11/07/2025 17:33 GMT+7 | Tin tức 24h
Việt Nam trở thành quốc gia thành viên Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) từ năm 1982 và là một trong những nước tham gia sớm nhất trong khu vực.
Trong hơn bốn thập niên qua, Việt Nam kiên trì, nhất quán triển khai các nội dung của Công ước một cách toàn diện, gắn với các bước tiến trong phát triển thể chế, hoàn thiện pháp luật và nâng cao chất lượng quản trị quốc gia. Phiên đối thoại quốc gia lần thứ tư của Việt Nam với Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc (7-8/7/2025 tại Geneva, Thụy Sĩ) về thực thi Công ước ICCPR rất thành công. Vượt lên trên những đánh giá cụ thể tại Phiên đối thoại, sự kiện này còn phản ánh một bước tiến dài của Việt Nam trong việc thể chế hóa quyền con người, trong đó quyền dân sự và chính trị không chỉ là cam kết quốc tế mà đã trở thành một trụ cột cấu thành chiến lược phát triển quốc gia.
Việt Nam nhất quán thực thi Công ước ICCPR
Công ước ICCPR là một trong những điều ước quốc tế quan trọng nhất về quyền con người, đã được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua vào năm 1966 và có hiệu lực vào năm 1976. Với phạm vi điều chỉnh rộng, bao trùm tất cả các quyền dân sự và chính trị của mỗi cá nhân, Công ước ICCPR ra đời đã nhận được sự quan tâm lớn của cộng đồng quốc tế.
Trong hơn bốn thập niên trở thành quốc gia thành viên Công ước ICCPR, Việt Nam kiên trì, nhất quán triển khai các nội dung của Công ước một cách toàn diện, gắn với các bước tiến trong phát triển thể chế, hoàn thiện pháp luật và nâng cao chất lượng quản trị quốc gia.
Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt cùng đại diện Việt Nam phát biểu khai mạc cuộc tọa đàm quốc tế “Tích hợp giáo dục nhân quyền vào hệ thống giáo dục: Chia sẻ kinh nghiệm và bài học thực tiễn”, khẳng định vai trò của giáo dục quyền con người. Ảnh: Anh Hiển - Pv. TTXVN tại Thụy Sĩ
Các bản Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980 và 1992 đều ghi nhận quyền con người, quyền công dân. Đặc biệt trong Hiến pháp năm 2013, các nguyên tắc này tiếp tục được khẳng định sâu sắc hơn, với cách tiếp cận hiện đại, nhất quán, nhấn mạnh vai trò của Nhà nước trong việc tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người. Trên cơ sở đó, quá trình thể chế hóa Công ước ICCPR tại Việt Nam không chỉ được duy trì xuyên suốt mà ngày càng đạt đến mức độ thực chất hơn, phản ánh sự trưởng thành của hệ thống pháp luật và nhận thức xã hội.
Đặc biệt, ngày 16/6/2025, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Những nội dung sửa đổi không chỉ mang tính kỹ thuật lập pháp, mà thể hiện tầm nhìn chiến lược trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện đại, dân chủ và phát triển.
Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN
Phiên đối thoại quốc gia của Việt Nam với Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc ngày 7 và 8/7/2025 là mốc kiểm chứng toàn diện cho tiến trình thực thi Công ước mà Việt Nam đã nhất quán triển khai trong suốt thời gia qua. Việt Nam đã mang đến Geneva một hệ thống luận cứ, số liệu và chính sách đầy đủ, phản ánh tiến trình nội luật hóa và cải cách thể chế một cách đồng bộ.
Những nội dung này không chỉ là báo cáo trên giấy, mà bắt nguồn từ những thay đổi cụ thể, sâu rộng trong hệ thống pháp luật và quản trị quốc gia. Từ sau năm 2019 - năm nộp Báo cáo quốc gia lần thứ ba, Việt Nam đã ban hành hơn 150 văn bản luật và nghị quyết của Quốc hội có nội dung liên quan trực tiếp đến quyền dân sự-chính trị. Các chính sách cải cách tư pháp, hành chính, trợ giúp pháp lý, công khai bản án, xét xử trực tuyến, mở rộng quyền tiếp cận thông tin pháp luật, thu hẹp phạm vi tử hình… không chỉ mang tính kỹ thuật mà phản ánh thay đổi tư duy quản trị.
Tháng 3/2023, Việt Nam đã nộp Báo cáo quốc gia lần thứ tư về thực thi công ước và cuối năm 2024, Việt Nam đã nộp Báo cáo trả lời danh sách các vấn đề quan tâm của Ủy ban Nhân quyền.
Việc tham dự phiên họp của Ủy ban Nhân quyền lần này tiếp tục thể hiện sự nghiêm túc của Việt Nam trong việc thực hiện nghĩa vụ báo cáo về tình hình thực thi các cam kết quốc tế. Đối thoại tại phiên họp cũng giúp Ủy ban Nhân quyền và các quốc gia thấy rõ bức tranh tổng thể của sự phát triển toàn diện, nhanh chóng trong việc bảo vệ, thúc đẩy quyền dân sự và chính trị kể từ sau khi Việt Nam nộp Báo cáo lần thứ ba.
Đối thoại tại Geneva vì vậy không đơn thuần là "trình bày", mà là thể hiện bản lĩnh của một quốc gia đang chủ động kiểm chứng những thành tựu cải cách của chính mình dưới lăng kính giám sát quốc tế.
Thực thi quyền dân sự-chính trị - trụ cột trong chiến lược phát triển bao trùm
Phát biểu tại Phiên đối thoại, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh, Trưởng đoàn Việt Nam - khẳng định: Việt Nam luôn coi con người là trung tâm, là mục tiêu và là động lực của mọi chính sách phát triển. Do đó, việc chăm lo, bảo vệ và bảo đảm quyền con người luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, coi đó là nhiệm vụ và ưu tiên hàng đầu.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN
Tư tưởng ấy, từ lâu đã được thể hiện trong đường lối của Đảng và Nhà nước và được cụ thể hóa thành các chính sách rõ ràng, gắn với hệ thống pháp luật đồng bộ và khả thi. Đặc biệt, các cải cách pháp luật, hành chính và tư pháp cũng như việc thực thi pháp luật của Việt Nam hiện nay đều lấy người dân là trung tâm, là chủ thể phục vụ.
Thực tế cho thấy, quyền dân sự và chính trị không còn được hiểu như những quy định mang tính nguyên tắc, mà ngày càng trở thành một phần thiết yếu trong kiến trúc thể chế quốc gia. Các bước đi của Việt Nam vì thế không phải là phản ứng tình thế hay xử lý nghĩa vụ quốc tế, mà là lựa chọn chiến lược để xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thực chất, hiện đại, hiệu lực-hiệu quả.
Trong xây dựng pháp luật, Việt Nam đã ban hành, sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản quy phạm pháp luật quan trọng về quyền con người, như Bộ luật Hình sự (thu hẹp phạm vi áp dụng án tử hình, loại bỏ hình phạt này với 8 tội danh), Luật Tiếp cận thông tin, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo... cùng hàng loạt nghị quyết nhằm thúc đẩy minh bạch, bảo đảm quyền con người, quyền công dân.
Trong thực thi, Việt Nam đã đưa vào hoạt động Cổng pháp luật quốc gia nhằm cung cấp kịp thời, đầy đủ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp về văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có nội dung tác động đến quyền dân sự và chính trị của công dân. Tòa án nhân dân tối cao đã xây dựng Trang thông tin điện tử công bố bản án, quyết định của Tòa án; trang thông tin về án lệ; triển khai xét xử trực tuyến…, giúp người dân dễ dàng tiếp cận công lý.
Việt Nam sẽ miễn toàn bộ học phí cho học sinh từ Mầm non 5 tuổi đến hết THPT công lập trên phạm vi cả nước, thực hiện từ đầu năm học 2025-2026. Ảnh: Nguyễn Nam - TTXVN
Việt Nam còn triển khai nhiều chính sách an sinh, trợ cấp xã hội hướng tới những nhóm yếu thế. Cụ thể, Chính phủ đã miễn, hỗ trợ học phí cho trẻ mầm non, học sinh phổ thông trên toàn quốc; hỗ trợ bữa ăn cho học sinh miền núi, biên giới, vùng dân tộc thiểu số; đồng thời đang xây dựng lộ trình miễn viện phí cho toàn dân. Điều này cho thấy quyết tâm không để ai bị bỏ lại phía sau trong việc thụ hưởng quyền dân sự, chính trị.
Việt Nam cũng nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới. Theo Báo cáo Khoảng cách giới toàn cầu 2025 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Việt Nam xếp hạng 74/148 quốc gia, tăng hai bậc so với năm 2024, trong đó các chỉ số về kinh tế và giáo dục cho phụ nữ đều cải thiện tích cực.
Đồng thời, Việt Nam tích cực ứng phó với biến đổi khí hậu, đẩy mạnh phòng chống thiên tai, đầu tư hạ tầng thông tin, bảo đảm quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận và tiếp cận thông tin cho người dân.
Những nỗ lực đó đã phản ánh rõ sự thay đổi trong tư duy quản trị: lấy quyền con người làm chuẩn mực đánh giá hiệu quả điều hành. Thực thi quyền dân sự-chính trị vì thế không chỉ là thực hiện Công ước ICCPR, mà là một phần của chính sách phát triển bao trùm của Việt Nam.
Việt Nam tổ chức Tập huấn kỹ năng truyền thông về bình đẳng giới. Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới Ngô Diệu Linh phát biểu tại buổi tập huấn. Ảnh: Mai Trang - TTXVN
Chia sẻ với báo chí sau khi Phiên đối thoại kết thúc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh cho biết, để tiếp tục nâng cao hiệu quả thực thi Công ước ICCPR, Việt Nam sẽ xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành một Kế hoạch hành động quốc gia với sự tham gia của các bộ, ngành liên quan. Trọng tâm của kế hoạch là tăng cường nhận thức và năng lực cho đội ngũ cán bộ xây dựng và thực thi pháp luật về quyền con người; tiếp tục thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, nội luật hóa đầy đủ các quy định trong Công ước ICCPR theo tinh thần của Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 của của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.
Đồng thời, Việt Nam sẽ chú trọng đột phá trong thi hành pháp luật, đảm bảo pháp luật được áp dụng công bằng, thống nhất, kịp thời và hiệu quả trên thực tế. Công tác hậu kiểm, xử lý vướng mắc ở cấp địa phương, cải cách thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cũng sẽ được tăng cường nhằm giúp người dân thụ hưởng thực chất hơn các quyền dân sự và chính trị. Đặc biệt, việc tiếp nhận, xử lý phản ánh của người dân, doanh nghiệp và đổi mới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về quyền con người cũng được xác định là nhiệm vụ xuyên suốt trong thời gian tới.
Khẳng định một Việt Nam trách nhiệm trong đối thoại, chủ động hội nhập và kiến tạo
Việc Việt Nam tích cực tham gia các cơ chế đối thoại về nhân quyền, không chỉ với Ủy ban ICCPR mà cả với các cơ chế khác như UPR, CRPD, CEDAW… cho thấy một nền quản trị đang ngày càng tiếp cận với logic của thế giới hiện đại - minh bạch, trách nhiệm giải trình và đối thoại đa chiều.
Trong sự kiện lần này, đại diện Việt Nam đã trả lời thẳng thắn các câu hỏi chất vấn, bác bỏ các thông tin sai lệch, đồng thời không ngại nhìn nhận những thách thức. Qua phiên đối thoại, Việt Nam còn khẳng định vai trò chủ động kiến tạo các giá trị nhân quyền trong không gian toàn cầu. Qua các sáng kiến về quyền con người trong chuyển đổi khí hậu, quyền lương thực, bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, bình đẳng giới…
Hội thảo "Con người, quyền con người là trung tâm, mục tiêu, chủ thể và động lực phát triển đất nước". Ảnh: Đinh Văn Nhiều-TTXVN
Đặt trong bối cảnh rộng hơn, phiên đối thoại ICCPR lần này là bước tiếp nối của một chuỗi hành động chiến lược: hoàn thành UPR chu kỳ IV, bảo vệ thành công báo cáo CRPD, chuẩn bị bảo vệ báo cáo CEDAW… Đồng thời, trong nước là quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật (Nghị quyết 66/2025), cải cách thể chế, phát triển chính phủ số, xã hội số.
Tất cả cho thấy quyền con người - đặc biệt là quyền dân sự và chính trị - không còn được nhìn như một lĩnh vực riêng biệt mà đã trở thành nguyên tắc chi phối trong chính sách công. Sự kết hợp giữa pháp quyền, dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát triển bao trùm và hội nhập quốc tế - chính là nền tảng tạo nên tính bền vững và khả năng thích ứng của chiến lược quyền con người Việt Nam trong thời kỳ thế giới có nhiều biến động.
Phiên đối thoại ICCPR lần thứ tư không chỉ khẳng định trách nhiệm quốc gia với các cam kết quốc tế, mà còn cho thấy tư duy thể chế của Việt Nam đang vận hành theo hướng hiện đại, chủ động và nhân văn. Đặt con người ở trung tâm của cải cách và phát triển, Việt Nam đang cho thấy hình ảnh một quốc gia hội nhập bản lĩnh, không chỉ thực hiện cam kết, mà còn đóng góp tích cực vào việc kiến tạo chuẩn mực chung về quyền con người trong thời đại mới.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất