Trong bối cảnh quan hệ hữu nghị truyền thống, đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Liên bang Nga ngày càng phát triển sâu rộng, việc giao lưu văn hóa trở thành một trong những cầu nối quan trọng, góp phần thắt chặt tình cảm và sự hiểu biết giữa nhân dân hai nước.

Trong bối cảnh quan hệ hữu nghị truyền thống, đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Liên bang Nga ngày càng phát triển sâu rộng, việc giao lưu văn hóa trở thành một trong những cầu nối quan trọng, góp phần thắt chặt tình cảm và sự hiểu biết giữa nhân dân hai nước.

Hội Hữu nghị Việt Nam - Liên bang Nga (tiền thân là Hội Hữu nghị Việt - Xô) với lịch sử 75 năm đã và đang giữ vai trò không nhỏ trong việc xây dựng nhịp cầu văn hóa bền vững giữa hai nước.

Nhà báo Nguyễn Đăng Phát (Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Hữu nghị Việt Nam - Liên bang Nga, Tổng Biên tập Tạp chí Bạch dương), người đã có thâm niên làm báo 36 năm tại Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN), trong đó có nhiều năm là phóng viên thường trú tại Moskva, chia sẻ với Thể thao và Văn hóa:

- Hội Hữu nghị Việt Nam - Liên bang Nga, tiền thân là Hội Hữu nghị Việt - Xô, được thành lập ngày 23/5/1950, gần 4 tháng sau khi Việt Nam và Liên Xô thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 30/1/1950. Sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, Hội Hữu nghị Việt Nam - Liên bang Nga được thành lập, kế thừa cơ cấu tổ chức và phương thức hoạt động của Hội Hữu nghị Việt - Xô, tiếp tục phát triển các hoạt động giao lưu văn hóa giữa nhân dân hai nước.

Là một tổ chức đối ngoại, Hội Hữu nghị Việt Nam - Liên bang Nga có nhiệm vụ tổ chức các hoạt động giao lưu nhân dân bằng các hoạt động văn hóa và đây là một trong những hướng đi hiệu quả nhất.

Quan hệ Việt Nam - Liên bang Nga: "Giao lưu văn hóa là nền tảng quan trọng" - Ảnh 1.

Nhà báo Nguyễn Đăng Phát trong một nhiệm kỳ công tác phóng viên thường trú TTXVN tại Nga. Ảnh: NVCC

* Xin ông có thể điểm lại những hoạt động nổi bật từ những ngày đầu, khi mới thành lập?

- Thời điểm Hội ra đời, đất nước ta đang trong kháng chiến, nên nhiệm vụ chính của hội là duy trì liên lạc với nhân dân Liên Xô để nhận được sự ủng hộ cho cuộc kháng chiến. Cũng trong thời kỳ này, các hoạt động văn hóa bắt đầu được triển khai, đặc biệt từ năm 1954 trở đi. Bác Hồ và giới lãnh đạo của nước ta đã coi Hội Hữu nghị Việt - Xô là một trong những kênh quan trọng để chuyển giao sách báo, phim ảnh của Liên Xô về Việt Nam, nhằm giới thiệu văn hóa, con người Liên Xô đến nhân dân ta.

Thời kỳ đầu, đồng chí Tôn Đức Thắng làm chủ tịch hội, đã chuyển được nhiều sách báo và phim ảnh của Liên Xô về nước. Những hoạt động này tuy đơn giản, nhưng rất có ý nghĩa, giúp nhân dân Việt Nam hiểu biết về Liên Xô trong bối cảnh chiến tranh gian khổ.

Ở miền Bắc, hội tham gia tổ chức nhiều cuộc triển lãm, tuần phim Liên Xô, xuất bản sách tiếng Nga giới thiệu về Việt Nam, phối hợp Nhà xuất bản Ngoại văn ấn hành nhiều sách tiếng Nga để giới thiệu văn hóa, lịch sử Việt Nam sang nước bạn. Có thể nói, đó là những hình thức giao lưu văn hóa thiết thực và hiệu quả lúc bấy giờ.

Quan hệ Việt Nam - Liên bang Nga: "Giao lưu văn hóa là nền tảng quan trọng" - Ảnh 2.

Nhà báo Nguyễn Đăng Phát (trái) và nhà Việt Nam học người Nga Pyotr Tsvetsov. Ảnh: NVCC

* Vậy giai đoạn từ năm 1991 đến nay, quan hệ Việt Nam - Liên bang Nga bằng con đường văn hóa diễn ra như thế nào, thưa ông?

- Những hoạt động đầu tiên của hội tuy đơn giản, nhưng đã đặt nền móng cho các dự án lớn hơn sau này, với nhiều hình thức hoạt động đa dạng hơn.

Đây không phải là một tổ chức hoạt động trong lĩnh vực kinh tế - thương mại, trọng tâm của Hội là phát triển quan hệ nhân văn, tập trung vào giao lưu văn hóa, thường xuyên phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức các chương trình giao lưu nghệ thuật, giới thiệu âm nhạc Nga đến khán giả Việt Nam và tham mưu, xây dựng các chương trình giới thiệu, triển lãm sách Việt Nam tại nước bạn, tổ chức các đoàn nghệ thuật Việt Nam đi biểu diễn ở Nga. Các chương trình này thường diễn ra vào các dịp lễ lớn hàng năm.

Ngoài ra, Hội còn tổ chức các cuộc triển lãm ảnh giới thiệu về nước Nga và quan hệ Việt Nam - Liên bang Nga. Nhân dịp Tổng Bí thư Tô Lâm và phu nhân, cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm chính thức Liên bang Nga, Hội đã phối hợp Bộ Ngoại giao và các tổ chức tại Nga trưng bày ảnh về quan hệ hai nước.

Hội cũng trực tiếp tổ chức biên dịch và xuất bản sách tiếng Việt sang tiếng Nga và ngược lại, chủ yếu phục vụ các sự kiện của Hội và các hoạt động đối ngoại như tuyển tập thơ Đợi anh về của các tác giả Nga viết về cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại 1941 - 1945; sách về tình cảm của người Nga với Chủ tịch Hồ Chí Minh; sách về vai trò của đối ngoại nhân dân trong việc phát triển quan hệ Việt Nam - Liên bang Nga.

Quan hệ Việt Nam - Liên bang Nga: "Giao lưu văn hóa là nền tảng quan trọng" - Ảnh 3.

Nhà sử học, TS E. Kobelev tặng nhà báo Nguyễn Đăng Phát cuốn sách "65 năm với Việt Nam" nhân dịp nhà báo Nguyễn Đăng Phát thăm lại nước Nga năm 2023. Ảnh: NVCC

Từ năm 2011, hội phối hợp với Phân viện Pushkin Hà Nội tổ chức cuộc thi vẽ tranh thiếu nhi quốc tế Em vẽ Việt Nam - Em vẽ nước Nga. Đến nay, cuộc thi đã được tổ chức 8 lần, thu hút thiếu nhi Nga, Việt Nam và nhiều nước tham gia. Những họa sĩ nhỏ tuổi đoạt Giải Lớn của cuộc thi được đi thăm nước bạn, tạo nên sự giao lưu văn hóa sâu sắc giữa thế hệ tương lai của hai nước. Cho đến nay, chúng tôi đã tổ chức một đoàn họa sĩ nhí Việt Nam thăm Nga và ba đoàn các tác giả nhỏ tuổi Nga sang thăm Việt Nam.

Ngoài ra, Hội còn tổ chức nhiều hoạt động khác như phối hợp tổ chức Những ngày văn hóa Việt Nam tại Nga, Những ngày văn hóa Nga tại Việt Nam. Đây là những hoạt động hiệu quả, góp phần tăng cường sự hiểu biết và tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước.

* Theo ông, nét đặc sắc nhất trong bức tranh văn hóa của Việt Nam - Liên bang Nga là gì?

- Một điểm đặc biệt là văn hóa của người Việt Nam và người Nga có nhiều sự đồng điệu. Người Việt Nam rất yêu thích âm nhạc Nga, nhiều người Việt Nam được đào tạo về âm nhạc, văn hóa của Nga. Đội ngũ những người học tập và làm việc tại Liên Xô trước đây và Nga hiện nay cũng là lực lượng quan trọng kết nối hai nền văn hóa.

Quan hệ Việt Nam - Liên bang Nga: "Giao lưu văn hóa là nền tảng quan trọng" - Ảnh 4.

Ngày 20/6/2024, trong chuyến thăm cấp nhà nước đến Việt Nam của Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông cùng Tổng Bí thư Tô Lâm - lúc đó là Chủ tịch nước - đã gặp gỡ lãnh đạo Hội Hữu nghị Việt Nam - Liên bang Nga và các thế hệ cựu sinh viên Việt Nam học tập tại Nga. Hai nhà lãnh đạo đều đánh giá cao vai trò của văn hóa và ngôn ngữ trong việc kết nối nhân dân hai nước, coi đây là mối quan hệ từ trái tim đến trái tim, rất ấm áp và bền chặt.

Trong buổi giao lưu ấy, Tổng thống Vladimir Putin bày tỏ sự ngưỡng mộ Chủ tịch Hồ Chí Minh và tinh thần bất khuất, anh dũng của nhân dân Việt Nam trong đấu tranh giành độc lập và xây dựng đất nước. Ông hy vọng các thế hệ cựu sinh viên Việt Nam sẽ tiếp tục là cầu nối giúp thế hệ trẻ hiểu sâu sắc hơn về văn hóa, đất nước và con người Nga, góp phần gìn giữ và phát triển mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước.

Và tôi cũng rất ấn tượng, tâm đắc với Chủ tịch nước Tô Lâm khi ông nhắc lại ngạn ngữ Nga: "Mọi sự giàu sang chẳng sánh được tình bằng hữu", "Một người bạn cũ tốt hơn hai người bạn mới", đồng thời nhấn mạnh nhân dân Việt Nam luôn biết ơn sâu sắc và ghi nhớ tình cảm gắn bó, thủy chung của những người bạn Nga, khẳng định Việt Nam và Liên bang Nga sẽ tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, tin cậy lẫn nhau, tiếp tục kề vai sát cánh, giúp nhau vượt qua khó khăn, thử thách vì lợi ích của nhân dân hai nước.

* Ông có thể chỉ ra thêm những biểu tượng văn hóa trong quan hệ gắn bó Việt Nam - Liên bang Nga?

- Có một điều rất đặc biệt là lĩnh vực nghệ thuật tạo hình, trường phái sáng tạo tượng đài Xô viết và Nga rất phát triển. Do đó, trong bề dày quan hệ của hai nước đã xây dựng nhiều tượng đài để khắc ghi, tri ân công lao của các lãnh tụ, các anh hùng, liệt sĩ, chuyên gia… trong việc xây đắp, củng cố tình hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa hai nước.

Trước hết, phải kể đến những tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Nga, tại Moskva, Ulyanovsk, Vladivostok, Saint Petersburg và tượng đài V.I. Lenin tại Hà Nội, thành phố Vinh…

Quan hệ Việt Nam - Liên bang Nga: "Giao lưu văn hóa là nền tảng quan trọng" - Ảnh 5.

Lễ khánh thành Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh ở thành phố Saint Petersburg (30/6/2023). Ảnh: Duy Trinh – TTXVN

Ở Việt Nam có không ít tượng đài vinh danh chuyên gia Liên Xô, Nga đã sang Việt Nam giúp chúng ta xây dựng và bảo vệ đất nước, như: Đài tưởng niệm 168 cán bộ, kỹ sư, công nhân lao động và chuyên gia Liên Xô qua đời trên công trình thủy điện Hòa Bình; Tượng đài tưởng niệm quân nhân Liên Xô/Nga - Việt Nam đã hy sinh vì hòa bình và ổn định trong khu vực được đặt tại Cam Ranh (Khánh Hòa); Tượng G. Titov - Anh hùng, phi công vũ trụ Liên Xô, cố Chủ tịch Hội Hữu nghị Xô - Việt và Liên bang Nga - Việt Nam, trên đảo mang tên ông ở Vịnh Hạ Long; tượng nhà thơ A. Pushkin ở Công viên Hòa Bình (Hà Nội)… Nhiều công trình thế kỷ khác cũng đã trở thành "tượng đài" của quan hệ gắn bó Việt - Nga, như Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng Hồ Chí Minh, cầu Thăng Long, Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô…

Quan hệ Việt Nam - Liên bang Nga: "Giao lưu văn hóa là nền tảng quan trọng" - Ảnh 6.

Lễ khánh thành Tượng đài Đại thi hào Nga Alexander Sergeievich Pushkin tại Công viên Hòa Bình (Hà Nội, 17/3/2021). Ảnh: TTXVN

* Ông có đề xuất gì để xây dựng vững chắc hơn nữa "nhịp cầu văn hóa" của hai quốc gia?

- Trong giai đoạn mới, Hội Hữu nghị Việt Nam - Liên bang Nga chú trọng phát triển giáo dục ngôn ngữ và quảng bá văn hóa hai nước. Năm 2024, Hội đã ký thỏa thuận hợp tác với Đại học Sư phạm nhà nước Nga với tên AI Herzen ở Saint Petersburg nhằm hỗ trợ phát triển tiếng Nga tại Việt Nam và tiếng Việt tại Nga. Thật vui khi chúng tôi biết được rằng ngày càng nhiều trung tâm đào tạo tiếng Việt được mở tại các thành phố lớn của Nga như Moskva, Vladivostok, Saint Petersburg… góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam đến Nga và rộng hơn là ra thế giới.

Tôi cho rằng, giao lưu văn hóa là nền tảng quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Liên bang Nga, cần được quan tâm và đầu tư nhiều hơn nữa. Các hoạt động trao đổi văn hóa, tổ chức ngày văn hóa, biểu diễn nghệ thuật, triển lãm, xuất bản sách... cần được duy trì và phát triển để tăng cường sự hiểu biết và tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước.

Tuy nhiên, các chương trình, kế hoạch thực tế của Hội Hữu nghị Việt Nam - Liên bang Nga cơ bản dựa trên khả năng xã hội hóa hoạt động, do đó, hiện vẫn còn nhiều khó khăn, cần sự quan tâm hơn từ các cấp chính quyền và xã hội để có thể mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả. Việc đầu tư cụ thể, tài trợ cho các chương trình văn hóa, giáo dục sẽ giúp hội phát huy tốt hơn vai trò cầu nối văn hóa giữa hai dân tộc.

* Xin cảm ơn ông!

Huy Thông
Phạm Tuấn
TTXVN và NVCC
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link