Công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh với dân tộc ta như non cao, biển rộng

19/05/2025 07:21 GMT+7 | Văn hoá

"Bác Hồ, Người là tình yêu thiết tha nhất, trong lòng dân và trong trái tim nhân loại". Lời thơ, lời ca ấy đã phần nào nói lên được mối liên hệ kỳ diệu giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và tình yêu thương, niềm tự hào của nhân dân Việt Nam và của nhân loại tiến bộ.

"Năm nay, kỷ niệm 135 năm ngày sinh của Người càng thêm ý nghĩa sâu sắc, nhắc nhở chúng ta về công lao trời biển của Bác đối với dân tộc. Đúng như lời khẳng định đầy xúc động của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn thay mặt toàn Đảng, toàn dân ta nói về Bác: "Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ Tịch, Người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta". Câu nói ấy đã trở thành chân lý thiêng liêng, làm rung động trái tim người Việt Nam khi nhắc đến tên Người – Bác Hồ muôn vàn kính yêu. Hình ảnh Bác lắng đọng trong tâm trí mỗi người, luôn hiện diện, tiếp thêm sức mạnh cho dân tộc ta trên những chặng đường phát triển. Đã 56 năm kể từ ngày Người đi xa, Bác vẫn như đang đồng hành cùng chúng ta trên mỗi hành trình của đất nước hôm nay và mai sau". (1)

Cả một đời vì nước vì non

Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ngày 19/5/1890, trong một gia đình nhà nho yêu nước, tại làng Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Được nuôi dưỡng bởi những truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc qua hàng nghìn năm lịch sử, phải chứng kiến sự thất bại của các phong trào yêu nước bi hùng của ông cha và cảnh lầm than, cực khổ của nhân dân, Người đã quyết chí ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân.

Không khoác áo thân sĩ, Người ra đi trong tư cách một người lao động, với một ý chí mãnh liệt, một nghị lực phi thường, một mình tiến hành cuộc trường chinh ba mươi năm đi tìm con đường cứu nước, giải phóng dân tộc.

Công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh với dân tộc ta như non cao, biển rộng - Ảnh 1.

Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc tại Việt Bắc trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Ảnh: TTXVN

Từ thế giới, Người lại trở về với nhân dân mình, với dân tộc mình, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; lập nên nước Việt Nam dân chủ, cộng hòa; làm nên một Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu"; tạo những tiền đề quan trọng cho trận "Điện Biên Phủ trên không" cuối năm 1972 trên bầu trời Hà Nội, cho Đại thắng mùa xuân 1975 hội tụ ở Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ tên vàng.

Cuối cùng Người để lại cho muôn đời sau tư tưởng Hồ Chí Minh, Thời đại Hồ Chí Minh và tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống các quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam; là kết quả của cả một quá trình vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta; là tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý báu của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta; góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc trên thế giới, vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là sự thống nhất giữa tư tưởng và hành động, giữa lời nói và việc làm, đã trở thành lẽ sống tự nhiên. Mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân ta đều tìm thấy trong những lời dạy của Người và từ tấm gương đạo đức cao đẹp của Người, từ phong cách Hồ Chí Minh những chuẩn mực cần học tập, tu dưỡng, rèn luyện để mỗi ngày càng trở nên hoàn thiện hơn, vươn tới những giá trị văn hoá chân-thiện-mỹ trong cuộc sống.

Công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh với dân tộc ta như non cao, biển rộng - Ảnh 2.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm lại nhà cũ ở làng Sen, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An (12/1961). Ảnh: TTXVN

Đặc biệt, trong bài viết "Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân", Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: "Không chỉ dân tộc Việt Nam, nhân dân yêu chuộng hòa bình và tiến bộ trên thế giới cũng trân trọng và ghi nhớ Hồ Chí Minh như một biểu tượng của hòa bình, tự do và giải phóng dân tộc. UNESCO vinh danh Người là "Anh hùng giải phóng dân tộc và nhà văn hóa kiệt xuất" năm 1987. Tư tưởng Hồ Chí Minh góp phần thúc đẩy các phong trào đấu tranh chống thực dân, đế quốc trên toàn cầu, đồng thời truyền cảm hứng cho công cuộc xây dựng một thế giới công bằng và nhân văn hơn".

Vì vậy mà nhà báo Australia nổi tiếng Burchett, đã nhận xét: Nói tới một người mà cả cuộc đời mình để lại ân tình sâu nặng cho nhân dân thì không có một ai khác ngoài Chủ tịch Hồ Chí Minh… Người ta không thể trở thành một Hồ Chí Minh nhưng ở Cụ Hồ, mỗi người có thể học một điều gì làm cho mình tốt hơn.

Hiện thực hóa điều mong muốn của Người

Trong bản Di chúc lịch sử để lại cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta, điều mong muốn cuối cùng của Người là "toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới". Ước nguyện đó của Người đã và đang được toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta thực hiện với những kết quả quan trọng, mang tầm vóc lịch sử.

Công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh với dân tộc ta như non cao, biển rộng - Ảnh 3.

Di chúc Bác Hồ. Ảnh tư liệu: hochiminh.vn

Từ một nền kinh tế nghèo, lạc hậu, bị bao vây, cấm vận, Việt Nam trở thành một trong 34 nền kinh tế lớn nhất thế giới, quy mô kinh tế tăng gần 100 lần so với năm 1986, thu nhập bình quân đầu người tăng từ dưới 100 USD lên gần 5.000 USD. Việt Nam nằm trong top 20 thế giới, duy trì mức xuất siêu cao trong những năm gần đây và tích cực tham gia vào các Hiệp định thương mại tự do. Việt Nam đã ký kết, thực thi và đang đàm phán 19 Hiệp định thương mại tự do (17 có hiệu lực, 2 đang đàm phán). Việt Nam ngày nay là biểu tượng hòa bình, ổn định, hiếu khách, là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư và du khách quốc tế.

Song hành với sự đi lên của nền kinh tế, đời sống vật chất và tinh thần của người dân Việt Nam cũng có sự phát triển mạnh mẽ. Việt Nam đã triển khai hiệu quả các giải pháp, chính sách giảm nghèo bền vững. Năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo trên cả nước chỉ còn 1,93%. Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam liên tục tăng đều từ 0,561 năm 1985 lên 0,726 vào năm 2022. Theo Báo cáo Hạnh phúc thế giới năm 2025 của Liên hợp quốc, Việt Nam đã thăng hạng lên đứng thứ 46, cải thiện tích cực so với vị trí 54 của năm 2024 và vị trí 65 của năm 2023.

Từ một đất nước bị bao vây cô lập, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 194 quốc gia trên thế giới, có quan hệ Đối tác chiến lược và Đối tác toàn diện với 38 nước, trong đó có tất cả các thành viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, các nước lớn và là thành viên trách nhiệm của hơn 70 tổ chức khu vực và quốc tế.

Cùng với đó, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Tiềm lực quốc phòng, an ninh tiếp tục được tăng cường. Độc lập, chủ quyền quốc gia được giữ vững.

Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị tiếp tục được đẩy mạnh với nhiều nhiệm vụ, biện pháp quyết liệt, đồng bộ và đạt được những kết quả cụ thể, rõ rệt. Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực tiếp tục được triển khai kiên quyết, kiên trì, đồng bộ, toàn diện, đi vào chiều sâu, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, đã tạo ra sức răn đe, cảnh tỉnh, cảnh báo rất lớn. Không phải ngẫu nhiên mà một không khí phấn khởi, tin tưởng ngày càng lan toả sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, tác động tích cực mạnh mẽ trên khắp cả nước và được bạn bè quốc tế ghi nhận.

Trong những ngày này, đồng bào cả nước và bà con ta ở nước ngoài đang hướng về Bác với tất cả lòng thành kính và xiết bao thương nhớ, càng thấm thía và biết ơn công lao trời biển của Bác. Thời gian càng lùi xa, chúng ta càng nhận rõ tính nhân văn và sự vĩ đại của Người. Tên tuổi và sự nghiệp của Người còn mãi với non sông đất nước, soi đường dẫn dắt cách mạng Việt Nam đi đến mọi thắng lợi.

(1) Bài viết "Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân" của Tổng Bí thư Tô Lâm nhân kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2025).

Phương Anh/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link