Lâm Đồng: Các địa phương ven biển vẫn thu hút khách quốc tế trong mùa thấp điểm
Dù đang là mùa thấp điểm của du lịch quốc tế, các địa phương ven biển tỉnh Lâm Đồng vẫn ghi nhận lượng khách quốc tế đến nghỉ dưỡng, du lịch rất đông.
Đây là tín hiệu tích cực, cho thấy Lâm Đồng đang dần trở thành điểm đến hấp dẫn quanh năm, không còn mang tính mùa vụ như trước.
Các địa danh nổi tiếng như tháp Pô Sah Inư, đồi cát Bàu Trắng, đồi cát bay, bãi biển Mũi Né… tiếp tục thu hút du khách quốc tế nhờ không gian yên bình, ít đông đúc hơn so với mùa cao điểm. Thời tiết mát mẻ cùng nhiều chính sách khuyến mãi hấp dẫn từ các đơn vị lữ hành, cơ sở lưu trú đã giúp du khách nước ngoài có cơ hội trải nghiệm hành trình chất lượng với chi phí hợp lý.

“Thủ đô resort” dọc tuyến đường Nguyễn Đình Chiểu, phường Mũi Né (Lâm Đồng) là nơi thu hút đông khách quốc tế. Ảnh: Hồng Hiếu-TTXVN
Theo ghi nhận từ một số doanh nghiệp lữ hành, giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 9 hằng năm thường là mùa cao điểm của du lịch nội địa – du lịch hè, đồng thời là mùa thấp điểm đối với thị trường quốc tế. Tuy nhiên, tại các địa phương ven biển như Mũi Né, Phan Thiết, lượng khách quốc tế trong mùa này vẫn có dấu hiệu tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái.
Bà Thân Hà Thu, đại diện Poshanu Resort (phường Phú Thủy), cho biết: Hiện nay, khách quốc tế chiếm khoảng 40% tổng lượng khách lưu trú tại resort. Năm nay, thị trường inbound (khách quốc tế đến Việt Nam) ghi nhận lượng khách ổn định và đa dạng hơn, không còn tập trung vào mùa 'trú đông' như những năm trước. Đặc biệt, khách có xu hướng du lịch theo nhóm nhỏ, tự túc, không còn lựa chọn đi theo mùa.
Nhờ chính sách thị thực thuận lợi, chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch được đẩy mạnh đã phát huy hiệu quả, thu hút du khách đến với Lâm Đồng và Việt Nam. Bên cạnh đó, lợi thế về khí hậu, thiên nhiên cùng sản phẩm du lịch thế mạnh như: Nghỉ dưỡng kết hợp thể thao biển; chinh phục đồi cát Bàu Trắng; khám phá văn hóa bản địa… đã làm nên nét đặc trưng thu hút du khách quốc tế.

Bãi biển Mũi Né (Lâm Đồng) với thế mạnh nghỉ dưỡng thể thao biển luôn là nơi yêu thích của du khách quốc tế. Ảnh: Hồng Hiếu-TTXVN
Anh Robert Slusarskl, du khách từ Ba Lan cảm nhận: "Tôi rất thích Việt Nam và lần này là Mũi Né, rất tuyệt vời. Một bầu không khí rất đặc biệt, rất ấn tượng, tôi không biết diễn đạt như thế nào cho chính xác. Nhưng nó mang lại cho tôi cảm giác thích thú và thân thiện".
Còn chị Diana Kay, du khách đến từ Australia cho biết: "Chúng tôi chỉ thích nghỉ dưỡng trong khuôn viên resort, bơi và đi bộ, thưởng thức những món ăn đặc trưng của Việt Nam. Thời tiết đẹp, dịch vụ ở đây khá tốt và đồ ăn rất ngon. Đặc biệt là người dân rất hiếu khách. Chắc hẳn sau khi trở về, tôi sẽ giới thiệu cho những người bạn của mình để họ tìm đến trải nghiệm".

Nhiều du khách thích thú chiêm ngắm màn trình diễn lướt ván diều của những người chơi. Ảnh: Hồng Hiếu-TTXVN
Theo số liệu thống kê, trong quý II/2025, các địa phương ven biển tỉnh Lâm Đồng đón 126.000 lượt khách quốc tế, giảm 18% so với quý I/2025 nhưng tăng tới 62% so với cùng kỳ năm 2024. Riêng trong tháng 6/2025, gần 46.000 lượt khách quốc tế đến tham quan, nghỉ dưỡng tại khu vực này, tăng gấp 2,4 lần so với tháng 6/2024.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2025, lượng khách quốc tế đạt khoảng 280.000 lượt, tăng 35% so với cùng kỳ năm trước. Các thị trường trọng điểm vẫn là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga, Đức, Hoa Kỳ, Anh…
Các tín hiệu tích cực từ thị trường khách quốc tế bao gồm sự tăng trưởng ổn định, đa dạng về quốc tịch và nhu cầu trải nghiệm các loại hình du lịch đặc trưng như du lịch bền vững, du lịch văn hóa, nghỉ dưỡng cao cấp không chỉ là tín hiệu tốt mà đang tạo động lực quan trọng cho ngành du lịch Lâm Đồng. Đây là cơ hội để các địa phương chủ động chuẩn bị, nâng cao chất lượng dịch vụ, sẵn sàng đón khách trong mùa cao điểm cuối năm.

Một nữ du khách Hàn Quốc trải nghiệm bộ môn lướt ván diều tại biển Mũi Né (Lâm Đồng). Ảnh: Hồng Hiếu-TTXVN
Những tháng cuối năm luôn là thời điểm du khách quốc tế có xu hướng đến Việt Nam để tận hưởng kỳ nghỉ đông và trải nghiệm các lễ hội truyền thống. Việc nâng cao chất lượng dịch vụ, tối ưu hóa các trải nghiệm của khách hàng thông qua việc ứng dụng công nghệ và cải tiến quy trình dịch vụ là điều kiện tiên quyết trong kế hoạch kinh doanh. Ngoài ra, các doanh nghiệp du lịch tiếp tục đẩy mạnh nhiều chiến dịch marketing và truyền thông nhằm quảng bá hình ảnh điểm đến an toàn và hấp dẫn; đồng thời tái cấu trúc sản phẩm thị trường inbound, đẩy mạnh truyền thông tại các thị trường trọng điểm như Đông Bắc Á, châu Âu, Australia, Ấn Độ...