"Cuốn biên niên sử" về liệt sĩ Đặng Thùy Trâm

21/07/2025 07:27 GMT+7 | Văn hoá

Những hình dung về nữ bác sĩ - liệt sĩ Đặng Thùy Trâm trở nên trọn vẹn hơn qua những lát cắt đời sống từ tuổi thơ, đến thời thanh xuân, những năm tháng sống trong vòng tay gia đình, được tái hiện sinh động trong di cảo và ghi chép của gia đình. Một chân dung giàu lý tưởng, sống tận hiến và chan chứa yêu thương dần hiện lên, vừa gần gũi, vừa lay động.

Đây là những hồi ức quý giá được tập hợp trong cuốn sách Đặng Thùy Trâm và cuốn nhật ký thứ ba (NXB Phụ nữ Việt Nam), vừa ra mắt tại Hà Nội, hướng tới kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7).

Tác giả Đặng Kim Trâm, em gái của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, người biên soạn cuốn sách, gọi đây là "cuốn nhật ký thứ ba", bởi vì nó là cuốn thứ ba đến tay bạn đọc.

Thực ra đây là cuốn đầu tiên

Hẳn nhiều độc giả sẽ tò mò ngay khi chạm mắt vào tựa sách Đặng Thùy Trâm và cuốn nhật ký thứ ba. Nhật ký Đặng Thùy Trâm vẫn còn phần nào khác chưa công bố?

Thực tế, cuốn sách mới này vẫn tiếp tục là một phần nhật ký, một phần di cảo lần đầu tiên được công bố, sau tập nhật ký đã trở thành hiện tượng xuất bản vào năm 2005. Đó là thời điểm 2 cuốn nhật ký chiến tranh của Đặng Thùy Trâm - sau 35 năm ẩn tích trên đất Mỹ - đã được trao trả cho gia đình chị. Kể từ đó, thế giới biết đến Nhật ký Đặng Thùy Trâm. Cho đến nay, hơn nửa triệu bản sách đã được phát hành tại Việt Nam và 23 nước trên thế giới.

"Cuốn biên niên sử" về liệt sĩ Đặng Thùy Trâm - Ảnh 1.

Tác giả Đặng Kim Trâm

Hai thập niên trôi qua, cuốn Đặng Thùy Trâm và cuốn nhật ký thứ ba được ra mắt như một lát cắt bổ sung, góp phần hoàn thiện bức chân dung về một con người đã sống với trọn vẹn tuổi trẻ, tri thức và lý tưởng. Đó là Đặng Thùy Trâm, một người con gái Hà Nội tinh khôi, đầy ắp tình thân, tình bạn, trước khi bước vào chiến trường và để lại những dòng nhật ký thắp lửa đến tận hôm nay.

"Cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm xuất bản năm 2005 gồm 2 cuốn nhật ký của chị Thùy Trâm bị thất lạc trong hai trận càn mà quân Mỹ thu được" - bà Kim Trâm tiết lộ - "Còn cuốn lần này, chúng tôi gọi là "cuốn nhật ký thứ ba", nhưng thực ra, đây là cuốn đầu tiên. Nó được chị Thùy Trâm viết trong 2 năm (1965, 1966) trước khi đi vào Nam và chị gửi lại cho mẹ tôi giữ suốt chừng ấy năm. Đến bây giờ, gia đình mới quyết định công bố".

Vì sao lại là thời điểm này? Bà Kim Trâm kể tiếp: "Sinh thời, mẹ tôi (bà Doãn Ngọc Trâm) đã đồng ý sẽ công bố cuốn nhật ký thứ ba. Mẹ nghĩ rằng, gia đình đã công bố hai cuốn kia, thì cũng không ngại gì công bố nốt cuốn còn lại. Và mẹ tôi cũng muốn chờ một thời gian đủ dài để xem lớp trẻ bây giờ họ có còn quan tâm không, họ có còn muốn đọc về một nhân vật thời chống Mỹ như thế nữa hay không…".

Cuối cùng, gia đình cùng thống nhất lựa chọn năm 2025, đúng 20 năm ngày Nhật ký Đặng Thùy Trâm ra mắt công chúng để xuất bản tập di cảo này. Chỉ tiếc rằng, bà Doãn Ngọc Trâm, người mẹ đã gìn giữ cuốn nhật ký suốt hơn nửa thế kỷ, đã không kịp chờ đến ngày cuốn sách được in. "Mẹ tôi đã qua đời từ năm ngoái, nên không thể cầm được cuốn sách này trên tay" - bà Kim Trâm xúc động.

Một bức tranh đầy đủ hơn…

Cuốn vừa xuất bản gồm 2 phần chính. Phần thứ nhất mang tên "Lớp người lý tưởng", tập hợp những dòng ghi chép của mẹ Doãn Ngọc Trâm, cùng 3 người em gái là Kim Trâm, Hiền Trâm và Phương Trâm.

Loạt bài viết này đã khắc họa bức tranh của một thời mà người người hướng về Tổ quốc, về một gia đình trí thức Hà Nội điển hình, có cô con gái xung phong "đi B", dấn thân vào nơi chiến trường ác liệt nhất rồi hy sinh, để lại những dòng nhật ký chiến tranh lay động trái tim bao người.

"Cuốn biên niên sử" về liệt sĩ Đặng Thùy Trâm - Ảnh 2.

Sách “Đặng Thùy Trâm và cuốn nhật ký thứ ba” (NXB Phụ nữ Việt Nam)

Thời thơ ấu, thiếu niên và một phần thanh xuân tươi đẹp của Đặng Thùy Trâm được kể lại, cùng với những kỷ niệm bên gia đình, bè bạn, trong lòng Thủ đô Hà Nội hòa bình, với trái tim hướng về miền Nam ruột thịt còn đang chịu cảnh bom rơi đạn nổ.

Đặc biệt, trong phần này còn có di cảo chưa từng công bố của Đặng Thùy Trâm, bao gồm "cuốn nhật ký thứ ba", được viết trong giai đoạn cuối cùng tại Trường Đại học Y Hà Nội từ tháng 10/1965 đến tháng 12/1966, là thời điểm chị đang chuẩn bị lên đường vào chiến trường miền Nam (đi B) và một số thư từ với gia đình, bè bạn.

Trong những trang nhật ký này hiện lên hình ảnh một Đặng Thùy Trâm đầy tính nữ, với sức trẻ, với một trái tim tràn ngập tình yêu dành cho đất nước, gia đình, người thân, bè bạn và tình yêu lứa đôi.

Cô sinh viên trường y lãng mạn, tinh tế và nồng nhiệt ấy, lúc hăng say học tập và rèn luyện trong một môi trường an toàn và nhiều thuận lợi, vẫn luôn nhiều trăn trở về lý tưởng, về lẽ sống làm người, về ước mơ cứu chữa bệnh nhân, về sứ mệnh của công dân khi đất nước đang bị chia cắt, về sự quả cảm đương đầu với thử thách và bất công, với một tinh thần không do dự. Để rồi, chị quyết tâm dấn thân vào chiến trường miền Nam, cùng rất nhiều thanh niên, không ngại hy sinh gian khổ.

Phần thứ hai có tên "Cây cầu bắc qua dòng sông chia cắt", gồm loạt bài viết của ba người em gái Đặng Thùy Trâm, thuật lại hành trình xúc động của 2 cuốn nhật ký và những chuyện sau khi Nhật ký Đặng Thùy Trâm được xuất bản…

Với những ký ức được kể bằng tất cả sự nâng niu, Đặng Kim Trâm bày tỏ: "Trong cuốn nhật ký thứ ba này, chúng tôi mong muốn đưa ra một bức tranh đầy đủ hơn về chị Đặng Thùy Trâm, từ tuổi thơ, những năm tháng học trò, đến những trăn trở đầu đời khi còn là sinh viên. Những ước mơ mà chị từng có trong hòa bình - một sự nghiệp khoa học, một sự nghiệp văn chương, một cuộc sống hạnh phúc… đều được chị thể hiện qua những dòng nhật ký trước khi đi B".

Đặc biệt, bà Kim Trâm kỳ vọng Đặng Thùy Trâm và cuốn nhật ký thứ ba như là "một cuốn biên niên sử" về liệt sĩ Đặng Thùy Trâm. "Tôi dùng chữ biên niên sử, bởi vì, không phải sau khi chị Thùy Trâm mất đi là chị không còn hiện diện nữa. Thực ra, sự hiện diện của chị sau khi mất, thậm chí tôi thấy còn mạnh mẽ hơn cả khi chị còn sống" - bà chia sẻ.

"Theo tôi, nếu nói đến những người anh hùng Việt Nam từng sống, chiến đấu và hy sinh gian khổ, dũng cảm như chị Thùy, thì có thể có hàng triệu người như thế trong thời chiến. Chị Thùy Trâm không quá đặc biệt so với mọi người" - bà Kim Trâm bộc bạch - "Nhưng những gì chị để lại (bằng trang viết, bằng tâm hồn và lý tưởng sống…) thì lại là điều rất đặc biệt. Và tôi nghĩ, đó chính là phần đóng góp lớn nhất của chị cho đất nước. Trong cuốn sách này, tôi muốn nói nhiều về điều đó".

Đóng góp cho dòng văn học hồi cố, ký ức

Từ góc độ nghiên cứu, TS Hà Thanh Vân cho rằng có thể xem Đặng Thùy Trâm và cuốn nhật ký thứ ba là một đóng góp cho dòng văn học hồi cố, ký ức. Những gì Đặng Thùy Trâm viết ra không chỉ sống trong tâm trí người thân (ký ức giao tiếp), mà đã bước vào "bộ nhớ văn hóa" lâu dài của Việt Nam thời kỳ hậu chiến. Những trang viết của chị không chỉ là di cảo riêng tư, mà trở thành một phần của trí nhớ cộng đồng, thông qua sự gìn giữ của gia đình, được xã hội công nhận và được "văn chương hóa" như một tiếng nói không phai nhạt của một con người Việt Nam trong thế kỷ 20.

"Cuốn biên niên sử" về liệt sĩ Đặng Thùy Trâm - Ảnh 3.

Sự kiện giao lưu giới thiệu sách “Đặng Thùy Trâm và cuốn nhật ký thứ ba”. ảnh: Phương Lan

Phân tích sâu hơn, TS Vân cho rằng, nếu như cuốn nhật ký trước đây của Đặng Thùy Trâm dựng nên một chân dung cá nhân trong dòng chảy chiến tranh, thì "cuốn nhật ký thứ ba" mở rộng không gian ký ức sang phạm vi gia đình, xã hội và thời đại.

"Đây không chỉ phần nhật ký còn lại của chị Thùy Trâm, mà còn là những dòng ký ức và hồi ức của gia đình về một người con gái. Nhưng thông qua câu chuyện ấy, chúng ta có thể thấy tiếng vọng của nhiều thời đại, từ kháng chiến chống Mỹ đến cả đời sống hôm nay. Đó là điều đáng trân trọng".

Đặt tác phẩm trong dòng chảy rộng hơn của văn học thế giới, nhà nghiên cứu này còn cho rằng đây là trường hợp tiêu biểu cho văn học hồi cố, ký ức, một khuynh hướng tuy đã được ghi nhận từ lâu ở quốc tế, nhưng lại chưa thật sự được quan tâm đúng mức ở Việt Nam.

"Trong văn học thế giới, những tác phẩm nhật ký nổi tiếng như Anne Frank, Che Guevara… không chỉ cho thấy đời sống nội tâm của một cá nhân, mà còn phác họa được diện mạo của cả một thời đại" - TS Vân phân tích - "Ở Việt Nam, dù có nhiều người viết nhật ký rất hay, nhưng có thể họ chưa có duyên để được biết đến. Tôi hy vọng rằng sau Nhật ký Đặng Thùy Trâm hoặc Mãi mãi tuổi 20 của Nguyễn Văn Thạc, sẽ có thêm nhiều tác phẩm khác tiếp nối để hình thành một dòng mạch nhật ký, từ đó giúp tái hiện lịch sử một cách phong phú và sinh động hơn".

Đặc biệt, nhà nghiên cứu Hà Thanh Vân còn nhấn mạnh giá trị tư liệu của cuốn sách không chỉ nằm ở những trang viết ký ức, mà còn ở cách nó gợi mở hướng tiếp cận mới với lịch sử: lịch sử qua lời kể.

"Chúng ta quen với lịch sử được viết bởi các nhà nghiên cứu theo hướng hàn lâm, kinh viện. Nhưng hiện nay, có một khuynh hướng rất đáng quý, đó là ghi nhận lịch sử qua lời kể của từng cá nhân, từng người thân, nhân chứng hoặc những người lân cận. Nhà văn Svetlana Alexievich của Belarus từng đoạt Nobel văn học cũng chính nhờ dòng văn học mang tinh thần này" - bà Vân dẫn chứng.

TS Hà Thanh Vân kỳ vọng: "Sau Nhật ký Đặng Thùy Trâm, chúng ta biết đâu sẽ có nhiều cuốn nhật ký khác để hình thành một lịch sử qua lời kể, toàn vẹn hơn từ nhiều góc nhìn, chứ không chỉ là từ những tác phẩm nghiên cứu theo kiểu hàn lâm, kinh viện".

"Tôi dùng chữ biên niên sử, bởi vì, không phải sau khi chị Thùy Trâm mất đi là chị không còn hiện diện nữa. Thực ra, sự hiện diện của chị sau khi mất, thậm chí tôi thấy còn mạnh mẽ hơn cả khi chị còn sống" - Đặng Kim Trâm.

Công Bắc

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link