Chuyên đề Thể thao Việt Nam và thách thức Top 50 Olympic: Làm gì với 'siêu trung tâm'?

26/05/2025 05:32 GMT+7 | Thể thao

Trước khi sáp nhập các địa phương, TP.HCM vốn đã là trung tâm thể thao hàng đầu quốc gia, chỉ đứng sau Hà Nội. Hiểu một cách đơn giản, nếu hoàn thành việc sáp nhập với Bình Dương và Bà Rịa-Vũng Tàu thì TP.HCM hẳn sẽ là một "siêu trung tâm" với những yếu tố gần như không có địa phương nào có thể sánh bằng.

Chưa bàn đến những xung lực đặc biệt dựa trên việc sáp nhập, chỉ nói về các con số theo phép cộng cơ bản, thì GDP lẫn qui mô dân số, diện tích của TP.HCM đều gấp đôi, gấp 3 so với các địa phương khác. Riêng về khía cạnh thành tích, căn cứ vào kỳ Đại hội TDTT toàn quốc gần nhất (năm 2022), thì TP.HCM đứng thứ 2 toàn đoàn, Bình Dương thứ 8 còn Bà Rịa Vũng Tàu xếp thứ 19 trong tổng số 65 đơn vị có huy chương, được xếp hạng. Riêng số VĐV gộp lại sẽ đông nhất, còn số HCV chỉ thua sít sao (5 chiếc) so với đoàn dẫn đầu  Hà Nội.

Riêng lẻ đã thế, gộp lại đương nhiên còn mạnh hơn. Chưa kể với sự vượt trội về kinh tế, dân số - các yếu tố quyết định nội lực của một nền thể thao – cũng như cơ sở hạ tầng gần như đầy đủ, có thể khẳng định ngay là TP.HCM sẽ nhanh chóng vươn lên đứng số 1 quốc gia và vị thế này sẽ rất khó thay đổi trong tương lai.

Chính vì thế, câu hỏi đặt ra đó là TP.HCM sẽ có chiến lược gì cho thể thao thành phố sau sáp nhập. Không thể đặt ra mục tiêu như "hàng đầu quốc gia" vì đó đã là "vạch xuất phát" mới của TP.HCM rồi. Khái niệm "siêu trung tâm thể thao" có lẽ là không quá khoa trương đối với TP.HCM.

Trước đây, thành phố đã có sẵn nền tảng công nghệ trong việc huấn luyện, thi đấu và hoạt động xã hội hóa đạt đến mức cao nhất so với các tỉnh, thành khác. Nay các "điểm nghẽn" như quỹ đất, nguồn VĐV trẻ đã có thể giải quyết dựa trên thế mạnh của Bình Dương, cộng với sự khác biệt của các môn thể thao biển, gắn liền với du lịch được bổ sung bởi Bà Rịa-Vũng Tàu.

Chuyên đề "Thể thao Việt Nam và thách thức Top 50 Olympic": Làm gì với “siêu trung tâm”? - Ảnh 1.

SVĐ Thống Nhất cần được cải tạo và nâng cấp để phù hợp với quy mô của một “siêu trung tâm” như TP.HCM. Ảnh: Minh Hoàng

Có thể nói, TP.HCM sau khi sáp nhập đã được giải phóng toàn bộ năng lượng để hình thành một "siêu trung tâm" cả về công tác đào tạo huấn luyện lẫn hoạt động kinh tế thể thao.

Tuy nhiên, kỳ vọng ấy không dễ thực hiện. Tại Hội nghị thảo luận dự thảo đề án sắp xếp Sở Văn hóa&Thể thao TP HCM và Sở VH, TT&DL hai tỉnh Bình Dương và Bà Rịa-Vũng Tàu, ông Trần Thế Thuận, Giám đốc Sở Văn hóa&Thể thao TP.HCM, nhấn mạnh: "Không có tư duy sáp nhập đơn vị này vào đơn vị kia, mà là "hợp nhất" để phát huy tối đa thế mạnh của từng địa phương, bổ sung và bổ khuyết cho nhau, hình thành một siêu trung tâm văn hóa - thể thao hàng đầu quốc gia". Điều này cho thấy những nhà quản lý cũng nhìn thấy các thách thức sau khi sáp nhập. Vấn đề còn lại là lộ trình để TP.HCM trở thành một "siêu trung tâm thể thao".

Nếu chỉ tính riêng về thành tích thi đấu hay đóng góp vào nền thể thao quốc gia, thì TP.HCM không có gì lo lắng. Ở 2 kỳ SEA Games gần nhất, các VĐV của TP.HCM đều thi đấu thành công, nằm trong tốp 3 về số huy chương của đoàn thể thao Việt Nam. Nên nếu chờ đợi từ một "siêu trung tâm" thì đó có những đột phá về kinh tế thể thao, năng lực tổ chức các sự kiện quốc tế hàng đầu và các mô hình chuyên nghiệp tiên tiến.

Nhưng đó lại chính là những tồn tại mà TP.HCM hiện nay vẫn chưa tìm ra lời giải. Việc sáp nhập với Bình Dương và Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ không giải quyết được các khó khăn trong việc triển khai khu liên hợp thể thao Rạch Chiếc.

Theo chu kỳ đăng cai SEA Games, thì sau 10 năm nữa, Đại hội này sẽ quay lại Việt Nam, đó là cơ hội để TP.HCM nhận quyền tổ chức nhưng để làm được điều đó thì ngay từ bây giờ, hệ thống cơ sở vật chất của TP.HCM phải có những chuyển động mạnh mẽ vì trên thực tế, kể cả khi có gộp những địa điểm tại Bình Dương và Bà Rịa-Vũng Tàu vào thì vẫn không đáp ứng được yêu cầu. 

Long Khang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm
90 tv soi kèo hôm nay Keonhacai1 90ph tv bong da tv Gái Xinh mitomtv mitom link