Nắng nóng cực đoan bao trùm châu Âu

02/07/2025 11:04 GMT+7 | Tin tức 24h

Ngày 1/7, thành phố Paris đã gia hạn tình trạng báo động đỏ do nắng nóng, buộc chính quyền phải đóng cửa đỉnh Tháp Eiffel, cấm các phương tiện gây ô nhiễm và áp dụng hạn chế tốc độ khi đợt nắng nóng khắc nghiệt đang bao trùm khắp châu Âu.

Nhiều quốc gia ven Địa Trung Hải, từ bán đảo Iberia qua Pháp, Italy, vùng Balkan cho đến Hy Lạp, đang phải chống chọi với thời tiết nắng nóng kéo dài nhiều ngày qua, làm dấy lên cảnh báo về sức khỏe cộng đồng và nguy cơ cháy rừng.

Nắng nóng cực đoan bao trùm châu Âu - Ảnh 1.

Người dân tắm mát trong hồ bơi ở London, Anh khi nắng nóng được cảnh báo trên toàn quốc, ngày 20/6/2025. Ảnh: THX/TTXVN

Nắng nóng cực đoan bao trùm châu Âu - Ảnh 2.

Người dân tắm mát trong hồ bơi ở London, Anh khi nắng nóng được cảnh báo trên toàn quốc, ngày 20/6/2025. Ảnh: THX/TTXVN

Nắng nóng cực đoan bao trùm châu Âu - Ảnh 3.

Chú chó làm mát trong hồ bơi ở London, Anh khi nắng nóng được cảnh báo trên toàn quốc, ngày 20/6/2025. Ảnh: THX/TTXVN

Các nhà khoa học cho biết biến đổi khí hậu do con người gây ra đang khiến các đợt nắng nóng trở nên gay gắt, thường xuyên và lan rộng hơn. Theo cơ quan khí tượng Meteo France, nhiệt độ tại Pháp dự kiến đạt đỉnh trong ngày 1/7, với một số khu vực có thể vượt quá 40 độ C (104 độ F).

Đây là lần đầu tiên Paris phát báo động đỏ về nắng nóng trong vòng 5 năm qua. Cảnh báo này cho phép chính quyền địa phương hạn chế hoặc hủy bỏ các sự kiện thể thao, lễ hội và hoạt động ngoại khóa của học sinh. Giới chức cho biết cảnh báo sẽ được duy trì ít nhất đến ngày 2/7.

Nắng nóng cực đoan bao trùm châu Âu - Ảnh 4.

Người dân làm mát tại bãi biển ở Dubrovnik, Croatia khi làn sóng nhiệt đang bao trùm khu vực Balkan. Croatia, Bosnia và Serbia đã phải ban hành cảnh báo y tế do nắng nóng. Ảnh: THX/TTXVN

Nắng nóng cực đoan bao trùm châu Âu - Ảnh 5.

Người dân làm mát tại bãi biển ở Dubrovnik, Croatia khi làn sóng nhiệt đang bao trùm khu vực Balkan. Croatia, Bosnia và Serbia đã phải ban hành cảnh báo y tế do nắng nóng. Ảnh: THX/TTXVN

Tại Paris, Ban quản lý Tháp Eiffel đã đóng cửa đỉnh ngọn tháp cao 330m (1.083 feet) từ 11h giờ GMT ngày 30/6 và thông báo tiếp tục đóng cửa vào các ngày 1/7 và 2/7 do nắng nóng.

Cảnh sát cho biết, toàn bộ các phương tiện trừ những loại ít gây ô nhiễm nhất đã bị cấm lưu thông trong khu vực Ile-de-France (trong đó có thủ đô Paris) từ 3h30 GMT đến 22h00 GMT do mức độ ô nhiễm ozone tăng cao. Một số tuyến đường cũng áp dụng giới hạn tốc độ chỉ 20 km/h (12,5 mph).

Trên toàn nước Pháp, gần 1.350 trường học sẽ đóng cửa hoàn toàn hoặc một phần — gần gấp đôi so với con số ngày 30/6 — khi các giáo viên phản ánh tình trạng lớp học nóng bức, thiếu thông gió khiến học sinh bị ốm.

Giới chức y tế đã đưa ra cảnh báo đặc biệt cho trẻ nhỏ, người cao tuổi và những người mắc bệnh mạn tính.

Nắng nóng cực đoan bao trùm châu Âu - Ảnh 6.

Nắng nóng cực đoan bao trùm châu Âu - Ảnh 7.

Tại vùng Viễn Đông của Nga, thành phố Vladivostok (ảnh) ngày 27/6 ghi nhận nhiệt độ cao kỷ lục trong vòng 55 năm với mức 31,4 độ C, vượt kỷ lục cũ là 30 độ C được thiết lập năm 1970. Ảnh: THX/TTXVN

Tại Bồ Đào Nha, người dân dự kiến sẽ được "giải nhiệt" đôi chút vào ngày 1/7 sau hai ngày liên tiếp nhiều khu vực, trong đó có Lisbon, bị đặt trong tình trạng báo động đỏ. Tuy nhiên, nhiệt độ vẫn có thể chạm ngưỡng 40 độ C tại thành phố Castelo Branco, Beja và Evora ở miền Nam, và khoảng 34 độ C tại thủ đô. Nguy cơ cháy rừng vẫn ở mức cao tại nhiều vùng của Bồ Đào Nha. Đêm 29/6, khoảng 250 lính cứu hỏa đã được điều động để khống chế đám cháy tại khu vực Aljustrel, miền Nam nước này.

Tại Tây Ban Nha, nhiệt độ vẫn được dự báo duy trì ở mức cao từ 38 đến 45 độ C sau khi chạm mốc kỷ lục 46 độ C ở miền Nam — mức cao nhất trong tháng 6, theo cơ quan khí tượng quốc gia.

Italy cũng đã ban hành cảnh báo đỏ ở 18 thành phố trong những ngày tới, trong đó có Rome, Milan, Verona, Perugia và Palermo, cũng như nhiều khu vực ven biển Adriatic ở Croatia và Montenegro. Ngoài ra, Italy còn hứng chịu hiện tượng thời tiết cực đoan khác khi một trận lũ quét do mưa lớn xảy ra ở vùng Piedmont, phía Bắc nước này, khiến một người đàn ông 70 tuổi thiệt mạng.

Nắng nóng cực đoan bao trùm châu Âu - Ảnh 8.

Nắng nóng cực đoan bao trùm châu Âu - Ảnh 9.

Tại Tây Ban Nha, lực lượng y tế khẩn cấp được triển khai để sẵn sàng đối phó với số ca say nắng có thể tăng, đặc biệt trong nhóm dễ tổn thương như người cao tuổi, trẻ em và các bệnh nhân mắc bệnh mạn tính. Ảnh: THX/TTXVN

Tại Thổ Nhĩ Kỳ, lực lượng cứu hộ đã sơ tán hơn 50.000 người trước nguy cơ cháy rừng lan rộng, chủ yếu tại tỉnh Izmir ở phía Tây, nơi gió mạnh tới 120 km/h đã làm ngọn lửa bùng phát dữ dội. Hy Lạp cũng đang gồng mình ứng phó với cháy rừng lan rộng.

Do ảnh hưởng của đợt nắng nóng đang diễn ra tại thủ đô Brussels (Bỉ), công trình biểu tượng Atomium sẽ tạm thời rút ngắn thời gian mở cửa trong ba ngày từ 30/6 đến 2/7. Biện pháp này nhằm đảm bảo an toàn cho du khách và nhân viên trong điều kiện nhiệt độ trong nhà tăng cao bất thường.

Phóng viên TTXVN tại Brussels dẫn thông báo từ ban quản lý Atomium, cho biết trong 3 ngày đầu tuần, công trình sẽ chỉ đón khách tham quan từ 10h00 đến 14h30, thay vì đến 18h00 như thường lệ. Giờ vào cửa cuối cùng là lúc 13h00.

Đây không phải là lần đầu tiên Atomium buộc phải điều chỉnh lịch hoạt động do nắng nóng. Vào mùa Hè năm 2019, công trình từng áp dụng biện pháp tương tự khi nhiệt độ trong các ống nối giữa các khối cầu và thang máy tăng vượt ngưỡng an toàn. Khi đó, Giám đốc điều hành Henri Simons cho biết, một số khu vực không được trang bị hệ thống điều hòa, khiến điều kiện làm việc và tham quan trở nên không an toàn.

Nắng nóng cực đoan bao trùm châu Âu - Ảnh 10.

Bộ Y tế Italy ban hành cảnh báo đỏ – cấp độ cao nhất – về nắng nóng đối với 21 thành phố. Tại Venice, nhiệt độ thực tế có thể lên tới 36 độ C do độ ẩm cao, trong khi ở Florence, nhiệt độ dự kiến đạt 37 độ C trong ngày 28/6. Ảnh: THX/TTXVN

Theo ghi nhận của báo chí Bỉ, ngày 26/7/2019, nhiệt độ trong khối cầu trung tâm đã lên tới 37 độ C. Việc tạm ngừng hoạt động được xem là biện pháp cần thiết, không chỉ để bảo vệ sức khỏe cho khách tham quan, mà còn vì quyền lợi của đội ngũ nhân viên làm việc trong môi trường khắc nghiệt.

Ban quản lý Atomium cũng đưa ra cam kết bảo vệ quyền lợi cho những du khách đã mua vé trực tuyến trùng với thời gian rút ngắn hoạt động, cụ thể vé mua qua mạng trong thời gian này sẽ tiếp tục có giá trị sử dụng cho đến hết năm 2025.

Công trình Atomium, khánh thành vào năm 1958 nhân dịp Triển lãm Thế giới, là một trong những địa danh thu hút nhiều du khách nhất tại Bỉ. Với cấu trúc gồm chín khối cầu bằng thép không gỉ liên kết bằng các ống dẫn, công trình không chỉ mang giá trị biểu tượng về mặt kiến trúc mà còn là điểm đến nổi bật trong các hành trình du lịch tại Brussels.

Lan Phương - Hương Giang/ TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link