V-League và câu hỏi: Ai mua, ai bán?

17/05/2025 06:02 GMT+7 | Bóng đá Việt

Khi nói số lượng khán giả trung bình của V-League đang trên đà sụt giảm, khi ở mức dưới 5.000 ấy là chưa nói hết được sự đáng lo. Bởi đi sâu vào các con số, sẽ thấy thêm các vấn đề thực sự báo động. Bi quan hơn khi đó không chỉ là vấn đề của riêng bóng đá, nó cho thấy con đường lên chuyên nghiệp, hay rộng hơn, là kiến tạo một nền công nghiệp thể thao vẫn còn mơ hồ lắm.

1. BTC sân Quy Nhơn vừa ra thông báo sẽ mở cửa miễn phí cho các trận đấu cuối của Bình Định trên sân nhà. Chưa bao giờ đội bóng đất Võ lại cần người hâm mộ của mình đến thế. Sau khi để thua trận "chung kết ngược" trước Đà Nẵng ở vòng trước, Quy Nhơn Bình Định chỉ còn hơn đối thủ đang đứng chót bảng với khoảng cách chỉ 2 điểm. Dù vẫn còn trong tay 1 trận chưa đấu nhưng chẳng ai nói trước được điều gì. Từ một đội bóng mà vài năm trước còn đặt tham vọng vô địch, giờ đội chủ sân Quy Nhơn chỉ còn hy vọng người Bình Định sẽ đứng bên cạnh các cầu thủ.

Nhưng có lẽ ngay cả không bán vé và tình hình đội nhà nguy ngập, thì chưa chắc sân Quy Nhơn đã đông. Đây là sân bóng có lượng khán giả tệ nhất giải nếu không tính đến trường hợp khách quan của Quảng Nam và Đà Nẵng, 2 đội bóng phải mượn sân của nhau làm sân nhà do cả sân Hòa Xuân lẫn Tam Kỳ đều có các giai đoạn đóng cửa sửa chữa.

Sân Quy Nhơn hiện đang giữ một kỷ lục buồn: Chỉ có 1.000 khán giả đến xem trận đấu giữa Bình Định và SLNA, một con số chỉ ngang với trận đấu tại giải hạng Nhất. Điều đáng nói hơn, trận đấu đó diễn ra hồi đầu giải (vòng 6), vào ngày Chủ nhật. Có nghĩa là việc khán giả không đến sân Quy Nhơn không phải do đội nhà đang đua trụ hạng, hay giá vé. Thực tế là suốt từ đầu giải đến nay, trận có khán giả cao nhất của sân Quy Nhơn cũng chỉ 4.000 người so với sức chứa khoảng 15.000 chỗ ngồi, kém hơn cả mức bình quân cả mùa trước (gần 5.000 người/trận).

Nhưng sân Quy Nhơn chưa phải là trường hợp duy nhất, đáng ngạc nhiên hơn là số khán giả bình quân đến sân xem các trận đấu của Thanh Hóa thấp một cách đáng kinh ngạc, cả sân khách lẫn sân nhà. Người hâm mộ Thanh Hóa có tiếng là cuồng nhiệt và sân Thanh Hóa cũng vẫn thường nằm trong tốp đầu nhiều năm qua. Mùa này, dù không như kỳ vọng nhưng Thanh Hóa vẫn đang đứng hạng 6, đã trụ hạng và chỉ thua có 6 trận sau 22 trận đã đấu. Có thể hiểu là thành tích chưa phải là lý do khiến nhiều trận đấu có mặt Thanh Hóa chỉ thu hút 2.000 khán giả đến sân.

Vì sao lại như vậy? Rất khó trả lời câu hỏi này với những quan sát thông thường. Rất tiếc, không chỉ bây giờ mà chưa bao giờ có những khảo sát nghiêm túc về việc người hâm mộ đang ngày càng ít đến sân bóng để xem các trận đấu trực tiếp và tận hưởng những điều chỉ có riêng ở 90 trên sân. Cần lưu ý là những nơi có sự sụt giảm lớn nhất lại rơi vào các địa phương vốn có truyền thống bóng đá như Nghệ An, Đà Nẵng, Bình Định, Thanh Hóa, Gia Lai….

2. Bóng đá, dù có điều kiện tốt nhất để đo lường về thực trạng khán giả đến sân, mà không làm được thì câu chuyện của các môn thể thao khác đương nhiên là hoàn toàn bế tắc. Sự sụt giảm khán giả đến xem trực tiếp hoạt động thi đấu đỉnh cao đã diễn ra khá lâu và chưa có dấu hiệu dừng lại. Nói thẳng ra, đa số các môn thể thao ở Việt Nam hiện nay đều thi đấu trong tình trạng vắng khán giả. Đông, giờ là ngoại lệ. Vắng, là chuyện bình thường đến mức dường như chẳng còn ai thắc mắc.

Câu chuyện thể thao: Ai mua, ai bán? - Ảnh 1.

Sân Thiên Trường là một ngoại lệ hiếm hoi của V-League từ khoảng 5 năm qua, khi luôn đông kín khán giả, dù CLB Nam Định đua trụ hạng hay đua vô địch. Ảnh: Song Ngọc

Không thể xem nhẹ việc này nếu chúng ta còn đang nói về việc làm sao để có một nền kinh tế thể thao. Cũng không thể lấy việc phát triển của nền tảng phát trực tuyến hay số lượng kênh truyền hình trực tiếp để cho rằng "không xem chỗ này thì xem chỗ kia". Thứ nhất, ở Việt Nam hoàn toàn chưa có công cụ đo lường việc xem thể thao trên các nền tảng phát trực tuyến. Thứ hai, lượng khán giả đến sân xem trực tiếp có ý nghĩa quan trọng cho sự phát triển của thể thao chuyên nghiệp.

Ngoài các con số, đó còn là cảm xúc, là những yếu tố liên quan về mức độ quan tâm đến môn thể thao mà mình yêu thích. Phải yêu thích lắm thì mới cất công đến sân. Một CLB có nhiều người đến sân xem thi đấu thì chắc chắn sẽ còn nhiều hơn người xem online. Ngược lại, sân bóng mà ít, thì chẳng có gì bảo đảm là người ta sẽ xem online nhiều hơn cả.

Nói rộng ra, khi người ta không còn quan tâm đến thể thao đỉnh cao, thì sẽ không thể thu hút được các doanh nghiệp đầu tư vào thể thao và chắc chắn, sẽ chẳng thể có kinh tế thể thao. Nói gì thì nói, muốn có hoạt động kinh doanh trong thể thao thì điều tiên quyết là phải có thị trường. Đằng này, người mua không có, vậy thì lấy gì để khảo sát, để tiếp thị và biết bán cái gì bây giờ?

3. Mới đây, nhân dịp 10 năm ra đời, giải bóng rổ chuyên nghiệp Việt Nam (VBA) đã phát động một chương trình "nhận diện" mới để kỳ vọng đưa giải đấu này vươn tầm. Hành động này của VBA được hiểu theo 2 cách.

Thứ nhất, đó là sự năng động của nền kinh tế tư nhân trong lĩnh vực thể thao. Họ liên tục tìm cách làm mới, tìm kiếm thêm đối tượng khách hàng, tăng hoạt động tiếp thị để thu hút đầu tư. Thứ hai, có thể đây là giải pháp "tự cứu mình" của VBA trong bối cảnh mà người hâm mộ thể thao tại Việt Nam đang ngày càng ít đến sân xem trực tiếp.

Dù là lý do gì, thì điều quan trọng là VBA đã phải "hành động". Đó là việc phải làm. Hãy lấy câu chuyện ở sân Quy Nhơn, từ đầu mùa đã lập kỷ lục không vui về lượng khán giả nhưng phải đợi đến khi đội nhà đã cận kề nguy hiểm mới nghĩ đến chuyện mở cửa miễn phí.

Điều này cho thấy những người điều hành đội bóng hoặc không hề quan tâm đến vấn đề khán giả, hoặc họ biết nhưng cũng không biết làm gì vì không hề có bộ phận chuyên trách về khâu tiếp thị, kinh doanh hay thậm chí cũng chẳng có ý định thuê một đơn vị nào đó tìm giải pháp cho mình.

Nói nôm na, dù là một Công ty nhưng CLB bóng đá vẫn hoạt động theo tư duy chẳng khác gì thời bao cấp. Chỉ cố gắng kiếm cho được nhà tài trợ, "gồng mình" trả lương, rồi cứ thế ra sân thi đấu.

Thực tế là ở Việt Nam gần như không có những Công ty thiên về tiếp thị và quản lý thể thao. Đó là một trong những lĩnh vực lẽ ra phải nhận được nhiều sự tham gia của thành phần kinh tế tư nhân. Họ là người trung gian, truyền cảm xúc cho người hâm mộ và tạo ra thị trường.

Không có các doanh nghiệp này, cũng đồng nghĩa là thể thao Việt Nam chưa biết phải "bán" cái gì và từ đó, "người mua", tức người hâm mộ, cũng sẽ dần ít đi. Còn tại sao mà những doanh nghiệp tiếp thị, quản lý thể thao không xuất hiện nhiều, thì có khi là vì chẳng có ai cần đến họ, từ các ông chủ CLB cho đến những nhà quản lý ở các địa phương, Liên đoàn…


Mùa giải 2024/2025 đang đứng trước hàng loạt vấn đề nan giải và là rào cản lớn cho sự phát triển của V.League. Trải qua 25 năm hoạt động chuyên nghiệp, không thể phủ nhận những nỗ lực của BTC và các đội bóng trong công tác quản lý, điều hành cũng như tổ chức thi đấu. Đặc biệt, đây đã là mùa giải thứ hai mà VPF áp dụng thể thức và lịch thi đấu mới theo chuẩn quốc tế, đồng thời, công nghệ VAR cũng bước sang năm thứ ba vận hành.

Song, chừng đó vẫn chưa đủ để tạo nên một cuộc cách mạng thật sự cho V.League - giải đấu được coi là xương sống cho sự phát triển của nền bóng đá Việt Nam. Có sự hỗ trợ của công nghệ tiên tiến và kỹ thuật hiện đại mà chất lượng trận đấu không được nâng cao, các vấn đề tiêu cực vẫn tồn tại thì khó có thể tìm lại được không khí rực lửa trên khán đài.

Long Khang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link