Quần thể Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc: Bản sắc Việt, giá trị toàn cầu

13/07/2025 15:46 GMT+7 | Văn hoá

Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử-Vĩnh Nghiêm-Côn Sơn, Kiếp Bạc đã được công nhận là Di sản Thế giới vào ngày 12/7/20025.

Sau 13 năm nỗ lực nghiên cứu, bảo tồn và hợp tác giữa các nhà khoa học, chuyên gia di sản và chính quyền các tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương (nay là thành phố Hải Phòng) và Bắc Giang (nay là Bắc Ninh), Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử-Vĩnh Nghiêm-Côn Sơn, Kiếp Bạc đã được công nhận là Di sản Thế giới vào ngày 12/7/20025, tại Kỳ họp lần thứ 47 Ủy ban Di sản Thế giới UNESCO. Quần thể Di sản không chỉ là bằng chứng lịch sử mà còn thể hiện chiều sâu tâm linh, gắn kết con người với thiên nhiên – yếu tố làm nên bản sắc Việt.

Một không gian di sản thống nhất, thiêng liêng và sống động

Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn - Kiếp Bạc Quần là một di sản dạng chuỗi liên hoàn gồm 12 di tích, cụm di tích, được chắt lọc từ hàng trăm di tích và danh thắng của 6 khu di tích quốc gia đặc biệt thuộc 3 tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang (nay là Bắc Ninh) và Hải Dương (nay là thành phố Hải Phòng), tất cả đều nằm trên dãy núi Yên Tử ở Đông Bắc Việt Nam có tổng diện tích 525,75 ha, vùng đệm là 4.380,19 ha. Đó là: Khu di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Yên Tử (Quảng Ninh); Khu di tích lịch sử nhà Trần tại Đông Triều (Quảng Ninh); Khu di tích lịch sử Bạch Đằng (Quảng Ninh); Khu di tích Côn Sơn-Kiếp Bạc, chùa Thanh Mai (Hải Phòng); Khu di tích An Phụ-Kính Chủ-Nhẫm Dương (Hải Phòng); Di tích quốc gia đặc biệt chùa Vĩnh Nghiêm và chùa Bổ Đà thuộc Khu di tích Tây Yên Tử (Bắc Ninh). Quần thể di sản này không chỉ là những công trình kiến trúc cổ kính mà còn là minh chứng sống động cho sự ra đời và phát triển của Phật giáo Trúc Lâm, do Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập vào thế kỷ XIII.

Quần thể Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc: bản sức Việt, giá trị toàn cầu - Ảnh 1.

Hàng vạn du khách đến dâng hương ở chùa Đồng, thuộc Quần thể di tích danh thắng Yên Tử, tỉnh Quảng Ninh (25/2/2018). Ảnh: TTXVN

Khu di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Yên Tử

Từ xa xưa, núi Yên Tử đã được các nhà địa lý cổ Phương Đông xem như là một trong những phúc địa "Giao Châu", nơi tích tụ khí thiêng sông núi, trời đất giao hòa. Yên Tử từ lâu đã được coi là cội nguồn tâm linh của bao thế hệ dân tộc Việt Nam. Dân gian ta vẫn lưu truyền câu ca dao: "Trăm năm tích đức tu hành, chưa về Yên Tử chưa thành quả tu". Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Yên Tử gắn liền với tên tuổi và sự nghiệp của Phật hoàng Trần Nhân Tông (1258-1308). Sau 2 lần lãnh đạo quân, dân Đại Việt kháng chiến chống giặc Nguyên-Mông thắng lợi (năm 1285 và 1288), Ngài đã truyền ngôi báu cho con, từ bỏ lầu son, điện ngọc về chốn hoang liêu này để tu hành, giác ngộ Phật. Ngài sáng lập và trở thành Sơ tổ của Thiền phái Trúc Lâm - dòng thiền mang đậm bản sắc Việt, với mong muốn xây dựng một quốc gia hạnh phúc, đoàn kết và hướng thiện.

Vẻ đẹp của Yên Tử là sự kỳ vĩ của núi non hoà với nét cổ kính, trầm mặc của chùa tháp, là sự thơ mộng của suối nước trời mây chen trong cây cỏ hoa lá và chim muông, là sự phong phú của thảm thực vật đa dạng và những loại cây dược liệu có giá trị. Nơi đây có hàng trăm am, tháp mộ các thiền sư, tượng đá thiên tạo, bia phật và đặc biệt là hang đá Bảo Sái nơi Thiền tổ Trần Nhân Tông ngồi thiền và viên tịnh ngày 1/1/1308. Hệ thống chùa, am tháp ở Yên Tử tập trung trên sườn núi phía đông của ngọn núi, bao gồm: Chùa Bí Thượng, chùa Suối Tắm, chùa Cầm Thực, chùa Lân, chùa Giải Oan, vườn tháp Hòn Ngọc (bao gồm 9 ngôi tháp lớn nhỏ bằng đá và gạch), khu tháp Tổ (còn gọi là vườn tháp Huệ Quang), chùa Hoa Yên, chùa Một Mái, chùa Bảo Sái, chùa Vân Tiêu, chùa Đồng. Ngoài ra còn một số am như: Am Dược, am Thung, am Thiền Định, am Lò Rèn, am Diêm…

Quần thể Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc: bản sức Việt, giá trị toàn cầu - Ảnh 2.

Vẻ đẹp "ẩn khuất trong mây" của chùa Đồng ở Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử (Quảng Ninh). Chùa Đồng nằm trên đỉnh cao nhất của núi Yên Tử, được đúc từ chất liệu đồng. Mặt bằng kiến trúc của chùa dạng chữ Nhất, kết cấu vững chắc, được đặt trên sập đồng, dạng chân quỳ, dạ cá. Dáng chùa như một bông hoa sen nở, ngự trên sập đồng. Ảnh: Thành Đạt - TTXVN

Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt vào năm 2012. Mỗi năm, khu di tích này thu hút hàng triệu lượt du khách, nhân dân và phật tử.

Khu di tích lịch sử nhà Trần tại Đông Triều

Nằm ở cửa ngõ phía Tây của Quảng Ninh, Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt nhà Trần tại Đông Triều có 25 di tích. Trong đó, 14 di tích được công nhận là Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt gồm 7 lăng mộ các vị vua nhà Trần, 2 đền, miếu thờ các bậc tiên đế cùng 5 công trình kiến trúc tôn giáo phục vụ cho việc tu hành, giảng kinh Phật. Điểm đến đầu tiên trên hành trình này là đền An Sinh, nơi thờ tự và tế lễ của các vua Trần và là trung tâm tín ngưỡng quan trọng dưới thời Trần, Lê, Nguyễn trong dòng chảy lịch sử Việt Nam…

Trong cụm di tích lịch sử quốc gia đặc biệt nhà Trần tại Đông Triều, Thái Miếu đóng vai trò trung tâm của quần thể di tích, được các vua nhà Trần xây dựng để thờ tổ tiên, thể hiện lòng thành kính và giữ gìn truyền thống uống nước nhớ nguồn. Thái Miếu nằm trong quần thể di tích được bố trí hài hòa, mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc, thể hiện sự gắn kết giữa trời, đất và con người, làm nên một điểm đến không thể thiếu trong hành trình khám phá văn hóa lịch sử Đông Triều…

Lễ hội Yên Tử là lễ hội lớn, diễn ra từ 10 tháng giêng đến hết tháng 3 âm lịch hàng năm. Vì vậy khi du khách tham quan lễ hội Yên Tử thường kết hợp với thăm quan khu di tích lịch sử nhà Trần tại Đông Triều, giúp cho du khách có chuyến hành hương ý nghĩa, trọn vẹn.

Khu di tích lịch sử Bạch Đằng

Trong lịch sử giữ nước của dân tộc ta, sông Bạch Đằng đã ba lần chứng kiến quân và dân ta chiến thắng oanh liệt quân xâm lược hùng mạnh đều bằng các cây cọc gỗ cắm xuống lòng sông Bạch Đằng. Đó là chiến thắng Bạch Đằng năm 938 của Ngô Quyền; năm 981 của Lê Hoàn và đỉnh cao là chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Sông Bạch Đằng đã trở thành dòng sông lịch sử, cọc Bạch Đằng đã trở thành biểu tượng truyền thống đánh giặc ngoại xâm bằng đường thủy của dân tộc Việt Nam.

Năm 2012, Di tích lịch sử Bạch Đằng được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt.

Năm 2021, Lễ hội truyền thống Bạch Đằng được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc

Côn Sơn - Kiếp Bạc là một vùng thiên nhiên kỳ thú với hình sông, thế núi, sắc nước, mầu trời hoà quyện, tạo nên một không gian huyền ảo và kỳ bí. Côn Sơn - Kiếp Bạc gắn bó mật thiết với cuộc đời, sự nghiệp của các danh tướng, danh nhân văn hóa như Trần Nhân Tông, Đệ nhị Tổ Pháp Loa, Đệ tam Tổ Huyền Quang, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Đán... Đây không chỉ là trung tâm tôn giáo tín ngưỡng lớn mà còn là phòng tuyến quân sự quan trọng trấn giữ phía Đông Bắc của Kinh đô Thăng Long. Chùa Côn Sơn từ thế kỷ XIII-XIV là một trung tâm của Thiền phái Trúc Lâm. Đền Kiếp Bạc được xây dựng tại căn cứ quân sự Vạn Kiếp của Trần Hưng Đạo, trở thành một trong những trung tâm nội đạo thờ Đức Thánh Trần.

Quần thể Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc: bản sức Việt, giá trị toàn cầu - Ảnh 3.

Nghi lễ rước nước tại Lễ hội mùa xuân Côn Sơn- Kiếp Bạc. Nước được lấy từ hồ Côn Sơn mang về chùa Côn Sơn thuộc Khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn- Kiếp Bạc. Đây là một nghi lễ quan trọng với mục đích lấy nước để làm lễ mộc dục (tắm tượng), đồng thời, biểu dương sức mạnh cộng đồng làng xã, gợi mở sự gắn kết cộng đồng, thể hiện ước mong cầu mùa, cầu nhân khang, vật thịnh (2017). Ảnh: Mạnh Minh- TTXVN

Ra đời và tồn tại lâu dài cùng lịch sử, hội tụ văn hoá của các vùng miền, Côn Sơn - Kiếp Bạc trở thành kho tàng văn hoá vật thể, phi vật thể đa dạng về loại hình, phong phú về nội dung, là kết tinh của biết bao công sức, tư tưởng, trí tuệ, tình cảm... của các thế hệ ông cha đã dày công vun đắp, giữ gìn bảo vệ đến ngày nay.

Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc cùng tồn tại, phát triển trên một vùng đất, thờ tự 2 tôn giáo, tín ngưỡng khác nhau, nhưng hòa đồng tạo nên một bản thể văn hóa tâm linh hoàn chỉnh, thống nhất. Chính vì thế, hơn 7 thế kỷ đã qua, khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc luôn là một trong những trung tâm văn hóa tâm linh lớn của đất nước, đi vào tâm thức người dân: "Côn Sơn, Yên Tử, Quỳnh Lâm/ Nếu ai chưa tới thiền tâm chưa đành", hay: "Dù ai buôn bán gần xa/ Hai mươi tháng tám giỗ Cha thì về"... đã nói lên điều đó.

Khu di tích An Phụ-Kính Chủ-Nhẫm Dương

Kinh Môn là mảnh đất thiêng hội tụ muôn hình sông thế núi với những địa danh gắn với tên tuổi của nhiều danh nhân nước Việt đã đi vào huyền thoại. Nằm trên vùng đất địa linh, với cảnh quan thiên tạo kỳ thú, quần thể di tích An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương từ lâu đã được biết đến với những giá trị hiếm có về lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh. Điểm nhấn quần thể di tích An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương là đền Cao An Phụ nằm trên đỉnh núi cao nhất của dãy An Phụ. Tương truyền, đền Cao An Phụ thuộc xã An Sinh, được xây dựng vào thời Trần (thế kỷ XIII), thờ An Sinh Vương Trần Liễu - thân phụ của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Trong khuôn viên đền Cao An Phụ còn có chùa Tường Vân thờ Phật và Phật hoàng Trần Nhân Tông - người sáng lập ra thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.

Ngày 22/12/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định xếp hạng di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quần thể An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương là Di tích quốc gia đặc biệt.

Di tích quốc gia đặc biệt chùa Vĩnh Nghiêm và chùa Bổ Đà

Các di tích chùa Vĩnh Nghiêm và chùa Bổ Đà đều là Di tích quốc gia đặc biệt, chứa đựng hệ thống di vật, loại hình di sản văn hóa rất độc đáo đáp ứng được các tiêu chí III, VI của UNESCO. Đây đều là các trung tâm Phật giáo lớn mang tư tưởng, dấu ấn Phật giáo Trúc Lâm thể hiện một minh chứng có ý nghĩa toàn cầu về một tôn giáo được hình thành từ nhiều tín ngưỡng khác nhau, bắt nguồn và phát triển từ Yên Tử, có ảnh hưởng tới xã hội thế tục, góp phần củng cố quốc gia, bảo đảm cho hòa bình và hợp tác khu vực.

Quần thể Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc: bản sức Việt, giá trị toàn cầu - Ảnh 4.

Chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Ninh), thuộc hệ thống Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc (gọi tắt là Yên Tử), là ngôi chùa cổ có từ thời Lý, đến thế kỷ XIII được Phật Hoàng Trần Nhân Tông tu bổ, xây dựng thành trung tâm Phật giáo của Thiền phái Trúc Lâm. Ảnh: TTXVN phát

Phật giáo Trúc Lâm trở thành một lực lượng nền tảng cho xây dựng đất nước, có đóng góp rõ rệt ở mọi phương diện, từ tinh thần, xã hội, kinh tế, chính trị và an ninh quốc gia dưới triều đại nhà Trần. Thêm vào đó còn có nhiều di sản phi vật thế vô giá minh chứng cho tư tưởng, ảnh hưởng của Trúc Lâm, nổi bật trong số này là bộ Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu ký ức thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương; mộc bản chùa Bổ Đà - bảo vật quốc gia Việt Nam, thể hiện giá trị di sản nổi bật toàn cầu đối với Việt Nam, châu Á, thế giới.

Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc đều là bộ phận của các Di tích quốc gia đặc biệt, được bảo vệ nghiêm ngặt theo luật pháp quốc gia với ranh giới pháp lý được xác định rõ ràng và kế hoạch quản lý và bảo tồn.

Mỗi di tích thành phần đều được một vùng đệm bảo vệ bao quanh. Quy hoạch tổng thể với các mục tiêu tăng cường bảo vệ, được áp dụng cho toàn bộ khu vực.

Và giá trị nổi bật toàn cầu

Hồ sơ Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử-Vĩnh Nghiêm-Côn Sơn, Kiếp Bạc đề cử được xây dựng trong 13 năm, với sự tham gia của các nhà khoa học, chuyên gia di sản và chính quyền ba địa phương. Trong quá trình hoàn thiện, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao cùng các địa phương đã tiếp thu ý kiến và khuyến nghị của Trung tâm Di sản Thế giới UNESCO và Hội đồng Di tích và Di chỉ quốc tế (ICOMOS) nhằm làm rõ giá trị nổi bật toàn cầu và năng lực quản lý, bảo tồn di sản theo yêu cầu của công ước Di sản Thế giới 1972.

Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc có giá trị nổi bật toàn cầu, gồm ba yếu tố liên hệ hữu cơ, mật thiết với nhau. Quần thể phản ánh tiến trình hình thành, truyền bá và phục hưng của Phật giáo Trúc Lâm - dòng thiền do Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập từ thế kỷ 13. Từ Yên Tử (khai sáng), đến Vĩnh Nghiêm (truyền bá) và Côn Sơn - Kiếp Bạc (phục hưng), hệ thống di tích thể hiện mối liên kết giữa nhà nước, tôn giáo và cộng đồng cư dân trong một giai đoạn lịch sử cụ thể.

Quần thể Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc: bản sức Việt, giá trị toàn cầu - Ảnh 5.

Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử (còn gọi là Chùa Lân) nằm trên núi Yên Tử, thuộc Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử (Quảng Ninh), là nơi được vua Trần Nhân Tông chọn làm nơi để tu hành. Đây vốn là một ngôi chùa lớn, với những công trình đồ sộ nhưng đã bị hủy hoại theo thời gian, nay chỉ còn lại một vài dấu tích trên mặt đất. Năm 2002, Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử đã được xây dựng lại (2021). Ảnh: Thành Đạt - TTXVN

Dãy núi Yên Tử là quê hương của nhà Trần, nơi khởi xướng Phật giáo Trúc Lâm. Hoàng gia nhà Trần là những người cầm quyền và triết lý, thực hành và vai trò, ảnh hưởng của Phật giáo Trúc Lâm. Giá trị nổi bật toàn cầu quần thể di tích và danh thắng này là sự tương tác hữu cơ giữa địa điểm (dãy núi Yên Tử), niềm tin tôn giáo (Phật giáo Trúc Lâm) và sức mạnh chính trị (triều Trần), tiến triển theo thời gian và được thể hiện rõ trong cảnh quan văn hóa độc đáo của ngày nay.

Liên minh chiến lược giữa nhà nước (Hoàng gia nhà Trần), tôn giáo (Phật giáo Trúc Lâm) và nhân dân phát triển từ quê hương (dãy núi Yên Tử) đã tạo nên một truyền thống văn hóa độc đáo có ý nghĩa toàn cầu, định hình bản sắc dân tộc và thúc đẩy hòa bình, an ninh cho cả khu vực rộng lớn hơn.

Sự hiểu biết sâu sắc và tôn trọng thiên nhiên của người Việt ở dãy núi Yên Tử từ xa xưa là một minh chứng nổi bật trên thế giới về sự tương tác giữa con người với môi trường thuận lợi cho việc thực hành tôn giáo, phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ đất nước.

Phật giáo Trúc Lâm, được khởi xướng và phát triển chủ yếu bởi các thành viên Hoàng gia nhà Trần, là một minh chứng có ý nghĩa toàn cầu về cách một tôn giáo, được hình thành từ nhiều tín ngưỡng khác nhau, bắt nguồn và phát triển từ quê hương tâm linh của nó ở dãy núi Yên Tử, đã ảnh hưởng đến xã hội thế tục, qua đó góp phần củng cố quốc gia, đảm bảo hòa bình và hợp tác trong khu vực. Theo hồ sơ di sản, hiện có khoảng 30 triệu tín đồ, 50.000 tăng ni và hơn 15.000 ngôi chùa Trúc Lâm tại hơn 30 quốc gia.

Trước quần thể di tích và danh thắng Yên Tử-Vĩnh Nghiêm-Côn Sơn, Kiếp Bạc được vinh danh, Việt Nam đã có các di sản thế giới được UNESCO công nhận, gồm: Quần thể Di tích cố đô Huế (1993), Vịnh Hạ Long (1994, 2000); Khu di tích Mỹ Sơn (1999); Đô thị cổ Hội An (1999); Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng (2003, 2015); Hoàng thành Thăng Long (2010); Thành nhà Hồ (2011); Quần thể Vịnh Hạ Long-quần đảo Cát Bà (2023); Quần thể danh thắng Tràng An (2014).

Diệp Ninh/ TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link