Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần VI: Đóng góp cho đất nước, hướng tới tương lai sáng tạo và bền vững

19/07/2025 20:23 GMT+7 | Tin tức 24h

Chia sẻ của các đại biểu tham dự Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam Toàn cầu lần thứ VI cho thấy, với họ, dù đang sống và làm việc ở đâu trên thế giới, trách nhiệm đóng góp cho sự phát triển của đất nước luôn là mối quan tâm thường trực. Các trí thức trẻ đang từng ngày tạo ra những kết nối bền chặt giữa tri thức toàn cầu và hành động thực tiễn vì một tương lai nhân văn, sáng tạo, bền vững hơn cho đất nước.

Kết nối tri thức trong và ngoài nước, mô hình phát triển bền vững

Là một trong 72 trí thức trẻ Việt Nam ở nước ngoài về tham dự Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam Toàn cầu lần thứ VI, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Lê Hưng, giảng viên Đại học Gustave Eiffel (Pháp) là gương mặt không còn xa lạ với diễn đàn. Anh là một trong số ít đại biểu đã tham gia đầy đủ cả 6 mùa liên tiếp, là thành viên Ban chủ nhiệm Mạng lưới Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu nhiệm kỳ 2022–2025. Ngoài giảng dạy và nghiên cứu tại Pháp, anh còn giữ chức Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ứng dụng Công nghệ và Phát triển Nhân lực AiOV – nơi thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và hỗ trợ bảo vệ kết quả nghiên cứu qua sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thương hiệu…

Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần VI: Đóng góp cho đất nước, hướng tới tương lai sáng tạo và bền vững - Ảnh 1.

Các gian hàng nghiên cứu của các nhóm đại biểu tham dự Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ VI, năm 2025. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Lĩnh vực chuyên môn của Phó Giáo sư Lê Hưng tập trung vào động lực học công trình, đặc biệt là nghiên cứu chuyên sâu về kết cấu hạ tầng đường sắt cao tốc. Anh cũng đang tham gia các dự án nghiên cứu quốc tế như France2030 do Cơ quan Môi trường và Quản lý Năng lượng Pháp (ADEME) tài trợ với hướng tiếp cận mang tính đa ngành như mô phỏng số, trí tuệ nhân tạo (AI), học máy (ML) và nghiên cứu chống biến đổi khí hậu trong lĩnh vực xây dựng.

Tại Diễn đàn, Phó Giáo sư Trần Lê Hưng điều phối chủ đề số 3: Thích ứng bền vững trước các thách thức của biến đổi toàn cầu. Chia sẻ về chủ đề này, anh cho biết: Biến đổi khí hậu không còn là một khái niệm trừu tượng hay chỉ giới hạn trong lĩnh vực môi trường. Đây là vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều mặt đời sống, từ y tế, sinh học đến xây dựng, quy hoạch đô thị và chất lượng sống con người. Vì vậy, việc tiếp cận phải mang tính toàn diện, có sự phối hợp giữa nhiều ngành và nhiều góc nhìn, bao gồm cả trong và ngoài nước.

Chủ đề này đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của hơn 60 đại biểu trẻ, thể hiện sự cấp thiết và quy mô của vấn đề. Phó Giáo sư Hưng cũng trình bày một tham luận về dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam. Theo anh, đây không chỉ là một công trình giao thông mang tính kỹ thuật, còn là “xương sống” chiến lược giúp Việt Nam bước vào một giai đoạn phát triển mới.

Đường sắt tốc độ cao không chỉ là tàu chạy nhanh. Nó là biểu tượng của một tư duy hạ tầng hiện đại, là nền tảng giúp Việt Nam kết nối hiệu quả các vùng miền, thúc đẩy giao thương, đồng thời góp phần giảm phát thải nếu được quy hoạch hợp lý và bền vững, Phó Giáo sư Hưng nhấn mạnh.

Điều khiến Phó Giáo sư Hưng đặc biệt ấn tượng tại Diễn đàn năm nay là các chủ đề thảo luận đều gắn với những “đặt hàng” thực tế từ các bộ, ngành. Điều đó cho thấy Diễn đàn không chỉ dừng lại ở trao đổi học thuật, mà đã trở thành kênh kết nối thiết thực giữa trí thức trẻ với hệ thống hoạch định chính sách quốc gia.

“Tính thực tiễn của các chủ đề đặt ra yêu cầu rất rõ ràng: Chúng ta cần những góc nhìn mới, từ cả các bạn trẻ đang sống trong nước – hiểu sâu sắc bối cảnh địa phương và các trí thức Việt Nam ở nước ngoài – những người có cơ hội tiếp cận công nghệ, mô hình, kinh nghiệm toàn cầu”, Phó Giáo sư nhận định.

Tuy nhiên, Phó Giáo sư Trần Lê Hưng nhấn mạnh rằng không thể áp dụng mô hình nước ngoài một cách rập khuôn vào Việt Nam. Điều quan trọng là phải hiểu rõ bối cảnh, văn hóa, năng lực nội tại và mục tiêu phát triển của Việt Nam để điều chỉnh mô hình cho phù hợp. Diễn đàn có ý nghĩa đặc biệt trong việc tạo cầu nối giúp những trí thức trong nước và ngoài nước hiểu nhau hơn, bổ trợ cho nhau, cùng nhau tìm ra giải pháp phù hợp nhất.

Nói về lý do luôn đồng hành cùng Diễn đàn trong suốt 6 năm qua, Phó Giáo sư Hưng trả lời: “Tôi thấy rõ trách nhiệm của trí thức trẻ Việt Nam ở nước ngoài. Chúng tôi không chỉ học tập, nghiên cứu cho bản thân mà cần đóng góp cho quê hương. Đó là trách nhiệm trong thời kỳ đất nước đang bước vào kỷ nguyên chuyển mình mạnh mẽ. Thanh niên Việt Nam ở nước ngoài cần đóng vai trò là cầu nối: kết nối Việt Nam với thế giới, đưa công nghệ tiên tiến về hỗ trợ trong nước, giới thiệu Việt Nam ra với bạn bè quốc tế. Chúng ta có thể không làm được những điều lớn lao ngay lập tức, nhưng nếu mỗi người trẻ giữ vững tinh thần trách nhiệm, hành động từ những việc nhỏ, thì tổng hòa lại sẽ là một lực đẩy mạnh mẽ cho đất nước".

Phó Giáo sư Trần Lê Hưng bày tỏ mong muốn Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam Toàn cầu tiếp tục duy trì cơ chế trao đổi thường xuyên, đồng thời tạo ra các nhóm nghiên cứu chuyên đề, có sự đồng hành lâu dài của các cơ quan chính sách để các ý tưởng không dừng lại ở tham luận, mà có thể triển khai trong thực tiễn. Anh cũng hy vọng Mạng lưới Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu sẽ phát triển ngày càng chuyên nghiệp, tạo điều kiện để thế hệ trí thức trẻ Việt Nam ở khắp nơi có thể cùng chung tay đóng góp vào công cuộc xây dựng đất nước hiện đại, bền vững và đầy bản sắc.

Trí thức trẻ và khát vọng đưa công nghệ nhân văn vào đời sống

Tiến sĩ Dương Thị Thùy Trang, giảng viên Trường Thiết kế Truyền thông, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh (UEH) cho biết, cô đang tham gia một số dự án nghiên cứu tập trung vào tác động của các công nghệ mới như thực tế tăng cường (AR), thực tế ảo (VR) và trí tuệ nhân tạo (AI) đến hành vi người tiêu dùng, mức độ hạnh phúc cá nhân.

Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần VI: Đóng góp cho đất nước, hướng tới tương lai sáng tạo và bền vững - Ảnh 2.

Ảnh: Minh Đức/TTXVN

“Chúng tôi quan tâm đến việc công nghệ có thể giúp nâng cao trải nghiệm tiêu dùng mà còn đặt ra vấn đề iệu công nghệ có thể tạo ra cảm xúc tích cực, cảm giác kết nối và sự hài lòng sâu sắc trong cộng đồng hay không”, Tiến sĩ Trang nói.

Từ góc nhìn của một nhà nghiên cứu trẻ, Tiến sĩ Trang tin rằng trong 5 đến 10 năm tới, những công nghệ như AR, VR hay AI sẽ thay đổi căn bản cách các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận, tương tác với khách hàng. Không còn đơn thuần là cung cấp sản phẩm hay dịch vụ, các doanh nghiệp sẽ phải chuyển mình để tạo ra trải nghiệm số mang tính cá nhân hóa cao, nơi cảm xúc, sự đồng cảm được đặt lên hàng đầu.

“AR có thể dự đoán nhu cầu, hành vi và thậm chí trạng thái cảm xúc của người tiêu dùng để tối ưu hóa mọi điểm chạm giữa họ và thương hiệu. VR sẽ cho phép người dùng thử nghiệm sản phẩm trong một không gian ảo sống động. Đó không chỉ là tiến bộ công nghệ, còn là một bước chuyển mình trong tư duy: lấy con người làm trung tâm của đổi mới”.

Không chỉ dừng ở lý thuyết, Tiến sĩ Thùy Trang cùng nhóm sinh viên Khoa Thiết kế Truyền thông – UEH đã hiện thực hóa ý tưởng bằng dự án Reimagining Saigon Metro Through Augmented Reality, kết hợp công nghệ AR với thiết kế sáng tạo để tái hiện tuyến metro Thành phố Hồ Chí Minh theo cách sống động, trẻ trung, gần gũi với cộng đồng. Người dùng chỉ cần tải ứng dụng TikTok, quét mã QR trên vé và hướng camera vào mặt trước để kích hoạt hiệu ứng AR, qua đó trải nghiệm chuyến tàu metro ảo chạy qua các địa danh biểu tượng của thành phố. Trải nghiệm này không chỉ mang đến sự mới mẻ trong việc tiếp cận công nghệ, còn góp phần gợi mở cảm xúc kết nối với thành phố và nâng cao nhận thức cộng đồng về giao thông công cộng theo cách gần gũi, hiện đại hơn.

Không giấu được niềm tự hào khi có mặt tại Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam Toàn cầu lần thứ VI, Tiến sĩ Thùy Trang cho rằng đây là một không gian quý giá để kết nối trí thức trẻ trong và ngoài nước, nơi các bạn trẻ không chỉ chia sẻ tri thức, còn cùng thảo luận về vai trò, sứ mệnh của thế hệ mình đối với sự phát triển của đất nước. Với cô, công nghệ chỉ thực sự có giá trị khi nó song hành với sự phát triển của con người đặc biệt là tư duy sáng tạo, tinh thần đổi mới và ý thức trách nhiệm với cộng đồng.

Tiến sĩ Thùy Trang bày tỏ mong muốn các kết quả nghiên cứu, sáng kiến của trí thức trẻ sẽ trở thành nguồn dữ liệu tham khảo thiết thực cho các nhà hoạch định chính sách và doanh nghiệp, nhằm đảm bảo công nghệ phát triển theo hướng công bằng, nhân văn và vì con người. Nếu chỉ phát triển công nghệ mà bỏ quên yếu tố cảm xúc, sự thấu cảm hay hạnh phúc của người dùng, thì chuyển đổi số sẽ trở nên lệch hướng.

Nhắn gửi đến các bạn trẻ đang theo đuổi con đường nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, Tiến sĩ Thùy Trang chia sẻ: Chúng ta không chỉ nghiên cứu để biết mà còn để thấu hiểu, đồng cảm và góp phần kiến tạo một tương lai tốt đẹp hơn. Mỗi ý tưởng, dù nhỏ, nếu được thực hiện bằng trái tim thấu cảm và trách nhiệm với cộng đồng, đều có thể gieo mầm cho một Việt Nam sáng tạo, nhân văn, hạnh phúc. Thế hệ trí thức trẻ hoàn toàn có thể góp phần kiến tạo những giá trị mới, nếu giữ vững khát vọng, lòng nhân ái và tinh thần phụng sự xã hội.

Hạnh Quyên/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link