Nhà văn Đoàn Giỏi - “cây bút lớn” của văn học Việt Nam

17/05/2025 07:15 GMT+7 | Văn hoá

Nhắc đến nhà văn Đoàn Giỏi - "cây bút lớn" của văn học Việt Nam, "đại thụ làng văn Nam Bộ" là nhắc đến "Đất rừng phương Nam", tác phẩm nổi tiếng nhất của ông. Có thể xem "Đất rừng phương Nam" là một bản anh hùng ca về tình yêu quê hương đất nước và lòng tự hào dân tộc.

Cây bút lớn của văn học Việt Nam, "đại thụ làng văn Nam Bộ"

Nhà văn Đoàn Giỏi sinh ngày 17/5/1925, tại thị xã Mỹ Tho, tỉnh Mỹ Tho, nay thuộc xã Tân Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Tên khai sinh của ông là Đoàn Văn Giỏi. Ngoài bút danh Đoàn Giỏi, ông còn có các bút danh khác là Nguyễn Hoài, Nguyễn Phú Lễ, Huyền Tư.

Năm 1939, sau khi học xong bậc tiểu học ở quê nhà, ông lên Sài Gòn tiếp tục học trung học. Trước khi theo đuổi con đường văn chương, vốn là người say mê hội họa, ông đã thi vào Trường Mỹ thuật Gia Định và theo học ở đó trong 1 năm.

Nhà văn Đoàn Giỏi - “cây bút lớn” của văn học Việt Nam - Ảnh 1.

Nhà văn Đoàn Giỏi

Tác phẩm truyện ngắn đầu tay của ông là Nhớ cố hương (1943) và là một trong những thành công, được đăng trên số Xuân của tờ Nam Kỳ Tuần Báo.

Năm 1945, khi Cách mạng Tháng Tám nổ ra, ông tạm gác lại công việc sáng tác của mình để trở về quê hương, tham gia kháng chiến. Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, ông tập kết ra Bắc và công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam. Sau đó, ông chuyển sang làm việc ở Hội Nhà văn Việt Nam.

Trong những năm tháng sống và làm việc ở miền Bắc, hầu hết những tác phẩm của ông đều viết về con người và đất Nam Bộ: Ngọn tầm vông, Rừng đêm xào xạc, Cuộc truy tầm vũ khí, Cây đước Cà Mau, Cá bống mú, Tiếng gọi ngàn... - những tác phẩm được viết trong nỗi nhớ da diết vời vợi của người Nam bộ xa quê.

Những trang viết của Đoàn Giỏi mang đến cho người đọc những hình ảnh sinh động về thiên nhiên và con người phương Nam; cộng với một vốn sống phong phú, các tác phẩm của ông có một giá trị lớn trong việc bồi đắp vốn hiểu biết cũng như tình yêu quê hương, đất nước cho người đọc.

Không chỉ thấm đượm hơi thở sông nước, rừng cây Nam Bộ với những câu chuyện rất thực nhưng vô cùng kỳ bí của thiên nhiên Nam Bộ hoang sơ, truyện của ông còn luôn có tính cảnh báo với những thông điệp sâu xa về việc gìn giữ môi trường sinh thái đặc biệt của Nam Bộ.

Theo nhà thơ Cao Xuân Sơn, Giám đốc chi nhánh Nhà xuất bản Kim Ðồng tại TP Hồ Chí Minh, để hình dung đúng nhất về nhà văn Đoàn Giỏi phải lấy hình ảnh cây đước Nam Bộ. Cây đước giản dị, gần gũi nhưng lại ẩn chứa sức sống đầy mạnh mẽ mới là sự tái hiện gần nhất về văn chương và con người Đoàn Giỏi. Văn của Đoàn Giỏi cũng thế, giản dị, dễ đọc, dễ hiểu nhưng lại ẩn chứa những giá trị lớn về văn hóa Việt Nam.

Không chỉ là nhà văn, Đoàn Giỏi còn là nhà báo, họa sĩ.

Nhà văn Đoàn Giỏi - “cây bút lớn” của văn học Việt Nam - Ảnh 2.

Các tác phẩm được tái bản lần này là những tác phẩm đặc sắc nhất đã góp phần định hình nên phong cách văn chương của Đoàn Giỏi. Ảnh: PV/Vietnam+

Và tác phẩm "Đất rừng Phương Nam"

Nhà văn Đoàn Giỏi sáng tác ở nhiều thể loại, nhiều đề tài: tiểu thuyết, truyện dài, truyện ngắn, truyện ký, bút ký, biên khảo, thơ và kịch thơ; đặc biệt trong ký ức tuổi thơ của nhiều thế hệ thiếu niên Việt Nam, Đoàn Giỏi để lại dấu ấn đậm nét với tác phẩm Đất rừng phương Nam bất hủ. Nói như Nhà thơ Cao Xuân Sơn là chưa có tác phẩm nào viết về thiên nhiên cho thiếu nhi hay như thế!

Đất rừng phương Nam mang đến cho người đọc nhiều thú vị về bối cảnh, con người, tập tục văn hóa của vùng nông thôn Nam bộ. Ông mượn hình ảnh cậu bé bị lưu lạc trong kháng chiến chống thực dân Pháp ở Nam bộ để giới thiệu một vùng đất vô cùng giàu có, hào phóng và hùng vĩ với những con người trung hậu, trí dũng, một lòng một dạ theo kháng chiến. Có thể nói, Đất rừng phương Nam như một xã hội của miền sông nước Tây Nam bộ thu nhỏ. Ở nơi đó, người ta thấy hình ảnh người dân của vùng đất phương Nam từ sông Tiền, sông Hậu trải dài đến Kiên Giang-Rạch Giá, rồi xuống tận rừng U Minh và ở Năm Căn-Cà Mau; là cả một đất trời thiên nhiên ưu đãi, cánh đồng bát ngát, rừng rậm bạt ngàn trù phú, thú rừng hoang dã muôn loài… Sự tài tình của Đoàn Giỏi là như tái tạo lại bối cảnh sông nước, con người từ thuở ông cha ta còn mang gươm mở cõi.

Có thể nói, Đất rừng Phương Nam là một áng văn về con người, về vùng đất Nam bộ điển hình. Và ông là người đã gieo những hạt mầm vào tâm hồn bạn đọc nhiều thế hệ. Với bạn đọc miền Bắc, ông còn là người có công đưa vùng đất Nam Bộ đến với bạn đọc miền Bắc.

Nhà văn Đoàn Giỏi - “cây bút lớn” của văn học Việt Nam - Ảnh 3.

Tác phẩm nổi tiếng nhất của Đoàn Giỏi

Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, ông hai lần là bạn đọc của "Ðất rừng phương Nam". Lần đầu, lúc là cậu bé, Ðất rừng phương Nam đã gieo vào tâm hồn trẻ thơ của ông một hạt tinh thần quan trọng và kỳ diệu, mở ra thế giới kỳ lạ, kỳ bí, bí ẩn của thiên nhiên luôn gắn với số phận con người... Còn với lần đọc khi đã trưởng thành, cuốn sách đầu tiên tôi viết cho thiếu nhi là bị ảnh hưởng của Ðất rừng phương Nam cũng như Dế mèn phiêu lưu ký. Tôi mang ơn nhà văn Ðoàn Giỏi vì ông đã gieo vào tâm hồn tôi một hạt văn chương, một suy ngẫm về nghề: nếu không còn cảm xúc, đắm mê trước vũ trụ trong đó có đời sống con người thì khó có thể có được những trang văn làm rung cảm tâm hồn mọi thế hệ.

Một thú vị là Đất rừng Phương Nam được viết theo đặt hàng của Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng là Giám đốc Nhà xuất bản Kim Đồng lúc bấy giờ - năm 1957. Nhưng theo nhà thơ Hữu Thỉnh, Đoàn Giỏi viết cho thiếu nhi nhưng người lớn đọc cũng rất say mê. Ông viết tiểu thuyết và đã trở thành kịch bản phim rất tuyệt vời. Ông nhận đặt hàng nhưng không gò bó gì cả, hoàn toàn phóng túng, cởi mở để trút toàn bộ tài năng lên trang giấy, say mê vô cùng.

Đất rừng phương Nam được dịch ra nhiều thứ tiếng: Nga, Ba Lan, Trung Quốc, Đức, Tây Ban Nha… Từ "Đất rừng phương Nam", hãng phim truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh (TFS) đã sản xuất thành bộ phim Đất phương Nam. Đạo diễn Vinh Sơn cho biết chính ông đã đề xuất dự án làm phim truyền hình Đất phương Nam với TFS năm 1997. Đến giờ, tôi vẫn chưa xài hết những chất liệu về Đất rừng phương Nam của Đoàn Giỏi, vẫn còn đủ để làm một dự án phim điện ảnh về vùng đất này.

Nhà văn Đoàn Giỏi qua đời ngày 2/4/1989. Ông được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật, năm 2001.

Các tác phẩm chính của ông có Người Nam thà chết không hàng (kịch thơ, 1947), Khí hùng đất nước (ký, 1948), Những dòng chữ máu Nam kỳ 1940 (ký, 1948), Đường về gia hương (truyện, 1948), Chiến sỹ Tháp Mười (kịch thơ, 1949), Giữ vững niềm tin (thơ, 1954), Cá bống mú ((truyện, 1956), Ngọn tầm vông (truyện ký, 1956); Trần Văn Ơn (truyện ký, 1955), Đất rừng phương Nam (tiểu thuyết, 1957), Hoa hướng dương (truyện ngắn, 1960), Cuộc truy tầm kho vũ khí (truyện, 1962), Những chuyện lạ về cá (biên khảo, 1981), Tê giác trong ngàn xanh (biên khảo, 1982).

Phương Phương/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link