Thủ tướng Phạm Minh Chính: Loại bỏ tình trạng cấp trên "hợp thức hóa" cho cấp dưới

23/07/2025 16:29 GMT+7 | Tin tức 24h

Kết luận Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 7 năm 2025 diễn ra sáng 23/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo việc xây dựng các luật đảm bảo đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, chuyển đổi từ "tiền kiểm" sang "hậu kiểm", cương quyết cắt giảm thủ tục hành chính không cần thiết, giảm khâu trung gian, loại bỏ việc cấp trên "hợp thức hóa" cho cấp dưới.

Tại Phiên họp, Chính phủ đã nghe nghe tờ trình về các Dự án luật; báo cáo tiếp thu ý kiến thẩm định về các Dự án Luật; thảo luận sôi nổi về các dự án luật: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Lý lịch tư pháp; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma túy; Dự án Luật Hàng không dân dụng Việt Nam (thay thế); Dự án Luật Thương mại điện tử; Dự án Luật Giáo dục đại học (thay thế); Dự án Luật Giáo dục nghề nghiệp (thay thế).

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Loại bỏ tình trạng cấp trên "hợp thức hóa" cho cấp dưới - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 7 năm 2025. Ảnh: Dương Giang-TTXVN

Thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Lý lịch tư pháp, các thành viên Chính phủ phân tích vai trò, ý nghĩa luật trong bối cảnh tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp và thúc đẩy chuyển đổi số trong mọi mặt đời sống xã hội.

Yêu cầu xây dựng luật phải tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính; thiết kế các điều khoản chuyển tiếp, xử lý các chồng lấn về nội dung của Luật với các luật khác liên quan lĩnh vực lý lịch tư pháp, Thủ tướng đề nghị tiếp tục tham khảo kinh nghiệm quốc tế, các chuyên gia và đối tượng bị tác động để hoàn thiện thêm dự án luật.

Cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma túy, các ý kiến đánh giá việc sửa đổi là cần thiết, phù hợp với tình hình thực tiễn. Dự án luật thay đổi căn bản quan điểm, cách nhìn nhận về người nghiện. Luật hiện hành coi người nghiện là người bệnh, do đó ứng xử người nghiện như người bệnh, nhưng theo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma túy quy định người sử dụng trái phép ma túy là tội phạm.

Với yêu cầu Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma túy, phải là công cụ để ngăn chặn, đẩy lùi ma túy, Thủ tướng yêu cầu các quy định phải xử lý được những vấn đề liên quan trong thực tiễn thi hành; chú ý đến vấn đề nhân đạo, khi người nghiện ma túy là trẻ em vị thành niên thì đảm bảo quyền được học tập, rèn luyện.

Ở dự án Luật Hàng không dân dụng Việt Nam (thay thế), các thành viên Chính phủ cho rằng việc xây dựng luật này là cần thiết nhằm thúc đẩy phát triển ngành hàng không dân dụng Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực quản lý nhà nước, an toàn, an ninh, cảng hàng không, vận tải hàng không, và phát triển công nghiệp hàng không…

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Loại bỏ tình trạng cấp trên "hợp thức hóa" cho cấp dưới - Ảnh 2.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 7 năm 2025. Ảnh: Dương Giang-TTXVN

Về Dự án luật này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, trong tiến trình phát triển của đất nước, ngành hàng không dân dụng tiếp tục phát triển mạnh. Do đó Dự án luật này phải kiến tạo cho phát triển, trong đó luật chỉ quy định khung, mang tính nguyên tắc còn những nội dung có thể có biến động thì giao cho Chính phủ và phân cấp, phân quyền triệt để.

Thủ tướng yêu cầu bộ chủ trì tiếp tục rà soát vướng mắc đang tồn tại đề xuất sửa đổi như vấn đề xử lý công sản trên đất, giá vé, xử lý hoạt động không bình thường, quản lý thiết bị bay; huy động nguồn lực vào phát triển hệ sinh thái hàng không, nhất là hợp tác công – tư, trong đó quy định việc cho phép tư nhân tham gia phát triển các sân bay, hàng không, đô thị sân bay…

Đối với Dự án Luật Thương mại điện tử, các thành viên Chính phủ cho rằng, việc xây dựng luật này là cần thiết, đáp ứng yêu cầu, phù hợp với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế số, đặc biệt là sự bùng nổ những hình thức kinh doanh trực tuyến như sàn thương mại điện tử, livestream bán hàng, tiếp thị liên kết, nền tảng mạng xã hội có tích hợp chức năng thương mại…

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Loại bỏ tình trạng cấp trên "hợp thức hóa" cho cấp dưới - Ảnh 3.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hoà Bình phát biểu. Ảnh: Dương Giang-TTXVN

Thủ tướng yêu cầu hoàn thiện Dự án Luật Thương mại điện tử nhằm cụ thể hóa, thể chế hóa đầy đủ chủ trương mới của Đảng về chuyển đổi số; quản lý nhưng tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc hiện nay; khuyến khích, kiến tạo phát triển, thúc đẩy kinh tế số, Chính phủ số, xã hội số, công dân số; vừa thiết kế công cụ để quản lý, kiểm tra, giám sát. Trong đó, cơ quan chức năng tăng cường quản lý chất lượng hàng hóa, quản lý thuế, chống thất thu thuế; hạn chế được những mặt trái của thương mại điện tử, phòng chống buôn lậu, lừa đảo, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái…

Dự án Luật Giáo dục đại học (thay thế) và Dự án Luật Giáo dục nghề nghiệp (thay thế) được Chính phủ dành khá nhiều thời gian, thảo luận sôi nổi về nhiều vấn đề liên quan như: Công tác quản lý, mô hình hoạt động; tuyển sinh, chương trình đào tạo; đào tạo chuyên sâu đặc thù; phân cấp, phân quyền trong cấp văn bằng, chứng chỉ, công nhận học hàm, học vị…; đặc biệt là phải đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng nhân lực phục vụ phát triển đất nước thời kỳ mới.

Thủ tướng lưu ý các luật phải bám sát và thể chế hóa Nghị quyết của Đảng về giáo dục và đào tạo, các Nghị quyết liên quan nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, quản lý hiện đại; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đặc biệt là đối với các lĩnh vực chuyên sâu, đặc thù.

Trong đó, quy định quản lý chuyên môn thống nhất từ Trung ương tới cơ sở, nhưng cơ sở vật chất, con người thì nơi nào quản lý tốt hơn thì giao cho nơi đó quản lý; khuyến khích, gắn giáo dục, đào tạo với đổi mới sáng tạo; quan tâm cả đào tạo cơ bản, đào tạo chuyên ngành, chuyên sâu; thích ứng nhanh với các ngành mới nổi, gắn kết đào tạo với sử dụng; tăng chất lượng giáo dục, đào tạo và giảm số lượng trường đại học, phát triển mô hình phân hiệu của các trường…

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Loại bỏ tình trạng cấp trên "hợp thức hóa" cho cấp dưới - Ảnh 4.

Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 7 năm 2025. Ảnh: Dương Giang-TTXVN

Sau khi thảo luận sôi nổi và chỉ đạo hoàn thiện các Dự án luật, kết luận Phiên họp, Thủ tướng nhắc lại chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm là trong năm nay phải cơ bản tháo gỡ các vướng mắc thể chế, pháp luật, kiến tạo phát triển, phục vụ nhân dân, đưa thể chế từ "điểm nghẽn của điểm nghẽn" thành lợi thế cạnh tranh quốc gia.

Do đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành phải tập trung nguồn lực vật chất, con người cho công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật; đặc biệt các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ phải dành nhiều thời gian hơn và trực tiếp chỉ đạo, tham gia xây dựng thể chế, pháp luật.

Thủ tướng chỉ đạo các bộ, cơ quan phải rà soát kỹ; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực thực thi và thiết kế công cụ để kiểm tra, giám sát, chuyển đổi từ "tiền kiểm" sang "hậu kiểm"; cương quyết cắt giảm thủ tục hành chính không cần thiết, giảm khâu trung gian, loại bỏ việc cấp trên "hợp thức hóa" cho cấp dưới.

Trên cơ sở đó, công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật cần bảo đảm mục tiêu vừa kịp thời về thời gian, tiến độ, nâng cao chất lượng. Các luật phải bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; bảo đảm nguyên tắc pháp lý cao nhất. Các công cụ pháp lý phải sát thực tế, tinh thần chiến đấu cao, tính khả thi, tính hiệu quả trong quá trình xây dựng và thực hiện.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Loại bỏ tình trạng cấp trên "hợp thức hóa" cho cấp dưới - Ảnh 5.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn phát biểu. Ảnh: Dương Giang-TTXVN

Thủ tướng lưu ý, luật chỉ quy định các vấn đề khung, mang tính nguyên tắc, những vấn đề đã rõ, được thực tế chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, được đa số đồng tình, ủng hộ thì luật hóa, áp dụng vào thực tiễn; những vấn đề còn đang biến động, diễn biến phức tạp thì giao Chính phủ, các bộ, ngành quy định chi tiết, hướng dẫn cụ thể, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các hồ sơ, dự án luật sửa đổi, bổ sung cần làm rõ "5 vì sao" gồm: Vì sao lược bỏ, vì sao hoàn thiện, vì sao bổ sung, vì sao cắt bỏ thủ tục, vì sao phân cấp, phân quyền. Cùng với đó, các hồ sơ, dự án luật mới cần bảo đảm "6 rõ" gồm: Rõ về phân cấp, phân quyền; rõ quan điểm, nguyên tắc; rõ việc cắt giảm thủ tục, giảm chi phí tuân thủ, giảm phiền hà cho người dân; rõ các quan điểm của Đảng phải thể chế hóa; rõ tác động và hiệu quả khi ban hành luật; rõ chính kiến khi còn ý kiến khác nhau.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Loại bỏ tình trạng cấp trên "hợp thức hóa" cho cấp dưới - Ảnh 6.

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long trình bày tờ trình tóm tắt về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Lý lịch tư pháp. Ảnh: Dương Giang-TTXVN

Nhấn mạnh, nội dung luật phải được diễn đạt ngắn gọn, rõ ý, dễ hiểu, dễ thực hiện, dễ đôn đốc, giám sát, kiểm tra, đánh giá, Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan soạn thảo cần cầu thị lắng nghe các ý kiến của nhà khoa học, nhà chuyên môn, đối tượng bị tác động và tham khảo quốc tế; phát huy dân chủ trong thảo luận, tạo sự đồng thuận sâu rộng.

Thủ tướng yêu cầu tiếp thu tối đa các ý kiến của các thành viên Chính phủ, hoàn thiện hồ sơ các Dự án luật; đồng thời chủ động phối hợp với cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội chuyên trách để hoàn thiện các dự thảo luật đảm bảo thời gian, chất lượng.

Xem thêm tin tức TẠI ĐÂY

Phạm Tiếp/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link