Làm rõ các điểm mới trong Nghị quyết về đột phá trong chăm sóc sức khỏe nhân dân

08/07/2025 22:12 GMT+7 | Tin tức 24h

Chiều 8/7, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Thành Long chủ trì cuộc họp về dự thảo Nghị quyết của Bộ Chính trị về đột phá trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.

Theo dự thảo Nghị quyết, mục tiêu đề ra là trong 5 năm 2025 -2030, mỗi năm tăng cường ít nhất 1.000 bác sĩ về làm việc có thời hạn tại y tế cơ sở. Tỷ lệ chi trực tiếp từ tiền túi của hộ gia đình cho chăm sóc y tế giảm còn 30%. Từ năm 2026, mỗi người dân được khám sức khỏe định kỳ hoặc khám sàng lọc theo yêu cầu chuyên môn miễn phí ít nhất mỗi năm 1 lần; được lập sổ sức khỏe điện tử để quản lý sức khỏe theo vòng đời.

Làm rõ các điểm mới trong Nghị quyết về đột phá trong chăm sóc sức khỏe nhân dân - Ảnh 1.

Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: An Đăng - TTXVN

Xác định tầm nhìn đến năm 2025 là các chỉ số sức khỏe của người dân, chỉ số bao phủ dịch vụ y tế thiết yếu tương đương các nước phát triển, người dân có tuổi thọ trung bình đạt trên 80 tuổi, trong đó số năm sống khỏe tăng lên, tầm vóc, thể lực, chiều cao trung bình của thanh niên tương đương các nước có cùng mức phát triển.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân đang đối mặt với những thách thức chưa từng có. Đó là gánh nặng kép của bệnh tật, sự gia tăng của các bệnh không lây nhiễm, tình trạng già hóa dân số và những yêu cầu ngày càng cao của người dân về chất lượng dịch vụ y tế. Những "điểm nghẽn", "nút thắt" về thể chế, cơ chế tài chính, nguồn nhân lực, năng lực y tế cơ sở, tự chủ cung ứng thuốc và trang thiết bị y tế... vẫn đang là những rào cản lớn. Thực tiễn đòi hỏi chúng ta phải có những tư duy mới, cách làm mới và những giải pháp mang tính đột phá.

Làm rõ các điểm mới trong Nghị quyết về đột phá trong chăm sóc sức khỏe nhân dân - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu. Ảnh: An Đăng - TTXVN

Nghị quyết mới không thay thế các nghị quyết, chỉ thị, kết luận đã có, mà tập trung giải quyết những vấn đề mới, vấn đề lớn, những điểm nghẽn, nút thắt, xác định rõ mục tiêu, lộ trình và trách nhiệm cụ thể để tạo đột phá trong công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới- Bộ trưởng nói và cho rằng, Nghị quyết lần này phải khắc phục được tình trạng "chính sách tốt, nhưng triển khai yếu", phải mang tính hành động.

Tham góp ý kiến tại hội nghị, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai kiến nghị một số giải pháp như: phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, chuẩn hóa đào tạo bác sĩ theo tiêu chuẩn quốc tế; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, trong đó tập trung nghiên cứu cơ bản để trong nước có thể sản xuất thuốc, trang thiết bị y tế; đổi mới cơ chế tài chính, bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân, toàn diện; thu hút nguồn lực từ xã hội trong chăm sóc sức khỏe; chuyển đổi số, liên kết dữ liệu, ứng dụng công nghệ AI; tăng cường hợp tác quốc tế, để Việt Nam là điểm đến của chăm sóc sức khỏe, của nghiên cứu khoa học.

Bà Jennifer Horton, Phó trưởng Đại diện Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết rất phấn khởi, vui mừng khi dự thảo Nghị quyết và những ý kiến, đóng góp của các chuyên gia, đại diện các đơn vị đã đề cập đến những sáng kiến, giải pháp xây dựng một cộng đồng khỏe mạnh, đây là vấn đề rất quan trọng về y tế đối với một quốc gia, một dân tộc.

Làm rõ các điểm mới trong Nghị quyết về đột phá trong chăm sóc sức khỏe nhân dân - Ảnh 3.

Khám sức khỏe tổng quát miễn phí cho người cao tuổi tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN

Bên cạnh đó, dự thảo đề cập đến quan điểm lấy người dân là trung tâm trong chăm sóc sức khỏe và công tác y tế; nâng cao năng lực của đội ngũ nhân lực, nhất là với những chuyên khoa, lĩnh vực chất lượng cao; tăng cường trang thiết bị, vật tư, sản phẩm y tế, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế; đảm bảo tiếp cận y tế đối với người dân; vấn đề những bệnh không lây nhiễm (nguy cơ lớn dẫn đến các ca tử vong); công tác phòng ngừa bệnh từ góc độ y tế công cộng; tiêm chủng vaccine...

Bà Jennifer Horton cho rằng, cùng với việc đổi mới về mặt tư duy của cơ quan quản lý thì cần đồng thời thay đổi tư duy của người dân trong chủ động chăm sóc sức khỏe của bản thân, gia đình.

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Thành Long cho rằng, chúng ta đã có các nghị quyết của Trung ương, nhiều văn bản khác nhau của Bộ Chính trị, Ban Bí thư có nội dung liên quan đến vấn đề chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Vì vậy việc xây dựng Nghị quyết của Bộ Chính trị thì phải lý giải bằng được nội dung mới, cụ thể hơn, cho thấy được sự cần thiết của việc ban hành nghị quyết này.

Làm rõ các điểm mới trong Nghị quyết về đột phá trong chăm sóc sức khỏe nhân dân - Ảnh 4.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long phát biểu. Ảnh: An Đăng - TTXVN

Nhắc lại yêu cầu của Tổng Bí thư về xây dựng dự thảo Nghị quyết phải mang tính chiến lược, mang tính hành động và đột phá, bảo đảm tính khả thi, Phó Thủ tướng Lê Thành Long nêu rõ: Các ý kiến tại hội nghị này đều thống nhất với hầu hết các nội dung lớn của dự thảo Nghị quyết, chủ yếu góp ý vào các vấn đề cụ thể. Bộ Y tế cần tiếp tục tiếp thu các ý kiến, chắt lọc và hoàn thiện Nghị quyết để sớm trình Bộ Chính trị.

Phó Thủ tướng đề nghị tập trung làm rõ, nổi bật hơn nội dung về chính sách dân số, chăm sóc sức khỏe con người. Đánh giá cao góp ý của Bộ Tư pháp, Phó Thủ tướng nhất trí rằng: cần xây dựng tiêu chuẩn, tiêu chí về sức khỏe khi chúng ta hoạch định các chính sách, ít nhất là đối với các chỉ số cơ bản, xác định rõ lộ trình thực hiện cụ thể;.... Đồng thời, cần nghiên cứu, làm rõ các giải pháp đột phá về đầu tư, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, chế độ tiền lương, chính sách đãi ngộ đối với cán bộ y tế và có số liệu thuyết minh cụ thể đi kèm. Cần thiết kế, có đề xuất về mô hình tổ chức bộ máy y tế ở địa phương theo hướng bỏ khâu trung gian.

Phó Thủ tướng nêu rõ: tờ trình dự thảo Nghị quyết cần rà soát các chính sách, các kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và phải làm nổi bật các điểm mới, các điểm khác biệt so với hiện nay, từ đó làm rõ được sự cần thiết của Nghị quyết. Cần nghiên cứu, kết hợp với 4 nghị quyết lớn về "bộ tứ trụ cột" của Bộ Chính trị để phát triển các nội dung ở khía cạnh y tế, bảo vệ sức khỏe người dân.

Xuân Tùng/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link