Một trong những nhà văn được xem là hội viên đặc biệt của Hội Nhà văn TP.HCM là nhà văn Nguyễn Văn Tàu - tức đại tá tình báo Tư Cang, người anh hùng, nguyên cụm trưởng Cụm tình báo H63, chỉ huy trận Rạch Chiếc quyết tử thủ, để giữ cầu cho xe tăng của quân Giải phóng tiến về Sài Gòn trong đại thắng mùa Xuân 1975.

Đại tá, nhà văn Tư Cang: Tôi viết để những người sau biết về chiến tranh

Một trong những nhà văn được xem là hội viên đặc biệt của Hội Nhà văn TP.HCM là nhà văn Nguyễn Văn Tàu - tức đại tá tình báo Tư Cang, người anh hùng, nguyên cụm trưởng Cụm tình báo H63, chỉ huy trận Rạch Chiếc quyết tử thủ, để giữ cầu cho xe tăng của quân Giải phóng tiến về Sài Gòn trong đại thắng mùa Xuân 1975. Ông là một trong những anh hùng góp phần làm nên chiến thắng.

Qua nhiều trận đánh sinh tử khốc liệt, người anh hùng nổi tiếng năm xưa đã ghi lại những trăn trở, những chặng đường mình qua, bởi theo ông, "không phải để thành nhà văn" mà để những người sau biết về những tháng ngày ý nghĩa mình đã sống. 

"Coi như chết rồi"

Có lần ngồi ăn với các anh em trong đội của mình, Tư Cang dặn các em mới vào nghề: Làm tình báo phải nhớ bỏ 4 chữ vô bụng, khắc trong tim: "Coi như chết rồi". Phải ghi nhớ điều ấy mới sẵn sàng nhận nhiệm vụ, chiến đấu được.

Không chỉ nói, Tư Cang luôn nhanh nhạy, xông pha trong công việc, nhiệm vụ của mình, đơn giản vì: "Mình nói mà không làm thì ai nghe?". Và ông luôn chiêm nghiệm: "Tôi được đào tạo về tình báo theo giáo trình các nước hiện đại, nhưng tôi nghiệm ra rằng để hoạt động tình báo thành công, ngoài nghiệp vụ tốt thì phải lấy dân làm gốc, đó chính là công tác tình báo nhân dân". 

Đại tá, nhà văn Tư Cang: Tôi viết để những người sau biết về chiến tranh - Ảnh 1.

Nhà văn Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang)

Ở Cụm tình báo H63 do Tư Cang làm cụm trưởng có mặt những tình báo nổi tiếng như điệp viên hoàn hảo Phạm Xuân Ẩn, Tám Thảo... thực hiện nhiều nhiệm vụ tối mật, đòi hỏi sự dũng cảm, mưu trí. Vào thời điểm diễn ra trận đánh chiếm Dinh Độc lập trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, Tư Cang đang trong vỏ bọc là ông thầy gia sư, trú ẩn trong gia đình Tám Thảo (ông biết nhiều ngoại ngữ, học giỏi top đầu khi còn là học sinh trường Petrus Ký - hiện là trường chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM). Cửa căn gác nhà Tám Thảo hướng về phía Dinh Độc Lập, đường Nguyễn Du. Lúc bấy giờ, thấy lực lượng của ta hy sinh nhiều, Tư Cang sẵn sàng hai tay hai súng, chĩa mũi súng qua khe cửa, bắn giặc giải vây.

Địch ngay lập tức truy bắt Việt Cộng theo hướng súng. Những căn nhà ở diện nghi vấn đều bị tra vấn kĩ. Đến nhà Tám Thảo, khi chỉ còn căn phòng trên mái, địch có vẻ bất ngờ khi thấy trong lớp màn còn rủ là cô gái trẻ đang ngủ nướng, phía trên tủ đầu giường lại là tấm hình cô chụp chung với thiếu tá hải quân Mỹ. Nhờ tài ăn nói có duyên và nhờ tấm hình hộ mệnh, Tư Cang và cả gia đình Tám Thảo thoát cửa tử trong gang tấc.

"Lúc ấy, tôi đã sẵn sàng hai tay hai súng. Gài luôn hai viên đạn lên tai, phòng khi bắn hết đạn thì dành viên đạn cuối cùng tự sát. Thực sự phải nín hết sức, bởi vì gia đình người ta thương mình, cho ở trong nhà hoạt động, rủi có chuyện, tội gia đình. Tôi còn nhớ như in lời ba Tám Thảo, gia đình ba bao lâu làm ăn, có 36 triệu đồng (lúc ấy vàng chỉ 3.000 đồng/lượng), nhưng gia đình không sợ nguy hiểm. Con cứ ở lại hoạt động và hướng dẫn các em theo cách mạng" - Đại tá Tư Cang nhớ lại lời của ba Tám Thảo, chủ nhà nuôi giấu mình hoạt động, sau hơn 50 năm ông vẫn xúc động sâu sắc.

Những trang văn - trang đời

Viết văn bằng giọng văn thật thà, giản dị, mộc mạc, những trang văn của anh hùng Tư Cang khiến người đọc liên tưởng đến những câu thơ cuả Nguyễn Đình Thi: "Đạp quân thù xuống đất đen/ Súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa".

Những cuốn sách của ông, bên cạnh tư liệu có giá trị lịch sử còn là tiếng lòng của một người anh hùng không quản ngại, sẵn sàng hy sinh xương máu vì Tổ quốc. Nhiều nhà văn, nhà thơ viết và trưởng thành từ trong kháng chiến, còn với nhà văn Nguyễn Văn Tàu - Tư Cang, phải khá lâu sau những ngày cầm súng ông mới cầm bút. Năm 1988, đại tá tình báo nổi tiếng "hai tay hai súng bắn giỏi như nhau" mới bắt đầu cầm bút viết Sài Gòn Mậu Thân 1968 - tác phẩm đầu tiên của mình vì đó là dịp kỷ niệm 20 năm sự kiện lịch sử này.

Không chỉ giúp mọi người hiểu sâu sắc hơn về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, cuốn sách còn giúp mọi người nhìn ra tố chất nhà văn của Tư Cang. Sau khi đọc biên tập cuốn Sài Gòn Mậu Thân năm 1968, ông Hà Mộng Nhai, Giám đốc NXB Văn hóa văn nghệ thời điểm đó đã xúc động đề nghị tác giả được kết nạp vào Hội Nhà văn TP.HCM.

Cho đến tận bây giờ, sau hàng chục năm cầm bút, ra mắt gần 10 đầu sách, nhà văn Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang) vẫn cho rằng, bản thân ông không nghĩ mình viết hay. Ông chỉ viết sự thật, và chính những câu chuyện chiến đấu đã khiến nhiều người quan tâm, xúc động, ý nghĩa.

Một số tác phẩm của nhà văn Nguyễn Văn Tàu

Thống nhất rồi, về ôm hôn vợ

Dịp Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, Tư Cang đang đi học ở miền Bắc mới xong 1 năm, còn 1 năm nữa mới tốt nghiệp. Ông nhận nhiệm vụ gấp gáp của cấp trên: Quay về Sài Gòn sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Khi ông trở vào, 8 ngày sau Dương Văn Minh đầu hàng. Sự trở lại của Tư Cang là do đã chuẩn bị phương án đánh đường phố nội thành nếu ông Minh không chịu đầu hàng. Và ông nhận nhiệm vụ Chánh ủy Lữ đoàn đặc công, là đơn vị đi đầu đánh trước phía bên trong để cho đại quân tiến vào. Khi đang cùng bàn nhau kế hoạch sẵn sàng tác chiến cùng trợ lý pháo binh của Quân đoàn 3 từ cánh Củ Chi xuống thì đồng bào và chiến sĩ chạy tới reo vang: "Dương Văn Minh đầu hàng rồi!".

"Khi thấy tôi bần thần vì xúc động, một đồng chí trêu: "Bộ anh tiếc chuyện phải ngưng học đi vào lắm hả?". Tôi cười nói: "Không, Dương Văn Minh đầu hàng tôi sướng chứ. Buổi tối nay tôi sẽ về kiếm vợ tôi, 28 năm rồi chưa về nhà!" - Tư Cang kể.

Kể từ khi cưới vợ theo lời mẹ để có người ở nhà với mẹ khi con trai vào rừng đi chiến đấu, có 2 lần tổ chức sắp xếp cho vợ chồng gặp nhau. Lần đầu gặp vợ và mấy đồng chí khác, lần hai vợ dắt theo con gái - con nhìn cha đầy lạ lẫm khi lần đầu cha con gặp mặt. Trong thời gian Tư Cang hoạt động ở nhà Tám Thảo, vợ cũng hoạt động ở nội thành, bên giao thông. Có lần, cô đưa thư của cấp trên chuyển đến Tư Cang. Tám Thảo chuyển thư nói: "Thư của bà đầu bối gửi anh". (Vợ Tư Cang thường bối tóc sau đầu). Để đảm bảo an toàn cho vợ con cũng như giữ bí mật của tổ chức, không ai biết hai người là vợ chồng.

Một lần khác, Tư Cang nhận được thư vợ kể, tình cờ đi làm nhiệm vụ, thấy Tư Cang và Tám Thảo nắm tay nhau trên đường, cô về ốm, đau đầu ba ngày liền. "Dù biết chỉ là hoạt động che mắt địch nhưng vợ vẫn đau lòng, còn tôi đọc thư vợ, thương dữ lắm" - ông nói.    

Đêm 30/4/1975, có một người đàn ông tuổi trung niên sau 28 năm "đi vô rừng" và xa biền biệt được quay về với gia đình. Ngày đi, vợ cưới chưa lâu, vừa chớm mang bầu, ngày về con gái đã là người mẹ trẻ có con gái tuổi lên 3. Khi gần đến khu vực nhà mình, ông gọi to "Nhồng ơi, Nhồng ơi" vì cũng mang máng biết vợ con ở vùng đó nhưng không biết cụ thể nhà nào. Ngày trước viết thư cho chồng, vợ có kể chuyện ở nhà đặt tên con là Nhồng, tên một loài chim biết nói. Vợ lại không kể chuyện con đã tự đổi sang tên Giang vì cho là tên Nhồng xấu quá. Thế nên lúc đó, nhiều người trong khu nghe tiếng ông gọi mà không ai biết Nhồng là ai. Ông hỏi hàng xóm, có biết nhà hai mẹ con sáng sáng vẫn đi làm bên ngân hàng không? Người hàng xóm ngớ ra, à, vậy là nhà cô Giang rồi. Ở đằng kia kìa!

Lại căn nhà đó, Tư Cang lại gọi "Nhồng ơi, Nhồng ơi!". Vợ chạy ra mở cửa, mừng rỡ xúc động một lúc mới nói: "Nghe kêu tên Nhồng, em biết chỉ có anh mà thôi". "Lúc đó chúng tôi không biết nói gì hơn ngoài đứng ôm hôn nhau, bù cho những tháng ngày thanh xuân xa cách".

"Nhớ lại buổi tiễn biệt cạnh bụi chuối sau nhà, những cái hôn tràn nước mắt của đôi vợ chồng trẻ, những lời hứa hẹn, những ước mơ hạnh phúc trong ngày gặp lại. Sau gần 30 năm chiến đấu, đêm nay, hạnh phúc đã đến thật sự trong vòng tay đây rồi mà cứ tưởng như một giấc mơ" - Những kỷ niệm khắc sâu một đời này ông có viết trong cuốn sách Nước mắt ngày gặp mặt - hồi ký, NXB Tổng hợp TP.HCM vừa tái bản nhân dịp 50 năm Thống nhất đất nước.

Viết văn bằng giọng văn thật thà, giản dị, mộc mạc, những trang văn của anh hùng Tư Cang khiến người đọc liên tưởng đến những câu thơ của Nguyễn Đình Thi: Đạp quân thù xuống đất đen/ Súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa.

Với những đóng góp của mình, năm 2005, ông được phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Hiện đã bước sang tuổi 98, đại tá, nhà văn Tư Cang vẫn tham gia nhiều hoạt động, chia sẻ, góp phần truyền lửa yêu nước tới mọi người, đặc biệt là với thế hệ trẻ.

Vài nét về nhà văn Nguyễn Văn Tàu

Nhà văn Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang) là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Cụm trưởng Cụm tình báo H.63, biệt động Sài Gòn. Ông sinh năm 1928 tại Bà Rịa - Vũng Tàu, đi kháng chiến chống Pháp từ 1945.

Bằng thực tế chiến đấu dữ dội đã trải qua, ông đã viết nhiều tác phẩm giá trị: Sài Gòn Mậu Thân 1968, Tình báo kể chuyện, Nước mắt ngày gặp mặt, Trái tim người lính, Bến Dược vùng đất lửa, tiểu thuyết Hoàng hôn trên chiến trường… Nhân kỷ niệm 50 năm Thống nhất đất nước, hai tác phẩm của ông: Nước mắt ngày gặp mặt (NXB Tổng hợp TP.HCM) và Những điệp viên may mắn (NXB Trẻ) vừa được tái bản, được xem là tư liệu quý dành cho độc giả muốn ngược dòng lịch sử, đọc để hiểu hơn về những ngày tháng khốc liệt, anh hùng.

90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link