Đường băng cho thể thao học đường

08/05/2025 05:55 GMT+7 | Thể thao

Có người ví von, mối quan hệ giữa ngành giáo dục và ngành thể thao là một "cái bắt tay… không chặt". Sự cần thiết của sự hợp tác này thì ai cũng biết nhưng quá trình phát triển thể thao trong trường học thì lại cứ như những đường thẳng song song.

Dù "sở hữu" một Đại hội thể thao riêng (Hội khỏe Phù Đổng), nhưng thể thao học đường cho đến nay vẫn là phần việc chính của ngành giáo dục, chủ yếu dành cho hoạt động thể chất, hoàn toàn không có yếu tố "hướng nghiệp" như tại các quốc gia tiên tiến, nơi có hẳn một "nền thể thao học đường" đạt đến mức độ chuyên nghiệp mà tiêu biểu là Giải vô địch bóng bầu dục các trường Đại học – Cao đẳng Mỹ có hợp đồng thương mại lên đến 1 tỷ USD và đây là giải đấu do ngành giáo dục Mỹ quản lý. Hiểu một cách đơn giản, thể thao học đường là mô hình phát triển thể thao chuyên nghiệp trong trường học và học sinh là những VĐV bán chuyên.

Trên thực tế, không ít trường học ở Việt Nam, bao gồm các đô thị lớn như TP.HCM, Hà Nội, có sân bóng đá, nhà thi đấu riêng đạt chuẩn quốc gia, cũng thành lập các CLB chuyên môn, ký hợp đồng với các VĐV, HLV cao cấp… để nâng cao chất lượng rèn luyện thể thao cho học sinh. Nhưng kể cả có một môi trường tốt như vậy, thì con đường để một học sinh trở thành VĐV ngay khi còn đang đi học vẫn mơ hồ.

Ở chiều ngược lại, các VĐV, HLV giỏi của thể thao thì tìm thêm thu nhập bằng cách "đứng lớp" tại trung tâm thể thao. Đẳng cấp, danh tiếng của họ chính là cơ sở để thu hút người đăng ký cũng như số tiền các khóa học. Ở đó, họ cũng được gọi bằng "thầy" và học trò của họ cũng đa số là học sinh, tận dụng thời gian sau giờ học để theo đuổi đam mê thể thao. Dù không nhiều, nhưng các khóa học ấy là khởi nguồn và từng giới thiệu cho thể thao Việt Nam các nhân tài.

Đường băng cho thể thao học đường  - Ảnh 1.

Thể thao học đường ở Việt Nam vẫn chưa có sự phát triển đúng như tiềm năng. Ảnh: Hảo Nguyễn

Có nghĩa là thay vì có thể chơi thể thao trình độ cao ngay tại trường thông qua các CLB chuyên sâu, thì các em có năng khiếu lại phải bỏ thêm thời gian và cả chi phí để được trở thành một VĐV bán chuyên. Ngoài ra, còn có một nghịch lý khác là VĐV giỏi của Việt Nam thường chỉ đến trường học lấy bằng cấp sau khi đã giải nghệ, thông qua một số chương trình thu hút tài năng của các trường Đại học tư thục. VĐV thì có bằng cử nhân, nhà trường thì có ngôi sao "truyền cảm hứng", những HLV "xịn xò" tại chỗ. Trong khi đó, phần lớn thời gian đỉnh cao khi còn thi đấu của VĐV thì lại có ít tác động hoặc liên quan đến trường học.

Đã đến lúc cần một cái bắt tay "thật chặt" giữa giáo dục và thể thao. Đầu tiên là yêu cầu của thời đại. Trước kỷ nguyên mới của đất nước, cả giáo dục lẫn thể thao đều đang cần sự thay đổi mang tính cách mạng. Ngành thể thao đang thực hiện chiến lược đầu tư trọng điểm, cải tổ hệ thống đào tạo VĐV, thúc đẩy tiến trình xã hội hóa, còn ngành giáo dục hướng đến sự hoàn thiện con người trong môi trường học đường.

Thể thao học đường là một phần quan trọng trong chiến lược phát triển thể thao Việt Nam 2030-2045 và đó còn là một miền tài nguyên chưa được khai thác. Chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm trong việc cải cách giáo dục có thể xem là một cơ hội rất lớn để đưa thể thao học đường đi vào thực chất, nơi mà mỗi trường học là một CLB đa môn, mỗi học sinh sẽ là VĐV tiềm năng và các môn thể thao ở trường không chỉ là hoạt động thể chất mà còn là môn học lựa chọn có tính chất hướng nghiệp.

Không khó để thấy, quả bóng đang nằm trong chân những người làm thể thao. Nhưng sau quá nhiều thời gian không thể đưa thể thao học đường vào quỹ đạo của mình, thì thách thức đối với ngành thể thao vẫn là tìm ra những giải pháp để chủ động kết nối với ngành giáo dục. Nói cho cùng, "đầu ra" của thể thao học đường là cung cấp các lựa chọn cho thể thao đỉnh cao.

Long Khang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link