Văn hóa Đông Sơn - Chiến tranh và Hòa bình (kỳ 22): Những lưỡi dao găm mang đầy tính biểu trưng

24/07/2025 07:09 GMT+7 | Văn hoá

Trong các vật dụng được xếp hạng vào "vũ khí Đông Sơn" thì dao găm là một loại hình độc đáo, tiêu biểu nhất. 

Bạn đọc cũng sẽ không thấy làm lạ khi biết rằng trong loạt hàng trăm bài tôi viết về văn hóa Đông Sơn trong hơn hai năm qua tại chuyên mục "Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất", số bài liên quan đến dao găm cũng lên tới con số hàng chục.

Xem chuyên đề Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất TẠI ĐÂY

Trong thực tế, loại "vũ khí" này có tính sát thương cũng như uy lực chiến trường không lớn như những lưỡi rìu chiến, mũi giáo, nhưng bù lại, chúng mang tính biểu trưng rất cao.

Dao găm đồng Đông Sơn có số lượng cao hơn kiếm rất nhiều, có lẽ chỉ sau rìu, giáo. Theo số liệu thống kê của tôi, hiện đã ghi nhận trên 300 dao găm Đông Sơn các loại. Con số thực tế phải tới hàng ngàn. Điều đó cho thấy tính phổ biến tương đối của loại hình "vũ khí" này trong xã hội trung lưu trở lên của văn hóa Đông Sơn. Thậm chí, không chỉ người lớn, tôi đã chứng kiến 4 ngôi mộ trẻ em Đông Sơn được chôn theo dao găm: các em bé nhà giàu trong mộ vò ở Quỳ Chử, Hoàng Lý (Thanh Hóa) và em bé nhà qúy tộc trong quan tài bằng chiếc thạp đồng Bảo vật quốc gia Hợp Minh (Yên Bái).

Dao găm tượng hai thủ lĩnh nữ sinh đôi trên bành voi có đôi giao long nâng đỡ (sưu tập HIOCO, Paris, Pháp)

Như vậy, chúng ta cũng dễ thấy rằng dao găm Đông Sơn nhiều khi không chỉ là dụng cụ chuyên dùng trong chiến tranh mà là vật dụng thường ngày, có thể tự vệ nhưng cũng dễ dàng dùng cắt gọt mọi vật liên quan trong đời sống.

Phân loại dao găm xuất hiện trong thời Đông Sơn có thể chia thành gần chục loại hình khác nhau. Loại đi những dao găm có thể chứng minh là du nhập thì dao găm Đông Sơn tập trung trong hai phổ lớn:

Tượng cán dao găm Đông Sơn hình nữ thủ lĩnh trên vai hầu gái (Ảnh trái và ảnh giữa là mặt trước và mặt sau của hiện vật thuộc sưu tập bảo tàng Barbier-Mueller, Geneva, Thụy Sĩ; ảnh phải là của Nhà hàng Trống Đông Sơn, Hà Nội)

* Phổ Đông Sơn Tây Âu gồm những dao găm bản lưỡi hình tam giác cân hoặc tam giác lượn đỉnh tháp, trên bản lưỡi có hoa văn dây đối xứng có đỉnh nhọn tương ứng với mũi nhọn dao găm. Phần chắn tay nằm ngang, cùng phần tay cầm tạo hình chữ "T". Phần đốc có thể có một bản chắn đốc mỏng. Trên phần tay cầm phủ kín trang trí hoa văn hình học như văn đan mây tre tạo bởi các đường chỉ chìm mảnh, sắc rất dày như phủ gấm trên toàn bộ tay cầm với chủ đề chính là Mẹ - thần hộ mệnh dang chân tay như hình ếch.

Tượng cán dao găm lớn trên 40cm, thuộc phổ Đông Sơn Lạc Việt: Chân dung một nữ thủ lĩnh tay trái ôm rìu chiến (sưu tập HIOCO, Paris, Pháp)

Phổ dao găm Đông Sơn Tây Âu phủ dọc thượng sông Hồng đến ngã ba Bạch Hạc (Việt Trì) và vùng miền núi Tây Bắc vào đến miền núi Thanh Nghệ. Phổ dao găm này xuất hiện đa dạng trong cả văn hóa Điền. Tuy nhiên, loại đốc được bịt kín và trang trí rất đẹp dường như chỉ xuất hiện ở vùng văn hóa Đông Sơn Tây Âu phân bố trên lãnh thổ Việt Nam hiện nay.

* Phổ Đông Sơn Lạc Việt gồm những dao găm bản lưỡi hình lá tre, chắn tay được đúc dài thành hai "gai" hai bên rồi cuốn cong như râu dương xỉ tạo dáng như hai sừng trâu nấp gọn trong khoảng trống chừa sẵn ở hai bên đáy bản lưỡi. Trên bản lưỡi hình lá tre đa số để trơn, tuy nhiên có những dao dành cho quý tộc mang theo khá nhiều kiểu trang trí chim, thú, chiến binh hóa trang…

Hình trái: Thủ lĩnh nam (sưu tập bảo tàng Hải Phòng). Hình phải: Một kiểu dao găm hay kiếm ngắn xuất hiện trong văn hóa Đông Sơn (sưu tập T&T, Hà Nội)

Những dao găm được phát hiện trong mộ Đông Sơn 1924, Thiệu Dương (1960, 1965), Việt Khê (1960), Vinh Quang (1968), Châu Can (1974), Làng Cả (1976, 1977)… và những dao găm được các nhà khảo cổ Việt - Nhật khai quật được ở Làng Vạc (Nghệ An) năm 1973, 1980, 1990 được coi như tiêu bản khảo cổ học đáng tin nhất cho loại hình này.

Phần tay cầm của loại dao này được tạo hình rất đa dạng với ba kiểu chính: kiểu đơn có đốc nằm ngang hình chữ "T" ngược, đốc bầu hình củ hành có hoặc không trổ lỗ, đốc tạo hình người, thú như những tác phẩm mỹ thuật độc đáo của văn hóa Đông Sơn mà tôi đã nhắc đến nhiều ở các phần trên. Tôi sẽ dành riêng một bài để nói về các biến thể tượng người thú độc đáo mà tôi đã từng gặp trên gần trăm tiêu bản cán dao găm loại này.

Ảnh chụp phía sau, phía trước và chụp nghiêng cán dao găm Đông Sơn thủ lĩnh lưng đeo đầu lâu, hông đeo dao găm

Cả hai phổ dao găm Đông Sơn nói trên đều có những kiểu bao dao bằng đồng đúc hay đồng ốp gỗ, sừng, ngà voi thếp vàng dành cho những quý tộc. Chúng cũng sẽ được nhắc đến trong một bài riêng dành cho các loại bao dao găm và bao kiếm Đông Sơn.

Để tạm kết luận, tôi muốn trở lại với con dao găm đỉnh cao của phổ Đông Sơn Lạc Việt: thủ lĩnh nam đầu đội đai, tai và tay đeo các chùm vòng, lưng treo đầu lâu kẻ thù, và đặc biệt trên hông đeo một dao găm. Đây là hình ảnh rõ nét nhất để xác nhận tính biểu trưng mạnh mẽ của quyền lực thủ lĩnh Đông Sơn bộc lộ từ những con dao găm quý tộc đỉnh cao trong thế giới hàng ngàn dao găm Đông Sơn được dùng cả trong chiến trận lẫn công việc gia dụng hàng ngày. 

"Tính sát thương cũng như uy lực chiến trường của dao găm Đông Sơn không lớn như những lưỡi rìu chiến, mũi giáo, nhưng bù lại, chúng mang tính biểu trưng rất cao" - TS Nguyễn Việt.

(Còn nữa) 

TS Nguyễn Việt

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link