Tiểu thuyết "Nước non vạn dặm" và giá trị của văn học khi khắc họa nhân vật lịch sử

17/05/2025 17:42 GMT+7 | Multimedia

Ngày 17-5, lễ ra mắt trọn bộ tiểu thuyết 5 tập "Nước non vạn dặm" của nhà văn Nguyễn Thế Kỷ đã diễn ra tại Hà Nội. Bộ sách được giới nghiên cứu đánh giá là đã thành công trong việc dựng lên chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, gắn liền với chặng đường lịch sử vĩ đại của dân tộc.

Tiểu thuyết “Nước non vạn dặm” và giá trị của văn học khi khắc họa nhân vật lịch sử

"Nước non vạn dặm" - Bộ sử thi về Chủ tịch Hồ Chí Minh

Trong "Nước non vạn dặm", nhà văn Nguyễn Thế Kỷ đã xây dựng nên hình tượng nhân vật Hồ Chí Minh chân thực, sống động, giản dị, có chiều sâu nhân văn và lôi cuốn người đọc. Độc giả như được theo chân con người vĩ đại Hồ Chí Minh suốt những năm tháng kể từ khi Người nhận ra nhân dân mình đang phải sống kiếp nô lệ đến khi Người lên tàu tìm đường cứu nước và những tháng ngày cuối đời của một vĩ nhân.

Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương: Thực sự viết về Bác rất khó, một là tư liệu như thế nào. Đây là văn học, không phải lịch sử, văn học rồi phải hư cấu chứ, nhưng hư cấu ở mức độ nào... đó là giải quyết của người viết. Thêm nữa phải sưu tầm tư liệu lịch sử, phải bám vào lịch sử.

TS. Đỗ Anh Vũ, Ban Văn học nghệ thuật, âm nhạc, Đài Tiếng nói Việt Nam: Thể hiện sự sáng tạo của nhà văn khi thể hiện chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa là lãnh tụ vĩ đại, vừa đời thường, gần gũi với dân, tình cảm sâu nặng với quê hương, gia đình, bạn bè... Tác giả cũng không quên làm nổi bật phẩm chất nghệ sĩ của một người chiến sĩ cách mạng.

5 tập sách trên một ngàn trang của nhà văn Nguyễn Thế Kỷ còn chứa đựng nhiều điều quý giá từ Bác, đặc biệt trong đó là tư tưởng yêu nước thương dân, quý trọng con người; chân lý "Không có gì quý hơn độc lập, tự do"; đạo đức trong sáng, phong cách gần gũi, khiêm tốn... Tất cả những điều ấy là di sản tư tưởng và văn hóa quý giá mà Người để lại cho đất nước, cho nhân dân và cho cả nhân loại.

Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương: Bác của chúng ta, cũng có những người khi nói về Bác như kiểu phong thánh cho Bác. Tôi cho rằng những cách đó khó đi vào lòng dân, đặc biệt là giới trẻ. Bác phải gần gũi chứ, mỗi lời nói, cử chỉ của Bác đều gợi lên cho chúng ta bao nhiều xúc động.

Nhà nghiên cứu lý luận phê bình Bùi Việt Thắng, Nguyên Giảng viên khoa Văn học, Trường ĐH KHXH&NV: Đối với một nền văn học trưởng thành và thực sự vững mạnh, phải có tiểu thuyết, tức là một nền tiểu thuyết. Trong nền tiểu thuyết ấy phải có những bộ tiểu thuyết mang tính toàn cảnh, mang tính sử thi. Bộ tiểu thuyết này bao quát được chặng đường lịch sử nhiều năm, từ chú bé Nguyễn Sinh Cung đến sau này là lãnh tụ Hồ Chí Minh. Thời gian như thế sau này nó phản ánh luôn lịch sử dân tộc. Và hình tượng văn học trong bộ tiểu thuyết này là hình tượng bất tử. Tôi nghĩ nó sẽ hiện diện trong Bảo tàng Văn học, Bảo tàng lịch sử, cách mạng Việt Nam.

Qua ngòi bút của Nguyễn Thế Kỷ, người đọc thấy một Hồ Chí Minh con người hơn, gần gũi hơn, và cũng vĩ đại hơn. Điều đó cho thấy văn học có khả năng làm cho lịch sử và nhân vật lịch sử đi vào được đời sống hôm nay, càng thêm sống mãi trong lòng bạn đọc. Và văn học đã gieo vào lòng công chúng một tình yêu lớn với Chủ tịch Hồ Chí Minh và thời đại của Người. Đây chính là thành công vô cùng quan trọng của nhà văn Nguyễn Thế Kỷ khi thử sức ở thể loại văn học nhiều thách thức nhất đối với mọi nhà văn!./.

Ngân Lượng - Hoàng Anh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link