04/05/2025 22:18 GMT+7 | Tin tức 24h
Tại Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 4/5/2025, Chính phủ cơ bản thống nhất nội dung dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật do Bộ Tư pháp trình.
Chính phủ giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến của Thành viên Chính phủ, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị quyết theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm các yêu cầu sau:
Ảnh minh họa
Thể chế hóa kịp thời, đầy đủ chủ trương của Đảng về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước tại Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị, các chủ trương về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, hoàn thiện hệ thống pháp luật trong các Văn kiện, Nghị quyết của Đảng, Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; bảo đảm tính hợp Hiến, tính khả thi của các cơ chế, chính sách được quy định trong dự thảo Nghị quyết.
Quán triệt tinh thần đổi mới tư duy, cơ chế, chính sách gắn với tăng cường kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật.
Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm về việc tiếp thu ý kiến của các Thành viên Chính phủ, hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền Thủ tướng, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình của Chính phủ về dự thảo Nghị quyết này, trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025.
Chính phủ phân công Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long chỉ đạo Bộ Tư pháp, các bộ, cơ quan liên quan trong quá trình nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan, tổ chức liên quan, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.
* Ngày 30/04/2025, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 66-NQ/TW về “Đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới”. Mục tiêu chính của Nghị quyết là tạo ra một xã hội thực sự dân chủ, bình đẳng, an toàn, minh bạch; nhân dân thực sự làm chủ; quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước; quản lý, quản trị xã hội hiện đại, kiến tạo sự phát triển; nâng cao đời sống mọi mặt cho nhân dân, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa.
Nghị quyết đặt ra mục tiêu, năm 2025, cơ bản hoàn thành việc tháo gỡ những “điểm nghẽn” do quy định pháp luật. Năm 2027, hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản pháp luật bảo đảm cơ sở pháp lý đồng bộ cho hoạt động của bộ máy nhà nước theo mô hình chính quyền 3 cấp. Năm 2028, hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư, kinh doanh, góp phần đưa môi trường đầu tư của Việt Nam nằm trong nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN. Đến năm 2045, Việt Nam có hệ thống pháp luật chất lượng cao, hiện đại, tiệm cận chuẩn mực, thông lệ quốc tế tiên tiến và phù hợp với thực tiễn đất nước, được thực hiện nghiêm minh, nhất quán, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ hiệu quả quyền con người, quyền công dân; thượng tôn Hiến pháp và pháp luật trở thành chuẩn mực ứng xử của mọi chủ thể trong xã hội; quản trị quốc gia hiện đại với bộ máy nhà nước tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả...
Bộ Tư pháp cho biết, Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá trong công tác xây dựng pháp luật quy định thực hiện một số chính sách mới thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội khác với quy định của luật hiện hành theo hướng có khác biệt, vượt trội.
Các quy định mang tính đặc thù, vượt trội được nghiên cứu thiết kế theo hướng có khả năng giải quyết các khó khăn, vướng mắc, yêu cầu cấp bách từ thực tiễn và thuộc thẩm quyền ban hành của Quốc hội.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất