27/05/2025 15:49 GMT+7 | Văn hoá
Vụ việc đối tượng Hồ Văn Phương Tâm mua vé vào tham quan và xâm phạm, phá hoại Bảo vật quốc gia Ngai vua triều Nguyễn đã gây bức xúc dư luận trong những ngày vừa qua, đồng thời một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về công tác quản lý, bảo vệ di sản tại các khu di tích hiện nay.
Ý kiến phản hồi của cộng đồng trên các trang mạng xã hội, cho đến chỉ đạo của đại diện ngành văn hóa, lãnh đạo địa phương, cơ quan quản lý di tích, cũng như ý kiến các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa... hầu hết đều bày tỏ sự bức xúc, buồn lòng khi nghe tin về sự cố nghiêm trọng này. Dư luận xã hội lên án kẻ phá hoại, đồng thời cũng chê trách nhân viên bảo vệ lơ là, để đối tượng lẻn vào chính điện thực hiện hành vi phạm pháp, đến khi sự việc xảy ra thì lại chậm chạp trong việc khống chế đối tượng. Nhiều ý kiến cũng cho rằng Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế phải chịu trách nhiệm do việc quản lý và bảo vệ bảo vật quốc gia rất lỏng lẻo… Lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cũng thừa nhận, đây là sự cố hy hữu, lần đầu tiên xảy ra ở Trung tâm, nên qua đây đơn vị cũng rút ra được nhiều bài học trong công tác bảo vệ các điểm di tích.
Ngai vàng - Bảo vật quốc gia ở vị trí trung tâm của Điện Thái Hoà. Ảnh: TTXVN
Đây không phải là trường hợp đầu tiên bảo vật quốc gia bị xâm hại, biến dạng bởi những tác động và sự bất cẩn của con người. Trước đó, một số bảo vật quốc gia đã bị hư hỏng, do tác động của con người. Có thể kể đến vụ việc bức tranh "Vườn xuân Trung Nam Bắc" của danh họa Nguyễn Gia Trí, được công nhận bảo vật quốc gia năm 2013, bị hư hại nặng nề sau khi làm vệ sinh tại Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh vào giữa năm 2019. Nguyên nhân hư hại là do bảo tàng đã giao việc vệ sinh tác phẩm cho một người không có kinh nghiệm về bảo tồn di sản, người này đã dùng nước rửa chén, bột chu, thậm chí là cả giấy nhám... để làm sạch bức tranh. Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm đã tiến hành thẩm định và xác nhận, Bảo vật quốc gia - bức tranh "Vườn xuân Trung Nam Bắc" đã bị hư hỏng nặng, khoảng trên 30% và khó có thể phục hồi nguyên trạng như trước đây. Bởi, ngoài phần hư hại về vật chất, thì yếu tố quan trọng trong tranh sơn mài là phần hồn, tinh thần và không khí trong tranh đã bị hư hại khá nhiều. Đây là phần không thể nào lấy lại.
Gần đây hơn, tháng 10/2024, vụ cháy chùa Phổ Quang (xã Xuân Lũng, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ) đã gây hư hỏng nghiêm trọng cho Bảo vật quốc gia Bàn thờ Phật bằng đá (còn gọi là Bệ đá hoa sen, được công nhận năm 2021). Vụ cháy khiến toàn bộ bề mặt bàn thờ bị ám khói đen; đài sen bị gãy vỡ hai góc bên trái (cả cánh sen trên và dưới), bên phải có một vết nứt lớn; phần thân và đế bàn thờ một số chỗ bị sứt vỡ, tách lớp; một số vị trí còn bị biến đổi về mặt hoá học...
Hiên trường sau vụ cháy chùa Phổ Quang (Phú Thọ). Ảnh: TTXVN phát
Liên hệ các vụ việc làm hư hại bảo vật quốc gia trước đây, nhiều câu hỏi được đặt ra: Việc quản lý, bảo vệ di sản, đặc biệt là các bảo vật quốc gia liệu đã thực sự đáp ứng được yêu cầu trong công tác quản lý, bảo vệ di sản, hiện vật? Nếu đưa ra trưng bày để cộng đồng tham quan, chiêm ngưỡng, thì cần có những biện pháp bảo vệ như thế nào để di sản không bị xâm hại, nhất là đối với những hiện vật gắn liền với cộng đồng, thuộc về các nghi thức tín ngưỡng…
Luật Di sản văn hóa hiện hành và Khoản 2 Điều 9 Luật Di sản văn hóa năm 2024 quy định nghiêm cấm "xâm hại, huỷ hoại di sản văn hóa". Bộ Luật Hình sự cũng quy định đồng bộ với Luật Di sản văn hóa về hành vi hủy hoại tài sản thuộc khu di tích lịch sử - văn hóa, danh lam, thắng cảnh, ở các mức độ gây hậu quả. Về chế tài, hệ thống pháp luật đều có quy định xử lý vi phạm tuỳ theo mức độ, từ xử phạt vi phạm hành chính, phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ cho đến phạt tù…
Vụ việc Ngai vua triều Nguyễn sẽ tiếp tục được cơ quan chức năng điều tra, những người có liên quan sẽ phải làm rõ trách nhiệm và có biện pháp xử lý kỷ luật phù hợp với quy định pháp luật. Một số ý kiến nhà nghiên cứu, quản lý văn hóa cho rằng, Luật đã có quy định, nhưng rủi ro vẫn xảy ra từ góc độ khách quan lẫn chủ quan, một lần nữa công tác bảo tồn di sản đòi hỏi phải được đánh giá đầy đủ để đưa ra những chế tài, biện pháp phù hợp để bảo vệ, gìn giữ bảo vật quốc gia cho muôn đời sau,
Với việc Chính phủ chỉ đạo tổng rà soát, đánh giá công tác trưng bày, bảo quản, bảo vệ và các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn các bảo vật quốc gia trên toàn quốc trong thời gian tới, các đơn vị quản lý cần phải kịp thời tăng cường biện pháp bảo đảm tuyệt đối an toàn các bảo vật quốc gia đã được công nhận và hiện vật, cổ vật có giá trị tại các di tích, danh lam thắng cảnh theo đúng quy định của pháp luật.
Việc phát huy di sản luôn phải gắn kèm với mục đích là bảo vệ di sản. Do đó, việc trưng bày, khai thác, mở cửa cho công chúng tham quan… là cần thiết nhưng luôn phải gắn kèm với các phương án bảo vệ trong mọi tình huống chủ quan hay khách quan như cháy nổ, trộm cắp, phá hoại…
Sắp tới, Luật Di sản văn hoá sửa đổi năm 2024, có hiệu lực thi hành từ 1/7/2025 chính thức đi vào cuộc sống, hy vọng rằng những "lỗ hổng" trong công tác quản lý di tích và bảo vệ di sản sẽ được "lấp đầy", các di sản sẽ được bảo vệ và không còn xảy ra những vụ việc đáng tiếc như trên.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất