Hà Nội thúc đẩy văn hóa sáng tạo bằng cơ chế hỗ trợ, kết nối nguồn lực

14/05/2025 10:56 GMT+7 | Văn hoá

Hà Nội đang tích cực triển khai nhiều chính sách và giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển văn hóa sáng tạo, định hình hệ sinh thái sáng tạo đô thị, hướng tới mục tiêu đưa công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng vai trò động lực phát triển bền vững của Thủ đô.

Theo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, không gian văn hóa sáng tạo được định nghĩa là các địa điểm trực tiếp hoặc trực tuyến, nơi hỗ trợ các hoạt động nghệ thuật, thiết kế, đổi mới sáng tạo, phát triển sản phẩm, khởi nghiệp văn hóa… Các không gian này có vai trò kết nối cộng đồng, thúc đẩy hợp tác đa ngành và phát huy giá trị di sản kết hợp công nghệ.

Triển khai Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/2/2022 của Thành ủy Hà Nội về phát triển công nghiệp văn hóa giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến 2030, tầm nhìn đến 2045, thành phố đã ban hành nhiều kế hoạch cụ thể nhằm hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược.

UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 97/KH-UBND ngày 11/4/2024 về tổ chức các hoạt động của Hà Nội trong Mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO năm 2025. Kế hoạch đặt trọng tâm phát huy tiềm năng sáng tạo của Thủ đô trong lĩnh vực thiết kế, thúc đẩy hợp tác kinh doanh, kết nối cộng đồng sáng tạo trong và ngoài nước. Một nội dung đáng chú ý là việc triển khai các chính sách mới theo Luật Thủ đô 2024 và các chính sách thu hút nhà đầu tư chiến lược, hỗ trợ doanh nghiệp văn hóa, thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp sáng tạo.

Hà Nội thúc đẩy văn hóa sáng tạo bằng cơ chế hỗ trợ, kết nối nguồn lực - Ảnh 1.

Triển lãm tranh tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh minh họa: TTXVN

Thành phố đã xây dựng nghị quyết của HĐND về việc thành lập trung tâm công nghiệp văn hóa, khu thương mại và dịch vụ văn hóa; đồng thời thành lập Trung tâm điều phối hoạt động sáng tạo Hà Nội (hiện đặt tại Bảo tàng Hà Nội) nhằm điều phối, hỗ trợ và kết nối các sáng kiến sáng tạo trên địa bàn.

Để phát huy vai trò của các chủ thể sáng tạo, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội vừa tổ chức gặp mặt các không gian văn hóa sáng tạo trên địa bàn, chính thức phát động đăng ký tham gia Mạng lưới không gian văn hóa sáng tạo Hà Nội. Theo Giám đốc Trung tâm điều phối hoạt động sáng tạo Hà Nội Nguyễn Thị Ngọc Hòa, việc kết nối các không gian sáng tạo sẽ hỗ trợ phát triển sản phẩm, mở rộng thị trường, thúc đẩy kinh tế sáng tạo và định vị thương hiệu văn hóa Hà Nội. Tham gia mạng lưới, các tổ chức, cá nhân sáng tạo sẽ được hỗ trợ truyền thông trên những nền tảng chính thức, hướng dẫn thủ tục cấp phép theo quy định, khuyến khích tổ chức các hoạt động nghệ thuật, thiết kế và sản xuất sản phẩm văn hóa có giá trị.

Ông Jonathan Baker, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam đánh giá, việc Hà Nội xây dựng mạng lưới không gian văn hóa sáng tạo là bước tiến quan trọng trong việc công nhận và thúc đẩy các tác nhân sáng tạo - những nhân tố hình thành diện mạo văn hóa của thành phố.

Theo Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Bạch Liên Hương, thời gian tới, thành phố tiếp tục hỗ trợ các nhà sáng tạo bám sát định hướng phát triển văn hóa Thủ đô, tăng cường ứng dụng công nghệ, kết nối với công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ; đồng thời xây dựng một hệ sinh thái sáng tạo năng động, bền vững và đậm đà bản sắc dân tộc.

Đến nay, Hà Nội là nơi có số lượng không gian sáng tạo nhiều nhất cả nước. Theo thống kê từ Sáng kiến Mạng lưới không gian văn hóa sáng tạo Việt Nam (ViCHI), đến năm 2020, cả nước có khoảng 190 không gian sáng tạo; trong đó Hà Nội có khoảng 80 không gian, hoạt động đa dạng trong các lĩnh vực như thiết kế, mỹ thuật, trình diễn, nhiếp ảnh, điện ảnh, âm nhạc, kiến trúc…

Hà Nội thúc đẩy văn hóa sáng tạo bằng cơ chế hỗ trợ, kết nối nguồn lực - Ảnh 2.

Hồ Hoàn Kiếm - Hà Nội. Ảnh minh họa: TTXVN

Các không gian này góp phần kết nối cộng đồng với khán giả, bồi dưỡng đời sống tinh thần, tạo việc làm, hỗ trợ ngành nghề sáng tạo, giúp thành phố phát triển bền vững. Nhiều không gian tiêu biểu như: Không gian sáng tạo giáo dục di sản tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Không gian nghệ thuật trình diễn truyền thống tại Nhà hát Múa rối Thăng Long, Di tích Nhà tù Hỏa Lò… đã trở thành điểm đến văn hóa đặc sắc. Bên cạnh đó, các tuyến phố như: Hồ Hoàn Kiếm, hồ Thiền Quang, phố Trịnh Công Sơn, phố ẩm thực Đảo Ngọc - Ngũ Xã, Thành cổ Sơn Tây… cũng được đầu tư nâng cao chất lượng hoạt động sáng tạo, từng bước trở thành các “trung tâm mở” phục vụ cộng đồng.

Hiện nay, Hà Nội đang đẩy mạnh xây dựng các không gian sáng tạo điểm đến dựa trên hạ tầng văn hóa hiện có đồng thời triển khai các dự án mới trong các khu đô thị, phối hợp giữa chính quyền và doanh nghiệp.

Với những bước đi chiến lược và sự chung tay của các cấp, ngành, nhà sáng tạo và cộng đồng, Hà Nội đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm sáng tạo của khu vực, xây dựng ngành công nghiệp văn hóa thành động lực phát triển Thủ đô trong tương lai.

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link