Chuyên đề 'Thể thao Việt Nam và thách thức Top 50 Olympic': Từ Đại hội TDTT toàn quốc đến giải VĐQG

22/07/2025 05:55 GMT+7 | Thể thao

Tại Hội nghị Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của ngành VH, TT&DL được tổ chức vào ngày 17/7, ông Nguyễn Hoàng Danh Việt, Cục trưởng Cục TDTT Việt Nam, cho biết Cục đã trình cho Bộ đề án tổ chức Đại hội TDTT toàn quốc lần X-2026, một sự kiện mang tính bản lề, làm căn cứ hoạch định chính sách phát triển tương lai trong bối cảnh số địa phương trên cả nước đã giảm còn 34.

Do diễn ra theo chu kỳ 4 năm/lần nên đôi khi Đại hội TDTT toàn quốc ít được bàn luận thường xuyên về vai trò trong sự phát triển của thể thao quốc gia. Trong các chiến lược phát triển cũng vậy, thường chỉ được nhắc đến một cách vắn tắt. Tuy nhiên, khi số tỉnh-thành cả nước đã giảm đáng kể, có nhiều yếu tố của Đại hội TDTT toàn quốc đã thay đổi.

Căn cứ theo các Đại hội TDTT gần nhất, thì 3 đoàn đứng đầu sẽ chiếm khoảng 40-45% tổng số HCV, và tốp 10 sẽ chiếm 70-75% các chức vô địch. Khi sáp nhập các tỉnh-thành, các con số này còn tăng lên, như trường hợp của TP.HCM hay Đà Nẵng, An Giang, những đoàn thường xuyên có mặt trong tốp 3, tốp 10 nay chắc chắn còn mạnh hơn trước.

Một yếu tố khác: 10 kỳ Đại hội thì hết 7 lần đã diễn ra ở Hà Nội và TP.HCM, những nơi có sẵn cơ sở vật chất hàng đầu quốc gia. Điều này cho thấy Đại hội TDTT toàn quốc không tác động mạnh đến thành tích thi đấu lẫn cơ hội đầu tư đối với các địa phương. Như hồi năm 2018, lẽ ra An Giang là nơi đăng cai nhưng phút cuối tỉnh không có ngân sách để nâng cấp cơ sở vật chất nên phải chuyển ra Hà Nội. Điều đáng nói là đồng bằng sông Cửu Long chưa lần nào tổ chức Đại hội.

Nếu duy trì Đại hội TDTT toàn quốc thì điều dễ nhận thấy nhất chính là sự phân hóa thành tích sẽ lớn hơn sau khi sáp nhập tỉnh – thành. Nhưng cũng có điều tích cực, đó là khả năng xuất hiện nhiều địa phương muốn đăng cai nhờ có sự thay đổi đáng kể về tiềm lực kinh tế, thành tích.

Chuyên đề "Thể thao Việt Nam và thách thức Top 50 Olympic": Từ Đại hội TDTT toàn quốc đến giải VĐQG  - Ảnh 1.

Đại hội TDTT toàn quốc là sân chơi thể thao lớn nhất toàn quốc. Ảnh: tdtt.gov.vn

Điểm mấu chốt là liệu Đại hội TDTT toàn quốc có đủ sức hút và quan trọng để địa phương quyết tâm đầu tư tranh quyền tổ chức hay không. Nói cách khác, Đại hội TDTT toàn quốc cần có sự thay đổi về hình thức, mục tiêu nhằm tăng ý nghĩa và vai trò của mình.

Tuy nhiên, nếu phải thay đổi, thì nhiều ý kiến cho rằng nơi cần tập trung thảo luận nhất chính là các giải vô địch quốc gia. Trong bài tham luận của mình, Cục trưởng Nguyễn Hoàng Danh Việt cũng cho biết ngành thể thao đang tính toán điều chỉnh hệ thống thi đấu quốc gia hiện nay đề làm sao đảm bảo quyền lợi cho các VĐV. Thực tế cho thấy rất nhiều giải VĐQG của chúng ta đang ở trong tình trạng "có cũng được, không có cũng… không sao" khi mà số lượng đoàn tham gia quá ít.

Có môn mỗi năm chỉ thi đấu 1-2 giải, nhưng mỗi giải chỉ có trên dưới 10 đơn vị, cạnh tranh cũng chỉ là các tuyển thủ quốc gia với nhau thế nên mất đi ý nghĩa "vô địch quốc gia" vốn là để kiểm tra, đánh giá sự phát triển chung. Với những giải VĐQG như vậy thì đến Đại hội TDTT toàn quốc, có lẽ chất lượng thi đấu của môn thể thao đó cũng chẳng có gì khác biệt.

Khi số lượng địa phương giảm nhiều, chính là thời điểm quan trọng để nâng cấp hệ thống thi đấu quốc gia mà điều quan trọng nhất phải là sự tham gia đầy đủ của các địa phương.

Hoàn toàn có thể lấy mô hình của bóng đá: Nơi mạnh thì chơi ở V-League 1, yếu hơn thì V-League 2, làm sao để địa phương nào cũng "phủ sóng" được đa số các môn thể thao thành tích cao, có đội thể thao đỉnh cao để làm điểm tựa phong trào.

Với hệ thống giải vô địch như vậy, tự nhiên giá trị của Đại hội TDTT sẽ tăng lên thay vì chỉ là một "phiên bản 4 năm" của giải VĐQG hằng năm.

Long Khang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link