02/07/2025 08:05 GMT+7 | Bóng đá Việt
Hàng chục HLV chuyên nghiệp của Việt Nam cắp sách sang Nhật Bản để học chương trình nâng cao (kéo dài 3 tuần) để bổ túc cho nghề nghiệp sau này. Muốn có trò giỏi tất phải có thầy hay vậy.
Cách đây hơn 20 năm, chương trình Tầm nhìn châu Á được AFC đưa về thí điểm ở một số địa phương như Nghệ An, Long An, TP.HCM..., nhờ đó mà hàng loạt các HLV được phổ cập văn bằng huấn luyện từ C, đến B vs A. Đến sau này mới có thêm bằng Pro, bằng thể lực và nâng cao... Học, học nữa, học mãi. Phần lớn các cựu cầu thủ từng kinh qua các lớp học đều thừa nhận nó bổ ích đến nhường nào.
"Học rồi mới thấy mình còn yếu và thiếu rất nhiều về chuyên môn, nghiệp vụ. Đừng nghĩ đá bóng hay ở đẳng cấp nào đó, mà nghĩ rằng có thể huấn luyện giỏi", cựu danh thủ Lê Phước Tứ, nhà vô địch ASEAN Cup 2008, người cũng đi Nhật du học chuyến này, chia sẻ.
Trước những năm 2000, các HLV Việt Nam rất khó khăn trong việc bổ túc văn bằng huấn luyện bóng đá, vì vướng ngoại ngữ. Các lớp học của AFC khi đó thường được tổ chức ở nước ngoài, và đó là vấn đề lớn với làng túc cầu nội.
Ngày nay, các HLV Việt Nam đều đã khá tự tin về khoản tiếng Anh, kể cả tiếng Anh... bồi. Đó là cơ sở để họ tự tin đăng ký các lớp tu nghiệp ở nước ngoài, bất kể kinh phí phải tự túc. Việc học, như đã nhắc, là rất quan trọng, khi HLV bóng đá bây giờ đã trở thành một nghề chuyên nghiệp. Khi đam mê và công việc là một vậy thôi.
Ngay sau khi bảo vệ thành công chức vô địch V-League cùng CLB Nam Định, HLV Vũ Hồng Việt đã sang Nhật Bản hoàn thành khoá học AFC Pro. Ảnh: Kim Như
Trở lại với vấn đề đào tạo của bóng đá Việt Nam nói chung và đào tạo - nâng cấp năng lực huấn luyện của HLV bóng đá nói riêng, thời gian gần đây mới được chú trọng. Khoan nói chuyện văn bằng huấn luyện, trước đó, chúng ta khá cẩu thả, đặc biệt là trong vấn đề đào tạo trẻ. Cứ cầu thủ nào giải nghệ là mặc định cho làm trẻ. Mà làm bóng đá trẻ, nói thẳng, khó gấp trăm lần bóng đá chuyên nghiệp.
Một động tác uốn nắn sai về kỹ thuật, hay thậm chí một thói quen, một câu nói thiếu chuẩn mực, cũng có thể làm hỏng một thế hệ cầu thủ trẻ tiềm năng. Ngoài chuyên môn, thì HLV bóng đá trẻ phải cần thêm nghiệp vụ sư phạm, phải yêu trẻ và yêu nghề, phải hy sinh thật nhiều mới có thể đứng lớp được và ngược lại. Cứ như bóng đá trẻ Khánh Hòa..., à mà thôi!
Bóng đá Việt Nam đã và đang hướng tới sự tự cường, với vai trò đầu tiên quan trọng, mang tính quyết định đấy là bóng đá trẻ, nền móng của bóng đá chuyên nghiệp, rồi mới đến bóng đá chuyên nghiệp.
Việt Nam thực sự có tiềm năng về bóng đá, chỉ là chúng ta chưa phát huy hết nội lực, vì nhiều lý do. Đừng đổ tại cơ chế, bởi cơ chế hay tiền lệ là do con người tạo ra. Thời kỳ đổi mới, chúng ta hoàn toàn có thể thay đổi, trước là về mặt tư duy.
Tháng 7 này, các ngày hội bóng đá trẻ sẽ thực sự sôi động trên khắp các sân cỏ cả nước, với các VCK toàn quốc từ U9, U11, rồi U13, đến U15... Hy vọng, không có thêm trường hợp gian lận nào như... mọi khi!
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất