Nối dài 'trăm năm trồng người'

18/05/2025 17:56 GMT+7 | Văn hoá

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa có bài viết "Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân" nhân kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đáng chú ý, trong bài viết, Tổng Bí thư đã trích lại lời dặn nổi tiếng của Bác: "Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người". Tổng Bí thư nêu rõ: Kế thừa tư tưởng đó, nước ta đã "dồn sức phát triển sự nghiệp giáo dục" và xem đây là quốc sách hàng đầu.

Đồng thời, người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam cũng nhắc đến tư tưởng "yêu dân, phục vụ dân" của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lĩnh vực y tế, với lời căn dặn đặt ra nhiệm vụ xây dựng một dân tộc khỏe mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần: "Mỗi người dân mạnh khỏe, tức là cả nước mạnh khỏe".

Ông khẳng định: Từ tấm gương của Bác, chúng ta đang hướng tới xây dựng một nước Việt Nam khỏe mạnh, nơi mọi người dân đều được sống lâu, sống khỏe, sống lành mạnh, sống hạnh phúc.

Từ cách dẫn lời Bác Hồ và những phân tích của Tổng Bí thư Tô Lâm, có thể thấy một thông điệp xuyên suốt, nhất quán: Đảng và Nhà nước không chỉ khẳng định về vai trò trung tâm của con người trong mọi lý luận phát triển, mà còn cụ thể hóa bằng những định hướng rõ ràng.

Tại đó, giáo dục và y tế được xác định là hai trụ cột nền tảng của chiến lược phát triển bền vững: Giáo dục là con đường hình thành nhân cách, bồi dưỡng trí tuệ, nâng cao dân trí; Y tế giúp bảo đảm thể chất, kéo dài tuổi thọ, nâng cao chất lượng sống. Và cả hai lĩnh vực đều hướng tới mục tiêu kiến tạo một quốc gia phát triển hài hòa, bền vững, nhân văn.

Nối dài 'trămnăm trồng người' - Ảnh 1.

Đại biểu học sinh Trường Trưng Vương, Hà Nội chúc mừng sinh nhật Người (19-5-1956). Ảnh: TTXVN

Cũng trong bài viết, Tổng Bí thư Tô Lâm đã khái quát những thành tựu mà Việt Nam đạt được trong sự nghiệp phát triển giáo dục và y tế. Ông cho biết, đến nay, cả nước đã phổ cập giáo dục ở các bậc học nền tảng trên phạm vi toàn quốc, đưa tỷ lệ biết chữ của người lớn lên mức gần 100%. Cùng với đó, hệ thống y tế không ngừng lớn mạnh và mở rộng tới mọi vùng miền, với nhiều kỹ thuật y khoa tiên tiến đã được làm chủ.

Đáng nói, những thành tựu ấy cũng gắn liền với sự phát triển về chất lượng con người. Theo Tổng Bí thư, trong giáo dục, thế hệ trẻ ngày nay không chỉ có tri thức vững vàng mà còn được rèn luyện đạo đức, lý tưởng sống. Còn ở lĩnh vực y tế, đội ngũ thầy thuốc đang "ngày đêm tận tụy theo gương Bác Hồ chăm lo cho người bệnh".

Thực tế, chúng ta đều hiểu rõ: Những thành tựu được Tổng Bí thư nhắc tới không phải là câu chuyện của một sớm một chiều. Đó là kết quả của một quá trình tích lũy lâu dài, được vun đắp bằng chính sách nhất quán, bằng sự kiên trì thực hiện tư tưởng "trồng người" mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt nền móng.

Nhìn sang những gì đang diễn ra gần đây, có thể thấy: tư tưởng ấy vẫn đang tiếp tục được phát triển và kế thừa bằng những chính sách mới - cụ thể, rõ ràng, đầy tính nhân văn.

Đó là chính sách miễn học phí cho học sinh từ bậc mầm non đến hết trung học phổ thông công lập trên toàn quốc, bắt đầu từ năm học 2025 - 2026. Không chỉ là sự hỗ trợ về kinh tế cho người dân, chính sách này thể hiện một triết lý nhất quán: giáo dục là quyền phổ quát, không thể trở thành gánh nặng hay phụ thuộc vào điều kiện của mỗi gia đình.

Mở cánh cửa đến trường cho mọi trẻ em - đó là cách thiết thực nhất để hiện thực hóa lời dạy "Vì lợi ích trăm năm trồng người" của Bác.

Nối dài 'trămnăm trồng người' - Ảnh 2.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với Đoàn nghệ thuật thiếu nhi Liên khu X và đội thiếu sinh quân đến chúc mừng sinh nhật lần thứ 60 của Người tại chiến khu Việt Bắc (19-5-1950). Ảnh: TTXVN

Đó là gợi mở về việc cung cấp bữa trưa miễn phí cho học sinh tại Hà Nội - đề xuất từng được Tổng Bí thư nêu ra và nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cộng đồng. Bởi ý tưởng ấy thể hiện tư duy giáo dục toàn diện: Trẻ em đến trường không chỉ để học kiến thức, mà còn cần được chăm lo từ bữa ăn đến giấc ngủ, từ thể chất đến tinh thần.

Tưởng chừng nhỏ bé, nhưng một bữa trưa đủ dinh dưỡng, đúng giờ và đảm bảo an toàn thực phẩm lại chính là minh chứng cụ thể cho sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với từng em nhỏ - đúng với tinh thần "yêu dân, phục vụ dân" mà Bác Hồ nhấn mạnh.

Hoặc, đó còn là mục tiêu tiến tới miễn viện phí cho toàn dân trong giai đoạn 2030 - 2035 mà Tổng Bí thư Tô Lâm từng đặt ra. Dù còn nhiều bước chuẩn bị, đây là một định hướng lớn, mang đậm tính nhân văn, cho thấy rõ cách tiếp cận phát triển dựa trên quyền lợi thiết thân của người dân: được sống khỏe, sống lành mạnh.

Xa hơn một chính sách tài chính trong lĩnh vực y tế, đây chính là cách Đảng và Nhà nước khẳng định vai trò bảo trợ tích cực đối với sức khỏe cộng đồng - một bước đi nhất quán với lời dạy của Bác Hồ: "Mỗi người dân mạnh khỏe, tức là cả nước mạnh khỏe".

***

Từ lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến những phân tích của Tổng Bí thư Tô Lâm, từ những thành tựu đã đạt được đến các chính sách đang được triển khai hay đang được thảo luận như miễn học phí, miễn viện phí hay "bữa trưa miễn phí", có thể thấy: Tư tưởng "trồng người" không chỉ là một di sản tinh thần, mà đã trở thành mục tiêu cốt lõi và phương thức chủ đạo trong chiến lược phát triển của Việt Nam.

Tại đó, những chính sách hôm nay chính là sự tiếp nối con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vạch ra - con đường "trồng người" bằng hành động cụ thể, bằng sự chăm lo thiết thực cho từng người dân, từng gia đình, từng cộng đồng trên khắp cả nước.

Đó luôn là hành trình dài, để những hạt giống hôm nay cho ra trái ngọt ngày mai. Nhưng điều quan trọng nhất: Chúng ta đang đi đúng hướng, đúng nhịp - và đang tiến về phía trước bằng tinh thần Hồ Chí Minh, với việc lấy con người làm trung tâm và động lực của mọi chính sách phát triển.

Kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh

Trí Uẩn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link