Lễ kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh

01/07/2025 11:46 GMT+7 | Văn hoá

Sáng 1/7/2025, tại Hưng Yên, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự Lễ kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (01/7/1915 - 01/7/2025).

Lễ kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh - Ảnh 1.

Tổng Bí thư Tô Lâm cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước thực hiện nghi lễ chào cờ. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN

Lễ kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh - Ảnh 2.

Tổng Bí thư Tô Lâm cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự Lễ kỷ niệm. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN

Lễ kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh - Ảnh 3.

Các đại biểu thực hiện nghi lễ chào cờ. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN

Lễ kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh - Ảnh 4.

Các đại biểu thực hiện nghi lễ chào cờ. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN

Lễ kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh - Ảnh 5.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN

Lễ kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh - Ảnh 6.

Chương trình nghệ thuật tại Lễ kỷ niệm. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN

Lễ kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh

Sáng 1/7, tại tỉnh Hưng Yên, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hưng Yên long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (1/7/1915 – 1/7/2025).

Tham dự Lễ kỷ niệm có: Tổng Bí thư Tô Lâm; các đồng chí nguyên Ủy viên Bộ Chính trị: nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, nguyên Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng: Trưởng ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Nguyễn Duy Ngọc, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến.

Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Đại tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an; Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; các đồng chí Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và lãnh đạo tỉnh Hưng Yên qua các thời kỳ; các cán bộ lão thành cách mạng, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; lãnh đạo xã Nguyễn Văn Linh và gia đình đồng chí Nguyễn Văn Linh.

Các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Lương Cường, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã gửi lẵng hoa chúc mừng. 

Lễ kỷ niệm được bắt đầu với một chương trình nghệ thuật đặc sắc, ca ngợi cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh; ca ngợi đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, quê hương Hưng Yên, không ngừng đổi mới đi lên.

* Nêu cao đạo đức cách mạng, tận trung với Đảng, tận hiếu với dân

Đọc diễn văn Kỷ niệm, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa nêu rõ, đồng chí Nguyễn Văn Linh, tên thật là Nguyễn Văn Cúc, sinh ngày 01/7/1915, tại xã Giai Phạm, huyện Mỹ Văn (nay xã Nguyễn Văn Linh), tỉnh Hưng Yên. Xuất thân trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước, ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường, đồng chí đã sớm giác ngộ cách mạng, tham gia hoạt động trong phong trào học sinh từ năm 14 tuổi. Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, được tư tưởng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc soi sáng, dẫn đường, đồng chí Nguyễn Văn Linh không sợ hy sinh, gian khổ, tích cực, hăng hái tham gia các hoạt động cách mạng trong học sinh, công nhân. Năm 1930, đồng chí bị địch bắt lần đầu. Mặc dù chưa đến tuổi thành niên, Đồng chí vẫn bị chính quyền thực dân đưa ra xét xử, kết án tù chung thân và bị đày đi Côn Đảo. Năm 1936, Chính phủ Mặt trận Bình dân Pháp lên cầm quyền, cùng với nhiều chiến sĩ cách mạng khác, đồng chí được trả tự do, tiếp tục hoạt động, tham gia khôi phục phong trào cách mạng, lập lại Thành ủy Hải Phòng và được bầu làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng. Đầu năm 1939, Trung ương điều động đồng chí vào tham gia Thành ủy Sài Gòn. Cuối năm 1941, đồng chí được Trung ương cử ra Trung Kỳ chắp nối lại phong trào cách mạng, chuẩn bị lập lại xứ ủy mới. Tại đây, đồng chí lại bị địch bắt và đày ra Côn Đảo lần thứ hai.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, đồng chí được Đảng và Nhà nước đón từ Côn Đảo trở về để tiếp tục tham gia lãnh đạo cuộc kháng chiến của nhân dân Nam Bộ và gắn bó với đồng bào Nam Bộ trong suốt hai cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ cho đến thắng lợi hoàn toàn vào mùa Xuân năm 1975. Trong thời gian này, đồng chí đã được Đảng phân công giữ nhiều trọng trách, như: Bí thư Thành ủy, Đặc khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn, quyền Bí thư Xứ ủy Nam Bộ, Bí thư Khu ủy, Thành ủy Sài Gòn - Gia Định, Bí thư Xứ ủy Nam Bộ, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa III, Bí thư và Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam.

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đồng chí là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng khóa IV, Ủy viên Bộ Chính trị khóa VI, Trưởng Ban Cải tạo xã hội chủ nghĩa của Trung ương, Trưởng Ban Dân vận - Mặt trận Trung ương, Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (năm 1986), đồng chí được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tại Đại hội VII và Đại hội VIII của Đảng, đồng chí được cử làm Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đồng chí là đại biểu Quốc hội khóa VIII.

Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Văn Linh thật phong phú và oanh liệt. Gần 70 năm hoạt động ở nhiều vùng, nhiều địa phương, nhiều lĩnh vực, trải rộng trên cả ba miền đất nước và được Đảng, Nhà nước tin cậy giao phó nhiều trọng trách, dù ở đâu, làm công việc gì, ở cương vị nào, đồng chí Nguyễn Văn Linh cũng luôn hết lòng vì Đảng, vì dân, vững vàng trước mọi khó khăn, thử thách, kiên định mục tiêu lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ và đã có những đóng góp vô cùng to lớn cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng.

Là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Nguyễn Văn Linh luôn nêu cao đạo đức cách mạng, phẩm chất của người cộng sản tận trung với Đảng, tận hiếu với dân, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; sống chân thành, thẳng thắn, chan hòa với đồng chí, nhân dân. Nhận thấy dấu hiệu của tình trạng quan liêu, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, cản trở con đường đổi mới, có thể thành nguy cơ đe dọa đến uy tín của Đảng và sự sống còn của chế độ xã hội chủ nghĩa, đồng chí đã viết báo đấu tranh những biểu hiện đó. Những bài báo “những việc cần làm ngay” của tác giả N.V.L đăng trên báo Nhân dân vào những năm đầu thời kỳ đổi mới, tạo bầu không khí dân chủ, cởi mở, công khai, nói thẳng nói thật, lời nói đi đôi với việc làm, góp phần đấu tranh chống tiêu cực, làm trong sạch các cơ quan Đảng, Nhà nước.

* Tiếp tục khơi dậy tinh thần Nguyễn Văn Linh – tinh thần đổi mới

Phát biểu tại Lễ Kỷ niệm, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng năm 1986, trước muôn vàn khó khăn của nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, trước sự trì trệ, bao cấp kéo dài, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã thể hiện một bản lĩnh hiếm có. Đồng chí khẳng định: Không thể tiếp tục làm theo lối cũ. Nếu không đổi mới, đất nước sẽ không thể phát triển, nhân dân sẽ không thể ấm no.

Trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí đã khởi xướng các chủ trương cải cách mạnh mẽ, tháo gỡ những rào cản về cơ chế, giải phóng sức sản xuất, mở rộng quyền tự chủ cho cơ sở, thí điểm và sau đó củng cố các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh, thiết lập cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, mở rộng đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế.

Một trong những dấu ấn đặc biệt của đồng chí là loạt bài “Những việc cần làm ngay” trên báo Nhân Dân từ năm 1987, với bút danh “NVL”. Đây là tiếng nói thẳng thắn, dũng cảm và đầy trách nhiệm của người đứng đầu Đảng, thể hiện tinh thần chống tiêu cực, quyết liệt xử lý tham nhũng, quan liêu, lãng phí – những căn bệnh ăn mòn uy tín của Đảng và sự tin tưởng của nhân dân.

Từ những chỉ đạo chiến lược và quyết liệt của đồng chí, công cuộc đổi mới đã đem lại chuyển biến sâu sắc trên mọi lĩnh vực: từ sản xuất nông nghiệp chuyển từ tập trung sang khoán hộ, từ bao cấp sang thị trường, từ đóng cửa sang hội nhập, từ quản lý mệnh lệnh sang vận hành theo quy luật cung – cầu. Nhờ đó, nền kinh tế Việt Nam từng bước vượt qua khủng hoảng, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt, vị thế quốc tế của đất nước ngày càng được nâng cao.

Cuộc đời, sự nghiệp và tư tưởng đổi mới của đồng chí Nguyễn Văn Linh để lại cho chúng ta nhiều bài học sâu sắc, có giá trị bền vững trong mọi giai đoạn phát triển của đất nước, đặc biệt là trong công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển hiện nay.

Trong thời điểm cả dân tộc đang chung sức đồng lòng quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; cả nước bắt đầu vận hành mô hình đơn vị hành chính hai cấp với không gian phát triển mới, Tổng Bí thư đề nghị, cần phải tiếp tục khơi dậy tinh thần Nguyễn Văn Linh – tinh thần đổi mới, quyết đoán, khoa học, gần dân và trung thực. Phải đào tạo và lựa chọn những cán bộ vừa có đức, vừa có tài, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm, không chấp nhận cán bộ bảo thủ, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, chỉ lo an toàn cho bản thân.

Cần kiên định đường lối phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhưng đồng thời linh hoạt, thích ứng nhanh với các xu thế công nghệ, tài chính xanh, chuyển đổi số, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn; cần tiếp tục cải cách thể chế, thúc đẩy môi trường kinh doanh, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp và người dân; phải đưa Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn nữa vào nền chính trị thế giới, nền kinh tế quốc tế và nền văn minh nhân loại, để sánh vai với các cường quốc năm châu.

Tại Lễ Kỷ niệm, Tổng Bí thư nhấn mạnh, hôm nay ngày 1/7/2025, cả đất nước ta trên khắp 34 tỉnh, thành với 3.321 phường, xã, đặc khu bước vào ngày làm việc đầu tiên của mô hình đơn vị hành chính hai cấp. Đây là bước chuyển mình lịch sử của dân tộc. Về cơ bản mọi công việc đã được chuẩn bị chu đáo, với tinh thần phục vụ nhân dân cao nhất, tốt nhất, hiệu quả nhất.

Tổng Bí thư tin tưởng, với sự quyết tâm chính trị rất cao của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và sự ủng hộ của nhân dân, chúng ta sẽ vượt qua mọi khó khăn để đạt những mục tiêu yêu cầu đã đặt ra. Chúng ta học tập tinh thần và tư tưởng của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, chúng ta hành động theo những lời dạy của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, chúng ta nhất định sẽ thành công.

Phát biểu tại Lễ Kỷ niệm, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Đình Phách chia sẻ, trong quá trình công tác đã nhiều lần được gặp và nghe chỉ đạo trực tiếp từ Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Những tình cảm của đồng chí đối với quê hương luôn để lại ấn tượng sâu sắc. Qua gần 30 năm tái lập tỉnh, từ một tỉnh thuần nông, nghèo, đến nay, Hưng Yên đã có những bước phát triển vượt bậc về kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng được đầu tư, đời sống nhân dân ngày càng cải thiện; tỉnh vươn lên lọt tốp nhóm các tỉnh dẫn đầu của cả nước về tăng trưởng kinh tế... Có thể tự hào khẳng định rằng, những thành tựu mà Hưng Yên đạt được hôm nay có một phần quan trọng từ di sản quý báu mà đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã để lại.

Đồng chí Trần Quốc Việt, Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Văn Linh bày tỏ, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Nguyễn Văn Linh luôn tự hào khi có một người con quê hương, có một người lãnh đạo mẫu mực, sắt son vì sự nghiệp đổi mới vì đất nước, dân tộc, chí tình, chí nghĩa, chan hòa, gần gũi với nhân dân xóm làng. Những năm qua Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Nguyễn Văn Linh đoàn kết, đồng lòng xây dựng xã có kinh tế phát triển, chính trị ổn định, an ninh trật tự được giữ vững, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao; xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị trong sạch vững mạnh.

Thay mặt đoàn viên thanh niên tỉnh Hưng Yên, Bí thư Đoàn Trường Trung học Phổ thông Trưng Vương Đỗ Thị Diệu Linh phát biểu nêu rõ, nguyện không ngừng phấn đấu trở thành những công dân gương mẫu, trách nhiệm trong kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc, xứng đáng với sự kỳ vọng lớn lao của Đảng, Nhà nước và của nhân dân; xung kích, tình nguyện, dấn thân, cống hiến, đến với những nơi còn khó khăn, gian khổ; đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì Tổ quốc cần; tham gia giữ gìn an ninh trật tự, vì cuộc sống bình yên của nhân dân, góp phần xây dựng Hưng Yên “Thành tỉnh mạnh của toàn quốc” như lời căn dặn của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh.

* Nhân kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (1/7/1915 – 1/7/2025), trước đó, sáng cùng ngày, Tổng Bí thư Tô Lâm và các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã đến dâng hoa, dâng hương tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh tại Nhà lưu niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (xã Nguyễn Văn Linh) và tại Tượng đài Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh ở Quảng trường Trung tâm tỉnh Hưng Yên, kính cẩn nghiêng mình trước anh linh của vị lãnh đạo đã có nhiều công lao to lớn đóng góp cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và công cuộc đổi mới đất nước.

Tổng Bí thư Tô Lâm và các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã đến dâng hoa, dâng hương tưởng nhớ Trung tướng Nguyễn Bình, tri ân tấm gương sáng ngời của một người cộng sản kiên cường, nhà quân sự tài năng có nhiều cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng, đấu tranh, giải phóng dân tộc.

*Nhân dịp này, Tổng Bí thư Tô Lâm và Đoàn công tác Trung ương đã đến thăm gia đình cụ Phạm Thị Cuông (sinh năm 1919) sống tại thôn Cao Đông, xã Hoàng Hoa Thám, tỉnh Hưng Yên, là mẹ của Liệt sỹ Nguyễn Quang Trung (sinh năm 1949 tại chiến trường Khe Sanh).

Xem thêm tin tức Văn hóa

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link