Pairi Daiza - nơi bảo tồn đa dạng sinh học bền vững
Với hơn 80 con vật được sinh ra trong năm 2025, công viên động vật Pairi Daiza tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của mình trong việc bảo tồn và duy trì sự đa dạng sinh học, đồng thời đem đến những trải nghiệm giáo dục sinh động cho công chúng.
Nổi bật trong số đó là sự chào đời của 2 con chuột lang nước (capybara) tại khu vực Cambron-l’Abbaye, nằm bên dòng sông Dendre. Đây là loài gặm nhấm lớn nhất thế giới, có nguồn gốc từ Nam Mỹ, thường sống gần sông nước và được biết đến với tính cách hiền lành. Sự xuất hiện của 2 con non vào ngày 2/7 đã thu hút sự quan tâm của nhiều du khách, đặc biệt là các gia đình.
Trước đó, vào sáng 14/6, voi mẹ Farina, một trong những con voi châu Á đang được chăm sóc tại khu vực “Vương quốc Ganesha”, đã hạ sinh voi con khỏe mạnh mang tên Siam. Quá trình sinh nở diễn ra trong điều kiện an toàn, có sự giám sát chặt chẽ của đội ngũ bác sĩ thú y và nhân viên chăm sóc. Voi mẹ nhanh chóng thể hiện bản năng làm mẹ khi chạm nhẹ vào con để kích thích hơi thở đầu tiên. Voi con hiện đã có thể cùng mẹ bước những bước đầu tiên ra không gian nuôi thả ngoài trời.

Tê giác con Nova được sinh ra hồi đầu năm nay. Ảnh : TTXVN phát
Chia sẻ với báo giới, ông Eric Domb, Chủ tịch sáng lập Pairi Daiza, cho biết :“Dù là loài nào, sống ở đâu hay sinh ra vào thời điểm nào, tình mẫu tử luôn mang cùng một ngôn ngữ của yêu thương và bản năng bảo vệ. Trong ánh mắt của những sinh linh vừa chào đời, ta sẽ thấy ánh nhìn đầu tiên, ánh nhìn đi tìm tình yêu, ngay cả khi chúng chưa biết tình yêu là gì”.
Tại khu vực “Vùng đất Cội nguồn”, tê giác con tên Nova cũng đã ra đời trong năm nay, mang lại niềm hy vọng cho tương lai của loài động vật đang bị đe dọa nghiêm trọng trong tự nhiên. Bên cạnh đó, sư tử con Nala, sinh vào tháng 11/2024, hiện đang phát triển khỏe mạnh, bắt đầu khám phá các không gian sinh hoạt ngoài trời với sự hướng dẫn từ mẹ và các thành viên trong đàn.
Pairi Daiza cũng đang chờ đón một sự kiện quan trọng khác: sự ra đời của một con hươu cao cổ dự kiến vào cuối tháng 9. Đội ngũ chăm sóc hiện đang tích cực huấn luyện mẹ hươu, cá thể Juul, làm quen với các bước kiểm tra sức khỏe và siêu âm, nhằm đảm bảo quá trình sinh nở diễn ra suôn sẻ. Hươu cao cổ hiện là loài nằm trong danh sách “dễ tổn thương” của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), với số lượng đã suy giảm khoảng 40% trong vòng 30 năm qua tại châu Phi.
Ngoài ra, tại Khu nông trại Mini-Ferme, nhiều loài vật nuôi truyền thống cũng liên tục đón thành viên mới, trong đó có các giống thỏ khổng lồ Flanders, cừu, dê và đặc biệt là chú cừu Milky thuộc giống Walliser Schwarznase đặc trưng vùng núi Thụy Sĩ, thu hút đông đảo du khách bởi ngoại hình dễ thương và hiền lành.
Pairi Daiza, từng được vinh danh là “Vườn thú đẹp nhất châu Âu”, không chỉ là điểm đến tham quan mà còn là mô hình tiên tiến về bảo tồn và giáo dục môi trường. Với phương châm đề cao mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên, nơi đây ngày càng thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế.