu lục - từ thợ săn hái lượm đến cư dân đô thị công nghiệp hiện đại. Họ đo đạc mức tiêu hao năng lượng, tỷ lệ mỡ cơ thể và chỉ số BMI của từng người, đồng thời đối chiếu với Chỉ số Phát triển Con người (HDI) của Liên hợp quốc để đánh giá mức độ công nghiệp hóa.
Thói quen lười vận động không phải thủ phạm chính gây béo phì. Ảnh minh hoạ: Internet
Kết quả cho thấy: mức tiêu hao năng lượng hàng ngày không giảm đáng kể theo mức độ phát triển kinh tế. Thay vào đó, sự gia tăng tỷ lệ mỡ cơ thể và béo phì lại đi kèm với thay đổi rõ rệt trong chế độ ăn uống - đặc biệt là lượng calo hấp thụ.
Tiến sĩ Amanda McGrosky, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết: "Dù có một chút giảm nhẹ trong tổng năng lượng tiêu hao sau khi điều chỉnh theo kích thước cơ thể, nhưng yếu tố này chỉ giải thích được một phần rất nhỏ sự gia tăng mỡ cơ thể. Điều đó cho thấy nguyên nhân chính nằm ở thay đổi chế độ ăn".
Giáo sư Herman Pontzer, trưởng nhóm nghiên cứu, nhấn mạnh: "Hàng chục năm qua, chúng ta vẫn loay hoay giữa việc đổ lỗi cho lối sống ít vận động hay chế độ ăn uống. Nghiên cứu này cho thấy rõ: chính việc ăn nhiều hơn - chứ không phải lười biếng - mới là nguyên nhân chính gây ra béo phì tại Mỹ và các nước phát triển".
Tuy vậy, nhóm nghiên cứu cũng khẳng định không nên coi nhẹ vai trò của vận động thể chất. Thay vào đó, cần nhìn nhận ăn uống và hoạt động thể chất là hai yếu tố bổ trợ lẫn nhau, chứ không thể thay thế cho nhau.
Trong giai đoạn tiếp theo, nhóm sẽ tiếp tục xác định cụ thể những yếu tố nào trong chế độ ăn kiểu công nghiệp - như thực phẩm siêu chế biến, đồ uống nhiều đường hay khẩu phần ăn quá lớn - đóng vai trò chủ yếu trong cuộc khủng hoảng béo phì hiện nay.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất