LHP châu Á Đà Nẵng 2025: "Hiến kế" phát triển điện ảnh Việt Nam từ bài học của Hàn Quốc

02/07/2025 06:33 GMT+7 | Giải trí

Chiều 30/6, Hội thảo "Điện ảnh Hàn Quốc: Bài học thành công quốc tế và kinh nghiệm phát triển công nghiệp điện ảnh" đã diễn ra tại Đà Nẵng, trong khuôn khổ Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng lần 3 (DANAFF III). Đây là sự kiện chuyên sâu, quy tụ các nhà quản lý, học giả, đạo diễn và nhà sản xuất đến từ Hàn Quốc và Việt Nam.

Hội thảo không chỉ cung cấp một cái nhìn toàn cảnh về hành trình vươn lên mạnh mẽ của điện ảnh Hàn Quốc, mà còn là dịp để các đại biểu trao đổi kinh nghiệm thực tiễn, "hiến kế" cho điện ảnh Việt Nam trong quá trình xây dựng một nền công nghiệp điện ảnh bền vững.

Học cách kể chuyện của chính mình

Phát biểu dẫn đề tại hội thảo, TS Ngô Phương Lan - Giám đốc DANAFF III - đánh giá điện ảnh Hàn Quốc là một tấm gương lớn cho Việt Nam và các nước trong khu vực. Bà chia sẻ, trong quá trình chọn chùm phim vào "Tiêu điểm điện ảnh Hàn Quốc" (chương trình chiếu phim trọng điểm của DANAFF III), Ban tổ chức có dịp xem lại nhiều phim Hàn từ thập niên 1960 và đã nhận thấy nét tương đồng bất ngờ với các tác phẩm Việt Nam cùng thời.

Tuy nhiên, làn sóng Hallyu và xu thế toàn cầu hóa đã giúp điện ảnh Hàn Quốc bứt phá. Điều ấn tượng hơn cả là Hàn Quốc không chỉ thành công ở dòng phim nghệ thuật, mà còn chinh phục thị trường rộng lớn - điều mà rất ít nền điện ảnh châu Á làm được.

LHP châu Á Đà Nẵng 2025: "Hiến kế" phát triển điện ảnh Việt Nam từ bài học của Hàn Quốc - Ảnh 1.

Quang cảnh Hội thảo Điện ảnh Hàn Quốc: Bài học thành công quốc tế và Kinh nghiệm phát triển công nghiệp điện ảnh

Chính sự phát triển song hành giữa nghệ thuật và thị trường là yếu tố tạo nên sự bền vững của điện ảnh Hàn. "Thành công đó không đến từ một vài năm, mà là kết quả của hàng chục năm tích lũy về chính sách, chiến lược của Nhà nước, tầm nhìn của nhà làm phim và năng lực của ngành công nghiệp" - TS Ngô Phương Lan nói.

Câu chuyện về đạo diễn Im Kwon Taek - người vừa được vinh danh với giải Thành tựu trọn đời tại DANAFF III - trở thành minh chứng sống động cho nhận định trên. Các tham luận tại hội thảo như của thạc sĩ Hoàng Dạ Vũ hoặc đạo diễn Kim Hong Joon đều nhấn mạnh, Im Kwon Taek đã dùng điện ảnh để kể những câu chuyện mang đậm bản sắc Hàn Quốc với phong cách nghệ thuật độc đáo, sử dụng nhiều thủ pháp điện ảnh ấn tượng, đồng thời định hình phong cách nghệ thuật có sức lan tỏa lớn.

Di sản của Im Kwon Taek được xem là nền tảng vững chắc cho sự định hình bản sắc điện ảnh Hàn Quốc hiện đại. Những nỗ lực của ông trong việc gìn giữ và tái hiện văn hóa dân tộc đã góp phần tạo nên môi trường sáng tạo đa dạng, để từ đó thế hệ đạo diễn kế tiếp như Park Chan Wook, Bong Joon Ho hoặc Hong Sang Soo có thể phát triển những phong cách riêng biệt và đưa điện ảnh Hàn Quốc vươn ra thế giới.

LHP châu Á Đà Nẵng 2025: "Hiến kế" phát triển điện ảnh Việt Nam từ bài học của Hàn Quốc - Ảnh 2.

Đạo diễn Im Kwon Taek được vinh danh với giải Thành tựu trọn đời tại DANAFF III

Đầu tư cho thế hệ làm phim trẻ

Một trong những nội dung được nhắc đến nhiều nhất là lấy con người làm trung tâm trong hành trình phát triển điện ảnh Hàn Quốc. Ông Kim Dong Ho - nguyên Chủ tịch LHP quốc tế Busan - nhấn mạnh: "Để phát triển nền điện ảnh Việt Nam, các bạn phải nuôi dưỡng lớp đạo diễn trẻ tài năng".

Cùng quan điểm này, đạo diễn Park Kwang Su (Chủ tịch LHP Busan) kể lại quãng đường khởi nghiệp từ một người trẻ không có nhiều kinh nghiệm làm phim nhưng có quyết tâm theo đuổi điện ảnh. Ông bắt đầu sự nghiệp với rất nhiều phim ngắn cho đến khi thành lập hiệp hội phim ảnh và tìm cách đưa phim Hàn Quốc vươn ra thế giới. Đề tài luận án tiến sĩ của ông cũng liên quan đến việc làm sao có thể đổi mới điện ảnh Hàn Quốc. Và để làm được điều đó thì phải xây dựng được đội ngũ nhân lực mới - những đạo diễn, diễn viên, nhà sản xuất được đào tạo bài bản.

Đạo diễn Kim Hong Joon - Giám đốc Viện phim Hàn Quốc (KOFA) - cũng thẳng thắn chia sẻ: "Khi bắt đầu, chúng tôi còn rất trẻ. Tôi mong rằng các bạn trẻ của Việt Nam cũng mang niềm tin và sự nhiệt huyết để bước đi trên con đường nghệ thuật. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, thế hệ sau cần nghiên cứu, phát triển những thành tựu của người đi trước và giữ vững quyết tâm ngay cả khi chưa thấy con đường rõ ràng".

Trong nhiều năm, Hàn Quốc đã đầu tư mạnh mẽ cho thế hệ nhà làm phim trẻ, điển hình là việc tạo điều kiện để học tập tại các nền điện ảnh lớn như Mỹ. Các diễn giả tại hội thảo cũng nhiều lần nhấn mạnh vai trò của lớp đạo diễn trẻ trong hành trình đưa điện ảnh Hàn Quốc vươn ra thế giới.

Từ thực tế đó, một số đại biểu Việt Nam như đạo diễn Phan Đăng Di, bà Ngô Thị Bích Hạnh (Phó Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam)… bày tỏ mong muốn Việt Nam sẽ có thêm chính sách phù hợp để tạo điều kiện cho người trẻ phát triển và sáng tạo.

LHP châu Á Đà Nẵng 2025: "Hiến kế" phát triển điện ảnh Việt Nam từ bài học của Hàn Quốc - Ảnh 3.

Ông Kim Dong Ho - nguyên Chủ tịch LHP quốc tế Busan (trái), nhận giải thay đạo diễn Im Kwon Taek, người vắng mặt vì lý do sức khỏe

Chính phủ hỗ trợ, tạo điều kiện cho sáng tạo phát triển

Một trong những bài học đáng chú ý từ mô hình phát triển điện ảnh Hàn Quốc là sự tham gia có định hướng của Chính phủ và các tổ chức chuyên ngành, trong đó có Hội đồng điện ảnh Hàn Quốc (KOFIC), trong việc xây dựng hệ sinh thái điện ảnh năng động và chuyên nghiệp. Các diễn giả nhấn mạnh vai trò của Nhà nước trong việc tạo ra môi trường thuận lợi để nghệ sĩ và doanh nghiệp phát huy tối đa năng lực sáng tạo.

Đại diện Hội đồng điện ảnh Hàn Quốc (KOFIC), bà Park Hee Seong cho biết, cơ quan này sử dụng nguồn lực công để hỗ trợ các nhà làm phim tư nhân, thông qua việc đầu tư sản xuất, thúc đẩy phát hành quốc tế, minh bạch hóa doanh thu và xây dựng một môi trường cạnh tranh lành mạnh cho ngành công nghiệp điện ảnh.

Việt Nam có thể học gì từ Hàn Quốc?

Không chỉ dừng lại ở phân tích mô hình phát triển, hội thảo còn nhấn mạnh đến sự tương tác, học hỏi và hợp tác giữa điện ảnh Việt Nam và Hàn Quốc. Từ lý thuyết đến thực tiễn, các đạo diễn, học giả đều cho rằng Hàn Quốc là ví dụ lý tưởng cho một nền điện ảnh vừa giữ được bản sắc, vừa hội nhập toàn cầu.

TS Nguyễn Hoàng Quý Hà và TS Đào Lê Na đã có những so sánh học thuật thú vị giữa phim Hàn Quốc và phim Việt Nam về đề tài hậu chiến, vai trò của phụ nữ, gia đình và sự biến đổi xã hội. Những nghiên cứu này cho thấy 2 nền điện ảnh có điểm tương đồng về cảm hứng - nhưng điện ảnh Hàn đã đi xa hơn nhờ có hệ sinh thái điện ảnh bài bản và chính sách hỗ trợ nhất quán.

LHP châu Á Đà Nẵng 2025: "Hiến kế" phát triển điện ảnh Việt Nam từ bài học của Hàn Quốc - Ảnh 4.

Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh trình bày tham luận tại hội thảo

Trong phần tham luận của mình, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh đã chia sẻ một cách thuyết phục về hành trình hợp tác giữa 2 nền điện ảnh - từ những dự án làm lại (remake) đến các sản phẩm đồng sản xuất hiện nay. Là người từng học và nghiên cứu sâu về điện ảnh Hàn Quốc từ những năm 2000, anh cho rằng Hàn Quốc là mô hình phù hợp nhất để Việt Nam học hỏi, bởi sự tương đồng về quy mô, văn hóa, và đặc biệt là cách kết hợp nhuần nhuyễn giữa yếu tố nghệ thuật, thương mại và bản sắc.

Lấy ví dụ từ chính kinh nghiệm cá nhân, anh kể lại quá trình thực hiện bộ phim Em là bà nội của anh - bản remake từ Miss Granny của Hàn Quốc. Phía đối tác Hàn Quốc không yêu cầu bản sao chép y nguyên, mà khuyến khích anh và ê-kíp sáng tạo lại theo tinh thần Việt Nam. Kết quả là bộ phim đã thành công vang dội về doanh thu lẫn hiệu ứng xã hội, mở đường cho các bản remake khác như Tháng năm rực rỡ, Tiệc trăng máu… Mỗi bộ phim đều được điều chỉnh để phản ánh chân thực văn hóa, tâm lý và lối sống người Việt Nam.

Không dừng lại ở việc làm lại, điện ảnh Việt Nam hiện đã bắt đầu bước vào giai đoạn làm cùng. Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh chia sẻ, một số dự án hợp tác gần đây, như Mang mẹ đi bỏ (2025), đã có sự tham gia của nhà đầu tư, đạo diễn và diễn viên từ cả 2 nước. Đây là bước chuyển từ làm lại sang đồng sản xuất. Dự kiến phim sẽ phát hành song song tại thị trường Việt Nam và Hàn Quốc.

Anh nhận định, xu hướng hợp tác trong tương lai sẽ không dừng lại ở sản xuất kỹ thuật, mà tiến tới đồng sáng tạo nội dung gốc (co-creation) - từ ý tưởng, kịch bản đến sản xuất và phát hành. Đây là con đường giúp điện ảnh Việt Nam nâng cao chất lượng chuyên môn, mở rộng thị trường, đồng thời đưa văn hóa Việt Nam đến gần hơn với khán giả quốc tế.

Có thể nói nếu điện ảnh Hàn Quốc đã từng phải đi qua một hành trình dài mới có được vị trí hôm nay, thì Việt Nam cũng đang ở giai đoạn đầu của một hành trình mới. Buổi hội thảo tại DANAFF III vừa là lời gợi mở, lời động viên và cũng là một gợi mở để điện ảnh Việt Nam tìm thấy lối đi riêng - dựa trên nền tảng con người, văn hóa và chính sách đúng đắn.

Hướng tới hợp tác bền vững

Hội thảo khép lại bằng phần tọa đàm sôi nổi giữa các khách mời uy tín… Tất cả đều thống nhất rằng: Hợp tác song phương không chỉ là xu hướng, mà là chiến lược phát triển bền vững cho cả hai nền điện ảnh.

Theo ông Kim Dong Ho, Việt Nam có thể trở thành điểm đến lý tưởng cho các đoàn phim quốc tế nhờ cảnh quan, khí hậu và con người. Đạo diễn Kim Hong Joon thậm chí dự đoán, với đà phát triển hiện nay, điện ảnh Việt Nam hoàn toàn có tiềm năng vươn lên và cạnh tranh sòng phẳng với Hàn Quốc trên thị trường toàn cầu.

Bà Ngô Thị Bích Hạnh cũng đưa ra một gợi ý tương đồng: "Điện ảnh Hàn lấy khung kỹ thuật Mỹ, nhưng đưa vào đó tâm hồn và văn hóa Hàn Quốc. Việt Nam có một kho tàng văn hóa - lịch sử khổng lồ chưa được khai thác hiệu quả. Nếu biết cách kể chuyện, đó sẽ là lợi thế lớn".

Từ góc nhìn đó, TS Ngô Phương Lan tổng kết: "Chúng ta vừa có một hội thảo giàu giá trị học thuật, vừa có cơ hội tiếp cận những nhân vật làm nên thành công của điện ảnh Hàn Quốc. Tại DANAFF, bên cạnh phim, chúng tôi mời chuyên gia đến để đối thoại. Đó cũng là một cách để học hỏi và trưởng thành".

Duy An

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link