22/07/2025 11:21 GMT+7 | Tin tức 24h
Việt Nam vừa ghi dấu ấn mạnh mẽ trên bản đồ trí tuệ nhân tạo (AI) toàn cầu khi vươn lên xếp hạng thứ 6 trong tổng số 40 quốc gia thuộc 5 châu lục được khảo sát trong Bảng Chỉ số AI Thế giới 2025.
Thống kê do Mạng lưới Nghiên cứu Thị trường Độc lập Toàn cầu - WIN công bố ngày 16/7. Đây là lần đầu tiên Việt Nam góp mặt trong top 10 quốc gia dẫn đầu về mức độ nhận thức và sẵn sàng ứng dụng AI theo kết quả được đánh giá dựa trên khảo sát xã hội học đối với 40 quốc gia thuộc 5 châu lục. Tại Việt Nam, nghiên cứu được thực hiện bởi Tổ chức Indochina Research với mẫu khảo sát gồm 900 người dân tại 4 thành phố lớn, trong khoảng thời gian từ tháng 12/2024 đến tháng 1/2025.
Dấu ấn mạnh mẽ trên bản đồ AI toàn cầu
Theo báo cáo, Việt Nam đạt 59,2 điểm trên thang 100, đứng thứ 6 toàn cầu, một vị trí ấn tượng vượt trên nhiều quốc gia phát triển. Chỉ số này là kết quả trung bình của 7 chỉ số thành phần liên quan đến mức độ nhận thức, sử dụng, chấp nhận, tin tưởng và lo ngại về AI.
Cán bộ cảnh sát giao thông trực, xử lý vi phạm qua hệ thống camera giám sát trên các tuyến đường cao tốc đêm 16/7. Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN
Cụ thể, Việt Nam xếp thứ 3 toàn cầu về mức độ tin tưởng vào AI (65,6 điểm) và thứ 5 về mức độ chấp nhận AI (71,6 điểm). Ngoài ra, các chỉ số khác như mức độ quan tâm, cảm giác thoải mái khi sử dụng, nhận thức về tính hữu ích của AI cũng đều cao hơn mức trung bình toàn cầu.
Các chỉ số này phản ánh một bộ phận lớn người dân Việt Nam, đặc biệt ở đô thị, đang thể hiện tinh thần cởi mở, lạc quan và chủ động tiếp cận các công nghệ mới. Theo đánh giá của WIN, từ sự tò mò đến tinh thần lạc quan, Việt Nam đang phát đi những tín hiệu rõ ràng của một quốc gia sẵn sàng đón nhận và tận dụng cơ hội trong kỷ nguyên AI.
Dù có thái độ tích cực rõ rệt, mức độ sử dụng AI trong đời sống thực tế tại Việt Nam vẫn ở mức khiêm tốn. Chỉ số sử dụng AI đạt 37,6 điểm, xếp thứ 17 trong tổng số 40 quốc gia, thấp nhất trong số các chỉ số thành phần của Việt Nam.
Theo khảo sát, khoảng 60% người dân tại 4 thành phố lớn cho biết đã từng sử dụng công nghệ AI, nhưng chỉ 3% sử dụng hàng ngày. Điều này cho thấy AI tuy không còn xa lạ với người dân Việt Nam, nhưng vẫn chưa trở thành một phần quen thuộc trong đời sống thường nhật.
Ông Xavier Depouilly, Tổng Giám đốc Indochina Research Vietnam nhận định: "Dù tần suất sử dụng vẫn thấp hơn một số nước trong khu vực, thế hệ trẻ Việt Nam đang sẵn sàng đón nhận công nghệ mới. Điều đó đóng vai trò quan trọng trong quá trình tăng trưởng kinh tế nhanh và chuyển đổi số của đất nước. Thậm chí, nhiều sáng kiến tại Việt Nam đang giúp người dùng 'nhảy cóc công nghệ', dễ dàng bỏ qua những công nghệ cũ để nhanh chóng tiếp cận với những ứng dụng AI hiện đại".
Tập huấn Bình dân học AI, phổ cập AI cho cán bộ đoàn, hội. Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam Nguyễn Tường Lâm phát biểu. Ảnh: Minh Đức – TTXVN
Chênh lệch rõ rệt giữa các trung tâm đô thị lớn và các đô thị cấp hai
Theo nghiên cứu trên, nhóm người dùng AI chủ yếu là người trẻ từ 18–34 tuổi, đặc biệt là cư dân tại hai đô thị lớn Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Trong nhóm tuổi từ 18–24, có tới 89% người tại Hà Nội và 87% tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, họ đã từng chủ động sử dụng công nghệ AI. Ngược lại, tại Đà Nẵng và Cần Thơ, tỷ lệ sử dụng thấp hơn đáng kể, đặc biệt trong nhóm người từ 55–64 tuổi, chỉ có 1/10 người từng có trải nghiệm với AI. Số liệu này phản ánh sự chênh lệch rõ rệt về khả năng tiếp cận công nghệ giữa các trung tâm đô thị lớn và các đô thị cấp hai, cũng như khoảng cách thế hệ trong hành vi sử dụng công nghệ.
Bên cạnh đó, mức độ sử dụng AI giảm dần theo độ tuổi. Người lớn tuổi thường ít quan tâm và vì thế cũng ít tiếp xúc với công nghệ mới. Đây cũng là xu hướng phổ biến tại nhiều quốc gia trên thế giới. Cùng với mức độ quan tâm cao, người dân Việt Nam cũng chia sẻ không ít lo ngại xoay quanh AI. Quyền riêng tư dữ liệu là mối lo hàng đầu, với 52% người được khảo sát bày tỏ lo ngại về cách AI thu thập và sử dụng thông tin cá nhân. Tiếp đó, 48% người được hỏi lo ngại về việc AI có thể thay thế con người trong công việc. Đây cũng là xu hướng lo ngại phổ biến ở cả các quốc gia đang phát triển và đã phát triển.
Đáng chú ý, chỉ có 36% người Việt lo ngại về việc AI tạo ra thông tin sai lệch như deepfake hay thao túng dư luận, mức thấp nhất trong các mối quan ngại tại Việt Nam. Sự khác biệt này phản ánh rõ nét sự khác biệt trong nhận thức giữa người dân Việt Nam và người dân tại các quốc gia châu Âu hoặc châu Mỹ, nơi lo ngại về thông tin sai lệch thường đứng hàng đầu.
Điện Biên tổ chức “Ngày hội AI”. Thanh niên trải nghiệm công nghệ AI tại các gian hàng. Ảnh: Xuân Tư - TTXVN
Báo cáo của WIN và Indochina Research cũng đưa ra khuyến nghị đối với Việt Nam, tập trung vào ba hướng chính. Đó là việc mở rộng khả năng tiếp cận AI, đặc biệt tại các khu vực ngoài đô thị lớn và các nhóm dân số lớn tuổi; tăng cường giáo dục và truyền thông, giúp người dân hiểu rõ lợi ích, ứng dụng của AI trong cuộc sống, qua đó giảm bớt những nỗi lo thái quá, đồng thời gia tăng tần suất sử dụng công nghệ mới; xây dựng niềm tin xã hội đối với AI, bằng cách phát triển các hệ thống AI minh bạch, an toàn và đáng tin cậy, nhằm bảo vệ quyền riêng tư và thúc đẩy môi trường công nghệ có trách nhiệm. "Việc được xếp hạng cao không nên che mờ thực tế rằng còn một bộ phận lớn người dân chưa có cơ hội tiếp cận AI. Đây chính là cơ hội để đẩy mạnh việc thử nghiệm, sử dụng và lan tỏa AI một cách rộng rãi hơn" Báo cáo nêu rõ.
Việc Việt Nam vươn lên xếp hạng thứ 6 trong tổng số 40 quốc gia thuộc 5 châu lục được khảo sát trong Bảng Chỉ số AI Thế giới 2025 cho thấy, Việt Nam đang sở hữu những điều kiện thuận lợi để bứt phá trong lĩnh vực AI; cần có những giải pháp cụ thể hơn nữa để đưa AI trở thành một phần không thể thiếu trong sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất