Chuyển đổi số - nền tảng giúp ngành điện vận hành hiệu quả sau sắp xếp

01/07/2025 21:02 GMT+7 | Tin tức 24h

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã công bố thông tin chính thức về địa chỉ của các tổng công ty, công ty điện lực thuộc 34 tỉnh, thành phố trên cả nước sau quá trình sắp xếp đơn vị hành chính có hiệu lực từ ngày 1/7/2025. 

Thông báo này nhằm giúp khách hàng dễ dàng nhận diện và liên hệ với đơn vị cung cấp điện tại địa phương sau khi tổ chức bộ máy mới được đưa vào vận hành từ hôm nay.

Đặc biệt, dù thay đổi lớn về mặt tổ chức, hệ thống điện quốc gia vẫn vận hành an toàn, ổn định, không gián đoạn cung cấp điện và dịch vụ khách hàng trong ngày đầu tiên thực hiện mô hình mới. Thành công này thể hiện vai trò then chốt của chuyển đổi số toàn diện trong ngành điện – trụ cột đảm bảo tính liên tục và hiệu quả trong vận hành khi thay đổi mô hình tổ chức.

Chuyển đổi số - nền tảng giúp ngành điện vận hành hiệu quả sau sắp xếp - Ảnh 1.

Đo nhiệt độ tại các điểm tiếp xúc của thiết bị có tải cao để phát hiện sớm các hiện tượng phát nhiệt bất thường, hạn chế nguy cơ xảy ra sự cố. Ảnh: TTXVN phát

Thực hiện chủ trương của Trung ương và chỉ đạo của EVN, các Tổng công ty điện lực miền đã hoàn tất việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy tổ chức cấp tỉnh, đồng thời chuyển đổi mô hình điện lực cấp huyện sang các đội quản lý điện lực khu vực. Riêng Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) đã hoàn tất tái cơ cấu từ 27 công ty điện lực xuống còn 17 đơn vị và chấm dứt hoạt động của 262 điện lực cấp huyện, chuyển sang mô hình đội quản lý điện lực khu vực. Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC), Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) và Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh (EVNHCMC) cũng triển khai đồng bộ quá trình bàn giao, tiếp nhận theo địa giới hành chính mới.

Bước chuyển quy mô lớn này đặt ra bài toán khó về duy trì hệ thống vận hành – kinh doanh – dịch vụ khách hàng không gián đoạn. Tuy nhiên, nhờ nền tảng chuyển đổi số được xây dựng vững chắc nhiều năm qua, ngành điện đã đảm bảo được sự liên tục, ổn định và ngày càng nâng cao chất lượng phục vụ.

Ngay từ năm 2021, EVN đã ban hành Đề án tổng thể chuyển đổi số với mục tiêu đến năm 2025 trở thành doanh nghiệp số. Đến cuối năm 2024, EVN đã đạt “Mức 4” trong lộ trình chuyển đổi số, với tỷ lệ điểm đạt 81,89%. Hầu hết các hoạt động sản xuất, kinh doanh, điều hành và dịch vụ khách hàng hiện được xử lý trên môi trường số, ứng dụng các công nghệ hiện đại như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (BigData), Internet vạn vật (IoT), tự động hóa, chữ ký số…

Chuyển đổi số - nền tảng giúp ngành điện vận hành hiệu quả sau sắp xếp - Ảnh 2.

CBNV Điện lực Quảng Ninh kiểm tra mức độ an toàn lưới điện bằng bộ thiết bị thông minh. Ảnh: Báo Quảng Ninh

Việc số hóa toàn diện các quy trình giúp EVN tiết kiệm khoảng 3.000 tỷ đồng/năm, đồng thời nâng cao hiệu quả điều hành và quản trị doanh nghiệp. Trong quá trình sắp xếp, hệ thống dữ liệu khách hàng, hợp đồng, thông tin vận hành... được đồng bộ và chuyển đổi suôn sẻ giữa các đơn vị mà không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người sử dụng điện. Khách hàng vẫn được phục vụ liên tục qua tổng đài 19006769, các ứng dụng chăm sóc khách hàng, Cổng Dịch vụ công Quốc gia, với tỷ lệ giải quyết yêu cầu đúng hạn luôn duy trì trên 98%.

Từ năm 2015, EVN đã triển khai hóa đơn điện tử trên toàn quốc, sau đó phối hợp với Ngân hàng Nhà nước xây dựng chuẩn kết nối chung, mở rộng mạng lưới thanh toán không tiền mặt. Đến nay, 100% dịch vụ điện được cung cấp trực tuyến mức độ 4. Các ứng dụng chăm sóc khách hàng của EVN tích hợp đầy đủ chức năng thanh toán điện tử, tra cứu hóa đơn, giám sát tiêu thụ điện theo thời gian thực.

EVN cũng kết nối hệ thống với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, doanh nghiệp, hệ thống hóa đơn điện tử của Cục Thuế, VNeID (ứng dụng định danh điện tử)… giúp định danh khách hàng dễ dàng, rút ngắn thời gian cấp điện và giảm thủ tục hành chính.

Chuyển đổi số không chỉ hỗ trợ hoạt động nội bộ mà còn nâng cao trải nghiệm khách hàng. Trong quá trình sắp xếp, EVNNPC, EVNSPC và các tổng công ty khác đã đồng loạt thông báo thay đổi về đơn vị quản lý, thông tin giao dịch đến từng khách hàng qua nhiều kênh: ứng dụng chăm sóc khách hàng, Zalo, thông báo địa phương… Khách hàng có thể tra cứu, thanh toán và gửi yêu cầu chỉ bằng một tài khoản duy nhất trên nền tảng trực tuyến.

Chuyển đổi số - nền tảng giúp ngành điện vận hành hiệu quả sau sắp xếp - Ảnh 3.

Địa chỉ trụ sở chính của các TCT/công ty điện lực thuộc 34 tỉnh, thành phố (từ ngày 1/7/2025. Ảnh: EVN

Mô hình đội quản lý điện lực khu vực – đơn vị thay thế cho điện lực huyện không chỉ tinh gọn về tổ chức mà còn được trao quyền điều hành chủ động, sát thực tế hơn. Nhờ ứng dụng công nghệ và nền tảng quản trị số, các đội có thể phối hợp xử lý sự cố, chăm sóc khách hàng tại chỗ, nâng cao năng suất và hiệu quả hoạt động. EVNNPC cũng tổ chức đào tạo đồng bộ để đảm bảo 100% cán bộ nhân viên vận hành thành thạo hệ thống số tại đơn vị mới.

Với EVN, tập đoàn này đã chủ động truyền thông nội bộ và bên ngoài, đảm bảo người dân, doanh nghiệp nắm bắt đầy đủ thông tin sau chuyển đổi. Hệ thống nhận diện thương hiệu, website, trụ sở, biển tên… được cập nhật đồng bộ. Dữ liệu khách hàng, hợp đồng, chỉ số điện được chuyển giao đầy đủ và bảo mật.

Không chỉ dừng ở tổ chức lại bộ máy, EVN coi đây là cơ hội để cải cách mô hình vận hành theo hướng hiện đại, linh hoạt, số hóa toàn diện. Các phòng ban tại cấp công ty điện lực được tái cấu trúc theo hướng “một người – nhiều việc”, giảm mạnh lực lượng gián tiếp, tăng hiệu quả phục vụ thực tế.

Việc chuyển đổi mô hình tổ chức gắn liền với chăm lo đời sống người lao động. Các chính sách nghỉ hỗ trợ trước tuổi được thực hiện nhân văn, minh bạch. Đồng thời, lực lượng cán bộ nòng cốt được đào tạo, sắp xếp lại hợp lý theo mô hình mới.

EVN đang tiến rất gần đến mục tiêu trở thành doanh nghiệp số vào năm 2025. Trong hành trình ấy, chuyển đổi số không chỉ là giải pháp công nghệ, mà là phương thức quản trị mới – lấy khách hàng làm trung tâm, tăng năng suất lao động, giảm chi phí, minh bạch hóa hoạt động.

Văn Giáp/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link