Sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 2013 là phù hợp với yêu cầu phát triển mới của đất nước

08/05/2025 19:34 GMT+7 | Tin tức 24h

Kỳ họp thứ 9 Quốc hội XV thảo luận, cho ý kiến vào Tờ trình dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 đã nhận được sự quan tâm của cử tri Thành phố Hồ Chí Minh, đặc biệt những nội dung liên quan đến sửa đổi mô hình chính quyền địa phương và Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam cùng các tổ chức chính trị - xã hội thành viên.

Đánh giá chung về vấn đề này, Tiến sỹ Nguyễn Việt Hùng, nguyên Trưởng khoa Xây dựng Đảng, Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, bổ sung sửa đổi Hiến pháp 2013 là việc làm có ý nghĩa trọng đại nhưng cũng rất tất yếu, tự nhiên, khách quan và phù hợp với kỷ nguyên vươn mình phát triển mới của dân tộc và cách mạng Việt Nam. Đây là khâu đột phá về thể chế mang tính chất và ý nghĩa như một cuộc cách mạng. Tháo gỡ điểm nghẽn của mọi điểm nghẽn là thể chế sẽ giải phóng mọi nguồn lực, tiềm năng của đất nước và trong đồng bào ta để phát triển nhanh, bền vững, lấy phát triển bền vững nhân văn làm xuyên suốt và quyết định.

Để đạt mục tiêu đó phải đổi mới đồng bộ thể chế, cơ chế theo hướng tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Như vậy, bỏ mô hình chính quyền địa phương ba cấp đã tồn tại hàng trăm năm để xây dựng chính quyền địa phương hai cấp là cấp tỉnh và cấp xã là phù hợp; bỏ cấp huyện để gần dân, lo trực tiếp cho dân, đồng thời tăng trách nhiệm địa phương bàn, địa phương quyết, địa phương làm. Từ đó chuyển mạnh chính quyền sang kỹ trị chuyên nghiệp mà không mất đi nguyên tắc Đảng lãnh đạo, Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; dân là chủ, dân làm chủ.

Sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 2013 là phù hợp với yêu cầu phát triển mới của đất nước - Ảnh 1.

Quốc hội thảo luận về đề nghị sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 ngày 5/5/2025. Ảnh: TTXVN phát

Tiến sỹ Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế Quản lý Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, mô hình chính quyền địa phương 3 cấp (tỉnh – huyện – xã) đã tồn tại lâu đời tại Việt Nam, nhưng ngày càng bộc lộ nhiều hạn chế, dẫn đến những hệ lụy trong quản lý và phát triển kinh tế - xã hội. Việc chuyển đổi sang mô hình chính quyền địa phương 2 cấp (tỉnh – xã) nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả quản lý, phục vụ người dân tốt hơn và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đây không chỉ là thay đổi về mặt tổ chức, mà còn đòi hỏi sự đổi mới tư duy trong quản trị địa phương, nhằm đặt nền móng cho một hệ thống quản lý hiện đại, hiệu quả và gần dân hơn.

Người dân và doanh nghiệp kỳ vọng việc bỏ cấp huyện giúp giảm bớt tầng nấc trung gian, từ đó tăng hiệu quả quản lý và điều hành; chính quyền địa phương sẽ có quyền tự chủ cao hơn, giúp giải quyết nhanh chóng các vấn đề phát sinh tại địa phương. Việc tinh gọn bộ máy sẽ đi kèm với ứng dụng công nghệ thông tin, giúp cải thiện dịch vụ công và tăng tính minh bạch. Các thủ tục hành chính có thể được đơn giản hóa, giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận các chính sách hỗ trợ và phát triển với ít tầng quan liêu hơn, người dân có thể trải nghiệm thời gian xử lý tài liệu, giấy phép và dịch vụ công nhanh hơn.

Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 vừa ban hành Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến Nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Thời gian lấy ý kiến bắt đầu từ ngày 6/5/2025 và hoàn thành vào ngày 5/6/2025.

Mặt khác, việc thay đổi cấu trúc quyền lực ở địa phương đòi hỏi cơ chế giám sát chặt chẽ để đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm giải trình rõ ràng hơn, giúp tương tác với các cơ quan Chính phủ minh bạch và dễ tiếp cận. Với việc quản trị gần hơn với cấp cơ sở, người dân có thể có nhiều cơ hội hơn để tham gia vào quá trình ra quyết định và thảo luận chính sách.

Quan tâm đến nội dung sửa đổi Hiến pháp 2013, ông Phạm Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, đây là một dấu mốc quan trọng, thể hiện sự quyết tâm chính trị rất cao nhằm đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy nhà nước và hệ thống chính trị. Trong đó, việc sửa đổi Điều 9 của Hiến pháp có ý nghĩa đặc biệt với MTTQ Việt Nam, khẳng định rõ vai trò cốt lõi, vị trí quan trọng của MTTQ trong hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân.


Dự thảo Hiến pháp sửa đổi xác định các tổ chức chính trị - xã hội như Công đoàn, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh trực thuộc Mặt trận, là những thành viên thường trực, nòng cốt trong các hoạt động của Mặt trận là bước tiến quan trọng góp phần cụ thể hóa vai trò tập hợp, đoàn kết và đại diện cho các tầng lớp nhân dân, tạo điều kiện để tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn, đồng thời tạo hành lang pháp lý rõ ràng để MTTQ thực hiện tốt hơn chức năng giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước và bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhân dân.

Cũng theo ông Phạm Minh Tuấn, đáng chú ý, việc điều chỉnh quyền trình dự án luật, pháp lệnh của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam thể hiện vai trò tích cực hơn của Mặt trận trong việc phản ánh ý chí, nguyện vọng của nhân dân vào quá trình xây dựng pháp luật, từ đó góp phần hoàn thiện chính sách, pháp luật, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và MTTQ. Trong bối cảnh sắp xếp, phân định đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, vai trò của MTTQ càng trở nên quan trọng trong việc giữ mối liên hệ mật thiết với nhân dân, lắng nghe và phản ánh tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp xã hội. Điều này góp phần tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, giữ vững đoàn kết dân tộc, bảo đảm sự ổn định và phát triển bền vững của đất nước.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Bí thư Chi bộ Khu phố 10, Phường 12, Quận 3, một đảng viên 45 năm tuổi đảng và có nhiều năm tham gia công tác Mặt trận cho rằng, lần sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này rất quan trọng, đã khẳng định hơn nữa vị trí, vai trò của MTTQ trong tiến trình đi lên của đất nước, của dân tộc; không chỉ làm tinh gọn bộ máy hoạt động mà còn có ý nghĩa gần dân, sát dân, phục vụ nhân dân tốt hơn.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, những nội dung sửa đổi liên quan đến MTTQ Việt Nam sẽ tạo cơ chế cho những "chuyển động" của hệ thống Mặt trận theo hướng linh hoạt nhưng thống nhất trong hoạt động của các tổ chức thành viên. Nhưng kèm theo đó rất cần có những cơ chế, chính sách rõ ràng cụ thể hơn về phân cấp, phân quyền cho cán bộ cơ sở, cũng như đòi hỏi cán bộ cơ sở, nhất là ở cấp phường, xã, phải có đủ tâm, đủ tầm, đủ trình độ để đáp ứng những yêu cầu của thực tế.

Sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 2013 là phù hợp với yêu cầu phát triển mới của đất nước - Ảnh 5.

Xuân Khu - Hữu Duyên/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link