Ngoại binh và 'cựu binh' ở U23 Việt Nam

04/07/2025 13:08 GMT+7 | Các ĐTQG

Đội tuyển U22 Việt Nam hiện đang tập trung tại Vũng Tàu để chuẩn bị cho giải U23 Đông Nam Á. Đây là lần đầu tiên HLV Kim Sang Sik trực tiếp dẫn dắt đội tuyển trẻ sau 2 đợt giao quyền cho trợ lý Đinh Hồng Vinh trước đó. Không có nhiều nhân tố mới ở đợt tập trung có ý nghĩa này và điều đó cũng dễ hiểu.

1. Hơn một năm cầm quân của HLV Kim Sang Sik, đến nay gần như không có nhân tố mới ở đội tuyển quốc gia. Những gì mà nhà cầm quân người Hàn Quốc đã làm, đơn giản là cố gắng làm mới những cầu thủ quen thuộc. Sẽ không có gì bất ngờ khi nói điểm sáng nhất ở triều đại HLV Kim Sang Sik chính là tiền đạo Nguyễn Xuân Son, một cầu thủ nhập tịch.

Có một nguyên nhân khách quan: HLV Kim Sang Sik không có cơ hội để làm việc cùng U23. Suốt thời gian qua, đội tuyển quốc gia có lịch trình quan trọng hơn, trong khi phải đến bây giờ thì U23 mới "vào cuộc" với những giải đấu dành riêng cho mình kéo dài đến cuối năm, quan trọng nhất là SEA Games 33.

Nhưng nếu chúng ta nhìn danh sách tập trung đợt này, sẽ thấy nhiều bất cập khi còn đó các cái tên đã từng lên đội tuyển quốc gia như Khuất Văn Khang, Văn Trường, Đình Bắc, Thái Sơn… Đành rằng việc tập trung đội tuyển cần hội tụ những người tốt nhất vẫn còn trong độ tuổi, nhưng không thể không thắc mắc: tại sao có quá nhiều cầu thủ đã khoác áo U23 suốt 3-4 năm qua?

Vấn đề không phải là họ có nên hay không, mà là sự có mặt của họ tại "lứa kế thừa" quá lâu. Về nguyên tắc, U23 là một kiểu đội tuyển "bước đệm" và thường không có tính chính danh ngoại trừ mỗi dịp đá Olympic. Thành tích thi đấu của một đội U23 thường được xem như bản đánh giá về tiềm năng của một đội tuyển quốc gia, thế nên thông thường thì các đội U23 sẽ được "thay mới" sau mỗi năm.

Người đủ khả năng thì đã được đưa lên đội tuyển quốc gia, người không thể chứng minh năng lực thì sẽ phải "nhường" cho các đàn em. Trong bóng đá chuyên nghiệp, hiếm có cầu thủ nào "phát lộ" tài năng sau tuổi 23. Đến tuổi đó mà không tỏa sáng, thì coi như sự nghiệp sẽ chỉ ở mức trung bình. Ngược lại, đa số ngôi sao thành danh từ trước 20 tuổi đều có sự nghiệp rực rỡ sau này nếu không gặp các vấn đề ngoài sân cỏ.

Thế nên, khi có một nhóm cầu thủ "ở" quá lâu tại đội U23, sẽ có 2 khía cạnh: Thứ nhất là triển vọng họ trở thành ngôi sao ở đội tuyển quốc gia rất khó xảy ra. Thứ hai, họ đang "chiếm chỗ" của những người trẻ hơn. Rất đơn giản: một khi họ đã là "cựu binh" của đội trẻ, thì đương nhiên họ sẽ đá chính. Và hãy nhớ: bóng đá trẻ thường có ít cơ hội thi đấu. Thế nên việc "chiếm chỗ" ấy khác hẳn điều tương tự tại đội tuyển quốc gia khi mà những người "bị chiếm chỗ" sẽ chẳng còn nhiều cơ hội được giới thiệu mình.

2. Cái chuyện "chiếm chỗ" ở U23, nhìn góc độ nào đó, cũng gần giống như việc sân cỏ nội địa đang có tranh cãi về số lượng ngoại binh khi mà ở mùa giải 2025/2026 các đội vẫn sẽ được đăng ký 4 suất ngoại binh ở 1 trận đấu, bao gồm 3 người được ra sân và 1 ngồi dự bị. Như vậy, cộng với cầu thủ Việt kiều và nhập tịch thì số cầu thủ không thuần Việt trên sân có thể chiếm đến phân nửa đội hình.

Ngoại binh và “cựu binh” ở U23  - Ảnh 1.

Không khó để tìm thấy một vài gương mặt đã có đến 3, 4 năm liên tục khoác áo ĐT U23 Việt Nam trong danh sách tập trung hiện tại. Ảnh: Kim Như

Nhưng cũng cần phải sòng phẳng: Không nên phản đối chuyện ngoại binh ở bóng đá chuyên nghiệp dù với lý do gì. Tranh cãi vấn đề này vừa thừa thãi, vừa chẳng đi đến đâu trong bóng đá hiện đại. Ngay cả các quốc gia không có giới hạn về cầu thủ ngoại, thì điều người ta tập trung tìm hướng giải quyết đó là làm sao nâng cao chất lượng cầu thủ nội thay vì nói về số lượng ngoại binh. Nói cách khác, người ta sẽ tạo ra cơ chế để tăng giá trị của cầu thủ ngoại, cho thấy những lợi ích "không thể chối từ" để qua đó thúc ép các CLB nâng cao hiệu quả đào tạo. Ngẫm cho cùng, điều đó quan trọng hơn việc hạn chế ngoại binh.

Nói như vậy để thấy có sự bất hợp lý của bóng đá Việt Nam: Tại sao nhiều cầu thủ có thể khoác áo U23 nhiều năm không thấy ai phản đối, nhưng chỉ cần tăng thêm suất ngoại binh, thì lại cho rằng sẽ ảnh hưởng đến tuyến kế thừa. Hình như chúng ta đang quan tâm nhầm chỗ, đi tìm giải pháp cho một chỗ không thể có giải pháp nào khác ngoài việc phải làm theo xu hướng chung của bóng đá thế giới.

Ngược lại, không ai muốn nhìn vào bản chất của vấn đề: Các cầu thủ nội, cầu thủ trẻ cần có thêm thời gian thi đấu, và quan trọng hơn, chất lượng của họ. Đây là điều gần như chẳng liên quan đến số lượng ngoại binh.

Có người sẽ cho rằng, nếu không có ngoại binh thì cầu thủ nội sẽ có cơ hội phát triển. Kết luận vậy quá vội vàng. Hãy nhìn vào giải hạng Nhất. Từ năm 2015 đến nay giải đấu này đóng cửa với ngoại binh nhưng liệu điều đó có thể tạo ra các đội bóng "thuần Việt" có chất lượng cao?

Chắc chắn là không. Bất kỳ đội bóng nào thăng hạng V-League đều gần như thay toàn bộ cầu thủ Việt. Ở mùa giải 2024/25 vừa qua, 2 đội hạng Nhất mạnh nhất đều có sự bổ sung những cầu thủ đến từ V-League. Điều này cho thấy dù ngoại binh không chiếm chỗ thì số lượng tài năng Việt được tìm thấy ở giải hạng Nhất gần như bằng không.

3. Kết hợp 2 vấn đề: "cựu binh" ở U23 và ngoại binh ở V-League, chúng ta sẽ thấy ra điểm nghẽn quan trọng nhất của bóng đá Việt Nam: quá thiếu trận đấu cho bóng đá trẻ. Đó chính là cái cần giải quyết, khâu cần một sự thay đổi mang tính cách mạng. Không giải quyết được, thì cuộc khủng hoảng tuyến kế thừa vẫn sẽ liên tục xuất hiện.

Chúng ta cần phải chấp nhận các cầu thủ trẻ có nhiều cơ hội thi đấu tại V-League. Đúng hơn, là chỉ có những tài năng lớn tuổi U mới đủ sức làm điều đó. Điều chúng ta không nên chấp nhận đó là số trận đấu mỗi năm của những cầu thủ U23 thấp hơn con số 20 (chẳng hạn).

Từ đó, mới biết điều chúng ta cần: Làm sao để những cầu thủ U23 chơi được hơn 40 trận/mùa. Làm sao để có 40-50 tuyển thủ ở đội U23 quốc gia được ra sân thi đấu quốc tế tối thiểu 5 trận/năm. Khi các con số này tăng lên, thì mối lo về tuyến kế thừa mới giảm. Và lúc đó, cũng sẽ không còn phải bàn nhiều về chuyện ngoại binh.

Rất tiếc, mọi thứ ở cấp độ U23 trở xuống hầu như không có gì thay đổi. Với đội tuyển U23, những "cựu binh" vẫn còn đó. Giải đấu nội địa dành cho tuổi U gần nhất, là U21 và hiện đang thi đấu theo số lượng tương đương các giải vô địch U19, U17, thậm chí không còn giải quốc tế như trước đây. Chúng ta cũng chẳng có luôn giải đấu dành cho 'đội hình dự bị", nơi mà các cầu thủ không được đá ở đội hình 1 có cơ hội chơi bóng thường xuyên.

Cần nhìn thẳng, nói thật về sự thiếu hụt nghiêm trọng các trận đấu này thay vì dồn sức tranh cãi về ngoại binh hay khủng hoảng tuyến kế thừa. Hãy "ép" các CLB chuyên nghiệp tham gia vào việc xây dựng hệ thống giải đấu cấp 2 thay vì buộc họ phải hạn chế dùng ngoại binh. Phải có những ưu đãi cụ thể cho các đội bóng sử dụng cầu thủ nội, cầu thủ trẻ để chính các CLB cảm thấy lợi ích cao hơn nhiều so với việc dùng ngoại binh.

Nói cho cùng, giải pháp nằm trong tay các nhà quản lý, vấn đề nằm ở chỗ xác định đâu mới là nơi cần giải quyết.


Theo kế hoạch, U23 Việt Nam có hai trận đấu tập nội bộ với U23 Đài Bắc Trung Hoa (đang tập huấn tại Vũng Tàu) vào các ngày 2/7 và 4/7. Đáng chú ý, đây mới là trận đấu đầu tiên của U23 Việt Nam dưới sự dẫn dắt trực tiếp của HLV Kim Sang Sik. Trước đó do bận rộn với công việc tại đội tuyển Việt Nam, việc dẫn dắt U23 Việt Nam được nhường lại cho quyền HLV trưởng Đinh Hồng Vinh.


Ở trận đấu tập diễn ra vào chiều 2/7, U23 Việt Nam đã có được chiến thắng đậm với tỷ số 5-0. Đây là kết quả không quá bất ngờ khi thầy trò HLV Kim Sang Sik được đánh giá cao hơn hẳn so với đối thủ đến từ Đông Á. Dù sao màn trình diễn ấn tượng với 5 bàn thắng và không để thủng lưới cũng xứng đáng nhận lời khen.

U23 Việt Nam sẽ còn 1 trận giao hữu nữa với chính đối thủ này vào ngày 4/7. Đây được coi là những "cữ dượt" trước khi bước vào hành trình bảo vệ chức vô địch U23 Đông Nam Á 2025.

Long Khang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link